Asean thông qua tuyên bố nhân quyền - Dân Làm Báo

Asean thông qua tuyên bố nhân quyền

Người dân Campuchia biểu tình hôm 16/11 ở Phnom Penh kêu gọi Asean cải thiệ̣n nhân quyền và dân chủ

BBC - Các nhà lãnh đạo hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) vừa thông qua một tuyên bố chung về nhân quyền bất chấp lời kêu gọi chưa nên thông qua từ một số nước và tổ chức, trong đó có Hoa Kỳ.

Những người chỉ trích cho rằng tuyên bố nhân quyền này, được thông qua vào sáng Chủ nhật ngày 18/11, hàm chứa những lỗ hổng mà họ lo ngại sẽ bị các chính phủ lợi dụng để tiếp tục đàn áp.

Không bắt buộc

Mười vị lãnh đạo các nước Asean đã ký thông qua bản Tuyên bố nhân quyền Asean tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia nơi họ đang họp thường đỉnh thường niên.

Tuyên bố không có tính bắt buộc này kêu gọi chấm dứt các hình thức tra tấn, bắt giữ vô lý cũng như các hình thức xâm phạm nhân quyền khác vốn lâu nay vẫn là quan ngại ở khu vực Đông Nam Á mà các nhà hoạt động nhân quyền đã từng mỉa mai là ‘câu lạc bộ các nhà độc tài’.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Asean đã gọi bản tuyên bố vừa được thông qua này là cột mốc của khối bất chấp những khiếm khuyết. Họ lý giải rằng văn kiện này sẽ giúp củng cố những cải cách dân chủ ở các nước thành viên như Miến Điện.

Nhà ngoại giao Philippines Rosario Manalo được hãng tin Mỹ AP dẫn lời nói điều quan trọng là những quốc gia ‘kém dân chủ’ trong khu vực cũng đã ủng hộ tuyên bố về nhân quyền này.

Ra đời vào năm 1967 với tư cách khởi thủy là một khối chống sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản trong thời Chiến tranh Lạnh, Asean đã có những bước đi yếu ớt trên vấn đề nhân quyền trong một khu vực rộng lớn có đến 600 triệu dân.

"Cuối cùng thì Asean cũng chạm đến được vạch về đích với một tuyên bố khiếm khuyết không đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế."

Phil Robertson, giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức theo dõi nhân quyền

Hồi năm 2007, khối này có cam kết ủng hộ luật pháp quốc tế và nhân quyền nhưng vẫn bảo lưu một nguyên tắc nền tảng của họ là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Đây được xem là một lỗ hổng để các quốc gia thành viên có thể tự do vi phạm nhân quyền mà Asean không thể làm gì được.

Đến năm 2009, khối này cho ra mắt một ủy ban có nhiệm vụ thúc đẩy nhân quyền nhưng lại không có quyền điều tra các vi phạm hay xét xử những bên vi phạm.

‘Có thể hạn chế’

Trong tuyên bố mới này, các nhà lãnh đạo Asean cam kết sẽ thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cùng với ‘dân chủ, pháp trị và quản trị tốt’.

Tuy nhiên một số điều khoản trong tuyên bố này nói nhân quyền có thể bị hạn chế vì những lý do an ninh, trật tự công cộng hoặc đạo đức.

Tuyên bố này cũng nói rõ rằng ‘việc thực thi nhân quyền phải được xem xét trong bối cảnh khu vực và từng quốc gia với hoàn cảnh chính trị, kinh tế, pháp lý, xã hội, văn hóa, lịch sử và tôn giáo khác nhau’.

"Đây là một bước đi rất quan trọng của Asean."

Ngoại trưởng Miến Điện Wunna Maung Lwin

Các nhóm hoạt động nhân quyền đã chỉ trích rằng những điều khoản như vậy có thể bị lạm dụng để bào chữa cho sự vi phạm nhân quyền.

“Cuối cùng thì Asean cũng chạm đến được vạch về đích với một tuyên bố khiếm khuyết không đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế,” ông Phil Robertson, giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức theo dõi nhân quyền, nhận xét.

Washington đã bày tỏ quan ngại bên cạnh các thành viên Asean khác như Indonesia và Philippines. Các nước này đã dọa không ủng hộ tuyên bố nhân quyền trừ phi Asean đồng ý thêm vào một đoạn nói rằng họ cam kết thực thi tuyên bố này.

Ngoại trưởng Miến Điện Wunna Maung Lwin nói với hãng tin AP rằng nước ông hoan nghênh Tuyên bố nhân quyền của khối và sẽ tuân thủ.

“Đây là một bước đi rất quan trọng của Asean,” ông bình luận.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo