Dương Trung Quốc (TP) - Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) được thông qua cách đây 7 năm. Lúc đó không khí trong Quốc hội (QH) và toàn dân đều phấn khởi hy vọng chúng ta rèn một thanh Thượng phương bảo kiếm để phen này dẹp tan quốc nạn.
Đến nay quốc nạn dường như ngày càng trầm trọng. Cũng giống như chống dịch bệnh, khoanh được nơi dịch bệnh cư trú là đã thành công hơn nửa. Tham nhũng chỉ có ở những người có quyền, cụ thể hơn là có quyền định đoạt tài sản công, ngân sách, đất đai, dự án…
Hồi đó tôi có rút tít cho bài phát biểu của mình bằng câu điệp khúc thiêng liêng “đấu tranh đây là trận cuối cùng”.
Vậy mà trận cuối cùng trường kỳ đã 7 năm vẫn chưa có thành quả. Những kiểm điểm nghiêm khắc và thẳng thắn vừa qua của Đảng và quyết sách phê bình và tự phê bình nói lên rằng luật hiện hành đã không có hiệu quả.
Để sửa luật phải đánh giá cho đúng Luật PCTN năm 2005 và nếu dũng cảm thừa nhận rằng đã thất bại thì mới mong sửa thành công.
Thất bại dường như đã được báo trước, bởi năm 2005 khi thảo luận dự luật thì ngoài xã hội và ngay trong diễn đàn QH nhiều lần nhắc đến thành ngữ “vừa đá bóng, vừa thổi còi” - khi đưa ra cơ chế đứng đầu cơ quan chỉ đạo PCTN là cơ quan hành pháp.
Nhìn lại 7 năm qua, việc chống tham nhũng tựa như đánh trận giả, kế hoạch tác chiến rất hoành tráng, lực lượng huy động rất hùng hậu, mệnh lệnh ra quân rất dứt khoát và lại được nhân dân cổ vũ mạnh.
Khi lâm trận súng nổ rất to mà không sát thương được ai vì đạn không có đầu. Quan trọng hơn là quân xanh hay quân đỏ đều là quân ta cả. Chỉ có một số vị vụng về nên bị lộ hay bị dư luận báo chí phát hiện mới bị xử lý.
Từ 92 điều hiện hành, Luật sửa đổi nâng lên thành 102 điều, trong đó dành rất nhiều cho việc thực hiện sự minh bạch, công khai, nội dung rất chi tiết, nhưng tính khả thi vẫn còn là một dấu hỏi.
Thử hỏi vào thời điểm này có nhân viên cơ quan nào công khai đọc bảng kê khai tài sản của sếp, tìm tòi, phát hiện để yêu cầu sếp cung cấp thông tin mà vẫn giữ được chỗ làm việc của mình?
Thực tế có muốn tìm tòi cũng khó vì chúng ta đang sống trong một nền tài chính lạc hậu, tiêu tiền mặt, chưa hề quản lý và đánh thuế tài sản, lại thêm những mối quan hệ xã hội nhằng nhịt đến mức yêu cầu phải bắt tận tay, day tận trán việc đưa tiền mặt cho nhau thì mới đủ quy kết về tội hối lộ. Do vậy, mọi sự minh bạch quy định trong luật là điều khó thực hiện.
Nói như vậy không phải là bó tay. Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi lần này chúng ta vẫn chưa quan tâm, khai thác nhân tố mà trong mọi tổng kết đều đã thừa nhận.
Đó là vai trò của dư luận xã hội nói chung mà hạt nhân là báo chí. Điều bổ sung trong dự thảo lại quy định cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp nội dung thông tin tài liệu theo yêu cầu của người đứng đầu Viện kiểm sát và Tòa án cùng cấp để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng y như đối xử với người dưới quyền.
Trong khi đó, không hề có biện pháp bảo vệ an toàn cho các nhà báo, cơ quan báo chí. Đáng ra phải là sự cộng tác có trách nhiệm thì trong luật lại là sự ràng buộc như điều kiện, khiến cho tốt nhất là các nhà báo đừng dính vào đấu tranh chống tham nhũng, vừa nghỉ cho khỏe, vừa tránh được những cạm bẫy nguy hiểm.
Nói cách khác, nếu chúng ta nhận thấy vũ khí sắc bén của báo chí thì thay vì mài cho sắc nay ta lại rũa cho cùn. Nhất là khi những biện pháp để bảo vệ nhân chứng hầu như chưa được khuyến khích để người dân có trách nhiệm vào cuộc.
Tóm lại, điểm mấu chốt để cho lần sửa đổi này mang lại hiệu quả thiết thực - dù không ảo tưởng nó sẽ giúp chúng ta diệt tham nhũng đến tuyệt chủng ngay lập tức - thì phải có một đầu não trong sạch, kiên cường như hình tượng lý tưởng trong dân gian là nhân vật Bao Công.
Phải mở ra một mặt trận rộng rãi để các tầng lớp nhân dân trong đó có báo chí vào cuộc. Đồng nghĩa, phải củng cố lòng tin thì mới vào trận được. Đáng tiếc là điều này chưa thấy rõ trong bản dự thảo sửa đổi.
Dương Trung Quốc