Sinh viên Nguyễn Tâm Linh (Danlambao) - Phải xét tới việc Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của quốc gia Việt Nam hay là công cụ bạo lực của đảng cộng sản Việt Nam. Chỉ có làm rõ vẫn đề “sở hữu”, mới có thể làm rõ được việc tại sao phải đánh tráo khái niệm, tung hỏa mù gây sự lẫn lộn trong dư luận...
*
Đánh tráo khái niệm
Rất nhiều báo đài, trong đó đặc biệt là các báo lề đảng như Quân đội Nhân dân, Nhân dân hay Tạp chí Quốc phòng toàn dân, v.v... đồng loạt có các bài viết “vạch trần bản chất phản động” của những lời kêu gọi “phi chính trị hóa quân đội”. Theo các báo này, không có quân đội nào đứng ngoài chính trị, nhiệm vụ của quân đội xét theo từng mức độ đều phải dính dáng tới chính trị.
Hoàn toàn đúng khi nói rằng quân đội không thể được phi chính trị hóa. Tuy nhiên, khái niệm “phi chính trị hóa” ở đây đang bị lợi dụng để tuyên truyền mị dân, để đánh lừa một bộ phận tướng lĩnh có tinh thần dân tộc, hòng che đậy những mưu toan quyền lực của cả hệ thống chính trị đang ở phía sau.
Có thể dễ dàng nhận thấy, nhiều bài báo, bài phát biểu của các cơ quan báo chí lề đảng hoặc của các lãnh đạo đã cố tình đánh tráo hai khái niệm “phi chính trị hóa” và “phi đảng phái hóa” quân đội.
Quân đội phi chính trị là điều không thể. Nhưng nếu quân đội của một quốc gia đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết, quân đội của quốc gia đó phải “phi đảng phái”, không để các đảng phái can thiệp vào các chính sách đối nội của quân đội. Chỉ khi trung lập giữa các tổ chức chính trị, phong trào chính trị với người dân, quân đội mới tránh khỏi nguy cơ trở thành công cụ bạo lực phục vụ cho lợi ích của một nhóm ít người, tạo nền tảng cho sự ổn định của quốc gia, đảm bảo quyền tham gia các hoạt động chính trị của người dân tại quốc gia đó.
Quân đội, trong trường hợp là tổ chức vũ trang đại diện của một quốc gia, thì tất cả những nhiệm vụ mà lực lượng này thực hiện đều là những nhiệm vụ chính trị mà một công cụ bạo lực mang tính nhà nước phải làm. Nhiệm vụ chính trị đó luôn đặt quyền lợi của quốc gia lên hàng đầu, tạo sự công bằng cho tất cả các thành phần chính trị khác. Nếu như quân đội không phi đảng phái, nó sẽ không còn là công cụ của nhà nước nữa. Vì thế, khi đánh đồng giữa “phi chính trị” và “phi đảng phái”, người ta đã cố tình gây sự nhầm lẫn giữa quân đội của quốc gia với quân đội của tổ chức chính trị hoặc phong trào chính trị để che giấu đi nguyên nhân ẩn sâu bên trong.
Ngược lại, trong trường hợp quân đội là lực lượng vũ trang của một tổ chức chính trị hoặc phong trào chính trị, không mang tính nhà nước, thì những nhiệm vụ chính trị của nó không thể được coi là nhiệm vụ chính trị chính danh của một quốc gia. Khi những nhiệm vụ ấy phục vụ chỉ một bộ phận người có khuynh hướng chính trị giống nhau, thì nhiệm vụ chính trị mà lực lượng này thực hiện về bản chất khác xa với nhiệm vụ chính trị của quân đội quốc gia.
Giống như trong trường hợp lực lượng vũ trang Hezbollah của tổ chức hồi giáo cùng tên, không thể nói rằng các nhiệm vụ chính trị của lực lượng vũ trang này là những nhiệm vụ chính trị của lự lượng vũ trang Liban, khi mục đích của chúng hoàn toàn khác nhau. Đối tượng chúng phục vụ cũng tương tự như vậy, Hezbollah là lực lượng vũ trang của tổ chức chính trị nằm trong quốc gia Liban, còn quân đội Liban là tổ chức vũ trang của toàn thể nhân dân Liban, trong đó bao gồm các đảng phái chính trị khác. Vì thế, nhiệm vụ chính trị của hai lực lượng vũ trang này khác nhau hoàn toàn không thể đánh đồng được.
Do đó, không thể đánh đồng nhiệm vụ chính trị của quân đội của một quốc gia với nhiệm vụ chính trị của một quân đội của tổ chức chính trị hay phong trào chính trị tại quốc gia đó. Nếu kẻ nào cố tình đánh tráo những khái niệm này, thì chắc chắn kẻ đó đang ngụy biện nhằm phục vụ cho những mưu toan chính trị dựa trên công cụ bạo lực.
Thế nên, cần phải vạch trần sự dối trá, ngụy biện của những kẻ cố tình làm mập mờ khái niệm phi chính trị hóa quân đội và phi đảng phái hóa quân đội quốc gia. Những kẻ này đang gây sự nghi kị, đánh lừa một bộ phận các quân nhân có trách nhiệm với tổ quốc nhưng thiếu thông tin, tạo điều kiện để độc quyền nắm các công cụ bạo lực, từ đó sử dụng chúng để áp đặt và duy trì quyền lực, tạo ra cuộc chơi bất bình đẳng trên chính trường.
Quân đội của ai?
Đây là điều đặc biệt cần phải làm rõ. Trước hết, phải xét tới việc Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của quốc gia Việt Nam hay là công cụ bạo lực của đảng cộng sản Việt Nam. Chỉ có làm rõ vẫn đề “sở hữu”, mới có thể làm rõ được việc tại sao phải đánh tráo khái niệm, tung hỏa mù gây sự lẫn lộn trong dư luận.
Nếu như Quân đội nhân dân Việt Nam là một trong những bộ phận cấu thành của lực lượng vũ trang Việt Nam thì những nhiệm vụ chính trị của đội quân này trước hết phải mang tính chính danh, nhiệm vụ chính trị đó phải đặt lợi ích của nhân dân làm tối thượng và luôn phải tối thượng. Lúc này, quân đội không phi chính trị mà “phi ý muốn” với đảng chính trị, nếu các chính sách của đảng không phải là lựa chọn của nhân dân hoặc đi ngược với lợi ích của nhân dân.
Nếu Quân đội nhân dân Việt Nam đơn thuần là công cụ bạo lực của riêng đảng cộng sản Việt Nam, đảng cộng sản có toàn quyền sử dụng nó cho những nhiệm vụ chính trị của riêng mình. Tất nhiên lúc này sẽ không có chuyện quân đội không làm theo đảng, mà phải thực hiện theo đúng những gì mà đảng yêu cầu. Nhiệm vụ chính trị của quân đội này là bảo vệ lợi ích của đảng cộng sản, bất kể lợi ích đó đi ngược lại với lợi ích của người dân.
Rõ ràng, trong trường hợp nào thì đảng cộng sản cũng há miệng mắc quai. Trường hợp công nhận Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của quốc gia Việt Nam thì đảng phải chấp nhận những nhiệm vụ chính trị mà quân đội thực thi trong điều kiện đặt lợi ích tối cao của quốc gia lên hàng đầu, quân đội phải “phi đảng phái hóa”, chỉ thực thi mệnh lệnh của dân giao phó cho các cơ quan công quyền thừa hành truyền đạt. Nếu điều này xảy ra, đảng sẽ như ngọn đèn trước bão.
Trường hợp, Quân đội nhân dân Việt Nam là công cụ bạo lực của riêng đảng cộng sản từ lúc thành lập cho tới ngày nay, nên đảng cộng sản có toàn quyền với tổ chức vũ trang này. Nếu vậy thì tổ chức này sẽ không được phép sử dụng ngân sách quốc phòng trích từ thuế của nhân dân cho hoạt động duy trì, tuyển mộ và mua sắm trang thiết bị, v.v... cho quân đội. Khi ấy, đảng cộng sản sẽ phải dùng ngân quỹ của đảng để chi trả cho các chi phí, trong đó bao gồm các loại thuế phí (thuế đặc biệt) cho việc thuê đất đai cho quân đội làm nơi đóng quân, tập luyện. Hơn nữa, lúc này người dân Việt Nam có quyền không công nhận quân đội nhân dân Việt Nam, từ đó, họ sẽ không phải tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc, nghĩa vụ này chỉ thuộc về những đảng viên hoặc những người có cảm tình đảng mà thôi.
Chỉ ngần đấy thôi cũng đủ hiểu tại sao cần phải tung hỏa mù, huy động một lực lượng lớn truyền thông vào cuộc, tung ra những luận điệu sai trái, với khối lượng lớn, thông tin ồ ạt theo kiểu “cả vú lấp miệng em” hòng đánh đồng khái niệm “phi chính trị hóa” và “phi tổ chức chính trị” quân đội. để bảo vệ lợi ích cho ai, có lẽ hỏi cũng là đã trả lời."