Trần Bình (Danlambao) - Trong một cuộc gặp cử tri mới đây, đồng chí Lú lỡ miệng phát ra một câu rất khó nghe (đối với các “nhóm lợi ích" và những ai đỡ đầu) và rất đáng lo ngại (đối với nhân dân Việt Nam): “Rất khó để ai đó tự nhận ra khuyết điểm của mình, đụng đến lợi ích là va chạm, là phản ứng, nhất là khi lợi ích đã thành nhóm.”
Tuy đồng chí Lú không nói rõ “ai đó” là nhân vật nào, nhưng mọi người dân Việt Nam ngoài mấy đứa con nít lên ba đều biết là đồng chí Lú ám chỉ người nào. Vì chỉ có “ai đó” mới đủ sức làm cho đồng chí rớt nước mắt trong hội nghị TƯ 6 và than vắn thở dài trong mỗi cuộc gặp cử tri.
Có tật giật mình. Có vẻ như “ai đó” nghe đồng chí Lú nói hơi nặng lời mà thấy chột dạ. Vì vậy, trong cuộc gặp cử tri ở huyện Hồng Bàng, Hải Phòng, đồng chí X đã có phát biểu:
“Nhóm lợi ích là những nhóm người có chức có quyền, câu kết với nhau, vi phạm pháp luật làm phương hại đến lợi ích chung và lợi ích của người khác.”
Nhưng rồi đồng chí X lại phán tiếp một câu:
“Tuy nhiên, nếu đó là nhóm lợi ích mà đem lại lợi ích chung, không vi phạm pháp luật, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước và cá nhân thì phải phân biệt và ủng hộ.”
Nguyễn Tấn Dũng và Dương Chí Dũng |
À, thì ra đồng chí X muốn nhắn nhủ đồng chí Lú, anh đừng trách tôi lì lợm, không nhận lỗi, khăng khăng bảo vệ lợi ích nhóm của tôi, vì lợi ích nhóm của tôi là không vi phạm pháp luật, không ảnh hưởng đến quốc gia dân tộc. Phải nên ủng hộ chứ.
Thế là đã rõ mặt rồi nhé! Từ nay về sau, sẽ tồn tại những “nhóm lợi ích tốt” hiện diện công khai mà không ai được chỉ trích mà còn phải ủng hộ nhé. Anh Sang ơi, anh Lú ơi, các báo lề đảng, lề Dân ơi, từ nay về sau mỗi khi các ông đả phá “nhóm lợi ích” thì phải uốn lưỡi bảy lần đấy, và phải thêm các tính từ “tốt” và “xấu” vào để cho rõ ràng, khỏi phải đụng chạm tới các “nhóm lợi ích tốt” của tôi. Ít nhất là các ông phải chứng minh được là các nhóm lợi ích nào đã phạm pháp luật, làm phương hại tới lợi ích quốc gia và của người khác (một việc khó hơn lên trời trong một quốc gia toàn trị, làm gì cũng trong bí mật, thông tin không bao giờ minh bạch!). Nếu không thì hãy câm mồm, hãy để các nhóm lợi ích của tôi tha hồ tự tung tự tác nhé.
Trong nền kinh tế quái thai thị trường (tư bản) + định hướng XHCN (đảng CS cầm quyền) như ở VN hiện nay thì không có một “nhóm lợi ích” nào mà không dựa trên sự câu kết chặt chẽ của tiền (thị trường, đại diện là các tập đoàn, doanh nghiệp) và quyền (đảng cầm quyền, đại diện là các lãnh đạo của Chính phủ và các Bộ ngành từ to đến nhỏ: bắt đầu là Thủ tướng rồi đến các Bộ trưởng, Thứ trưởng, Giám đốc Sở, Trưởng Phòng, cộng thêm guồng máy cai trị của đảng và Nhà nước, từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đến Bí thư Tỉnh Ủy, Chủ tịch Tỉnh đến Bí thư, Chủ tịch Huyện, Xã... tất cả đều có quyền sinh sát đối với doanh nghiệp). Trong hệ thống kinh tế quái thai, bất cứ dự án to nhỏ nào muốn được việc đều phải có hai yếu tố “tiền” và “quyền” móc ngoặc chặt chẽ với nhau. Các nhóm lợi ích “tốt” không hại dân hại nước mà đồng chí X đề cập chắc chỉ tồn tại trong giấc mơ của mỗi người dân Việt Nam hoặc trong một nền kinh tế thị trường thật sự không bị chi phối bởi hệ thống quyền lực, chẳng hạn như ở các nước dân chủ phương Tây.
Ở nước ta thì khác, tìm một “nhóm lợi ích tốt” tay không dính chàm có thể ví như mò kim đáy biển. Bao nhiêu năm qua, đất nước tan hoang, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, rừng đại ngàn bị đốn sạch để trồng cao su, cà phê hoặc làm thủy điện đến nỗi sông ngòi bị chia cắt, nguồn nước bị cạn kiệt, đất nông nghiệp - nguồn sinh kế duy nhất nông dân - bị cướp giữa ban ngày để làm địa ốc, đô thị “sinh thái”. Tất cả không phải là do những dự án béo bở trong đó có sự câu kết chặt chẽ giữa “quyền” và “tiền” thì là gì?
Đinh La Thăng & NTD |
Có thể nói rằng không Bộ ngành nào, không ông Giám đốc sở, ông Trưởng phòng hay Bí thư Tỉnh hay ông Chủ tịch Huyện nào mà bàn tay không “dính chàm”, dính rất nhiều là đằng khác, nhưng do thông tin rất ít, rất khó để kiểm tra vì các “quan” “ăn” rất khéo, rất giỏi, rất có kinh nghiệm. Chỉ khi nào các “quan” đã về hưu - “hạ cánh an toàn” thì mới bị moi móc phanh phui ra cho có lệ gọi là chống tham nhũng, chừng đó coi như việc đã rồi, chỉ cần một lời xin lỗi (trường hợp Đặng Hùng Võ) là xong. Hoặc giả có bị buộc tội, nhẹ thì bị kỷ luật, nặng thì ở tù mát mẻ ít năm chờ vài dịp đặc xá là xong (để coi Trần Xuân Giá sẽ bị xử đến đâu!). Huề cả làng.
Khuôn khổ bài viết này không cho phép phân tích chi tiết hơn về sự liên kết rất chặt chẽ giữa “quyền” - bên nắm rất rõ luật và sẵn sàng lách luật khi cần và “tiền” - bên dốt về luật, nhưng giỏi đưa phong bì. Chỉ xin đơn cử một vài vụ việc nổi cộm gần đây trong đó ta có thể ngửi thấy hơi hướm của các nhóm lợi ích khi các Bộ ngành có trách nhiệm đã rất “mạnh dạn” đưa ra những quyết định đi ngược lại lòng dân, bất chấp sự phản đối của giới khoa học chân chính về những hệ lụy to lớn mà các dự án họ phê duyệt có thể gây về lâu dài cho nền kinh tế xã hội và cho môi trường của đất nước.
Vụ Văn Giang: Phe quyền: Bộ Tài Nguyên Môi Trường (TNMT) - những sai trái của Bộ này ai cũng biết - nhờ vào lời thú tội của ông Đặng Hùng Võ!; Bộ Giao Thông Vận Tải (GTVT) và bộ Kế Hoạch Đầu Tư (KHĐT) có những quyết định khuất tất trong việc mở đường đến khu Ecopark. Phe tiền: Chủ Đầu Tư Ecopark.
Vụ Trung Tâm Cứu Hộ Gấu ở Tam Đảo: Phe quyền: Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (NN-PTNT) và Bộ Quốc Phòng: Tuyên bố Trung Tâm phải ngừng mở rộng và phải di dời do nằm trong khu vực phòng thủ của tỉnh Vĩnh Phúc!). Phe tiền: Đỗ Đình Tiến, giám đốc VQG Tam Đảo.
Vụ cảng Lạch Huyện: Phe quyền: Bộ GTVT và bộ TNMT và bộ KHĐT. Bộ GTVT triển khai dự án, tiến hành đắp bờ kè trong khi báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM) chưa được duyệt. Bộ TNMT thì làm ĐTM cho có lệ, bởi vì Bộ này “đánh giá cao thương hiệu của tư vấn Nhật Bản, qua bên đó thấy môi trường của họ tốt lắm nên yên tâm! Và: chỉ phê duyệt báo cáo ĐTM khi đã đủ điều kiện, còn việc dừng dự án hay không là ở nhà đầu tư”. Phe tiền: Vinalines và tư vấn Nhật Bản.
Vụ Thủy Điện Đồng Nai 6 và 6A: Phe quyền: Bộ NN-PTNN (chuyển đổi đất rừng Quốc Gia thành đất xây dựng thủy điện trái nghị quyết của Quốc Hội). Bộ TNMT đang cho thẩm định một dự án hoàn thiếu cơ sở pháp lý lẽ ra phải bị dẹp bỏ. Bộ Công Thương năm 2012 đã rà soát loại bỏ một số thủy điện khỏi qui hoạch do thiếu hiệu quả hoặc ảnh hưởng môi trường nhưng lại “quên” loại bỏ dự án thủy điện ĐN 6 và 6A. Phe tiền: Chủ đầu tư Bùi Phát, tập đoàn Đức Long Gia Lai.
Đằng sau những vụ việc nổi cộm bị báo chí phanh phui, là hàng trăm ngàn những vụ móc ngoặc, đi đêm giữa “quyền” và “tiền” mà người bình thường khó lòng nắm rõ, mục đích cuối cùng của các giao dịch đó là để các dự án tiền tỉ đô được thông qua mặc cho những hệ lụy vô cùng lớn về mặt xã hội, văn hóa, kinh tế và môi trường, và để cho các vị Bộ Trưởng, Thứ Trưởng, Giám Đốc Sở, Trưởng Phòng, các vị Bí Thư, Chủ Tịch Tỉnh, Huyện, Xã... có thể vơ vét đầy túi tham, xây nhà biệt thự, sắm xe tiền tỉ, tuồn tiền ra ngân hàng nước ngoài, cho con đi du học, sau đó gác áo “quan” về hưu, hạ cánh an toàn, để lại sau lưng một đất nước Việt Nam bị cày xé tan hoang, tài nguyên thiên nhiên chẳng còn gì cho các thế hệ mai sau, nhân dân thất thểu tội nghiệp, chạy ăn từng bữa cơm “có thịt”.
Trở lại với phát biểu của đồng chí X: “Nên ủng hộ các nhóm lợi ích không vi phạm pháp luật, không phương hại lợi ích quốc gia”. Xin có mấy lời nhắn chủ đồng chí X: Nhân dân đã nếm đủ trái đắng mà đồng chí (và các nhóm lợi ích được đồng chí bảo kê) đã “ban phát” rồi. Đừng có bày trò nói nhăng nói cuội nữa. Có giỏi thì hãy chỉ ra cho nhân dân Việt Nam thấy rõ ít nhất một “nhóm lợi ích” theo định nghĩa tốt của đồng chí đang tồn tại trên đất nước Việt Nam với nền kinh tế quái thai thị trường định hướng XHCN. Còn không thì đồng chí càng phát càng lòi cái bộ mặt gian dối, lì lợm không biết xấu hổ để nhân dân tiếp tục sỉ vả chửi bới đến mức phải đào mồ cuốc mả dòng tộc của đồng chí mà thôi.