Cần bao nhiêu thế hệ nữa - Dân Làm Báo

Cần bao nhiêu thế hệ nữa

Trần Văn Huỳnh (Danlambao) - "...Phải hy sinh bao nhiêu thế hệ nữa để có được tương lai mai sau tươi sáng? Hai thế hệ đầu tiên đã hy sinh tính mạng và xương máu cho tổ quốc rồi tiếp tục sống và cống hiến bằng sức lao động chân chính của mình. Nhưng hai thế hệ con, cháu của họ vẫn chưa được sống trong một hiện tại tốt đẹp. Họ sắp trở về với tổ tiên, nhưng vẫn chưa nhìn thấy được một tương lai tươi sáng, chí ít bằng một niềm hy vọng khả dĩ..."

*

Đang xem lại các bài viết của Thức, tôi đọc thấy câu chuyện ngụ ngôn con voi:

"Từ lúc còn rất nhỏ, voi con bị con người giữ chân bằng dây xích chặt vào cột. Vài lần nó cố giật bứng cái cột đi, nhưng sức bé làm nó thất bại. Từ đó định hình trong đầu nó một giáo điều là nó không thể làm được điều đó. Sức vóc nó lớn nhanh, nhưng đầu óc nó vẫn xơ cứng với giáo điều như vậy. Nó đã lớn đến mức thừa sức hất phăng cây cột giữ chân nó lâu nay, nhưng sự xơ cứng đầu óc đã ngăn cản mọi suy nghĩ thay đổi của nó. Nó vẫn nghĩ mình không đủ sức để có được tự do mà nó hằng ao ước từ bé. Tệ hơn nữa là nó còn hàm ơn những người đã xiềng xích mình vì được cho ăn. Cuối cùng nó chết già và hài lòng với những lời thương tiếc và ca ngợi của chủ."

Ngày xưa, Thức thường dùng ngụ ngôn này để nói với các nhân viên công ty rằng phải luôn suy nghĩ độc lập và sáng tạo, đừng tự trói mình bằng thói quen “không thể” và xơ cứng của chính mình và bằng lối suy nghĩ lệ thuộc vào người khác. Giờ câu chuyện này xuất hiện trong các tài liệu của Con đường Việt Nam để kêu gọi thế hệ trẻ tư duy và hành động bằng chính mong muốn và khát vọng của mình để trở thành những con người tự do. Có như vậy nước nhà mới độc lập, dân tộc mới tự do, xã hội mới dân chủ, người dân mới thịnh vượng.

Đọc lại ngụ ngôn này khiến tôi phải giật mình cho chính mình. Đã gần 80 tuổi, được bao nhiêu năm mình thực sự là một người độc lập. Chắc hẳn là không nhiều. Không chỉ riêng mình mà đa số thế hệ của mình cũng vậy. Nếu không thì đất nước giờ đây đã phải rất thịnh vượng và văn minh rồi. Nhưng nếu mình tự an ủi rằng thế hệ của mình chấp nhận hy sinh vì tương lai mai sau thì cũng không thể trả lời được rằng mai sau ấy là bao nhiêu thế hệ nữa.

Tôi vừa đi thăm một gia đình tứ đại đồng đường còn đủ 4 thế hệ: ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu. Chủ gia đình là một phụ nữ đang điều trị ung thư giai đoạn cuối. Bà là một người phụ nữ kiên cường, đã chống chọi với căn bệnh này suốt 5 năm qua một cách mạnh mẽ, không để nó khuất phục mình thành người vô ích. Bà là một đảng viên, là con của một liệt sĩ hy sinh khi bà còn rất nhỏ. Mẹ bà ở vậy nuôi con thờ chồng đến tận bây giờ. Chồng bà đã từng là một người lính rồi trở thành thương binh hạng 4/6 thời kỳ chống thực dân Pháp, nhưng vẫn vượt lên sự nghiệt ngã để trở thành giáo sư dạy đại học. Năm nay ông đã hơn 80 và là một đảng viên gần 60 năm tuổi đảng. Con trai duy nhất của bà là một tù nhân chính trị đã ra tù nhưng đang bị quản chế. Trong 3 năm con trai ở tù, bà dù đã bị ung thư nặng nhưng vẫn đều đặn đi thăm con và vẫn gánh trọng trách trong gia đình. Bà là người khẳng khái đến mức hay làm người khác khó chịu một cách không cần thiết, nhưng sự thẳng thắn của bà cũng khiến cho các quan chức địa phương kiêng dè. Giờ thể chất đã kém lắm rồi nhưng ánh mắt bà vẫn tinh anh. Bà kể về những việc bà đấu tranh với sự nhũng nhiễu hành chính, với những sự bất hợp lý trong các chính sách ở cơ quan. Bà tự hào về đứa con trai duy nhất của mình thừa hưởng tính cách không chấp nhận sự ngang trái giống mình nên đã dấn thân tranh đấu với chúng. Nhưng giờ bà lại lo lắng cho con trai vì nghĩ rằng không thể thay đổi những cái xấu ấy được nữa.

Bà kể trước khi con trai ra tù, đại diện của cơ quan chức năng nói bà nên khuyên nhủ anh ấy trở về hãy chí thú làm ăn mà lo cho gia đình, chăm sóc cha mẹ già, đừng “chính trị, chính em” gì nữa mà lại rước họa. Vì thương con bà cũng đã khuyên anh như thế, có lúc còn gây áp lực. Bà chính là mẹ của Lê Thăng Long.

Long dù rất yêu thương mẹ và gia đình nhưng vẫn quyết định tiếp tục con đường mình đã chọn. Mẹ Long nói rằng bà đã rất buồn và lo lắng, không khí gia đình đã có lúc rất căng thẳng dù Long mới đoàn tụ chỉ vài tuần. Nhưng Long đã kiên trì thuyết phục để gia đình hiểu những gì mình làm. Rồi Long lấy câu chuyện ngụ ngôn con voi kể trên để nói rằng không muốn cha mẹ mình, mình và con cái mình và bao nhiêu người dân khác nữa phải sống và chết theo một kiếp như vậy. Gia đình cuối cùng rồi cũng chấp nhận những gì Long đã lựa chọn.

Nhưng cũng kể từ đó, áp lực lại đến từ bên ngoài. Dịp kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ năm nay, khoảng hơn một tháng sau khi Long phát động phong trào Con đường Việt Nam, chính quyền địa phương đã không đến nhà thăm hỏi và tặng quà cho bà ngoại Long, ba Long như vẫn làm đầy đủ những năm trước. Mẹ Long đã rất giận dữ gọi ra phường hỏi lý do thì họ mới xin lỗi và bảo là thiếu sót, hôm sau cho người đến. Bà nói rằng còn nhiều áp lực khác mà nó vô hình nên chẳng biết đầu mối ở đâu mà hỏi cho ra lẽ.

Tháng trước Long trình diện ở phường theo thủ tục hàng tháng dành cho người bị quản chế. Long kể rằng những người của cơ quan an ninh xuất hiện bất ngờ ở đó yêu cầu Long làm việc với họ mà không hề hẹn trước. Long từ chối và nói rằng phải về nhà chuẩn bị cho mẹ vào bệnh viện vì đang rất nguy cấp. Nhưng họ kiên quyết không cho Long về trừ khi Long tuyên bố từ bỏ phong trào Con đường Việt Nam, Long đã bác bỏ yêu cầu đó nên họ giữ Long lại chỉ để trả lời những câu hỏi của họ trong mấy giờ liền. Mục tiêu cũng không ngoài việc gây áp lực. Nhưng Long vẫn tiếp tục con đường của mình.

Tôi hỏi Long: “Cháu có bao giờ thấy hối tiếc vì con đường đã chọn không?” Long trả lời: “Không bác à. Thỉnh thoảng có buồn nhưng hối tiếc thì không. Cháu chọn con đường làm người chứ không chọn con đường làm voi!”, rồi cười rất vui.

Đất nước này rất nhiều gia đình với nhiều thế hệ như vậy. Phải hy sinh bao nhiêu thế hệ nữa để có được tương lai mai sau tươi sáng? Hai thế hệ đầu tiên đã hy sinh tính mạng và xương máu cho tổ quốc rồi tiếp tục sống và cống hiến bằng sức lao động chân chính của mình. Nhưng hai thế hệ con, cháu của họ vẫn chưa được sống trong một hiện tại tốt đẹp. Họ sắp trở về với tổ tiên, nhưng vẫn chưa nhìn thấy được một tương lai tươi sáng, chí ít bằng một niềm hy vọng khả dĩ. Bà ngoại Long đã hơn 90 tuổi, đã sống và chứng kiến cả một thời kỳ dài lịch sử hy sinh của dân tộc trải qua nhiều chế độ từ thời Pháp thuộc, giờ vẫn phải chịu những áp lực xảy đến với cháu mình và cả gia đình mình.

Nhưng có lẽ đó chính là sự khởi đầu cho những điều tốt đẹp. Nếu Lê Thăng Long chọn con đường sống yên thân, phì gia thì Long đã vào đảng, rồi dựa vào lý lịch gia đình mà thăng quan tiến chức. Long kể hồi học đại học Long cũng từng nghĩ như vậy nên rất tích cực hoạt động đoàn và trở thành sinh viên đầu tiên làm bí thư đoàn của toàn khoa Điện đại học Bách khoa Tp HCM. Nhưng Long đã sớm từ bỏ con đường đó sau khi ra trường và làm cho một doanh nghiệp nhà nước rất lớn. Long nhận ra nếu tiếp tục con đường đó thì mình phải chấp nhận nhiều sai trái, nhiều lúc còn phải luồn cúi. Long rời bỏ nó đi làm cho một công ty liên doanh, rồi sau đó thành lập doanh nghiệp cùng với Thức và trở thành doanh nhân. Và dấn thân.

Một con đường khó khăn nhưng nó cho họ được sống đúng với mong muốn và khát vọng tự do của mình. Dù khó khăn nhưng ngày càng có nhiều người chọn đi trên con đường đó. Những thế hệ đàn anh lớn hơn Long như Nguyễn Văn Hải, nhỏ hơn như Việt Khang và cả những thế hệ còn rất trẻ có thể gọi Long hàng chú bác như Phương Uyên. Đã và sẽ còn rất nhiều người nữa bước vào con đường đó dù biết rằng thân xác mình có thể bị cầm tù nhưng tinh thần mình mãi được tự do. Và đó chính là những đoạn khởi đầu không thể thiếu cho một con đường để đi đến với tự do, dân chủ, thịnh vượng và văn minh cho cả một dân tộc.

Lịch sử đã cho thấy mỗi cá nhân thiếu tự do thì cả dân tộc không thể không lệ thuộc, nô lệ và phải hy sinh triền miên từ thế hệ này đến thế hệ khác mà vẫn không thể có được một hiện thực tốt đẹp. Tương lai thì bất định với những hy vọng tươi sáng được gửi gắm từ đời này qua đời khác.

Rồi để tìm chút an ủi trước khi trở về với cát bụi thì đành lòng chấp nhận như chuyện con voi.

Do vậy cần bao nhiêu thế hệ nữa để được sống trong dân chủ và thịnh vượng tùy thuộc vào suy nghĩ và hành động tự do của các thế hệ hiện tại, nhất là thế hệ trẻ.

Trần Văn Huỳnh


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo