Tuấn Dũng (Đất Việt) - Ngăn cản sự sẻ chia của cộng đồng đối với những hoàn cảnh khó khăn, ở góc độ nào đó, sự thờ ơ, vô cảm ấy chính là tội ác
Mới đây, việc nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam viết thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc xin thành lập quỹ “Cơm có thịt” khiến dư luận đặc biệt chú ý. Chi tiết khiến nhiều người bức xúc thay ông Tuấn là đã hơn nửa năm trôi qua, hồ sơ xin cấp phép thành lập quỹ của ông vẫn bị những chuyên viên của Bộ Nội vụ xếp vào một xó!
Bức thư của ông cũng khiến dư luận cảm thấy chạnh lòng: không lẽ làm từ thiện cũng phải chờ cấp phép?
Những đứa trẻ này đang cần cơm có thịt
Quỹ “Cơm có thịt” của nhà báo Trần Đăng Tuấn ra đời một cách tình cờ, khi ông có dịp lên vùng cao Tây Bắc, chứng kiến chứng kiến bữa ăn chỉ có cơm trắng và canh loãng của các cháu học sinh trong khu nội trú dân nuôi tại một trường ở xã vùng cao Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái, ông và vài người bạn rủ nhau góp tiền gửi lên hằng tháng để mua thêm thức ăn, mong sao mỗi bữa ăn mỗi cháu có thêm một, hai miếng thịt.
Sau đó, ông Tuấn có viết về chuyện đó trên blog cá nhân của mình, khi đó không phải là kêu gọi ủng hộ mà chỉ là những dòng tâm sự. Nhưng rồi hàng trăm người đã qua mạng thúc giục lập ra một địa chỉ để cùng chung tay “gắp thịt” vào bát cơm cho các bé học sinh vùng cao.
Quyết tâm sẽ theo đuổi dự án “Cơm có thịt cho học sinh vùng cao” dài hơi hơn, ông Tuấn đã lập hồ sơ xin thành lập quỹ từ thiện “Cơm có thịt” gửi Bộ Nội vụ vào cuối tháng 5/2012. Nhưng đến cuối tháng 10/2012, tức là tròn năm tháng sau khi nộp hồ sơ, hồ sơ chưa được xem xét và không có một thông báo văn bản nào về kết quả xem xét.
Có lẽ, những người có trách nhiệm xem xét, ký duyệt hồ sơ thành lập quỹ từ thiện của Bộ Nội vụ chưa một lần lên với vùng cao, chưa một lần chứng kiến những đứa trẻ nheo nhóc, rách rưới, đi bộ cả mười cây số tới trường trong mùa đông giá buốt.
Họ chắc cũng chưa chứng kiến những cái lán, được gọi là “lớp học”, che chắn bởi vài mảnh nứa, bàn ghế là những cành cây, khúc gỗ. Và chắc hẳn, họ chưa “được” nếm thử những bữa ăn chỉ có cơm nguội chan với thứ nước được gọi là canh, nấu bằng nước lã và một chút muối.
Phải chăng vì vậy nên họ chẳng thèm ngó ngàng tới hồ sơ của ông Tuấn? Hay vì đối với họ, bữa cơm nào cũng thừa mứa thịt nên họ cảm thấy miếng thịt chẳng có ý nghĩa gì?
Không thể nào trong một xã hội với truyền thống tương ái, tương thân, lá lành đùm lá rách mà những việc làm xuất phát từ tinh thần thiện nguyện lại bị từ chối một cách vô trách nhiệm như vậy. Không thể nào tình thương yêu giữa con người với con người, giữa đồng bào với đồng bào lại vướng vào những rào cản vô lý như thế.
Đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng cũng còn có rất nhiều những tấm lòng sẵn sàng sẻ chia. Điều quan trọng là đừng ai ngăn cản sự sẻ chia của cộng đồng đối với những hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi trong xã hội.
Điều quan trọng nữa là đừng ai vô cảm trước khó khăn của đồng bào. Ở góc độ nào đó, sự thờ ơ, vô cảm ấy chính là tội ác, một tội ác không thể dung thứ.
Tuấn Dũng