Thủy điện Sông Tranh 2: 5.100 tỉ đồng và 40.000 sinh mạng - Dân Làm Báo

Thủy điện Sông Tranh 2: 5.100 tỉ đồng và 40.000 sinh mạng

NLĐ - Trước khi có thủy điện Sông Tranh 2, khu vực này chỉ xảy ra 8 trận động đất. Đến khi có thủy điện này, trong vòng 1 năm, từ ngày 3-11-2011 đến 15-11-2012, khu vực này xảy ra hơn 70 trận động đất

Thủy điện Sông Tranh 2 bắt đầu được dư luận cả nước chú ý vào những ngày cuối tháng 3-2012, khi nơi đây xảy ra sự cố nước tràn qua thân đập, rò rỉ với lưu lượng lớn, sau đó là tình trạng động đất liên tiếp xảy ra ở huyện Bắc Trà My và dư chấn lan ra nhiều vùng lân cận.

Ở vị trí nguy hiểm

Trong khi các chuyên gia bắt đầu lên tiếng về những lỗi thiết kế, thi công thì tại cuộc họp ở Quảng Nam, ông Trần Văn Hải, Trưởng Ban Quản lý dự án thủy điện 3, tuyên bố: “Hiện tượng rò rỉ nước của đập chính thủy điện Sông Tranh 2 là do có vấn đề về lỗi kỹ thuật “tắc đường ống thoát nước của các khe nhiệt” trong quá trình thi công”.

Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - Quảng Nam: “Việc đập chính thủy điện Sông Tranh 2 an toàn hay không chỉ có Ban Quản lý dự án thủy điện 3 biết rõ nhất nên phải công khai rõ ràng chứ không được giấu giếm nữa”. Nhiều chuyên gia cho rằng sai lầm đáng tiếc nhất của dự án thủy điện Sông Tranh 2 là đã đặt đập vào vị trí rất nguy hiểm, nơi giao điểm của nhiều đứt gãy và các họng núi lửa đang tái hoạt động.
Người dân huyện Bắc Trà My - Quảng Nam chạy ra khỏi nhà để tránh động đất. Ảnh: HOÀNG DŨNG

Ngày 27-3, kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, khẳng định Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát đi thông cáo báo chí cho rằng đập chính thủy điện Sông Tranh 2 không có vết nứt, vẫn an toàn là vội vàng, thiếu khách quan và không thuyết phục.

Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ - ngành có thẩm quyền sớm kiểm tra, đề xuất giải pháp xử lý triệt để việc thấm nước qua đập chính thủy điện này, đồng thời kiểm tra tổng thể để đánh giá độ an toàn vận hành đập; lắp đặt hệ thống quan sát động đất và nghiên cứu chi tiết về các tai biến địa chất khác liên quan để đưa ra những kiến nghị thích hợp cho việc vận hành Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2.

Thần kinh thép cũng “chảy nước”

Trong khi việc khắc phục sự cố rò rỉ đang tiến hành thì tình trạng động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 lại gia tăng. Theo Viện Vật lý địa cầu, trước khi có thủy điện Sông Tranh 2, khu vực này chỉ xảy ra 8 trận động đất. Thế nhưng, sau khi có thủy điện, từ ngày 3-11-2011 đến 22-10-2012, khu vực này xảy ra 66 trận động đất (trong đó có 2 trận mạnh 4 độ Richter và 4,7 độ Richter; riêng trận động đất ngày 22-10 có cường độ 4,6 độ Richter). Trong tuần đầu tiên của tháng 11-2012, có 10 trận động đất mức độ nhẹ; đến ngày 15-11, xảy ra động đất 4,7 độ Richter, dư chấn lan ra đến Đà Nẵng và Quảng Ngãi.
Tròn 1 năm, hơn 70 trận động đất xảy ra, làm sao người dân có thể yên tâm? Sợ động đất dẫn đến thủy điện vỡ, nhiều hộ dân xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My nằm phía dưới đập thủy điện Sông Tranh 2 đã dời nhà cửa vào rừng để ở. Tại cuộc tiếp xúc cử tri của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam tại huyện Bắc Trà My vào ngày 30-9, vấn đề được bàn luận căng thẳng nhất chính là thảm họa ẩn chứa từ công trình thủy điện Sông Tranh 2.

Ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, đề nghị: “Không ai học được chữ “ngờ” do thiên tai hết. Không cho thủy điện Sông Tranh 2 tích nước và hủy bỏ thủy điện này”.

Nhìn lại diễn biến ở Sông Tranh 2, tại nghị trường QH, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng: “Ở trong vùng luôn có động đất như vậy thì thần kinh thép cũng “chảy nước”, không tâm thần thì cũng điên loạn!”. 

Sinh mạng con người là vô giá

Khi người dân đã giảm lòng tin, không thể không nói đến trách nhiệm vì sao có cớ sự này và cách giải quyết để an dân. Bởi sinh mạng con người là vô giá, những thiệt hại hao tâm tổn trí, sinh hoạt đảo lộn của người dân khó tính ra bằng tiền. 5.100 tỉ đồng không thể so được với 40.000 sinh mạng người dân hạ lưu và các xã xung quanh.

Dư luận cả nước hoan nghênh quan điểm của lãnh đạo chính quyền, ĐBQH tỉnh Quảng Nam cùng nhiều ĐBQH khác khi luôn đặt quyền lợi người dân lên trên hết. Ngay từ những ngày đầu xảy ra sự cố, ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã khẳng định: “Chừng nào chưa có kết luận về sự an toàn của đập là còn nợ dân câu trả lời”.
ĐB Trần Xuân Vinh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh: “Nhân dân tin tưởng Đảng, QH và Nhà nước sẽ không vì số vốn đã đầu tư cho thủy điện Sông Tranh 2 mà quên đi quyền được sống của con người”. ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang) đưa tình huống động đất kích thích không chấm dứt và phương án xử lý chỉ có thể là phá bỏ đập hoặc di dời toàn bộ người dân trong vùng chịu ảnh hưởng.

Tuy nhiên, việc di dời toàn bộ người dân là điều rất khó thực hiện vì cần diện tích tái định cư lớn, kinh phí khổng lồ... “Đã xác định an toàn là số 1 thì cũng cần đến phương án phá bỏ đập thủy điện Sông Tranh 2, mặc dù sẽ mất trắng 5.100 tỉ đồng” - ông Lĩnh nói.

Kỳ tới: Ai chịu trách nhiệm?

Thủy điện Sông Tranh 2 có tổng mức đầu tư 5.194 tỉ đồng, xây dựng từ tháng 3-2006, 2 tổ máy với tổng công suất 190 MW, dung tích hồ chứa nước khoảng 730 triệu m3, thiết kế cao hơn vùng hạ lưu 100 m.

Bộ trưởng cũng không yên tâm

Trả lời ĐB Ngô Văn Minh tại phiên chất vấn ngày 13-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết căn cứ trên các thông số kỹ thuật thì hoàn toàn yên tâm nhưng nếu có yếu tố đặc biệt, động đất cao hơn 5,5 độ Richter thì nghiên cứu tiếp. ĐB Ngô Văn Minh cho rằng câu trả lời của bộ trưởng là “không thấy yên tâm” Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng kết luận: “Những câu trả lời của bộ trưởng không làm ĐB Ngô Văn Minh yên tâm và tôi cũng chưa yên tâm”.

Ngay sau khi trả lời chất vấn trực tiếp trước QH, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận: “Nếu mình ngồi dưới đó thì mình cũng không yên tâm”.

NHÓM PHÓNG VIÊN


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo