Thành Tâm (Toquoc) - “Chính việc phân cấp quá mạnh khiến cấp xã mặc dù không có chuyên môn cũng như năng lực vẫn được giao các nhóm dự án vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng. Dự án càng lớn chính quyền xã càng vẽ to ra”.
Đó là một trong những bất cập của đầu tư công hiện nay được nêu ra tại Hội thảo Đổi mới công tác kế hoạch và đầu tư công do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 6/11.
Theo TSKH. Võ Đại Lược- Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, tuy 63 tỉnh thành của Việt Nam có quy mô dân số và lãnh thổ nhỏ nhưng thực tế quyền tự chủ về quy hoạch phát triển, phân cấp đất, quyết định xây dựng các cơ sở hạ tầng lại tương đối lớn.
Ảnh minh họa. (Internet) |
“Hệ quả là Việt Nam đang có tới 63 nền kinh tế tỉnh thành và một nền kinh tế toàn quốc, tỉnh thành nào cũng phấn đấu trở thành những nền kinh tế công nghiệp - có các khu cụm công nghiệp, có sân bay, bến cảng, trường đại học, cao đẳng, đài truyền hình và phát thanh riêng...”, ông Võ Đại Lược bày tỏ.
Cùng đó, theo Luật ngân sách năm 2004, để tạo chủ động cho các đơn vị, ngoài nhóm dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định, thì các dự án nhóm A (từ 200 tỷ đồng trở lên), nhóm B (từ 30 tỷ đồng đến 600 tỷ đồng) và nhóm C (từ 30 tỷ đồng trở xuống) đều được phân chia cho các ngành và địa phương tự xét duyệt, chỉ có một số rất ít do Thủ tướng phê duyệt (theo Nghị định số 16 năm 2005 của Chính phủ).
“Rõ ràng, các ngành, địa phương được toàn quyền thẩm định và quyết định đầu tư. Đầu tư công gần như đang được “khoán trắng”. Việc giám sát kiểm tra chỉ mang tính chiếu lệ, hình thức, không có chế tài, kỷ luật nghiêm ngặt. Do vậy việc quản lý, điều chỉnh vĩ mô trong đầu tư công đã bị buông lỏng”, chuyên gia nói.
Để chứng minh cho hiện trạng này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cũng chia sẻ: “Ngay đến cấp xã mặc dù không có chuyên môn cũng như năng lực vẫn được giao cho các nhóm dự án vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ. Dự án càng lớn chính quyền xã càng vẽ to ra, đáng lẽ dự án xây trụ sở xã hết 3 tỷ nhưng đã vẽ ra thành 6 tỷ”.
Trong khi đó, chính quyền cấp huyện không thể giám sát được việc xã thực hiện dự án tiết kiệm hay không vì không có cơ chế, nếu có huyện chỉ giám sát được trình tự thủ tự đầu tư.
Chuyển sang kế hoạch đầu tư trung hạn
Để giải quyết những hạn chế của kế hoạch đầu tư hàng năm, Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố dự thảo Nghị định kế hoạch đầu tư trung hạn.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang có rất nhiều yếu kém trong quản lý chi tiêu ngân sách và hiệu quả chi tiêu ngân sách thấp thì kế hoạch trung hạn trong đầu tư công cần đảm bảo một số yếu tố như: cơ sở dữ liệu mang tính hệ thống, chính xác, kỷ luật tài khóa cần phải được tôn trọng và đặc biệt phải có sự thay đổi tư duy của các cấp lãnh đạo.
Ngoài ra, việc nhanh chóng ban hành Luật Đầu tư công theo thông lệ quốc tế cũng như sửa đổi các Luật liên quan như: Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách, Luật Đất đai, Luật Phòng chống tham nhũng v.v... cũng là yếu tố góp phần tái cơ cấu đầu tư công.
Riêng với vấn đề phân cấp, ông Vũ Xuân Tiền-Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam cho rằng, việc dựa vào quy mô của dự án (nhóm A, B, C) để phân bổ về địa phương là đúng nhưng chưa đủ. Bởi, các địa phương có thể "xé nhỏ" một dự án nhóm A thành nhiều dự án nhóm C.
Do đó, trước mắt phải xây dựng một cấp quản lý vùng có các quyền quyết định quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng, quyết định quy hoạch và xây dựng các kết cấu hạ tầng của vùng, quy hoạch và xây dựng các đô thị, các khu công nghiệp, các trường đại học trong phạm vi vùng.
Việc công khai, minh bạch về nguồn vốn đầu tư, danh mục dự án đầu tư công cũng là giải pháp để ngăn chặn tình trạng "chạy dự án" đang rất phổ biến tại các địa phương hiện nay./.