Nguyễn Văn Thạnh - ...Có người đã nói: “Kim Ngọc bị ngược đãi, bị kiểm điểm - cả nước đói. Trần Huỳnh Duy Thức bị cầm tù - cả nước lao đao vì phá sản”...
Những lời nói có cánh:
“Công lao anh Kim Ngọc thật lớn, cần phải dựng tượng để tỏ lòng biết ơn con người như anh Kim Ngọc”. - Nguyễn Văn Linh
“Nông dân ta no ấm, trước hết là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ. Nhưng trong quá trình xây dựng đất nước thì chúng ta phải cảm ơn Kim Ngọc, một đảng viên sáng tạo, dám chịu trách nhiệm đến cùng trước nhân dân... Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, đến bây giờ đất nước có phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Ngọc đã đi tiên phong... ” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Những huân chương muộn màng:
Năm 1995, ghi nhận những đóng góp công lao, trí tuệ của ông cho sự nghiệp đổi mới của cách mạng Việt Nam, nhà nước Việt Nam đã truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Năm 2009, ông được nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Những hành động tri ân và tôn vinh:
Kim Ngọc (1917-1979) |
Nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam về công tác Vĩnh Phúc hoặc đi ngang qua đều vào nhà thắp hương cho Kim Ngọc. Các đoàn đại biểu ở các tỉnh, nhất là các tỉnh phía Nam, có nhiều cụ đảng viên cộng sản lão thành, khi thắp hương cho Kim Ngọc đã ứa nước mắt.
Năm 1996, hai ngôi trường nơi ông sinh ra ở xã Bình Định, huyện Yên Lạc được đặt tên ông. Năm 2005, một trong những con đường đẹp nhất của thành phố Vĩnh Yên cũng được mang tên ông.
Năm 2004, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc của Đảng Cộng sản Việt Nam tặng gia đình ông bức tượng tạc bằng đồng nặng tới 45 kg để biểu thị lòng kính trọng Kim Ngọc.
Năm 2009, Hãng phim Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất bộ phim truyền hình 50 tập "Bí thư Tỉnh ủy" lấy nguyên mẫu cuộc đời ông.
Ông là Kim Ngọc (1917-1979)-nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc, ông được mệnh danh là "cha đẻ của khoán hộ" mà người ta quen gọi là "khoán mười", "cha đẻ của Đổi mới trong nông nghiệp" ở Việt Nam.
Tâm địa của lãnh đạo:
Khen ngợi:
Chính những năm 65-67, khi Vĩnh Phúc làm khoán hộ, đời sống của người dân khấm khá hẳn lên. Ông Trường Chinh về thăm Vĩnh Phúc đã phải tặng bài thơ: “Phù Lập làm phân thật khác thường/Phương Trù thuỷ lợi đáng nêu gương/Chăn nuôi tập thể Hoà Loan giỏi/Cây rợp bên đường bóng Lạc Trung” (các địa danh ở Vĩnh Phúc) (ký bút danh Sóng Hồng).
Trong khi hành động thực tế là:
Một đoàn xe của trung ương về kiểm điểm bí thư Kim Ngọc, chủ trương “khoán hộ” bị phê phán nặng nề. Ông bị buộc phải làm bản kiểm điểm và phải tự nhận là “có sai lầm nghiêm trọng trong khoán hộ”. Sáng kiến khoán hộ bị cấm.
Sửa sai:
20 năm sau khoán hộ của ông Kim Ngọc, năm 1988, nghị quyết về khoán hộ của Bộ Chính trị chính thức được ban hành (được gọi tắt là khoán 10)- tháo bỏ sự ràng buộc, kìm hãm của cơ chế quản lý lạc hậu, đưa Việt nam bao năm thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới. Nghị quyết này hoàn toàn dựa trên những kinh nghiệm đúc kết của nhiều tỉnh thành đã âm thầm áp dụng khoán hộ của ông Kim Ngọc. Việc sửa sai chỉ được thực hiện khi cả nước ăn bo bo vàng cả mắt, nền nông nghiệp điêu tàn, sụp đổ.
Hậu quả - dân là người gánh chịu:
Bất cứ ai trải qua thời đói kém thời bao cấp đều cảm nhận cái khốc liệt của hậu quả cấm khoán 10: gần một nửa trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi, dân tộc kiệt quệ lầm than. Để biết mức lầm than của người dân đến đâu, xin độc giả xem bài “Cái đêm hôm ấy... đêm gì?" của tác giả Phùng Gia Lộc. Dân tộc suy kiệt tất dẫn đến lân bang ức hiếp.
Một nạn nhân trong số đó: “Những năm 1978, 1979 Việt Nam không những bị nạn thất mùa trên khắp cả nước mà còn phải chịu đựng gánh nặng trả nợ cho Trung Quốc. Đó là những năm mà ngay cả vùng đồng bằng sông Cửu Long còn gặp phải cảnh thiếu gạo. Có một phụ nữ làm nông ở Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu), gia đình rất đông con mà mùa màng lại thất bát. Nhưng chính sách những năm đó phải đóng thuế theo hạn mức cố định mà không xét được hay thất mùa. Thu hoạch được chẳng bao nhiêu, nếu đóng lúa thuế thì hết sạch lấy gì để cả nhà dùng để độn khoai mà ăn đến mùa vụ tới. Nên bà quyết định không đóng lúa thuế và xin khất qua mùa sau, nhưng không được chấp nhận. Sau nhiều lần đọc tên trên loa phóng thanh mà bà vẫn không đi nộp thuế, du kích xã vào bắt giam bà trong lúc bà đang trốn dưới gầm giường. Họ lôi bà đi trước tiếng khóc của bầy con còn nhỏ. Rồi bà bị đưa ra tòa xử 6 tháng tù vì tội trốn thuế và còn phải đóng thuế phạt. Bà là mẹ của một người có tên là Trần Huỳnh Duy Thức”.
Những việc đó dù gây nên vết thương nặng nề, khó xóa nhòa trên cơ thể dân tộc, tuy nhiên nó đã là chuyện quá khứ, chuyện thuộc về lịch sử gần nửa thế kỷ trước. Tất cả những lãnh đạo xấu và tốt đều đã chết.
Chuyện hôm nay:
Trần Huỳnh Duy Thức |
Một con người đang ở tù, thời gian ngồi tù đã gần bốn năm và anh có thể phải ngồi tù đến năm 2025, ngoài ra còn 5 năm quản chế. Anh là Trần Huỳnh Duy Thức. Anh bị chính quyền Việt Nam bắt vào ngày 24 tháng 5 năm 2009 với tội danh ban đầu là trộm cắp cước điện thoại, sau đó với các cáo buộc hoạt động chính trị nhằm lật đổ chính quyền nhân dân-tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh đưa ra xét xử vào ngày 20 tháng 01 năm 2010, anh bị tuyên án 16 năm tù giam. Một kịch bản khôi hài thường thấy ở chính quyền và tòa án ở Việt Nam “khi bắt là một tội, khi xử là một tội khác và mức án khủng khiếp”. Chúng ta có thể thấy những kịch bản tương tự ở Ts Cù Huy Hà Vũ với tội bắt là “hai bao cao su đã qua sử dụng” tội tuyên án “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”-mức án 7 năm tù, 3 năm quản chế. Anh Nguyễn Văn Hải (tức Điếu Cày) tội bắt “cho thuê nhà trốn thuế” tội tuyên án “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” mức án 12 năm tù, 5 năm quản chế.
Anh Thức là ai, đã làm gì để phải ngồi tù với mức án khủng khiếp như vậy?
Là một kỹ sư: Năm 1989 anh tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh.
Là một doanh nhân tài năng: năm 1994 anh cùng anh Lê Thăng Long thành lập Công ty tin học Duy Việt tại thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2000, công ty này được phát triển thành công ty cổ phần công nghệ thông tin EIS - Electronic Information System – nhằm cung cấp các dịch vụ tích hợp hệ thống trong ngành công nghệ thông tin. Hai năm sau, công ty con cung cấp dịch vụ điện thoại internet OCI ra đời, đặt văn phòng tại Singapore, đánh dấu một bước đột phá trong ngành công nghệ thông tin Việt Nam, có thời kỳ công ty được coi là điểm sáng trong ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam, có nhiều bước đột phá, mở rộng đầu tư sang các nước trong khu vực và sang cả Hoa Kỳ. Cho đến khi trước khi bị bắt, anhThức là tổng giám công ty OCI.
Là một nhà hành động cho cải cách xã hội: Làm ăn ở Việt Nam, ắt hẳn mọi người đều biết: thủ tục đầy rắc rối, phức tạp và phi lí. 99,999% doanh nhân thấy và biết điều đó nhưng họ giải quyết bằng cách “đi cửa sau” hối lộ, bôi trơn để vượt qua, tất nhiên khi qua được một cánh “cửa hẹp” thì vùng trời mở ra đầy “hoa thơm quả ngọt”, nơi ít ai tranh giành vì chỉ có rất ít người vượt qua được. Tất cả đều vui vẻ: kẻ giữ cửa và người lách qua. Người thiệt hại duy nhất ở đây là “nhân dân”- nghèo khó và lầm than. Là một công ty làm ăn thành công, công ty anh Thức là trung tâm của những tiểu xảo “thanh kiểm tra” mà mục tiêu là “tiền bôi trơn”. Không đạt kết quả thì đã có rừng luật bùng nhùng để làm luật.
Đầu tiên anh Thức bị bắt vì tội trộm cước viễn thông, sau đó anh còn bị khởi tố về tội kinh doanh trái phép. Sau khi anh Thức bị bắt thì Cục Thuế TP.HCM đã tiến hành thanh tra thuế đối công ty EIS và OCI. Sau hơn 2 tháng thanh tra nhưng cơ quan thuế đã không tìm thấy bằng chứng nào trốn thuế của cả EIS và OCI. Đồng thời cơ quan điều tra cũng không chứng minh được việc trộm cước viễn thông và kinh doanh trái phép của OCI nên cuối cùng, việc khởi tố điều tra này cũng phải được “hủy bỏ”. Sau thời gian “quần thảo” không tìm ra chứng cứ nhưng hậu quả thì vô cùng to lớn: công ty EIS và OCI cũng không thể tồn tại được vì OCI không được tiếp tục cấp phép và những lãnh đạo của công ty cũng bị mời đi làm việc với cơ quan điều tra liên tục trong nhiều tháng.
Con đường đấu tranh cho cải cách xã hội của anh Trần Huỳnh Duy Thức bắt đầu khi anh có những ý kiến phê phán những cản trở, cũng như bất cập trong việc quản lý dịch vụ viễn thông tại Việt Nam. Thân phụ anh, ông Trần Văn Huỳnh cho biết: “Trong quá trình kinh doanh, con tôi gặp rất nhiều trở ngại, rào cản do luật lệ và qui định. Từ đó, con tôi suy nghĩ và tìm ra nguyên nhân tại sao”.
Bắt đầu từ năm 2005, anh Trần Huỳnh Duy Thức cùng với một số người, trong đó có anh Lê Thăng Long lập ra “Nhóm nghiên cứu chấn” tìm hiểu, nghiên cứu các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam.
Nhà dự báo tương lai: Trong những năm 2006-2008 kinh tế Việt Nam phát sốt, mọi ngành nghề đều tăng trưởng chóng mặt, đỉnh cao là chỉ số chứng khoán vượt lên trên 1.200 điểm. Mọi công ty, mọi ngành nghề, mọi cá nhân hồ hởi vay mượn để đầu tư, đầu cơ, đến bà buôn rau cũng chơi chứng khoán và cũng thắng lợi lớn. Kẻ hồ hởi vĩ đại trong đó là chính phủ: với những siêu dự án ngàn tỷ, với quyết sách đầu tư lên đến trên 30% GDP, với mục tiêu tăng trưởng 8-9%. Trong cái không khí lạc quan vĩ đại đó, một người đã thấy mây đen từ xa kéo đến, người đó là Trần Huỳnh Duy Thức. Nhận thấy nguy cơ, anh viết nhiều kiến nghị gửi lãnh đạo cấp cao, trong kiến nghị không chỉ cảnh báo nguy cơ mà còn đề xuất giải pháp khoa học, nhưng tất cả đều rơi vào thinh không.
Suy nghĩ là cần có một kênh thông tin để chuyển tải những cảnh báo đến người dân, người sẽ bị thiệt hại trong cơn bão này, anh Thức lập ra ba trang blog “Trần Đông Chấn”, “Psonkhanh” và “Change We Need” nhằm viết bài viết cảnh báo, với những bài viết “Việt Nam đồng đang ở đâu và sẽ đi về đâu”; “Kỷ Sửu và vận hội mới”; “Khủng hoảng – cơ hội cuối”; “Động lực cho thay đổi”… anh đã giúp người dân thấy trước nguy cơ đang đợi mình.
Ngoài ra anh còn tiên đoán sự sụp đổ của chính quyền khi khủng hoảng kinh tế đến cực điểm. Anh cùng bạn bè lập ra nhóm “nghiên cứu Chấn” nhằm tìm ra giải pháp và huy động lực lượng để có thể canh tân đất nước khi điều xấu nhất xảy ra. Việc tuyên đoán một sự kiện và chuẩn bị cho sự kiện đó hoàn toàn là hợp lẽ tự nhiên, không có gì để gọi là xấu như những danh từ báo đảng dùng như “âm mưu”, “chống phá”,…
Điều đặc biệt là điều anh cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng và sụp đổ kinh tế đang diễn ra đúng. Hơn 200.000 xí nghiệp đã phá sản, thị trường chứng khoán lao dốc còn gần 300 điểm, bất động sản đóng băng, nợ xấu ngân hàng tăng vọt lên gần 37 tỷ USD, tổng dư nợ trên 100 tỷ USD. Ấn tượng hơn là hàng loạt tập đoàn được mệnh danh là quả đấm thép thi nhau sụp đổ ào ạt, đưa ra ánh sáng hàng núi nợ nần siêu khủng: hàng trăm ngàn tỷ đồng. Lạm phát, thất nghiệp tăng vọt.
Có người đã nói:
“Kim Ngọc bị ngược đãi, bị kiểm điểm-cả nước đói.
Trần Huỳnh Duy Thức bị cầm tù-cả nước lao đao vì phá sản”
Bài học nào cho chúng ta?
Vấn đề của chúng ta là học được gì từ bài học Kim Ngọc và ứng dụng bài học đó như thế nào cho trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức hiện nay. Chúng ta im lặng để anh ngồi nốt quãng đời trong tù còn chúng ta “tự do” trong đói khổ, lầm than hay chúng ta lên tiếng để anh sớm tự do. Tự do của anh Thức cũng là sự thịnh vượng của chúng ta.
Đừng để lịch sử lặp lại: toàn dân tri ân anh - khi đã kiệt quệ làm nô lệ kinh tế cho ngoại bang - những tấm huy chương, những lời có cánh mà anh Thức chắc chắn sẽ không bao giờ muốn khoác lên mình!
Nguyễn Văn Thạnh
* Viết mừng sinh nhật lần thứ 46 của anh Thức - lúc anh đang ngồi tù!
PS: Bài viết có cóp nhặt tư liệu từ nhiều nguồn, chưa có thời gian trích dẫn, xin các tác giả và độc giả lượng xá!