Đào Tuấn - Trước nghị trường, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang hùng hồn khẳng định: “Luật mới điều chỉnh theo hướng thu hồi đất của dân không được tùy tiện, Nhà nước không thể dùng quyền của mình muốn thu hồi là thu”. Lời hứa này nghe thật thích, nhưng lại rất quen.
Đã có gần hơn 1,2 triệu đơn thư khiếu tố, với gần 70% trong đó là những khiếu tố về đất đai. Con số, có thể tính trên tỷ lệ phần trăm dân số (mà là một số dân gần 90 triệu người)- đáng lẽ rất bất bình thường ấy, sáng nay, được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH thông báo trước QH chỉ như một con số. Và thuần túy chỉ là một con số.
Sự thuần túy giống hệt với người dân thủ đô đã quá quen với cảnh những đoàn khiếu tố đất đai lôi thôi lếch thếch lê lết trên đường phố hoặc vạ vật trước các công sở ngay trong khi QH đang họp.
Nguyễn Minh Quang |
Nhưng những bức xúc, oan ức, thậm chí những nỗi đau của người dân mất đất trong thực tế thì lại không hề thuần túy. Đó là hình ảnh của những người phụ nữ “khỏa thân giữ đất” ở Cái Răng. Đó là những vành khăn trắng ở Vụ Bản. Và đó là những giọt nước mắt của những người đàn ông không còn sinh kế do mất đất.
Trước Quốc hội ngày hôm qua, ĐBQH Đoàn Nguyễn Thùy Trang nói về những giọt nước mắt của một người đàn ông làm nghề lượm ve chai. Không khó để hình dung những giọt nước mắt oan ức và bất lực khi cả nhà ông bị hốt lên chung cư tầng 10, mất toàn bộ sinh kế. Trong khi đất bị thu hồi thì DN đang để hoang.
Trong phiên thảo luận về đất đai, đã có một từ gây phản ứng gay gắt trong các phát biểu nghị trường. Không khó để nhận ra. Đó là từ “thu hồi”. Ủy viên ủy ban KT Trần Du Lịch nói thẳng ruột ngựa: Nhà nước chỉ có quyền trưng thu, trưng dụng hay tiên mại chứ không thể là thu hồi. Hai chữ “thu hồi” nó cưỡng từ đoạt lý đến nỗi ông Lịch bình luận “Chẳng ai như Việt Nam”. ĐBQH Lê Trọng Sang thậm chí dẫn nghị quyết TƯ cho rằng: Đảng coi (đất đai) là hàng hoá đặc biệt. Vì vậy, không thể gọi là thu hồi khi người dân đang sử dụng tài sản một cách hợp pháp. Cụm từ “thu hồi” như sự cào bằng giữa người chấp hành tốt và người không tốt. ĐBQH Lê Thị Nga phân tích: Cơ chế thu hồi căn cứ theo Luật Dân sự. Theo Hiến pháp, quyền sử dụng đất lại là tài sản và tài sản của cá nhân không bị quốc hữu hóa. Trường hợp vì lợi ích quốc gia, phục vụ an ninh, quốc phòng thì phải trưng dụng, trưng mua có bồi thường. “Chúng ta đã vượt qua khỏi Hiến pháp nên cần phải cân nhắc”- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH khẳng định.
Đang có những xung đột về mặt pháp lý, về đạo lý xoay quanh 2 chữ “thu hồi”.
Bởi “Thu hồi” đất động chạm rất nhiều đến quyền lợi của người dân. Bởi “thu hồi” trong thực tế là việc biến những người dân mất đất trở thành “nạn nhân của sự phát triển”.
Bởi “thu hồi” chứa đầy sự bất bình đẳng giữa một bên là nhóm lợi ích vũ trang bằng tiền và một bên là những người dân tay trắng.
Và còn bởi “thu hồi” chứa đựng thái độ của nhà nước, một nhà nước được xác định bản chất trong đạo luật gốc là “của dân, do dân và vì dân”- đối với chính những người dân của mình.
Dù có giải thích cách gì, hàng triệu lượt dân khiếu tố cũng là lỗi của nhà nước: Hoặc là việc giải quyết không đúng. Hoặc là vì người dân không phục.
Cũng trước nghị trường, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang hùng hồn khẳng định: “Luật mới điều chỉnh theo hướng thu hồi đất của dân không được tùy tiện, Nhà nước không thể dùng quyền của mình muốn thu hồi là thu”. Bởi “Tư lệnh ngành đất” cũng nhận ra rằng: Chính sự tùy tiện vừa qua mới dẫn đến tình trạng đất để hoang, lần này phải khắc phục bằng được.
Lời hứa hẹn này nghe thật thích, nhưng cứ quen quen, như bao năm nay người dân vẫn được nghe. Hình như mọi việc chưa bao giờ được giải quyết chỉ bằng những lời hứa.