Trọng Thành (RFI) - Bầu cử tổng thống Mỹ vừa kết thúc hôm qua 06/11/2012, sau nhiều tháng tranh cử quyết liệt, với kết quả tổng thống đương nhiệm Obama tái đắc cử. Sự kiện chính trị được đặc biệt quan tâm tại Hoa Kỳ được đón nhận như thế nào tại Việt Nam, đặc biệt đối với giới trẻ? Đây là chủ đề chính của tạp chí Cộng đồng của RFI hôm nay.
Khách mời của chúng ta hôm nay là nhà nghiên cứu Phạm Hồng Sơn, các nhà hoạt động xã hội Nguyễn Thu Thảo, Hoàng Đức Minh, Trần Mai Phương, nhà doanh nghiệp Đặng Minh Phương, nhà giáo Đỗ Việt Khoa, nhà thơ Lý Đợi và cây bút chính luận Huỳnh Thục Vy.
Giới trẻ ngày càng biết và quan tâm hơn đến bầu cử Mỹ
Chị Nguyễn Thu Thảo, một cựu du học sinh tại Mỹ, mô tả mối quan tâm của các bạn trẻ Việt Nam đối với cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ qua mạng Facebook mà chị tham gia.
Nguyễn Thu Thảo: Tôi có đến gần 500 người bạn trên Faceboook. Tôi quan sát thấy các bạn tôi, thuộc thế hệ của tôi cũng có cả thế hệ lớn hơn, kể cả những người trẻ hơn, trong lứa tuổi từ 20 đến 30. Họ thường xuyên trao đổi, bình luận về cuộc tranh cử tổng thống Mỹ. Càng gần đến ngày bầu cử, các trao đổi trên Facebook càng trở nên sôi nổi.
Mọi người quan tâm đến quá trình này theo nhiều lý do khác nhau. Có người quan tâm xem kết quả bầu cử này có ảnh hưởng đến Việt Nam hay không. Có người quan sát quá trình tranh luận của hai ứng cử viên để xem chính sách của họ đối với Châu Á, đặc biệt là đối với Trung Quốc như thế nào, từ đó có ảnh hưởng gián tiếp đến Việt Nam ra sao. Có người quan sát xem tình hình dân chủ được phát huy như thế nào trong cuộc bầu cử Mỹ…
Nhà nghiên cứu độc lập Phạm Hồng Sơn từ Hà Nội cho biết các quan sát của anh về sự quan tâm của giới trẻ Việt Nam đến cuộc bầu cử Mỹ.
Phạm Hồng Sơn: Theo tôi quan sát được, thì từ năm 2008 đến giờ, sự chú ý của giới trẻ đối với cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đã có sự tăng lên nhất định.
Qua quan sát của tôi, thì họ mới chú ý ở mức độ là, cuộc bầu cử này diễn ra giữa những ứng cử viên nào và hai là cuộc tranh luận của hai ứng cử viên. Qua các truyền hình trực tiếp, ngay cả truyền thông Việt Nam cũng đưa tin trên báo chí truyền hình Nhà nước, kể cả trên TV của chính quyền hiện nay, thì đấy cũng là nguyên nhân khiến giới trẻ chú ý đến.
Còn một nguyên nhân nữa, mà tôi cho là cũng rất quan trọng. Đó là những người quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ thường là những người có mối quan tâm đến tình hình chính trị Việt Nam hiện nay. Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ hiện nay có rất nhiều điểm gây cho họ sự hưng phấn, hấp dẫn. Thí dụ như những chi tiết về các ứng cử viên được báo chí ở nước Mỹ, trên thế giới, kể cả báo chí Việt Nam đưa tin rất nhanh, cập nhật thường xuyên, rõ ràng và có những điểm, mà đối với họ, là rất đặc biệt. Như về đời tư của các ứng cử viên, chi tiêu, cả các cương lĩnh chính trị… được đưa gần như hoàn toàn công khai trên mặt báo chí. Điều này khác với tình hình ở Việt Nam là các cuộc bầu cử, hoặc là những vấn đề tạo ra một vị trí trong Quốc hội, hay trong chính phủ thì đều diễn ra một cách rất trầm lắng, chỉ có rất ít thông tin về các ứng cử viên.
Cũng xin nhấn mạnh là, về vấn đề sâu sắc về chính trị, cũng như những điểm cụ thể trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ thì tôi nghĩ là cũng chưa có nhiều người, nhất là giới trẻ tìm hiểu thật kỹ.
Ấn tượng đặc biệt: Tự do tranh luận trên tinh thần tôn trọng
Về cảm nhận của những người trẻ tuổi có quan tâm chút ít đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, chị Trần Mai Phương từ Hà Nội có một tâm sự.
Trần Mai Phương: Em không theo dõi toàn bộ quá trình, nhưng em có xem buổi đối chất giữa hai ứng cử viên, thì mình cảm thấy rất là thích. Không cần biết là nội dung của buổi ấy là nói về cái gì, nhưng việc mà hai người ấy có thể được tự do tranh luận về quan điểm và trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đây là cái mà em đánh giá rất cao.
Có thể ý kiến của anh và tôi khác nhau, nhưng anh và tôi tranh luận nhau để thấy được cái gì đấy tốt hơn hoặc có thể nẩy ra được phương án gì đấy tốt hơn từ cuộc tranh luận ấy.
Tôi đánh giá rất cao cách họ trình bày ý tưởng, rất rõ ràng và vẫn giữ được một mức độ ngoại giao tối thiểu, chứ không đến mức móc mé. Có cái sự móc mỉa đối phương, nhưng không nhiều đến mức mà chúng ta cảm thấy là hai người này đang cư xử ra ngoài cái… Tức là cái cư xử ở một trình độ khá là cao, mình cảm thấy rằng họ ở một cái tầm khác, không phải ở một cái tầm bình thường ngồi đây mà mình đánh giá được.
Sự cạnh tranh giữa các đảng phái chính trị đối lập nhau trong các nền dân chủ nói chung, và đặc biệt là nền dân chủ Mỹ, được anh Đỗ Việt Khoa nhìn nhận như là điều kiện cơ bản cho một sự hợp tác, đoàn kết toàn dân, để xây dựng đất nước.
Đỗ Việt Khoa: Hiếm có quốc gia nào mà bầu cử sôi nổi như Hoa Kỳ. Cá nhân tôi, cũng như nhiều anh em trong nước, cũng mong muốn Việt Nam mình bao giờ cũng được như thế thì hay quá. Chúng ta được bầu những người mà chúng ta thấy là họ có những chính sách đúng đắn. Chúng ta được quan tâm đến những cái vận mệnh của đất nước, những cái đúng cái sai của từng cá nhân.
Người dân ở nước Mỹ quan tâm đến chính sách của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, đến đời sống kinh tế chính trị của đất nước. Người ta thấy đảng nào làm tốt, thì người ta ủng hộ. Người ta không ủng hộ chính quyền (hay chính phủ) của ông này, thì người ta sẽ lên tiếng người ta biểu tình phản đối, để lật đổ chính quyền của ông đó, nhằm đưa một ông tổng thống khác thuộc một đảng khác lên. Người Mỹ có cơ hội để lựa chọn. Họ chống đảng, chống chính quyền này, thì họ sẽ tham gia vào đảng phái khác, ủng hộ đảng phái khác. Bất cứ đảng phái nào thì sau cùng họ vẫn là người tham gia vào xây dựng đất nước, và chẳng có ai là kẻ thù của đất nước cả.
Đây là một điều lâu nay tôi rất trăn trở. Từ năm 1975, đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền, thì những người có những tư tưởng chống cộng sản, hay chống đảng ấy, không có đảng phái đối lập để tham gia. Thế thì số đông chọn con đường im lặng, hoặc là bỏ ra nước ngoài. Hiện nay, người Việt ở nước ngoài rất đông, trong đó những người thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa cũ ở Hoa Kỳ khoảng 3 triệu người. Làm sao mà có thể rủ, mời họ vào đảng Cộng sản được? Nhiều người, rất nhiều người trong số đó, ở dạng đối lập với đảng Cộng sản, tức là đối lập luôn với đất nước. Và số đông đó không muốn góp phần ủng hộ, xây dựng đất nước gì cả. Đấy là một mất mát lớn cho Việt Nam (…).
Obama: Tính lãng mạn và sự khó khăn của nền kinh tế Hoa Kỳ
Từ góc độ một nghệ sĩ, nhà thơ Lý Đợi nhìn cuộc tranh cử Mỹ như là sự đối chọi giữa hai mẫu mực, con người lãng mạn của Obama và con người thực dụng của Mitt Romney.
Lý Đợi: Lúc khó khăn nhất mà Mỹ có một tổng thống người da màu, thì đó là một hành động thơ mộng, như một giấc mơ của nước Mỹ. Hành động đó rất lãng mạn. Cái lãng mạn đó nó thường đến với người ta lúc khó khăn, chứ nó không đến với người ta lúc thịnh vượng. Thông thường, lúc thịnh vượng, người ta cần những cái quyết đoán, có tính lý trí cao, có tính "khoa học", nói chung mang tính thực dụng cao.
Bởi vì bây giờ họ biết rằng, có chọn một người như ai đó… thì họ cũng không thể giải quyết được vấn đề về mặt lý trí. Thế thì họ sẽ tìm một người không giải quyết gì cho họ về lý trí cả, mà cho người ta một cái mơ ước, một cái cảm xúc, tình cảm gì đó… Trong khi ông Mitt Romney có một hành trình tranh cử rất kiên định, kiên trì trong nhiều năm qua. Bằng chứng là, có rất nhiều cuốn sách, mà ngay cả trong tiếng Việt, cũng có những cuốn về hành trình của ông Mitt Romney… Điều đó chứng tỏ tính chất rất thực dụng của ông ấy, rất lý trí, giống như những người ở phố Wall, những người có tiền bạc, có trình độ cao, cái tinh thần của đảng Cộng hòa gọi là « tinh thần lớn ». Bây giờ không có người dung hòa được cả hai tính cách này, lý trí cao và tính lãng mạn cách mạng lớn (…).
Biển Đông: Vai trò lớn của Hoa Kỳ
Cụ thể hơn, về nội dung của các chính sách của chính phủ Hoa Kỳ, anh Đặng Minh Phương, một doanh nhân trẻ từ thành phố Hồ Chí Minh, cho một nhận xét.
Đặng Minh Phương: Nước Mỹ có vai trò rất lớn. Bầu cử người nắm vị trí số một của nước đó chắc chắn sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với tất cả các nước, trong đó có cả Asean và đặc biệt là Việt Nam. Theo tôi hiểu, nếu trúng cử cả hai ông ấy đều sẽ không có nhiều thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại với Việt Nam. Vì mối quan tâm đó, nên với bản thân tôi, ai thắng không thực sự là điều quá quan trọng. Tôi cũng mong muốn là người nào lên thì cũng lưu tâm đến các vấn đề đang diễn ra ở Đông Nam Á, ở Châu Á – Thái Bình Dương và đặc biệt là tự do hàng hải trên Biển Đông.
Cũng nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt của Hoa Kỳ tại Biển Đông, sau đây là ý kiến của cây viết trẻ Huỳnh Thục Vy từ Sài Gòn:
Huỳnh Thục Vy: Em nghĩ rằng, cái việc chúng ta quan
tâm đến chính trường Mỹ thì có thể quan tâm vì một cái điều duy nhất:
Tình hình Biển Đông. Hiện nay thái độ của Trung Quốc ở Biển Đông rất
hung hăng, và có thể nói là chỉ có người Mỹ là cái barrier ngăn Trung
Quốc lại và bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, và giúp cho việc xử lý
tình hình ở Biển Đông một cách hòa bình.
Em nghĩ rằng, dù là ông Obama tái đắc cử, hay ông Romney, thì chính sách chung của nước Mỹ sẽ không thay đổi quá nhiều. Vì họ biết rằng họ phải đối mặt với cái gì, cả nước Mỹ phải đối mặt với cái gì. Những người Dân chủ hay Cộng hòa đều biết điều đó, và họ phải cùng nhau làm việc thế nào để bảo vệ quyền lợi của quốc gia họ.
RFI: Thưa chị, về vấn đề nhân quyền, quan hệ Mỹ và Việt Nam trong nhiệm kỳ tổng thống có thể thay đổi không, nếu như Mỹ thay tổng thống ?
Dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam trước hết do xã hội Việt Nam
Em nghĩ rằng, dù là ông Obama tái đắc cử, hay ông Romney, thì chính sách chung của nước Mỹ sẽ không thay đổi quá nhiều. Vì họ biết rằng họ phải đối mặt với cái gì, cả nước Mỹ phải đối mặt với cái gì. Những người Dân chủ hay Cộng hòa đều biết điều đó, và họ phải cùng nhau làm việc thế nào để bảo vệ quyền lợi của quốc gia họ.
RFI: Thưa chị, về vấn đề nhân quyền, quan hệ Mỹ và Việt Nam trong nhiệm kỳ tổng thống có thể thay đổi không, nếu như Mỹ thay tổng thống ?
Huỳnh Thục Vy: Em nghĩ rằng, các cuộc bầu cử ở Mỹ hay là chính thể dân chủ ở Mỹ là một tấm gương rất lớn đối với những người đang đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt Nam. Và em nghĩ rằng, nhiều người rất thích thú đối với những vấn đề trong một chính thể dân chủ như thế, nhưng mà việc xây dựng một xã hội dân chủ ở Việt Nam thì có đặc sắc riêng, tại vì chúng ta có những văn hóa riêng, có những khác biệt. Nên là cái nền dân chủ Mỹ không ảnh hưởng gì đến việc đấu tranh cho dân chủ và tự do ở Việt Nam.
Trở lại vấn đề nhân quyền, chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Việt Nam, thì em nghĩ dù ông này hay ông kia lên thì cũng không giải quyết được vấn đề gì. Tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn không có gì cải thiện đáng kể. Dù có một vài áp lực khiến họ nới tay một chút, thì tình hình Việt Nam vẫn không có khởi sắc chút nào.
Em nghĩ là, tình hình Việt Nam trước tiên phải do lực lượng đối lập Việt Nam quyết định, và tiếp theo sau đó là một điều kiện, mà chúng ta gọi là « thiên thời » cho cuộc chuyển hóa dân chủ ở Việt Nam là Biển Đông. Vấn đề mà người Mỹ sẽ hành xử thế nào, có lợi cho việc thay đổi chế độ độc tài ở Việt Nam thế nào thôi.
Cũng về ảnh hưởng của chính sách của chính quyền Mỹ tới đến các hoạt động vì dân chủ và quyền con người tại Việt Nam, sau đây là một số suy nghĩ của nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Minh từ Hà Nội:
Hoàng Đức Minh: Tôi thì khá quan tâm (chủ đề này) dưới góc độ của tự do báo chí, vì tôi làm rất nhiều trong việc vận động chính sách và truyền thông cho giới trẻ ở Việt Nam. Có thể nói là, nhiều người trông đợi hơn, nếu là ông Romney lên thì Mỹ sẽ có chính sách mạnh hơn đối với Việt Nam, chẳng hạn phản đối mạnh hơn đối với những vụ xử gần đây, ví dụ như với Tạ Phong Tần, hay với blogger Điếu cày... Tuy nhiên, tôi cho rằng những can thiệp với bên ngoài, về vấn đề dân chủ ở Việt Nam nói chung là sẽ không hiệu quả. Nó cũng tương tự như những cuộc biểu tình ở trong nước Mỹ cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều lắm đến chính sách chiến tranh của Mỹ ở các nước, như trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Thì chúng ta thấy, ở nước Mỹ có rất nhiều cuộc biểu tình như vậy, nhưng chúng ta vẫn thấy, chiến tranh kéo dài hàng chục năm trời.
Tôi cho rằng, các can thiệp từ phía Liên minh Châu Âu, hay Mỹ đối với phong trào dân chủ Việt Nam có lẽ chỉ đẩy tình trạng mâu thuẫn ở trong nước trở nên gay gắt. Tôi thấy rằng vấn đề dân chủ ở Việt Nam, Việt Nam có thể giải quyết được, nếu chúng ta có tích lũy đủ để về các yếu tố điều kiện, có thể là ví dụ như tự bản thân Nhà nước có những chính sách ôn hòa hơn, hoặc là có những cuộc đấu tranh từ phía trong nước.
Romney: Chính sách về biến đổi khí hậu rất tệ hại
Cá nhân tôi, nhìn về góc độ về môi trường và biến đổi khí hậu, thì thực sự là tôi không muốn ông Romney lên một tí nào. Chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu của ông Romney có thể nói là rất tệ. Ông này muốn tái khởi động xây đường dẫn dầu Keystone, rồi muốn khởi động lại các nhà máy liên quan đến than hay năng lượng hạt nhân, trong khi ông Obama là người rất ủng hộ các chính sách liên quan đến các chính sách phát triển bền vững, rồi năng lượng và an sinh xã hội.
Thực sự mà nói, thì ông Obama không làm được nhiều lắm trên những gì mà ông ấy hứa. Tuy nhiên, giữa hai lựa chọn, có lẽ là ông Obama là một lựa chọn tốt hơn. Mặc dù đó không phải là «the good choice», mà là «the best one».
Thời điểm hiện tại: Can thiệp quân sự là không sáng suốt
Cái chính sách quân sự của Mỹ nói chung làm tôi lo ngại. Đặc biệt là Mỹ chi rất nhiều tiền cho hệ thống quân sự của họ. Mặc dù chính sách của Obama khá là ôn hòa, nếu nhìn vào chiều dài lịch sử của nước Mỹ. Tôi rất lo ngại ông Romney lên, với những chính sách của ông ấy. Chính sách của ông Romney là cứng rắn hơn Obama rất nhiều, như đối đầu trực tiếp và mạnh mẽ với Trung Quốc, rồi vấn đề ở Syria... Có lẽ là hai vị tổng thống này không nói nhiều lắm đến việc can thiệp tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, cả hai ông Romney và Obama có lẽ đều đồng ý chuyển hướng quân sự từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Có lẽ Việt Nam cũng được hưởng lợi khi Mỹ tăng cường quân sự ở đây, để đối trọng với Trung Quốc.
Tuy nhiên, tôi phải nói rằng, bất cứ can thiệp quân sự nào trong thời điểm hiện tại có lẽ là không sáng suốt, vì tình hình tương đối nhạy cảm. Có lẽ là, bối cảnh chiến tranh hiện đại bây giờ so với cách đây 20, 30 năm, khi các bên đều có vũ khí hạt nhân, tàu ngầm, hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều. Cá nhân tôi vẫn ủng hộ những bước đi hòa bình là nhiều hơn. Hơn nữa là tình thế của Mỹ cũng không thể nào là bá chủ thế giới được nữa, hay có thể nói là (không) đứng ra lãnh đạo thế giới (được nữa). Trong khi đó, ông Romney vẫn cứ đi theo “giấc mơ nước Mỹ”, “ước mơ nước Mỹ”, cho rằng mình có thể can thiệp vào mọi thứ, thì tôi thực sự là không muốn điều ấy.
Giải quyết hậu quả chiến tranh: Việt Nam rất cần Mỹ hợp tác
Chính sách của một tổng thống mới được bầu lên và một số thay đổi trong Quốc hội Mỹ không chỉ có ảnh hưởng này hay khác đến an ninh tại Biển Đông, thực trạng dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, hay mà còn có tác động đến một loạt các quan hệ hợp tới Mỹ - Việt trong lĩnh vực nhân đạo, văn hóa, giáo dục… Sau đây là ý kiến của chị Nguyễn Thu Thảo, một người làm việc nhiều năm trong lĩnh vực giải quyết các hậu quả chiến tranh tại Việt Nam.
Nguyễn Thu Thảo: Tôi làm việc cho một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, gọi là quỹ Cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam. Chúng tôi tập trung rất nhiều vào việc giải quyết các hậu quả sau chiến tranh, cụ thể như khắc phục bom mìn, người khuyết tật, dioxin - chất độc da cam… Tôi quan tâm đến cuộc bầu cử này, ai là người trúng cử, đảng nào chiếm đa số trong Thượng viện, đảng nào trong Hạ viện. Bởi vì việc này ảnh hưởng thực sự đến chính sách đối ngoại với Việt Nam, trong đó có một phần nhỏ thôi, nhưng quan trọng là: Liệu chính phủ Mỹ có duy trì chính sách hỗ trợ với Việt Nam trong việc giải quyết các hậu quả của chiến tranh hay không?
Chúng ta biết là các hậu quả chiến tranh để lại ở Việt Nam còn rất nhiều, nhiều thập kỷ nữa chúng ta mới có thể giải quyết được. Và chúng ta rất cần sự hợp tác của Mỹ trong lĩnh vực này. Trong những năm vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã làm việc hết sức tích cực với Việt Nam. Tôi rất hy vọng, chính sách đó sẽ được tiếp tục duy trì trong thời gian tới, dù là tổng thống nào trúng cử. Cá nhân tôi mà nói, nếu tổng thống Obama tái đắc cử, thì việc duy trì chính sách tái cân bằng của Obama sẽ được đẩy mạnh trong khu vực. Mà điều đấy, tôi nghĩ, sẽ đóng vai trò rất hữu ích trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ với Việt Nam trong khu vực.
Nền dân chủ Mỹ: Kết quả của rất nhiều nỗ lực, hy sinh
Để khép lại tạp chí Cộng đồng hôm nay, về chủ đề giới trẻ Việt Nam với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, chúng tôi xin giới thiệu tiếng nói của nhà nghiên cứu trẻ Phạm Hồng Sơn. Sau đây là một số chia sẻ của anh Sơn về một số cảm nghĩ của anh chiều nay, đúng vào thời điểm kết quả bầu cử vừa được công bố, với phần thắng thuộc về tổng thống mãn nhiệm Obama.
Phạm Hồng Sơn: Vào thời điểm này, tôi có những cảm xúc pha trộn nhất định. Ví dụ như, nếu chúng ta đặt địa vị của mình là một người Mỹ, chúng ta sẽ thấy rất vui, vì cuộc bầu cử, không có trục trặc gì xảy ra tới tận bây giờ. Vừa rồi, tôi biết ông Mitt Romney có phát biểu lời chúc ông đương kim tổng thống Obama tái đắc cử.
Nhưng còn về phía tình cảm người Việt đang sống trong nước Việt Nam, tôi có cảm thấy hơi… phải nói thực là rất chạnh lòng, vì chúng ta hiện nay đang sống trong một thế giới con người ngày càng liên đới với nhau, và thông tin ngày càng gần gũi, ngày càng chặt chẽ, thì sự tương phản rất lớn. Ngay sáng nay, tại Hà Nội, tôi biết rằng, có nhiều người dân Việt Nam, đang rất khổ, họ phải đi ở đường, viết chữ lên người, với những câu, những từ ngữ rất đau xót, tức là những câu có tính chất kêu cứu, nói lên sự oan ức của họ. Nhưng mà họ luôn bị giới chức thẩm quyền của Nhà nước xua đuổi, thậm chí bắt bớ.
Một điểm nữa là, mình phải thừa nhận là nước Mỹ là một đất nước có rất nhiều đặc thù, về mặt lịch sử, về mặt địa lý, về mặt văn hóa… nhưng mà mình cũng phải thấy rằng đất nước Việt Nam mình có một lịch sử 4.000 năm, và nói về mặt truyền thống, chúng ta có rất nhiều cái đáng tự hào. Nhưng mà thực sự ra mà nói, chúng ta cần phải suy nghĩ lại, thì mới có thể phát triển được.
Một điểm nữa tôi cũng hình dung ra hiện nay là, tại nước Mỹ có khoảng gần 2 triệu người Việt đang sống và làm việc tại đó, và rất nhiều người đã tham gia cuộc bầu cử vừa rồi. Tôi chạnh nghĩ lại là, có rất nhiều người đang sống ở Mỹ hiện nay đã từng bị cáo buộc phản bội tổ quốc, từ bỏ đất nước, đến một nơi gọi là chế độ thù địch, nơi được coi là một chế độ dã man, phản tiến bộ, nhưng hiện nay, thực tế họ lại đang được hưởng những quyền con người rất cơ bản, mà chúng ta thấy rằng họ có thể nêu lên những chính kiến, tiếng nói, bất kể họ nghĩ như thế nào, mà không bị sợ một đe dọa nào. Ngược lại, chúng ta đang là những người ở trong nước, đất nước mà chính quyền luôn cho rằng là ưu việt, thì chúng ta lại không được hưởng cái quyền tối thiểu đó.
Nhưng mà tôi nghĩ rằng, nếu nhìn bao quát hơn nữa, có thể nói rằng, những gì mà người dân Mỹ, cũng như người Việt – những người Mỹ gốc Việt – hiện nay đang được hưởng, thì không phải là sự ngẫu nhiên. Đấy là kết quả của một quá trình cũng rất cật lực. Người dân Mỹ và những người sống trên đất Mỹ, đặc biệt là giới trí giả Mỹ, họ có những suy tư, những cống hiến rất lớn, có thể nói là hy sinh quên mình cho sự nghiệp tiến bộ.
Tôi nghĩ rằng đất nước mình, nếu có một nỗ lực, nhất là giới trí giả, giới trí thức của chúng ta có một quyết tâm, thì cũng sẽ có những tiến bộ đó, tất nhiên là cần phải có thời gian.
Xin chân thành cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian cho chương trình và quý thính độc giả đã quan tâm.