Người Dân Bình Dương (Danlambao) - Có những sự thật mà hằng chục năm nay, mặc dù người dân tha thiết yêu cầu, báo chí của nhà nước không bao giờ đăng tải, có lẽ vì bị cấm hoặc để giữ uy tín cho lãnh đạo đảng và nhà nước ta. Nhưng nếu một trang mạng nào đó giúp cho người dân lên tiếng thì chắc chắn sẽ bị coi là đưa tin bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật gây dư luận xấu, gây hoài nghi đối với lãnh đạo đảng, nhà nước. Sự thật vẫn cứ là sự thật. Và với những việc cụ thể như thế nầy thì đúng hay không đúng sự thật, rất dễ kiểm chứng. Đề nghị “Bộ Chính trị giao cơ quan chức năng tiến hành thẩm tra, xác minh, kết luận về từng vụ việc” (như ông thủ tướng đã phát biểu) và đưa kết quả lên báo chí cho nhân dân biết những sự việc nầy có phải là bịa đặt nhằm nói xấu cán bộ lãnh đạo hay không. Xin nói ngay vài việc:
1. Ngày 19-3-2003, ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc nầy còn là Phó Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Quốc hội tại tỉnh Bình Dương, đã ký công văn số 295/CP-CN “v/v đề án phát triển khu liên hợp công nghiệp dịch vụ đô thị Bình Dương”. UBND tỉnh Bình Dương cho rằng đây là cơ sở pháp lý để họ ra quyết định thu hồi 4.197 hecta đất và tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng làm khu liên hợp công nghiệp dịch vụ đô thị Bình Dương trong khi chưa hề có quy hoạch sử dụng đất và chưa có đề án được chính phủ phê duyệt; vi phạm trắng trợn luật đất đai của nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người bị thu hồi đất.
Hằng trăm đơn của người bị thu hồi đất gởi Thủ tướng từ năm 2003 liên tục tới nay khiếu nại việc nầy, yêu cầu cho biết tỉnh Bình Dương nói và làm như vậy là đúng hay sai, Thủ tướng chưa trả lời cho một tiếng nào cả.
2. Tháng 10-2004, ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc nầy còn là Phó Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Quốc hội tại tỉnh Bình Dương, đã đến dự lễ động thổ khởi công xây dựng khu liên hợp công nghiệp dịch vụ đô thị Bình Dương và đã khen tỉnh làm tốt, làm hay trong khi tỉnh chưa hề có quy hoạch sử dụng đất và chưa có đề án được chính phủ phê duyệt cho làm khu liên hợp nầy.
3. Vào ngày Chủ nhật 10-10-2004, ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc nầy còn là Phó Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Quốc hội tại tỉnh Bình Dương, đã đến làm việc với UBND tỉnh Bình Dương và đã “ủy quyền cho UBND tỉnh Bình Dương thực hiện một số việc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ”. Sau đó Văn phòng chính phủ đã ban hành văn bản số 201/TB-VPCP ngày 19/10/2004 để thông báo ý kiến nầy.
Phó Thủ Tướng mà lại phát biểu miệng để ủy quyền cho cấp tỉnh, thực hiện một số việc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (những chữ màu đỏ là trích nguyên văn kết luận thanh tra số 2623/KL-TTCP ngày 26-11-2008) rồi cho Văn Phòng ra văn bản truyền đạt lại. Chính việc làm vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc quản lý hành chánh nầy đã tạo điều kiện cho UBND tỉnh Bình Dương tha hồ thu hồi đất của dân và giao đất cho nhà đầu tư mà không cần kể gì đến các quy định hiện hành của pháp luật. Hành vi nầy của Ông Nguyễn Tấn dung có vi phạm pháp luật hay không?
4. Cũng chính ông Nguyễn Tấn Dũng lúc còn là Phó Thủ tướng, đại biểu quốc hội của tỉnh Bình Dương, đã ký quyết định 912/QĐ-TTg ngày 01/9/2005 phê duyệt “Đề án tổng thể đầu tư và phát triển Khu liên hợp công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị Bình Dương”. Lúc đó, quỹ đất sử dụng làm khu Liên hợp Bình Dương cũng chưa có trong quy hoạch sử dụng đất được duyệt, mà đến ngày 28/11/2007 mới được bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất bởi nghị quyết số 57/NQ-CP của Chính phủ
Theo quyết định phê duyệt nầy thì Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phải triển khai thực hiện đề án khu liên hợp theo luật đất đai 2003 và nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004. Nhưng UBND tỉnh Bình Dương cho rằng Ban quản lý dự án không áp dụng luật đất đai 2003 để đền bù cho các hộ dân là đúng quy định! Và mãi đến năm 2008-2009, chính quyền mới có quyết định bồi thường cho dân mà vẫn cứ tính theo nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ đã hết hiệu lực từ 2004. Thủ tướng vẫn dửng dưng coi như không có gì sai trái.
5. Nhân dân liên tục khiếu kiện, Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc. Mặc dù cố tình che đậy nhưng Thanh tra vẫn phải khẳng định hằng loạt những việc làm mang tính chất vô chính phủ, vô pháp luật của UBND tỉnh Bình Dương. Khi báo cáo lên Thủ tướng, ông chỉ phán bằng miệng cho một câu ngắn gọn để Văn phòng chính phủ chuyển đạt lại bằng văn bản số 213/VPCP-KNTC ngày 9-01-2009.
Đối với một sự việc vô cùng hệ trọng-báo chí lúc bấy giời gọi là những sai phạm động trời - mà Thủ tướng xử sự như vậy có khác gì vua chúa thời phong kiến sau khi nghe bọn nịnh thần tâu lên, phán cho một tiếng “trẩm y tấu” là xong chuyện. Hằng mấy ngàn hộ dân bị oan ức, thiệt thòi, sống chết thế nào cũng mặc kệ. Pháp luật có được chính quyền địa phương thực thi hay không cũng mặc kệ.
Chính cách xử lý của Thủ tướng đã khuyến khích chính quyền tỉnh Bình Dương tiếp tục cưỡng chế và đàn áp hằng trăm hộ dân để thực hiện các quyết định thu hồi đất được ban hành hoàn toàn trái pháp luật; đẩy bao nhiêu người vào cảnh màn trời chiếu đất từ bao năm nay mà không ai thèm ngó ngàng tới. Sai động trời nhưng không một cán bộ nào bị xử lý kỷ luật hay ra tòa để chịu tội; trái lại trưởng ban quản lý dự án khu liên hợp đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng bằng khen. Thủ tướng chống tham nhũng hay bao che cho tham nhũng?
6. UBND tỉnh Bình Dương cưỡng chế lấy đất của dân giao cho doanh nghiệp chờ phân lô bán nền, chờ xây biệt thự trong sân gôn để cho nước ngoài thuê... Người dân thì không còn đất để canh tác, không có nhà để ở. Thủ tướng lại chỉ đạo UBND tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư cho công ty Becamex, chủ đầu tư khu liên hợp công nghiệp dịch vụ đô thị Bình Dương, được quyền tự chủ trong việc kinh doanh cơ sở hạ tầng, quỹ đất đô thị, quỹ đất còn lại của các khu tái định cư. Ý kiến chỉ đạo nầy được Văn phòng chính phủ thông báo lại bằng công văn số 1878/VPCP-KTN ngày 25-3-2009. Vậy là một phần nhỏ diện tích đất được làm khu tái định cư, còn lại thì tha hồ phân lô, bán nền. Đất quy hoạch khu công nghiệp, cũng phân lô bán nền.Thị trường địa ốc đóng băng, thì bỏ hoang hằng ngàn hecta hoặc trồng cây tràm để giữ đất. Lấy của dân, bồi thường 30.000 đồng/ m2; bán lại từ 5.000.000 tới vài mươi triệu đồng/m2, lỗ lã gì mà phải sợ. Bỏ hoang càng lâu, dân càng giàu, nước càng mạnh!!!
Có phải như vậy là chính Thủ tướng đã dính líu từ đầu, Thủ tướng đã chủ trương cho tỉnh Bình dương xé rào làm trái pháp luật, trái chủ trương của nhà nước. Để bao che cho ông Thủ tướng, và để bảo vệ lợi ích của nhóm khai thác khu liên hợp nầy - lên đến hằng tỷ đô-la mà báo chí và các Ban ngành của trung ương đều phải im hơi lặng tiếng? Còn Thủ tướng thì không thể chủ trì kết luận và xử lý những sai phạm của tỉnh Bình Dương theo yêu cầu của nhân dân?
Về việc nầy, chúng tôi được biết người dân sau nhiều năm khiếu nại, đã có đơn tố cáo gởi cho Chủ tịch nước và Tổng bí thư đảng Công sản Việt Nam. Ông Trương Tấn Sang có cần đưa nội dung tố cáo nầy công khai lên mạng hay không? Hay là Bộ chính trị đã kết luận đây chỉ là những nội dung “bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật gây dư luận xấu, gây hoài nghi đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta”? Còn nếu đúng là Ông Nguyễn Tấn Dũng đã có những việc làm sai trái, mà nếu ông không thừa nhận để tìm cách sửa chữa, khắc phục hậu quả, trả lại sự công bằng và quyền lợi hợp pháp cho người bị cưỡng chế thu hồi đất, thì những lời xin lỗi, nhận khuyết điểm chung chung trước Quốc hội còn có ý nghĩa gì không?!
7-12-2012