Nguyễn Huy Canh (Blog Phạm Viết Đào) - Mấy ngày nay quá nhiều sự kiện; Hết sự cố Phương Uyên làm cho tất cả những người có lương tri phải giận, phải cảm đau và đầy nỗi lo âu cho thân phận của con người trong xã hội cường quyền đầy bất an này, lại đến bài viết giáo điều,và cực kì ngu xuẩn của ông già Nguyễn Đức Bình trên trang báo QĐND. Chính ông ta là tác giả, là cố vấn của phạm trù "làm chủ tập thể" mà ông Duẩn đã đưa nó vào đời sống. Kết quả đã đẩy cả dân tộc chúng ta đến đói nghèo, kiệt quệ, chao đảo bên bờ vực...
Chính những người nông dân, chính tiếng kêu đứt ruột của thực tiễn đã cho chúng ta đến với chủ nghĩa tư bản bằng việc tiếp nhận thành phần kinh tế tư nhân tư bản chủ nghĩa, tiếp nhận kinh tế thị trường. Chủ nghĩa cộng sản với những người sáng lập ra nó rất nổi tiếng cũng như những môn đệ của họ, đó LENIN,STANIN, MAO TRẠCH ĐÔNG, KHƠ ME ĐỎ... và bây giờ là những nhà lãnh đạo TQ trong sự kiện Thiên an môn đẫm máu, buôn bán nội tạng của những người theo Pháp công luân cực kì tàn ác; còn ở ta, Cải cách ruộng đất, vụ án nhân văn-giai phẩm, hậu nhân văn giai phẩm, và các trại cải tạo tập trung các cán bộ, quân nhân VNCH, rồi hàng vạn thuyền nhân bỏ nước ra đi...và những giọt nước mắt của cháu Phương Uyên bé bỏng cùng người mẹ già của cháu vẫn không làm cho cái đầu già đức Bình này sám hối, tỉnh ngộ... Ông Nguyễn Đức Bình vẫn mù lòa nói về sự đúng đắn của học thuyết ấy, của con đường lên CNXH.
Ông Nguyễn Đức Bình (ảnh trái) không hề nhìn thấy nỗi khổ đau tận cùng của những người nông dân trong phạm trù"sở hữu toàn dân về đất đai", ông ta không hề nhìn thấy CNXH về thực chất là một chế độ dân chủ nửa vời, là độc tài chuyên chính của số ít với toàn bộ nhân dân còn lại; Cái CNXH mà ông Nguyễn Đức Bình đang cổ súy, đanh kiên định áy chính là "cái sân sau" mang danh các tập đoàn, nhóm lợi ích này nọ của một số kẻ ăn trên ngối trốc mang danh, nhãn, thương hiệu Đảng, Chính phủ của dân, do dân và vì dân... Có lẽ cũng chính ông Bình cũng là người chấp bút cho bài nói chuyện của cụ Tổng bên Cu Ba đầy tai tiếng cũng nên ?!
Ôi muốn thét lên mà không sao thét được để những mong xiềng xích giáo điều đứt tung ra, những lí thuyết cũ kĩ của thế kỉ xa xưa phải được chôn vùi trong bao máu và nước mắt khổ đau của nhân dân này...
Ông Nguyễn Đức Bình hãy mở mắt ra mà xem đồng hương Hà Tĩnh của ông mấy ngày hôm nay đang làm gì tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng trước cửa trụ sở Chính phủ ?
Một thương binh già từ Hà tĩnh
(Hình ảnh từ nguồn Blog Lê Hiền Đức )
*
Bài viết của Gs Mù:
Kỷ niệm 95 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 / 7-11-2012) -
Chủ thuyết chính trị Việt Nam trong thời đại ngày nay
Nguyễn Đức Bình (QĐND) - Chỉ có chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa duy vật lịch sử mới có thể giúp nhận thức thâm nhập sâu vào bên trong quá trình lịch sử, từ đó phát hiện ra lô -gích của lịch sử và trên cơ sở đó mới giúp nhận thức tái hiện được một cách thật sự khoa học bản chất các thời đại lịch sử xã hội thế giới. Chủ nghĩa Mác xuất phát từ chỗ, trong hoạt động sản xuất xã hội, con người không chỉ có quan hệ với tự nhiên mà còn có những quan hệ nhất định, tất yếu với những con người khác, tức quan hệ sản xuất, những quan hệ này phù hợp với một trình độ nhất định của lực lượng sản xuất. Quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất hợp thành phương thức sản xuất, tạo nên cơ sở kinh tế trên đó mọc lên kiến trúc thượng tầng chính trị, tư tưởng, pháp luật, văn hóa v.v.. Và chính biện chứng của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là động lực cơ bản của sự vận động lịch sử, là nguồn gốc sâu xa của các cuộc cách mạng xã hội, đưa đến sự chuyển biến từ hình thái kinh tế -xã hội này lên hình thái kinh tế -xã hội khác cao hơn. Lý luận mác -xít về 5 hình thái kinh tế -xã hội chính là kết quả khái quát quá trình vận động tiến lên của lịch sử thế giới, là lô -gích của lịch sử xét trên quy mô toàn cầu thế giới (tất nhiên có những trường hợp ngoại lệ). Lịch sử thế giới không gì khác là lịch sử ra đời, phát triển, rồi suy vong của các hình thái kinh tế -xã hội, là lịch sử thay thế lẫn nhau hợp quy luật giữa các hình thái kinh tế -xã hội từ thấp lên cao. Đó chính là cơ sở khách quan, khoa học, cơ sở thực tiễn và lý luận để nói về thời đại, để xác định các thời đại lịch sử. Bàn về thời đại lịch sử xã hội, do đó, không thể không xuất phát từ cách tiếp cận hình thái kinh tế -xã hội. Phương pháp tiếp cận này không đối lập, không loại trừ phương pháp tiếp cận theo nền văn minh, trái lại chúng bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Chẳng phải Ph.ăng -ghen đã từng đề cập tới thời đại mông muội, thời đại dã man, thời đại văn minh trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước đó sao! Tuy hai phương pháp tiếp cận hình thái và tiếp cận theo nền văn minh có thể bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, nhưng khi bàn về thời đại lịch sử xã hội thế giới thì căn bản phải dựa vào phương pháp tiếp cận hình thái kinh tế -xã hội, dựa vào phương pháp luận duy vật lịch sử, phương pháp khoa học duy nhất, không gì có thể thay thế.
Định nghĩa thời đại hiện nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội dựa chắc trên cơ sở phương pháp luận khoa học đó.
III- Tiếp tục đi con đường thời đại, kiên định, đổi mới, sáng tạo
ý kiến bác bỏ sự khẳng định rằng, thời đại chúng ta vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, là một bước lùi về lập trường chính trị cơ bản, một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Bởi vì, nếu thời đại hiện nay không còn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới nữa, thì đất nước Việt Nam chúng ta, Đảng Cộng sản Việt Nam từ nay sẽ đi theo con đường nào? Và nếu vậy, thì phải chăng Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam đã lỗi thời, không còn căn cứ thời đại!
1- "Chuyển đổi" sang con đường tư bản chủ nghĩa chăng? Đã có "kiến nghị" như thế. Tuy nhiên, nhân dân không thể đồng tình. Đúng là sau thảm họa sụp đổ mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Đông âu, chủ nghĩa tư bản căn bản chiếm lĩnh phần lớn trận địa thế giới. Nhưng vận mệnh và tiền đồ chủ nghĩa tư bản sẽ như thế nào?
Chủ nghĩa tư bản đã có lịch sử 500 năm. Nó đã có đóng góp to lớn cho lịch sử nhân loại. Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra lực lượng sản xuất không những đồ sộ mà ngày càng hiện đại, tinh xảo, tinh vi, những máy móc "thông minh", những vật liệu, năng lượng kỳ diệu v.v.. Với nền đại công nghiệp, nó đã tạo ra thị trường thế giới thay cho tình trạng biệt lập trước đó của các địa phương và các dân tộc vốn trong nền kinh tế tự cung tự cấp. Do xâm chiếm thuộc địa, bóp nặn thị trường thế giới, chủ nghĩa tư bản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng của tất cả các nước mang tính thế giới. Chính chủ nghĩa tư bản đã có công làm cho lịch sử biến thành lịch sử thế giới. Nhưng đó là thế giới gì?
Trước Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, đó toàn thị là thế giới tư bản bao gồm các "chính quốc" và cả hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Từ sau Tháng Mười năm 1917 đến 1991, thế giới phân chia thành hai hệ thống đối lập. Sau khi mô hình của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông âu giải thể, chủ nghĩa tư bản chiếm lĩnh đa phần thế giới, bản đồ chính trị thế giới thay đổi căn bản. Lịch sử phải chăng "kết thúc" ở chủ nghĩa tư bản, tột đỉnh của văn minh loài người? Thực tiễn thế giới "hậu Xô -viết" đã sớm bác bỏ kết luận sai lầm ấy. Một điều cần ghi nhận: Ngày nay, ít ai còn mang ảo tưởng chủ nghĩa tư bản sắp chết đến nơi. Nhưng, rõ ràng là số người tin tuyệt đối vào sức sống vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản cũng ngày càng ít dần. Xem ra đa số đánh giá: Chủ nghĩa tư bản còn lâu mới tiêu vong nhưng cuối cùng nhất định không tránh khỏi tiêu vong.
Thật ra sức sống còn lại của chủ nghĩa tư bản mà đôi khi có người choáng ngợp, một phần do nó vốn chưa thật cạn kiệt, còn một phần rất quan trọng là do những yếu kém, sai lầm dẫn đến sụp đổ cay đắng một mảng lớn chủ nghĩa xã hội hiện thực. Một sự thật nữa cũng đáng lưu ý là tâm trạng hoan hỉ của phương Tây trước sự sụp đổ của Liên Xô chỉ là nhất thời. Sau đó, khi không còn địch thủ đáng gờm phải đối mặt, thì những đầu óc ít nhiều tỉnh táo, sáng suốt của các học giả và chính khách phương Tây bình tĩnh quay về nhìn lại bản thân chủ nghĩa tư bản, đã kịp thời cảnh báo: Coi chừng nguy cơ đe dọa vận mệnh của chủ nghĩa tư bản vốn không phải từ phía chủ nghĩa xã hội, từ Liên Xô, mà chính từ ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản. Rõ ràng, chủ nghĩa tư bản cũng đang "tự phản tỉnh", "tự phê phán", đang thấy khó mà tự duy trì nếu không có phép gì màu nhiệm hơn những phép đã dùng gần như cạn kiệt để tự điều chỉnh, thích nghi. Những khái niệm "xã hội hậu tư bản", hay "chủ nghĩa tư bản mới", "chủ nghĩa tư bản nhân dân" v.v.. mà một số học giả phương Tây ưa dùng nói lên hai mặt. Nó vừa là một sự ngụy biện rằng, chủ nghĩa tư bản đã không còn là chủ nghĩa tư bản nữa vì nó không còn bóc lột; vừa là -về khách quan -mặc nhiên thừa nhận chế độ tư bản đích thực, truyền thống, nguyên xi như bản thân nó đã hết lý do tồn tại, đã hết khả năng tự biện minh. Có nghĩa là, bản thân các nhà tư tưởng tư sản cũng đã mất niềm tin ở chính chủ nghĩa tư bản, đã mặc nhiên và gián tiếp phải nói đến một chế độ mới đang gõ cửa chủ nghĩa tư bản. Qua các cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế vừa diễn ra, một số chính khách lớn phương Tây cũng dao động, giảm sút niềm tin ở chính chủ nghĩa tư bản. Tổng thống Pháp N.Xác -cô-di phải nói đến cải tổ chủ nghĩa tư bản và "đạo đức hóa" chủ nghĩa tư bản! ông ta có bức ảnh chụp đang đọc "Tư bản luận" của C.Mác. Bộ trưởng Tài chính Đức đang tìm hiểu chủ nghĩa Mác mong tìm lối ra cho khủng hoảng. Một đạo diễn người Đức có ý định làm phim về C.Mác. Một số học giả Mỹ và châu âu nói "chủ nghĩa tư bản đang ở thế thoái trào". Dẫn ra những hiện tượng trên, Nhật báo Kinh tế Thụy Điển khẳng định: "Chính do khủng hoảng hiện nay mà sự hồi sinh chủ nghĩa Mác trở thành tất yếu". Tất nhiên, chúng ta không ảo tưởng rằng họ đã đi đến từ bỏ chủ nghĩa tư bản.
2- Vậy là thế giới đổi thay, nhưng thời đại không thay đổi. Đảng ta, nhân dân ta, đất nước ta, nhất quyết tiếp tục đi con đường thời đại -con đường xã hội chủ nghĩa. Với tư tưởng kiên định nhưng thường xuyên đổi mới, sáng tạo phù hợp những thay đổi của thực tiễn thế giới đang không ngừng thay đổi.
Nắm vững thời đại không thể dừng lại ở bản chất thời đại nói chung, mà trong mỗi thời điểm lịch sử cần nhận rõ cách mạng đang đứng ở đâu, ở thời kỳ nào, với những đặc điểm gì. Mặt khác, không thể chỉ thấy hiện tại mà không thấy triển vọng, không thể chỉ thấy trước mắt mà không thấy xu thế cơ bản lâu dài, không thể chỉ thấy cục bộ mà không thấy toàn cục. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1991 đã sáng suốt chỉ ra một tầm nhìn, một tư tưởng chiến lược cơ bản rất đúng đắn, sâu sắc: "Chủ nghĩa xã hội hiện nay đang đứng trước những khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co, song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử".
Mâu thuẫn cơ bản nhất của thời đại ngày nay là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa xã hội vẫn tồn tại, nhưng hình thái biểu hiện đã khác trước nhiều. Đó không còn là mâu thuẫn giữa hai hệ thống thế giới đối lập, nhưng cũng không phải sau khi chủ nghĩa xã hội bị sụp đổ một mảng lớn, thì mâu thuẫn đó biến mất. Ngoài một số nước xã hội chủ nghĩa còn lại, khá có trọng lượng, phải kể đến phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, vì hòa bình, độc lập và chủ quyền dân tộc, vì dân chủ và tiến bộ xã hội. Những phong trào này vẫn là lực lượng xã hội chủ nghĩa hoặc đồng minh tự nhiên của chủ nghĩa xã hội.
Hơn nữa, cần tính đến những yếu tố mầm mống đang tồn tại trong lòng chủ nghĩa tư bản mà xu hướng khách quan của chúng là ngày càng lớn lên theo chiều phủ định những quan hệ tư bản chủ nghĩa. Học thuyết duy vật lịch sử chứng minh rằng, sự phát triển của loài người, sự chuyển biến từ hình thái kinh tế -xã hội này sang hình thái kinh tế -xã hội khác, suy đến cùng, luôn được thực hiện trên cơ sở phát triển nền sản xuất vật chất và lực lượng sản xuất của xã hội. ở giai đoạn hiện nay, sự phát triển rất cao của lực lượng sản xuất dưới tác động của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đang sinh ra những xu hướng phát triển về khách quan mang tính đối kháng với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, đồng thời tự phát tạo ra những cơ sở và tiền đề dẫn tới chế độ mới -chế độ xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên, chế độ xã hội mới không thể ra đời mà không thông qua những biến đổi cách mạng về chế độ chính trị dưới hình thức này hay hình thức khác, bằng phương pháp này hay phương pháp khác, đấu tranh vũ trang hay bạo lực hòa bình, đấu tranh nghị trường kết hợp nổi dậy của quần chúng.
Sự phát triển của lực lượng sản xuất ở giai đoạn xã hội hóa ngày càng cao hiện nay đang thúc đẩy những quá trình tập trung, sáp nhập, liên kết ngày càng cao không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả trên quy mô thế giới, không chỉ về lực lượng sản xuất mà cả sở hữu tư bản thành những hình thức "chủ nghĩa tư bản tập đoàn" của các nhà tư bản kếch xù, thậm chí siêu quốc gia.
Rõ ràng, cái vỏ tư nhân tư bản chủ nghĩa đã quá chật chội so với nội dung sức sản xuất đồ sộ mà nó chứa đựng; thậm chí quá chật chội cả với hình thức sở hữu tư bản độc quyền tư nhân. Chính chủ nghĩa tư bản -một cách khách quan -đang tự phủ định mình và đang "làm việc" chuẩn bị cho tương lai chủ nghĩa xã hội.
Từ tính chất xã hội hóa cao của sản xuất và lực lượng sản xuất, cũng xuất hiện trong các nước tư bản phát triển ngày càng nhiều nhân tố mầm mống của những quan hệ xã hội tương lai. Chẳng hạn, các công ty cổ phần trong đó có sự tham gia của người lao động vào sở hữu và quản lý. Hình thức công ty cổ phần có loại thuộc những "nhà tư bản tập thể" (Ph.ăng -ghen) hoặc "trực tiếp mang hình thái tư bản xã hội… đối lập với tư bản tư nhân" (1); có loại "nửa nọ nửa kia", một nửa thuộc các chủ tư bản vừa và nhỏ, một nửa cổ đông là những người lao động. Những xí nghiệp cổ phần tư bản chủ nghĩa, cũng như những nhà máy hợp tác, theo C.Mác, đều phải được coi là những hình thái quá độ từ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa sang phương thức sản xuất tập thể. Lại có những doanh nghiệp tự quản thuộc sở hữu của những người lao động. Ví dụ, ở Mỹ có tài liệu cho biết hơn 11 triệu người lao động đang là đồng sở hữu những doanh nghiệp này; ở Thái Lan và nhiều nước tư bản Bắc âu, hợp tác xã của những người lao động rất phổ biến trong nông nghiệp, trong thương nghiệp, trong vận tải v.v.. Vậy là, tình hình diễn ra đúng như V.I.Lê -nin từng hình dung: Ngày nay thì chủ nghĩa xã hội nhìn sang chúng ta từ tất cả các khung cửa chủ nghĩa tư bản hiện đại; chủ nghĩa xã hội đang hiện ra trực tiếp, trên thực tiễn, trong mỗi biện pháp quan trọng tạo thành một bước tiến trên cơ sở chủ nghĩa tư bản hiện đại ấy.
Một câu hỏi thường được nêu ra hiện nay là, phải đánh giá thế nào về chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa? Có người cho rằng, chủ nghĩa tư bản ở giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay có sức sống hơn bao giờ hết. Nhận định ấy nhiều lắm chỉ đúng một nửa, còn một nửa không đúng, lại là cái nửa thuộc bản chất của sự vật và quá trình. Toàn cầu hóa khi vai trò chủ đạo thuộc chủ nghĩa tư bản thì về bản chất là một quá trình đầy mâu thuẫn, một quá trình vừa hợp tác, liên kết, vừa đấu tranh, trong sâu xa là cả một cuộc đấu tranh giữa một bên là quyền lực và lợi ích chi phối, thao túng của những thế lực tư bản quốc tế, các nước lớn tư bản chủ nghĩa, với một bên là chủ quyền và lợi ích của các quốc gia dân tộc. Đó là mâu thuẫn ngay giữa các nước tư bản chủ nghĩa, giữa các tập đoàn tư bản với nhau. Đó là mâu thuẫn giữa tăng trưởng của cải với phân phối không công bằng dẫn tới phân cực giàu nghèo ngày càng tăng giữa các quốc gia và trong mỗi nước, giữa trung tâm với ngoại vi, giữa phương Bắc với phương Nam, phân cực giàu nghèo ngày càng tăng ngay trong lòng các nước tư bản phát triển. Đó là mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế với tình trạng xuống cấp của văn hóa, đạo đức xã hội. Đó là mâu thuẫn giữa hợp tác với đấu tranh. Đã hội nhập thì có hai mặt, vừa cạnh tranh quyết liệt mà vẫn phải hợp tác, bản thân hợp tác cũng lại là đấu tranh, là kết quả của đấu tranh. Một mâu thuẫn nữa đặc trưng cho các nước như Việt Nam là ngoài độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, còn có con đường xã hội chủ nghĩa mâu thuẫn với toàn cầu hóa do chủ nghĩa tư bản khống chế, với sức ép đi con đường tư bản chủ nghĩa bằng tự do hóa, tư nhân hóa kinh tế, dân chủ, nhân quyền, truyền bá tư tưởng phản động, từ đó chuyển hóa dần tổ chức, cán bộ và chế độ chính trị. Cùng với những mâu thuẫn xã hội nói trên, ngày càng nổi lên một mâu thuẫn lớn giữa xã hội với giới tự nhiên biểu hiện ở hiểm họa ngày càng tăng đối với đời sống con người do ô nhiễm và tàn phá môi trường sống, hậu quả của cuộc chạy đua vì lợi nhuận mà thủ phạm chính là các lực lượng thị trường tư bản chủ nghĩa hoặc chạy theo chủ nghĩa tư bản.
Toàn cầu hóa kinh tế, xét trên tầm nhìn rộng và lâu dài, xét về xu thế tương lai mà nó mở ra, là một nhân tố quan trọng của tiến bộ lịch sử, bởi lịch sử xã hội loài người, suy cho cùng, là từ trình độ kỹ thuật này tiến lên trình độ kỹ thuật khác, từ sức sản xuất thấp đến sức sản xuất cao, đưa đến những nấc thang cao hơn của tiến bộ xã hội và khiến "lịch sử càng biến thành lịch sử thế giới" (C.Mác), mà đỉnh cao sẽ là xã hội cộng sản văn minh. Thế nhưng, toàn cầu hóa hiện nay đang do chủ nghĩa tư bản chủ đạo là một quá trình đầy mâu thuẫn như đã đề cập.
Tóm lại, về phương diện lý thuyết, chủ nghĩa tư bản giai đoạn toàn cầu hóa tưởng như có thêm sức sống, nhưng không thể kéo dài mãi vận mệnh của nó như suy luận của một số người; trái lại, chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa ngày càng tích lũy thêm mâu thuẫn mới trên phạm vi toàn cầu cho tới khi mâu thuẫn tích tụ tới đỉnh điểm. Biện chứng "vật cực tắc phản" (Lão Tử) tất sẽ đưa chủ nghĩa tư bản đến chỗ diệt vong, đến chỗ được thay thế bằng chế độ xã hội mới tiến bộ, văn minh hơn. Có thể đến ngày nào đó, giả thuyết của C.Mác về khả năng thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong hàng loạt nước sẽ có cơ hội dễ hình dung hơn. Đồng thời, với hệ thống thế giới toàn cầu hóa phát triển rất không đều và đầy rẫy những bất bình đẳng, bất công và bất trắc, lý thuyết của V.I.Lê -nin về khả năng bùng nổ cách mạng trước hết ở những "khâu yếu trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc" càng có cơ sở. Xu thế tả hóa và hướng đến "chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI" đang nổi lên ở các nước Mỹ La -tinh là một điển hình nổi bật thức tỉnh nhiều người, và chắc chắn sẽ còn diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Trong tạp chí Die Woche của Đức, số ra ngày 28-1-2000, tác giả Jan Puhl đã viết: "Trong vòng 20 năm qua, sự bần hàn và sự thừa thãi luôn đồng hành. Sự chênh lệch ngày càng tăng có thể trở thành ngòi nổ đối với nền dân chủ (=chế độ tư bản) trên phạm vi toàn cầu". Theo ông, "quá trình toàn cầu hóa đã hợp nhất những người vô sản trên toàn thế giới vào cuộc đấu tranh mang tính toàn cầu".
Chủ tịch Câu lạc bộ Rô -ma, ông Ricardo Diez Hochleitner (người Tây Ban Nha) đã viết: "Nghèo đói không chỉ là một vấn đề nghiêm trọng đối với những người bị đụng chạm trực tiếp. Khi tình trạng bần cùng hóa vẫn tiếp diễn như hiện nay, thì có nguy cơ sẽ nổ ra một cuộc cách mạng có thể đụng chạm đến các nước giàu. Khi khoảng cách giàu nghèo tiếp tục mở rộng, thì một ngày nào đó có thể sẽ xuất hiện một ông Mác và một ông Lê -nin mới với khẩu hiệu "Những người nghèo trên toàn thế giới hãy liên kết lại". (Thông tin tư liệu số 7-2000 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
IV- Việt Nam không có con đường nào khác ngoài con đường đã lựa chọn
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh từ năm 1930 đến nay và mãi từ nay về sau là chủ thuyết cách mạng nhất quán của Việt Nam, dứt khoát không thay đổi và không ai có thể thay đổi. Chủ thuyết này đã đưa cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua đi từ thắng lợi lịch sử này đến thắng lợi lịch sử khác, hoàn thành giải phóng dân tộc, đưa cả nước quá độ từng bước lên chủ nghĩa xã hội thông qua kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự nghiệp đổi mới, sáng tạo, không bảo thủ, giáo điều, chủ quan, duy ý chí.
ở nước ta không có đất cho chủ nghĩa tư bản thống trị như một chế độ xã hội, không có đất cho một chủ thuyết chính trị nào khác khả dĩ được nhân dân chấp nhận, ngoài độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với ngọn cờ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Khách quan lịch sử mà nói, một chủ thuyết chính trị khác, chẳng hạn chủ nghĩa xã hội dân chủ ai đó đang mơ tưởng, đối lập với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dù có tô vẽ ngụy trang thế nào đi nữa thì rốt cuộc thực chất không thể gì khác là một đường lối đưa dân tộc trở lại số phận nô lệ hay phụ thuộc vào các thế lực đế quốc thực dân bên ngoài.
Trong khi khẳng định chỗ mạnh cơ bản của chủ thuyết cách mạng và phát triển Việt Nam, bên cạnh nhiều thuận lợi lớn, chúng ta vẫn không quên rằng trên con đường đi tới đích còn vô vàn khó khăn và thách thức phải đối mặt, thậm chí có những nguy cơ tiềm ẩn không thể xem thường. Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ Đại hội khóa VII (tháng 1-1994) nêu lên còn đó, bây giờ nhắc lại cũng không thừa. Có nguy cơ được giảm thiểu chừng nào, có nguy cơ vẫn giữ nguyên, có nguy cơ tăng thêm, và xem ra 4 nguy cơ còn kết chặt với nhau hơn. Với Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về chỉnh đốn Đảng, cực kỳ quan trọng trong thực hiện Di chúc Bác Hồ nhưng qua nhiều lần tổng kết cho thấy việc thực hiện chưa đạt yêu cầu. Nay Nghị quyết Trung ương 4 (Đại hội XI) đang tích cực triển khai để kiên quyết thực hiện kỳ được.
Đi đôi với chống các nguy cơ, hoạt động cơ bản của toàn Đảng, toàn dân ta hiện nay và lâu dài phải hướng chủ yếu vào xây dựng, sáng tạo. Về độc lập dân tộc còn vấn đề không? Còn và còn từ hai mặt chiến lược gắn kết với nhau là vừa bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia, vừa xây dựng, phát triển đất nước. Phải bảo vệ vững chắc Tổ quốc, và phải nhớ lời dạy của Bác Hồ: Độc lập rồi mà dân không được tự do, ấm no, hạnh phúc thì độc lập không có ý nghĩa gì. Nghĩa là, theo Bác, phải xây dựng cho được chủ nghĩa xã hội mới có độc lập dân tộc thực sự và vững bền.
Độc lập dân tộc ngày nay phải dựa trên căn bản kinh tế. Kinh tế không mạnh thì quốc phòng tất nhiên cũng yếu. Nước ta vốn là nước nông nghiệp lạc hậu, kém phát triển. Tình trạng này nếu không được vượt qua thì rồi độc lập dân tộc cũng lâm vào nguy cơ. Ngay bây giờ, dù đã qua bao công sức xây dựng và đổi mới nhưng kinh tế nước ta vẫn chưa ra khỏi tình trạng gia công, lắp ráp, "làm thuê" cho nước ngoài. Ta chưa có nền công nghiệp chế tạo, chế biến công nghiệp nặng sản xuất tư liệu sản xuất với công nghệ cao, trong khi thế giới đang đi vào kinh tế hậu công nghiệp, kinh tế tri thức, kinh tế toàn cầu. Trong điều kiện đó, nếu không bứt phá lên thật nhanh thì kinh tế nước ta còn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, không thể nào có độc lập tự chủ chẳng những về kinh tế mà cả về các mặt khác, ngay cả mặt chính trị. Có người nói trong toàn cầu hóa đa mô hình thì định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ là một. Không có nước nào duy nhất chỉ có chủ nghĩa xã hội cũng như không có nước nào duy nhất chỉ có chủ nghĩa tư bản. Bởi vì chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản đích thực đã tìm rất nhiều mô hình để có thể tổng tích hợp vào nhau. ý kiến này thật quá mơ hồ.
Toàn cầu hóa hiện nay đang do chủ nghĩa tư bản chủ đạo là một quá trình đầy rẫy những mâu thuẫn như đã nói ở các phần trên, nhưng không nước nào có thể đứng ngoài quá trình toàn cầu hóa. Nước ta đã và đang chủ động tích cực hội nhập kinh tế toàn cầu với ý thức đầy đủ tranh thủ mặt lợi, tránh những tác động tiêu cực, có hại. Tuyệt đối hóa một cách phiến diện mặt nào cũng không đúng. Về mặt tích cực, nước ta thông qua hội nhập kinh tế quốc tế, tranh thủ cho được lợi thế của nước đi sau, kế thừa cho được những thành quả văn minh loài người được tạo ra dưới chế độ tư bản. V.I.Lê -nin sẵn sàng đổi một tá người cộng sản không biết làm việc lấy một chuyên gia tư sản giỏi và Người chỉ cho nước Nga: "Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt của nước ngoài: Chính quyền Xô -viết + trật tự ở đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các tơ -rớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ etc.etc. + + ? (tổng số, tổng kết lại) = chủ nghĩa xã hội" (2). Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế ngày nay, tư tưởng đó của V.I.Lê -nin có điều kiện thực thi rộng rãi chưa từng có nhất là đối với các nước lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản, quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó có nước ta.
So với các nước phát triển, ở các nước kém phát triển cách mạng xã hội chủ nghĩa bắt đầu có thể tương đối dễ, nhưng để đưa đến đích cuối cùng, trọn vẹn chủ nghĩa xã hội, thì khó khăn hơn rất nhiều. Nước ta, trải qua những cách làm sai trước thời kỳ đổi mới (1986), đã đem lại những bài học thấm thía cho thấy không được ảo tưởng, chủ quan, duy ý chí, bất chấp quy luật khách quan.
Trọng tâm trong chủ thuyết cách mạng và phát triển Việt Nam hiện nay là quá độ từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đối với những nước lạc hậu về kinh tế, V.I.Lê -nin nhấn mạnh thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là rất lâu dài, rằng trong cả thời kỳ quá độ phải có hàng loạt bước quá độ. Rõ ràng, với nền kinh tế nhiều thành phần, nước ta phải trải qua rất nhiều bước đẩy mạnh lực lượng sản xuất để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời phải trải qua nhiều bước cụ thể, thích hợp, vững chắc xây dựng và phát triển quan hệ sản xuất mới, từ đó mới có được phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa đích thực. Đi đôi với nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phải đẩy rất mạnh, thậm chí đi trước một bước trong phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, chăm lo đời sống tinh thần của nhân dân, đẩy mạnh đào tạo nhân lực, phát triển nhân tài để thúc đẩy phát triển kinh tế.
*
Tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt từng được thử thách của đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất định thực hiện thành công chủ thuyết chính trị cách mạng và phát triển vĩ đại đã được lịch sử dân tộc lựa chọn. Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh "dĩ bất biến ứng vạn biến", kết hợp nhuần nhuyễn, khôn khéo và thông minh tính kiên định về nguyên tắc và mục tiêu không thay đổi với đầu óc uyển chuyển, tinh thần và khả năng thường xuyên đổi mới, sáng tạo phù hợp, đáp ứng tình hình quốc tế và đất nước giai đoạn đầy biến động nhanh và khôn lường hiện nay - đó là bí quyết thành công trong sự nghiệp vĩ đại thực hiện chủ thuyết chính trị của Đảng ta và dân tộc ta.
GS Nguyễn Đức Bình, nguyên ủy viên Bộ Chính trị - nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
(Tiếp theo và hết)
(1). C.Mác và Ph.ăng -ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, phần I, t25, tr.667
(2). V.I.Lê-nin, toàn tập, t.36, tr.684
*
ĐÔI ĐIỀU TRAO ĐỔI LẠI VỚI GS NGUYỄN ĐỨC BÌNH
Nhân báo Quân đội Nhân dân đăng bài “Chủ thuyết chính trị Việt Nam trong thời đại ngày nay” của giáo sư Nguyễn Đức Bình, nhà lý luận hàng đầu của Đảng, kính nhờ trang web của nhà văn Phạm Viết Đào công bố giùm bài tôi viết cách đây 5 năm gửi giáo sư và các nhà lý luận khác để cùng thảo luận, trân trọng cám ơn.
BÙI MINH QUỐC
*
CHỐNG NỘI XÂM, CỨU NƯỚC !
(Thư ngỏ kính gửi các anh Nông Đức Mạnh, Nguyễn Đức Bình, Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Phan Đình Diệu, Nguyễn Kiến Giang, Lê Đăng Doanh, Lữ Phương, Mai Thái Lĩnh, nhờ báo Nhân Dân và các báo đài trong ngoài nước công bố giúp)
Thưa các anh,
Ngày 10 tháng 3 năm nay, 2007, anh Lê Hồng Hà, nguyên Chánh văn phòng Bộ Công an, từ Hà Nội gọi điện vào Đà Lạt nói chuyện với tôi và anh Hà Sĩ Phu. Anh Lê Hồng Hà mong muốn tiến hành một cuộc thảo luận công khai giữa chúng tôi, cùng nhau phân tích nhận định tình hình nước ta từ năm 1975 tới nay, cùng nhau góp phần xây dựng một nền móng lý luận và tư tưởng về phát triển và dân chủ hoá của Việt Nam. Hôm ấy, qua điện thoại khoảng 30 phút, anh Lê Hồng Hà đã phát biểu phần ý kiến của mình.
Ít ngày sau, trên ti-vi, tôi thấy và nghe anh Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư, phát biểu tại Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh rằng cần tôn trọng các ý kiến khác biệt.
Kể ra điều này không có gì mới, vì chủ trương tôn trọng các ý kiến, chính kiến khác biệt, đã được công khai khẳng định nhiều lần ở cấp cao nhất, nhưng lần này được nhắc lại, hẳn không phải chỉ để nói mà để làm. Tôi rất mong những người lãnh đạo ở cấp cao nhất sớm tự vượt mình ra khỏi cái căn bệnh kinh niên nói một đằng làm một nẻo, trước hết trong việc tôn trọng những ý kiến khác biệt, cần thể hiện sự tôn trọng ấy ngay hôm nay, chậm nhất ngay ngày mai: hãy dành ngay một trang mục thường xuyên trên báo Nhân Dân, đài Tiếng nói Việt Nam, đài truyền hình Việt Nam công bố những ý kiến khác biệt về các vấn đề quốc sự được nghiền ngẫm bấy lâu từ những trí tuệ hàng đầu của đất nước cả trong lẫn ngoài Đảng.
Thời gian qua, tôi đã đọc đi đọc lại những ý kiến gần đây luận bàn đầy tâm huyết và trách nhiệm của các anh Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Lữ Phương, Phan Đình Diệu, Nguyễn Kiến Giang, Lê Đăng Doanh, Mai Thái Lĩnh, tuy không được đăng tải trên báo đài chính thức của Đảng và Nhà nước nhưng được công bố trên mạng internet và được photo truyền nhau khá rộng rãi trong các lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, các nhà giáo và cả các sinh viên.
Tạm lược kê:
- Của anh Lê Hồng Hà: bài vừa dẫn trên đây và một số bài trước kia về nhu cầu xây dựng một nền lý luận về phát triển và dân chủ hoá của Việt Nam, về con đường xã hội dân chủ.
- Của anh Hà Sĩ Phu: bài “Tư tưởng và dân trí là nền móng xã hội”
- Của anh Nguyễn Kiến giang cuốn : “Khủng hoảng và lối ra”
- Của anh Lê Đăng Doanh: bài Thuyết trình trước Bộ Chính trị ngày 2-11-2004[2]
- Của anh Mai Thái Lĩnh: bài “Dân chủ-xã hội là gì?” và “Tìm hiểu quan niệm chính trị của Phan Châu Trinh”
- Của anh Lữ Phương: bài “Về vấn đề dân chủ hoá ở Việt Nam”[3] và bài “Nói thêm về tiến trình chuyển hoá dân chủ”[4]
Điều rất đặc biệt là từ những suy nghĩ riêng nhưng ý kiến chung của các anh đều hướng đến con đường xã hội dân chủ như một lối ra phù hợp hơn cả, có tính khả thi hơn cả cho Việt Nam.
Qua bức tâm thư gửi các đại biểu Đại hội lần thứ 10 của Đảng, tôi đã bày tỏ sự tán thành của mình đối với ý hướng đó của các anh.
Gần đây tôi được đọc bài “Tiếp tục một cách kiên định và sáng tạo con đường xã hội chủ nghĩa” của anh Nguyễn Đức Bình đăng hai kỳ trên báo Nhân Dân. Xin có mấy nhận xét sơ bộ như sau:
Những cái mà anh Nguyễn Đức Bình kiên định thì rất lạc hậu, đã bị thực tiễn lạnh lùng vượt qua một cách hiển nhiên, đáng kể nhất là sự kiên định một quan điểm căn cốt cố hữu được khẳng định lại tại Đại hội Đảng lần thứ 7 năm 1991; đó là định nghĩa về thời đại (quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới), còn những cái mà anh gọi là sáng tạo thì khó ai thấy được có gì là sáng tạo. Xin dẫn chứng:
“Có thể hình dung thế nào mô hình về sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta? Cương lĩnh năm 1991 của Ðảng đã vạch rõ những điểm căn cốt nhất trong bức tranh tổng thể, rồi đây sẽ được nghiên cứu bổ sung, phát triển, làm phong phú thêm. Tôi nghĩ những ý sau đây nên làm đậm nét hơn trong Cương lĩnh: đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông - trí dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và Ðảng Cộng sản Việt Nam; dân chủ hoá đời sống trong Ðảng và trong xã hội đi đôi với kỷ cương, phép nước chặt chẽ, với chuyên chính đối với những kẻ thù chống lại lợi ích Tổ quốc và nhân dân; tăng trưởng kinh tế gắn chặt với công bằng xã hội và chính sách xã hội; phát triển rất mạnh giáo dục, văn hoá, khoa học, xây dựng con người mới, đào tạo nhân tài, tạo dựng cho được nền tảng tinh thần xã hội cao đẹp; kiên quyết lành mạnh hoá đạo đức xã hội và lối sống con người…, bài trừ cho được các tệ nạn xã hội, sự tha hoá xuống cấp trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức.”
Cái cần kiên định trước tiên là chủ trương làm nức lòng người từ đại hội Đảng lần thứ 6: NHÌN THẲNG VÀO SỰ THẬT, NÓI RÕ SỰ THẬT, thì anh Nguyễn Đức Bình không được kiên định cho lắm nên bài viết thiếu tính thuyết phục, không hề đáp ứng được khát khao “nhìn thẳng vào sự thật” của người đọc.
Xin mạn phép thưa lại với anh Nguyễn Đức Bình: tôi đố anh chứng minh được một cách khoa học cho chúng tôi thấy cái giai cấp công nhân Việt Nam trong đoạn văn trên của anh (cùng là trong các văn kiện Đảng) chính là cái giai cấp công nhân đại công nghiệp đủ tố chất để gánh vác sứ mệnh lãnh đạo xã hội trong văn bản của Mác, hay nó chỉ là sản phẩm hoang tưởng được vẽ vời trên mặt giấy trong các văn kiện và trong các công trình tiêu phí tiền dân hàng trăm tỷ đồng của các nhà “lý luận nói lấy được” (chữ dùng của cố trung tướng Trần Độ), chứ nó chưa hề tồn tại trong hiện thực? Theo nhận xét của riêng tôi, bằng cặp mắt thường của một chiến sĩ cả đời làm thơ (nay đã 67 tuổi) nhìn từ quán cóc vỉa hè thì giai cấp công nhân Việt Nam trong thời gian qua (và còn tiếp tục trong thời gian tới nữa) chỉ là đối tượng để lợi dụng mồ hôi xương máu và danh nghĩa bởi một thực thể chính trị đậm chất nông dân mang tên là Đảng Cộng sản Việt Nam mà một bộ phận quan trọng trong giới cầm quyền đã trở thành tư bản (hoang dã), chứ giai cấp công nhân đang tồn tại bằng xương bằng thịt trên khắp đất nước này chẳng có vai trò/ liên đới gì trong cái gọi là “sự lãnh đạo/ cầm quyền” ấy cả.
Nói đến giai cấp công nhân Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam thì không thể không nói đến điều 4 Hiến pháp mà tôi đã đề nghị cần phải bỏ (trong một thư ngỏ viết tháng 10.1993 gửi Quốc hội).
Vì sao tôi lại đề nghị bỏ điều 4?
Xin thưa vì những lý do sau đây:
- Khi chưa có điều 4, dân rất tin Đảng, lòng tin ấy một phần là tin vào mục tiêu độc lập, tự do, dân chủ mà Đảng nêu cao, phần chính là tin qua tấm gương dũng cảm, tận tuỵ, hy sinh, liêm khiết của đông đảo những con người đảng viên cụ thể mà người dân chứng kiến hàng ngày giữa thiếu thốn, đói no, tù đày, sống chết. Nhưng rồi Đảng trở thành Đảng cầm quyền, từ khi có điều 4, lòng tin của dân đối với Đảng kém sút hẳn, Đảng trở nên hư hỏng, đường lối thì sai lầm, đưa đất nước đến bên bờ vực (Đại hội 4), cán bộ thì thoái hoá, sa đoạ với tốc độ, qui mô ngày càng khủng khiếp và chiều hướng ngày càng khó ngăn chặn.
- Phải chăng vì Đảng mất chỗ đứng trong lòng dân, nên mới phải bám vào điều 4 để ngồi trên đầu dân và bước đi chệnh choạng trên đôi chân cà khoeo - một bên súng, còng (quân đội, công an), một bên loa (hệ thống thông tin đại chúng độc quyền)?
Như vậy, rõ ràng điều 4 chỉ cần thiết cho một bộ phận đã tha hoá, cố thủ sau bình phong Đảng lãnh đạo để giữ đặc quyền đặc lợi, chứ hoàn toàn không cần thiết cho Đảng mà lại làm hại Đảng.
Điều 4 ghi rằng Đảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, theo chủ nghĩa Mác Lê-nin, Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội…, toàn bộ nội dung này bất ổn cả về lý luận lẫn thực tiễn.
Hãy dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật:
- Đảng không phải là đội tiền phong của giai cấp công nhân, ngay cả những công nhân hầm mỏ Quảng Ninh vừa cởi chiếc áo nâu lấm bùn để khoác vào chiếc áo xanh thợ, chứ chưa nói là giai cấp công nhân đại công nghiệp như Mác xác định. Những sai lầm chết người như cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, đường lối phiêu lưu duy ý chí của Đại hội 4 đưa đất nước đến bờ vực thẳm chẳng phải là biểu hiện tày đình của một thứ chủ nghĩa nông dân mo cơm quả cà tệ hại nhất đó sao? Còn nhớ, năm 1978 Đảng có nghị quyết chống tập đoàn cầm quyền bành trướng Bắc Kinh, trong đó đã đặt vấn đề phê phán tư tưởng nông dân. Sau cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, Tổng Cục chính trị Quân đội Nhân dân triển khai cuộc học tập lý luận chống chủ nghĩa Mao, phân tích phê phán tư tưởng nông dân - cơ sở xã hội của chủ nghĩa Mao - dịp ấy, nhà văn Nguyễn Minh Châu có một ý phân tích ngắn gọn mà cực kỳ sắc sảo: anh nông dân nào cũng thích làm vua, cốt lõi tư tưởng nông dân là thích làm vua. Nhưng thật lạ, cuộc học tập phê phán đang tiến hành sôi nổi hào hứng thì bị ngừng lại đột ngột theo lệnh trên. Mọi người bảo nhau: các ông trên các ông ấy sợ, bắt ngừng lại là phải thôi, bởi vì mới phân tích sơ sơ đã thấy lòi ra đặc sệt cái chất nông dân của Đảng mình.
- Đảng tuyên bố theo chủ nghĩa Mác Lê-nin, nhưng trong Đảng may lắm cũng chưa chắc có được 1% đảng viên nắm vững chủ nghĩa ấy, còn trong cán bộ từ Bí thư Tỉnh uỷ trở lên thì liệu có được 0,001%? Tiện thể xin hỏi: anh Nông Đức Mạnh có dám tự khẳng định trước các nhà lý luận rằng anh nắm vững chủ nghĩa Mác Lê-nin? Tuyên bố theo một chủ nghĩa (với giả định là chủ nghĩa ấy đúng hoàn toàn) mà chỉ có được chừng đó người nắm vững chủ nghĩa thì chẳng ai tin, người đời bảo thế là “treo đầu dê bán thịt chó”. Một thực tế sừng sững như dãy Trường Sơn cho thấy chủ nghĩa Mác Lê-nin đã phá sản ngay tại nơi mà nó ra đời, một bộ phận trong giới lãnh đạo mấy Đảng cầm quyền ở Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên, Lào sở dĩ còn cố níu giữ không phải vì giá trị khoa học mà vì muốn sử dụng chủ nghĩa như một công cụ cai trị tiện lợi nhất: có chủ nghĩa Mác Lê-nin thì mới có độc quyền cai trị của Đảng Cộng sản (thực chất là độc quyền của thiểu số đặc quyền đặc lợi trong Đảng), có vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh, có sở hữu toàn dân về đất đai - những miếng mồi béo bở nhất cho tham nhũng, có chuyên chính vô sản mà nòng cốt là công an, quân đội và hệ thống truyền thông đại chúng độc quyền (trong các văn kiện chính thức không dùng cụm từ “chuyên chính vô sản” nữa, nhưng bản chất hệ thống chính trị vẫn y như cũ) để dễ bề “dùng chuyên chính vô sản để tích luỹ tư bản” (phát hiện năm 1988 của Hà Sĩ Phu).
Hơn nữa, đưa chủ nghĩa Mác Lê-nin vào điều 4 là một hành vi quốc giáo hoá chủ nghĩa ấy, là chăng lưới thép trên bầu trời tư duy của toàn dân tộc, ngăn chặn mọi cánh chim trí tuệ Việt Nam vút lên, rồi đặt thành một môn học bắt buộc đối với học sinh, sinh viên, công chức, người dạy không tin vào điều mình dạy, người học cũng chẳng tin vào điều mình học; đó rành rành là hành vi ngu dân (trước hết là ngu Đảng) đại qui mô giống hệt các giáo quyền trung cổ. Nếu vậy thì đó là một tội lớn về tư tưởng và văn hoá đối với đại đa số đảng viên, với dân tộc và nhân loại.
- “Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội…”, mệnh đề thứ ba của điều 4 ghi như thế. Vậy thế nào là lãnh đạo? Hai chữ lãnh đạo đã được xác định từ lâu rất rõ ràng, giản dị như sau: lãnh đạo là vận động, giáo dục, thuyết phục bằng tư tưởng đúng, đường lối đúng, bằng sự gương mẫu về phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ. Vậy thì cần gì một hệ thống biên chế từ xã đến huyện, tỉnh, trung ương đông đúc cồng kềnh đến thế với lớp lớp trụ sở xe cộ nghênh ngang sang trọng tốn kém đến thế mà nội dung công việc phần lớn trùng lặp chồng chéo với cơ quan nhà nước, tất cả đều chi xài bằng tiền thuế của dân, quyền hành thì nắm toàn diện triệt để tuyệt đối mà trách nhiệm thì hết sức chung chung, hết sức mù mờ.
Cũng cần nhắc lại, năm 1993 khi đề nghị bỏ điều 4, tôi đã đồng thời nêu rõ: chừng nào chưa bỏ điều 4 thì phải có ngay một bộ luật về sự lãnh đạo của Đảng để xác định rạch ròi quyền hạn và trách nhiệm, ngăn và chống tình trạng lạm quyền lộng quyền nhân danh sự lãnh đạo của Đảng; lãnh đạo đúng thì được ghi nhận, lãnh đạo sai gây hại cho dân cho nước thì phải ra toà.
Điều 4 được thông qua bằng một Quốc hội không đại diện cho dân bởi các đại biểu đều do Đảng (thực chất là một vài cá nhân nắm giữ công việc nhân sự của Đảng) sắp đặt, hoạt động một cách hình thức. Việc đó nói thẳng ra thì đích thị là một xảo thuật pháp lý nhằm đưa Đảng (thực chất chỉ là một vài người ở cấp tối cao của Đảng) lên ngôi vua. Nhiều nhà trí thức trong và ngoài Đảng cùng nhiều lão thành cách mạng gọi chế độ chính trị hiện hành là chế độ phong kiến trá hình hay chế độ toàn trị (đang biến chủng thành hậu toàn trị) là đã gọi rất đúng tên sự vật.
Tóm lại, điều 4 là một bằng chứng hiển nhiên về sự đối chọi giữa danh và thực, một xảo thuật cầm quyền hết sức phản dân chủ, nói thẳng ra là sự dối trá, một sự dối trá bao trùm lên toàn bộ đời sống xã hội.
Bỏ điều 4 là Đảng trút bỏ được một gánh nặng, thoát khỏi thế kẹt để trở về chỗ đứng vững chắc trong lòng dân, từ đó tiến hành đổi mới bản thân Đảng bằng nguồn sức mạnh từ nhân dân.
Còn nhiều vấn đề rất căn bản trong bài của anh Nguyễn Đức Bình cần được thảo luận đến nơi đến chốn, tôi chỉ nêu sơ bộ vấn đề giai cấp công nhân Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam như trên.
Nhưng vấn đề hệ trọng hơn hết, vấn đề bao trùm lên mọi vấn đề là dân chủ hoá, là đổi mới hệ thống chính trị, là chuyển hệ thống chính trị toàn trị (đang biến chủng sang hậu toàn trị) hiện hành thành một hệ thống chính trị dân chủ (theo tôi ban đầu hãy cứ cố được như Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân thực hiện năm 1946 là mừng lắm rồi) bằng những bước đi thích hợp nhất, những biện pháp ít gây xáo trộn nhất với vai trò chủ động của Đảng, trong đó sự thức tỉnh về ý thức, ý chí và hành động của từng đảng viên, từng người dân về quyền làm chủ - đảng viên làm chủ Đảng, công dân làm chủ các hội đoàn mà họ tham gia – là sức mạnh quyết định.
Như tôi vừa nêu trên, một số nhà trí thức trong và ngoài Đảng đã đề xuất một lối ra cho Đảng, cũng là lối ra cho toàn dân tộc, là con đường xã hội dân chủ.
Bên Trung Quốc, các nhà nghiên cứu, đồng thời là cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản như Tân Tử Lăng, Tạ Thao cũng đã nêu ra con đường xã hội dân chủ.
Thế đấy, một sự tương hợp thật lý thú, sau bao nhiêu dồi dập hỗn mang (nhân danh Mác) diễn ra trên một vùng đất thuộc phương Đông xa xôi và bí ẩn (đối với Mác), sau bao nhiêu khổ nạn khổ công tìm kiếm, nhiều trí thức từ những nguồn cội khác nhau nhưng có chung cuộc đời theo Mác đã cùng gặp nhau ở con đường xã hội dân chủ.
Các học giả Trung Quốc đều là những đảng viên cao cấp “canh cánhmột lòng cứu Đảng”, như Tạ Thao bày tỏ. Các trí thức nước ta mà tôi dẫn tên trên đây cũng đều một lòng một chí tìm kiếm khoa học và đề xuất với Đảng cầm quyền một con đường phát triển và dân chủ hoá tối ưu cho dân tộc, con đường xã hội dân chủ.
Thực ra, qua nghiên cứu của anh Mai Thái Lĩnh, cuộc tìm kiếm và gặp gỡ con đường xã hội dân chủ ở ta đã khởi từ cụ Phan Châu Trinh. Và Phan Châu Trinh, một nhà Nho hâm mộ những tư tưởng tiến bộ của Âu Tây nhưng với một bản lĩnh tư duy độc lập cực kỳ vững vàng và nhạy bén, cụ sớm lên án bệnh hủ Nho và cảnh báo bệnh hủ Âu, ngay từ 1925 đã nhấn mạnh vấn đề tiếp thu tư tưởng xã hội dân chủ Âu Tây phải gắn với việc phát huy những yếu tố tích cực, khắc phục những yếu tố tiêu cực trong con người và văn hoá Nho giáo Việt Nam. Nếu biết đánh giá đúng tầm quan trọng của phát hiện này và quảng bá rộng rãi, sẽ càng khiến Đảng ta dân ta thêm tự tin.
Anh Nguyễn Đức Bình hẳn cũng canh cánh một lòng cứu Đảng, nhưng anh cứu bằng cái bài thuốc bấy lâu Đảng vẫn dùng mà càng dùng càng suy yếu. Còn với bài thuốc Tân Tử Lăng, Tạ Thao bốc cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, đảng ấy chưa có ý kiến gì chính thức, thì anh Bình quá lo cho giới cầm quyền bên ấy, vội can “chớ ảo tưởng về con đường xã hội dân chủ”, thậm chí còn lên án vô căn cứ người ta “xuyên tạc, bóp méo, bôi nhọ Mác, Ăng-ghen và chủ nghĩa Mác”. Phải chăng anh Bình đang thực hiện việc hợp tác về công tác lý luận giữa Đảng ta với Đảng Cộng sản Trung Quốc, dùng ngòi bút của mình để ngăn trở xu thế đổi mới tư duy ở cả hai nước? Đảng ta đang bế tắc về lý luận (ngấm ngầm phản bội chủ trương của Đại hội 6, không dám nhìn thẳng vào sự thật, không dám nói rõ sự thật thì sao khỏi bế tắc?), anh Bình muốn cứu Đảng, nhưng tôi ngờ rằng anh cứu Đảng từ một lập trường lệ thuộc, tức lập trường vong bản. Nhân đây, tôi lưu ý các anh, cũng là lưu ý toàn Đảng toàn dân một việc như sau: trong buổi trả lời phỏng vấn của đài RFI phát 10g đêm 15.9.2007, nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng thông báo với mọi người rằng ông đã soạn một cuốn sách với rất nhiều bằng chứng giá trị chứng minh chủ quyền của nước ta trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với sự nhất trí và giới thiệu của nguyên trưởng ban biên giới của chính phủ là Lê Minh Nghĩa, nhưng gửi đến nhà xuất bản nhiều năm nay vẫn không được in, trong khi đó một cuốn từ điển của Trung Quốc mới xuất bản, ở mục về Hoàng Sa và Trường Sa họ ghi rõ chủ quyền của họ thì lại được ngang nhiên bày bán tại hội chợ sách TP HCM. Thế là thế nào? Nếu người dân bảo đó là lập trường vong bản, bán nước thì ta cãi sao đây? Theo tôi, anh Nông Đức Mạnh và bộ chính trị phải có trách nhiệm đảm bảo cho cuốn sách nói trên của nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng được xuất bản ngay.
Trong một bài viết, anh Nguyễn Đức Bình đã yêu cầu “phải đặt tất cả mọi bất đồng lên bàn tranh luận công khai”. Thật là một đề xuất đáng khích lệ, làm nức lòng các nhà lý luận từ mọi phía, bởi được nêu ra dưới ngòi bút của một nhà lý luận hàng đầu của Đảng ta, từng nhiều năm giữ những cương vị quan trọng: Uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách văn hoá tư tưởng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Anh Nông Đức Mạnh đã nhiều lần tuyên bố “tôn trọng các ý kiến khác biệt”, đương nhiên không thể không sớm đáp ứng yêu cầu rất chính đáng ấy của anh Nguyễn Đức Bình, cũng là của tất cả những ai làm lý luận và quan tâm đến lý luận.
Vậy tôi mong báo Nhân Dân sau khi đã đăng bài anh Nguyễn Đức Bình thì cần phải đăng bức thư ngỏ này của tôi, đăng bài “Tư tưởng và dân trí là nền móng xã hội” của anh Hà Sĩ Phu là bài liên quan trực tiếp đến bài lý luận của anh Nguyễn Đức Bình, đồng thời mời các anh Lê Hồng Hà, Lê Đăng Doanh, Hà Sĩ Phu, Phan Đình Diệu, Nguyễn Kiến Giang, Lữ Phương, Mai Thái Lĩnh viết bài tranh luận với anh Nguyễn Đức Bình. Tôi cũng đề nghị nên mời tác giả Tạ Thao của Trung Quốc viết bài trả lời anh Nguyễn Đức Bình. Thêm nữa, nên mời các nhà lý luận và các nhà chính trị của các đảng xã hội dân chủ Bắc Âu, Tây Âu viết bài cho báo Nhân Dân giới thiệu cả về lý luận lẫn kinh nghiệm thực tiễn xây dựng chế độ xã hội dân chủ của họ.
Thưa các anh,
Thư tuy đã hơi dài, nhưng trước khi dừng bút tôi muốn bày tỏ thêm đôi điều tâm sự.
Chúng ta đều đã quá cái tuổi “tri thiên mệnh” từ lâu, có anh đã quá bát thập rồi, bàn chân đã mấp mé ngưỡng cửa hư vô rồi. Ở cái tuổi này, mỗi lời nói, mỗi trang viết, mỗi việc làm đều là chắt lọc sự nghĩ và sự trải của cả một đời, là biểu hiện một lẽ sống đã được xác quyết, trong thâm tâm không thể không tự biết cuối cùng ta đã sống một cuộc đời có ý nghĩa hay vô nghĩa, ta đã góp được gì có ích cho đời để đời thương kính hay làm hại đời để chuốc lấy lời nguyền rủa muôn đời trút lên đầu con cháu.
Chắc chắn là anh Nguyễn Đức Bình không thể không đọc các bài viết mấy năm gần đây của anh Hoàng Tùng - một bậc đàn anh của anh về lý luận Mác Lê-nin, và anh Bình không thể không hiểu vì sao anh Tùng lại phải cầm bút thổ lộ cho mọi người biết những suy nghĩ đã rất khác trước của mình về cái chủ nghĩa mà mình gần hết cả đời tôn thờ, truyền giảng.
Đọc đi đọc lại bài của anh Nguyễn Đức Bình, tôi cứ muốn hỏi anh: này anh Bình, xin hãy nói thật lòng, anh có tin vào những điều mình viết không? Và anh Nông Đức Mạnh, anh có thực sự cho rằng bài viết của anh Nguyễn Đức Bình là lý luận khoa học? Và xin hỏi anh Mạnh anh Bình, hai anh có thật sự nghĩ rằng giai cấp công nhân Việt Nam đang lãnh đạo xã hội Việt Nam? Hai anh trong thâm tâm có dám tự nhận mình là ngườiđầy tớ của nhân dân (mấy năm gần đây không thấy nhắc lại cụm từ này trong các văn kiện và các phát biểu, hẳn vì không còn đủ can đảm để thốt ra một danh xưng đã trở thành hài hước)? Từ khi vào Trung ương rồi vào Bộ Chính trị, hai anh có thực tâm coi vị trí công tác của mình là vị trí chiến đấu vì dân vì nước, vì lẽ phải và công lý (như các anh thường xuyên lên bục rao giảng cho cán bộ, đảng viên) hay đó chỉ là “chiến đấu” nhằm giữ ngai, giữ ghế vua quan cách mạng? Tôi biết hai anh sẽ không chính thức trả lời tôi, nhưng vào những đêm mất ngủ của tuổi già, các anh không thể không trả lời cho chính lương tâm mình, lương tri mình.
Tôi tin ở sức mạnh của lương tâm, lương tri. Đó là một sức mạnh vô địch, trường cửu. Sức mạnh ấy tồn tại và truyền nối trong hồn thiêng của tổ tiên ta, của tất cả những người con bao đời nay đã hiến dâng mồ hôi xương máu cho đất Mẹ Việt Nam yêu dấu ngàn năm của chúng ta. Sức mạnh ấy sống mãi trong mỗi con người Việt Nam, trong trời đất cỏ cây sông núi Việt Nam, sức mạnh ấy là nguồn sống nguồn sáng vĩnh hằng đang ngày đêm rọi chiếu cõi lòng tất cả những ai đã nguyện thề làm người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Sức mạnh ấy cũng đang ngày đêm rọi chiếu vào tận ngóc ngách đen tối nhất trong cõi lòng những kẻ thẻ-đỏ-tim-đen, những kẻ đang nắm giữ chức quyền nhưng lòng dạ chỉ nhăm năm dùng chức quyền để thực hiện mưu đồ vị ký, dù cho chúng có rúc kín đến đâu trong những lâu đài nghênh ngang kiên cố giữa năm bảy lớp rào được dựng nên bằng quyền lực bất lương.
Bởi tin thế nên tôi mới có bức thư ngỏ này.
Trong đoạn văn của anh Nguyễn Đức Bình tôi dẫn bên trên có chỗ nêu rõ: “…chuyên chính đối với những kẻ thù chống lại lợi ích Tổ quốc và nhân dân”.
Những kẻ thù nào vậy?
Sau khi đuổi xong giặc ngoại xâm, thì trong “những kẻ thù chống lại lợi ích Tổ quốc và nhân dân”, nguy hiểm nhất là giặc nội xâm, Hồ Chủ tịch đã vạch rõ như thế, ngay từ khi ta mới giành được chính quyền, điều này thì hai anh thuộc bài hơn tôi, và không mấy ngày không lặp đi lặp lại trên báo đài.
Mọi người đều biết giặc nội xâm nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm vì nó sinh ra từ chủ nghĩa cá nhân của những cán bộ có chức quyền. Hồ Chủ tịch đã nhiều lần nhấn mạnh: “chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm nhất”. Và là siêu nguy hiểm khi chủ nghĩa cá nhân nằm ngay trong một số cán bộ giữ trọng trách ở cơ quan quyền lực tối cao, nhất là ở người nắm giữ công tác tổ chức, công tác cán bộ. Bao nhiêu năm ròng, công tác cán bộ, nhất là việc chọn cán bộ vào Trung ương, vào Bộ Chính trị lại thâu tóm trong tay một vài cá nhân ở cấp tối cao. Các cuộc bỏ phiểu ở mỗi kỳ đại hội chỉ là hình thức để hợp thức hoá sự sắp đặt rất cá nhân chủ nghĩa, rất bè phái của mấy người ấy. Thế là đẻ ra một tình trạng bè phái tham nhũng quyền lực có hệ thống, một Đảng Đen đã xuất hiện và lộng hành trong lòng Đảng Đỏ. Cái Đảng Đen này chỉ gồm một số ít những phần tử thẻ-đỏ-tim-đen lợi dụng tình trạng mất dân chủ và sinh hoạt khép kín trong Đảng để cố kết với nhau nắm giữ nhiều vị trí quyền lực trọng yếu, thao túng công tác nhân sự của Đảng. Vị trí công tác, chức vụ, cấp bậc của mỗi cán bộ không còn tuỳ thuộc vào năng lực phẩm chất của họ với sự tín nhiệm đích thực của nhân dân mà tuỳ thuộc vào sự sắp đặt bí mật từ bên trên, và thế tất không thể tránh khỏi đẻ ra một cái chợ đen âm thầm mua bán chức quyền. Nhiều năm ròng, nhất là từ sau 1975, trong Đảng đã diễn ra một hoạt động rất nham hiểm, rất xảo quyệt là hoạt động vu tội cướp công, cướp quyền. Biết bao đồng chí tài năng và đức độ, một đời tận tuỵ dày công vì dân vì nước đã là nạn nhân rất thảm khốc của thủ đoạn đó. Một bi kịch lớn trong lòng Đảng đang ngày đêm huỷ hoại những gì lành mạnh nhất, tốt đẹp nhất, quí giá nhất của Đảng kết tinh từ sự hy sinh xương máu của hàng triệu nhân dân và đảng viên: công thần thì bị vu tội cướp công còn gian nịnh thì leo lên vùn vụt dùng xảo thuật pháp lý tạo ra cả những tổ chức siêu Đảng siêu Nhà nước tiến hành hoạt động phá hoại kéo dài có hệ thống, như đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ rõ, kèm theo quá trình đó là sự tê liệt sức chiến đấu ở hầu hết tổ chức Đảng. Đại đa số đảng viên đã tự buông mất quyền làm chủ của mình trong Đảng, sinh hoạt Đảng trở nên hình thức, ở các Đảng bộ hưu trí thì nội dung vụn vặt, vô hồn, ở các Đảng bộ cơ quan thì cũng vô hồn không kém hoặc chỉ “có hồn” theo những cuộc đấu đá sặc mùi xôi thịt. Ở cơ sở là thế mà huyện tỉnh trung ương cũng thế.
Đại hội Đảng lần thứ 6 đã vạch rõ công tác tổ chức là nguyên nhân của mọi nguyên nhân những thành tích và những sai lầm của Đảng. Nhưng từ Đại hội 6 đến nay, chưa hề có một cuộc tổng kiểm điểm đến nơi đến chốn về công tác tổ chức, công tác cán bộ, đặc biệt là công tác chuẩn bị nhân sự cho Trung ương và Bộ Chính trị các khoá. Tại sao lại như vậy? Rất dễ hiểu, vì giặc nội xâm ẩn náu trong Đảng luôn ra sức ngăn trở cuộc kiểm điểm ấy, bởi nếu kiểm điểm đến nơi đến chốn thì Đảng Đen cùng cả một bè mảng thẻ-đỏ-tim-đen sẽ bị lôi ra ánh sáng.
Nhớ năm nào, nhà văn Sơn Tùng nói chuyện với cán bộ ở Chí Linh đã nói thẳng rằng trong Bộ Chính trị chỉ có số ít đồng chí không tham nhũng. Anh Sơn Tùng bị làm khó dễ một thời gian nhưng cuối cùng cũng chẳng làm gì được anh vì anh phát biểu có căn cứ, có trách nhiệm. Các lão thành cách mạng hỏi nhau: có phải báo Nhân Dân đưa tin Tổng Bí thư Đỗ Mười nhận quà biếu 1 triệu đô? Anh Lê Khả Phiêu trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ phơi bày một sự thật: có những phong bì hàng chục ngàn đô gài trong lẵng hoa đem đến đặt ở phòng Tổng Bí thư, hẳn nhiên anh Phiêu không để cho mình bị cuốn vào vòng ăn của đút nên mới dám công khai chuyện này? Anh Đỗ Quang Thắng, lúc đương nhiệm Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, nói trực tiếp với tôi, trong cuộc tôi gặp anh ngày 19 tháng 3 năm 1995: “Anh có biết không, mỗi chữ ký của người ta hàng trăm triệu đồng”.
Thời chống ngoại xâm, đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên là một sức mạnh lớn, từ đó dấy lên sức mạnh không gì dập nổi của nhân dân. Nhưng đến thời chống nội xâm, sức mạnh ấy bị mòn mỏi, bị huỷ hoại từng ngày, và đồng thời bạo phát một thứ sức mạnh phản đạo đức, giả đạo đức của giặc nội xâm. Các anh có nghe thấy ngày ngày vang lên khắp chốn bài ca bia ôm hát theo nhạc Trịnh Công Sơn (“Một cõi đi về”):
Nhân dân chi tiền thì cứ bia ôm
Lâu lâu bia ôm cho đời trẻ lại
Ai không bia ôm một đời khờ dại
Kệ bố nhân dân dù đói hay nghèo…
KỆ BỐ NHÂN DÂN - đó là tuyên ngôn của giặc nội xâm đấy.
Các anh có nghe thấy không?
Toàn Đảng toàn Dân có nghe thấy không?
Tôi thường ngồi với các đảng viên lão thành, các cựu chiến binh, cứ bàn đến chuyện chỉnh đốn xây dựng Đảng là mọi người lại hỏi nhau: “Này, trong Bộ Chính trị hiện nay có ai là có đủ tầm trí tuệ chiến lược vàphẩm chất đáng tin cậy?”
Mọi người nhìn nhau lắc đầu.
Lịch sử Đảng ghi rõ, vào giờ phút hiểm nghèo nhất khi chèo lái con thuyền đất nước, để cho dân tin, Hồ Chủ tịch đã phải tuyên bố trước quốc dân: “Hồ Chí Minh không bán nước”. Đó là lời thốt lên, giản dị và chắc nịch, từ đáy lòng một con người hoàn toàn tự tin vào sự liêm khiết tận trung với nước của mình, lời ấy đi thẳng vào lòng dân và dân tin ngay.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh hiện nay không mấy ngày không nhắc nhở đôn đốc việc học và hành theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Tôi mong anh Nông Đức Mạnh ngay ngày mai hãy lên đài tuyên bố: “Nông Đức Mạnh này không tham nhũng”. Nếu lời ấy phát ra từ đáy lòng một con người hoàn toàn tự tin vào sự liêm khiết tận trung với nước của mình, thì tự nhiên nó cũng đi thẳng vào lòng người dân, tạo nên ngọn trào toàn dân chống tham nhũng, cuốn phăng mọi rác rưởi trong Đảng. Hiệu ứng ấy sẽ là minh chứng, là thước đo cho bản lãnh, cho sự trong sáng trong tâm hồn người thủ lĩnh. Và Bộ Chính trị hãy mời ngay đạo diễn nghệ sĩ nhân dân Trần Văn Thuỷ, tác giả bộ phim nổi tiếng Chuyện tử tế, thực hiện gấp bộ phim Chuyện nhà đất, phần 1 quay cảnh và phỏng vấn các quan chức từ Tổng Bí thư đến bí thư xã xem nhà cửa đất đai của từng vị thế nào, phần 2 quay cảnh và phỏng vấn những người dân bị mất nhà mất đất phải đi khiếu kiện ròng rã.
Giặc nội xâm vừa là bọn tham nhũng đồng thời cũng là bọn chống dân chủ (vì dân chủ chính là khắc tinh số một của tham nhũng), chúng vừa móc túi dân, cướp đất dân vừa bóp cổ bịt miệng dân.
Giặc nội xâm nguy hiểm hơn ngoại xâm vì nó tác oai tác quái trong hoàn cảnh đất nước đã độc lập, người dân bị mất nước mà vẫn lơ mơ huyễn tưởng tự hào mình là dân một nước độc lập.
Rõ ràng công việc hệ trọng hơn hết, một công việc có tầm chiến lược, tầm quốc sách là phải tiến hành ngay
MỘT CUỘC VẬN ĐỘNG TOÀN ĐẢNG TOÀN DÂN CHUYỂN TOÀN BỘ SỨC MẠNH DÂN TỘC TRONG CÔNG CUỘC CHỐNG NGOẠI XÂM TRƯỚC KIA VÀO CÔNG CUỘC CHỐNG NỘI XÂM, XÂY DỰNG DÂN CHỦ CỨU NƯỚC CỨU NHÀ NGÀY NAY.
Cuộc vận động này nói chữ là DÂN CHỦ HOÁ, nói nôm na là một CUỘC ĐÒI NỢ. Đây là món nợ xương máu mà những người cách mạng Việt nam nợ nhân dân Việt nam. Ngay từ năm 1957, với tất cả nhạy cảm của một thi sĩ-chiến sĩ cộng sản, nhà thơ Trần Dần (Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật) đã sớm phát hiện những dấu hiệu giặc nội xâm ẩn náu trong bộ máy Đảng và nhà nước mưu toan vỗ nợ, và lên tiếng cảnh báo:
Dù có thể quen tay vỗ nợ
Chớ bao giờ vỗ nợ nhân dân
Khi toàn dân tự xác lập được thế đứng của người đi dẹp giặc nội xâm, người chủ nợ đi đòi nợ, thì sức mạnh ghê gớm của cả một dân tộc chiến thắng ngoại xâm sẽ dần hồi phục trong từng người dân Việt, và đương nhiên cái tập quán xin–cho rất nguy hại ngự trị bao năm ròng sẽ dần bị loại khỏi đời sống xã hội.
Đây là cuộc vận động hướng vào thực chất của chuyển động xã hội, tiến hành bằng một phương pháp dễ làm nhất, đảng viên nào, công dân nào cũng làm được, mà bước đi ban đầu có thể tóm gọn trong mấy việc sau:
- Từng đảng viên tự thức tỉnh và thức tỉnh lẫn nhau về quyền làm chủ, từ nhận thức chuyển ngay thành hành động, đảng viên làm chủ Đảng, làm chủ về tổ chức, làm chủ về nội dung và phương thức sinh hoạt Đảng, làm chủ việc lựa chọn nhân sự các cấp uỷ từ thấp đến cao và thường xuyên giám sát hoạt động của cấp uỷ, đấu tranh kiên quyết để thay thế kịp thời ở bất kỳ cấp nào những cấp uỷ viên không xứng đáng.
- Từng đảng viên thường xuyên thức tỉnh nhân dân và động viên nhân dân thức tỉnh lẫn nhau về quyền làm chủ của người dân, công dân làm chủ các hội đoàn mà mình tham gia, làm chủ về tổ chức, về nội dung và phương thức sinh hoạt, làm chủ việc lựa chọn nhân sự.
- Công dân làm chủ các cuộc đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân tiếp xúc cử tri và thường xuyên áp sát, hậu thuẫn các đại biểu làm tròn phận sự đại diện cho dân, trước mắt vận động đại biểu Quốc hội đấu tranh để sớm có một bộ luật thực sự đảm bảo quyền tự do lập hội của công dân như hiến pháp qui định, đồng thời cảnh giác ngăn chặn mưu toan hạn chế, thủ tiêu quyền tự do lập hội bằng xảo thuật pháp lý.
- Toàn Đảng toàn dân ra sức đôn đốc các đại biểu Quốc hội gấp rút rà soát để sửa ngay những bộ luật vi phạm hiến pháp, trước nhất là luật báo chí và luật xuất bản, hai luật hiện hành này là hai luật thủ tiêu quyền tự do báo chí và quyền tự do xuất bản của công dân.
- Ra sức vận động để tiến tới có một Quốc hội hoàn toàn chuyên nghiệp, thực hiện nguyên tắc độc lập giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và quyền của công luận thông qua báo chí tự do, từng bước sửa đổi Hiến pháp theo hướng xây dựng nhà nước dân chủ pháp quyền phục vụ xã hội công dân, và trong khi chưa bỏ điều 4 thì phải có ngay luật về sự lãnh đạo của Đảng xác định rạch ròi quyền hạn và trách nhiệm, ngăn và chống tình trạng lạm quyền lộng quyền nhân danh sự lãnh đạo của Đảng.
Khi đã thức tỉnh thì mỗi đảng viên, mỗi người dân sẽ làm những việc trên như là tự tạo niềm vui sống hàng ngày của mình, như là tự bồi đắp một tố chất mới hàng ngàn năm nay chưa hề có trong con người Việt Nam mình, và chính con người mới này là chủ thể quyết định của tiến trình dân chủ hoá đất nước Việt Nam. Làm được như thế cũng chính là nâng cao Đảng trí, Dân trí, cũng chính là xây dựng một xã hội dân sự, xã hội công dân lành mạnh, văn minh mà thế giới không thể không đồng tình, ca ngợi.
Làm được như thế thì cuộc CHỐNG NỘI XÂM, XÂY DỰNG DÂN CHỦ sẽ được toàn dân nô nức tham gia như ngày hội - ngày hội NGÀN NĂM CÓ MỘT !
Kính thư
Đà Lạt ngày 03 tháng 10.2007
BMQ
_____________________
[1] Ý kiến phát biểu trong “Chương trình khoa học KX.10” do Ban tổ chức Trung ương chủ trì năm 2004 (nhằm phục vụ cho Đại hội X của ĐSCVN).
[2] Bản ghi lại theo băng ghi âm
[3] Trả lời phỏng vấn của Đoàn Giao Thuỷ, Diễn Đàn, 28.7.2007.
[4] Diễn Đàn, 9.8.2007.