Ấn tượng trong tuần: Hoàng Sa và "âm binh" - Dân Làm Báo

Ấn tượng trong tuần: Hoàng Sa và "âm binh"

Kỳ Duyên (TuanVietnam)Sự thịnh suy, sự hưng vong của một quốc gia, đều bắt đầu từ chữ đây tin (dân tin-hay không) này đó! 

Ngày 20/1 mới đây, một sự kiện làm rưng rưng lòng người: Tp Đà Nẵng tổ chức Công bố hàng trăm bản đồ cổ về Hoàng Sa (VietNamNet, ngày 20/1), trong đó, gồm cả bản đồ cổ các nước phương Tây đã vẽ, kể cả Trung Quốc họa đồ, đều khẳng định Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam... Đó là những tư liệu rất quý khẳng định những cơ sở pháp lý của VN về vấn đề này. 

Đó còn là một hiện thực chủ quyền bất di bất dịch hàng bao đời nay của VN. 

Vàng mười... 

Năm nay, cũng tròn 39 năm, Hoàng Sa đau thương và mất mát. Khi ngày 19/1/ 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm phi pháp toàn bộ quần đảo này. 

Nhưng lịch sử đất nước sẽ tạc mãi trong tâm khảm, những người lính Việt đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo. Họ đã ngã xuống trong mưa đạn, trong nỗi đau khôn cùng trước chủ quyền biển đảo bị mất. 

14 năm sau, lịch sử lại lặp lại ở cuộc chiến bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa, năm 1988. Giữa những người lính Việt của ba tàu vận tải HQ- 604, HQ- 605, HQ-505, với lính TQ tại các đảo Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin, những hòn đảo phía tây nam cụm đảo Sinh Tồn. 

Cuộc chiến không cân sức lại tiếp tục nổ ra. Chúng ta giữ được đảo Cô Lin. Nhưng 64 người lính Việt đã ngã xuống trong chiến trận này. Đau đớn hơn, trong đó, chỉ còn tìm được hài cốt của vài người. 

Dù khác nhau chiến tuyến, ý thức hệ, nhưng cuộc chiến đẫm máu và không cân sức ở Hoàng Sa- Trường Sa là minh chứng thiêng liêng- lòng yêu nước Việt của những con dân Việt, là duy nhất. Họ - những người lính Việt đã yên lặng vĩnh viễn trong sự thét gào mãi mãi của Biển Đông, những đêm giông gió, những ngày gió bão. 

Vị mặn của nước Biển Đông gần 40 năm nay mặn đắng hơn. Vị mặn của muối, của máu và của nước mắt. 

Khi đọc lại các tài liệu, bài báo để hiểu thêm cuộc chiến, người viết bài đã không sao cầm được nước mắt. Viết trong nỗi đau nghẹn... 

Biển Đông - nguồn tài nguyên và vị trí chiến lược, mang trong lòng nó, cả phúc - họa liền kề với rất nhiều quốc gia. Bởi thế giới này, vẫn luôn tồn tại cụm từ lòng tham khiến con người ta tối mắt. 

Dù vậy có phải lúc nào lòng tham của kẻ mạnh cũng chế ngự được tất cả? 

Như Philippines chẳng hạn. Đất nước nhỏ hơn TQ rất nhiều về diện tích và số dân số (diện tích 300.000 km2, 92 triệu dân), vừa tuyên bố sẽ thách thức yêu sách chủ quyền của TQ ở Biển Đông tại tòa án quốc tế về Luật Biển (1982) mà cả hai nước đều là thành viên. 

Ngay sau đó, Philippines chính thức bổ nhiệm Thẩm phán Rudiger Wolfrum, một chuyên gia luật quốc tế của Đức tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển làm thành viên đại diện cho Philippines tại tổ trọng tài. Luật sư Francis Jardeleza được lựa chọn phụ trách tư vấn cho Philippines để tiến hành các thủ tục tố tụng. Dân gian có câu Hành động đi liền với lời nói, là vậy! 

Nhiều bạn trẻ đến triển lãm các tư liệu mới nhất liên quan 
đến chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: Đăng Nam/ TTO 

Được biết, ngày 22/1, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki- moon đã lên tiếng, cho biết luôn sẵn sàng cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật chuyên nghiệp cho việc giải quyết tranh chấp Biển Đông. 

Không biết, nguyên đơn, hay...bị đơn sẽ thắng ở vụ tranh chấp thế kỷ này? Nhưng nó cho thấy khí phách và sự khôn ngoan của một quốc gia! 

Bởi theo các chuyên gia nghiên cứu, như ông Nguyễn Đăng Thắng (Khoa Luật Quốc tế của Học viện Ngoại giao): Philippines muốn lợi dụng việc kiện này để buộc TQ làm rõ hoặc giải thích "nội hàm" của mình ở Biển Đông, một điều mà họ đã không làm được thông qua đàm phán ngoại giao. 

Còn một luật sư người Mỹ nhận xét: Trong những trường hợp thế này, đạt được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế có thể còn giá trị hơn nhiều so với kết quả pháp lý. 

Trả lời báo chí, trước việc Philippines khởi kiện, đưa TQ ra tòa vì tranh chấp biển, theo ông Nguyễn Duy Chiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Bộ Ngoại giao: Các quốc gia hoàn toàn có quyền lựa chọn các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp phù hợp với Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982. 

Một thông tin mới nhất của Nhật Bản cũng rất đáng chú ý. Nước này vừa tìm ra một tài liệu hồi đầu thế kỷ 17 cho thấy TQ hoàn toàn không kiểm soát quần đảo Senkaku (Điếu Ngư). Phó GS Nozomu Ishii (ĐH Nagasaki Junshin): Tài liệu lịch sử chứng minh rằng tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku là đúng về mặt lịch sử. 

Ông Natsuo Yamaguchi, Chủ tịch Đảng New Komeito, trước khi lên đường sang Bắc Kinh, vẫn khẳng định, Tokyo không có kế hoạch thỏa hiệp với TQ về vấn đề quần đảo Senkaku mà nước này đang kiểm soát. 

Cũng về vấn đề chủ quyền biển đảo, sau thông tin Cục Đo vẽ bản đồ quốc gia TQ dự kiến cho phát hành "Bản đồ toàn quốc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa", "Bản đồ địa hình TQ", trong đó vẽ yêu sách "đường lưỡi bò", các đảo, đá, bãi ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN, ông Nguyễn Duy Chiến khẳng định: 

Mọi bản đồ thể hiện thông tin sai lệch về chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN ở Biển Đông là phi pháp và vô giá trị. 

Bản đồ Hải chiến Hoàng Sa 1974. Các chiến hạm VNCH (ảnh nhỏ) - Đồ họa: Hồng Sơn 

Trước đó, trả lời phỏng vấn của TTXVN ngày 21/, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc lại: VN đã tuyên bố và khẳng định rất rõ ràng lập trường của mình, tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Luật Biển 1982. 

Chủ quyền biển đảo, chủ quyền đất nước luôn là lửa thử vàng, với chí khí, sự can trường và lòng yêu nước Việt của mọi con dân, từ người lãnh đạo cao cấp đến thường dân. 

Những người lính Việt năm xưa, những người lính Việt mới đây đã vĩnh viễn nằm dưới biển sâu, những ngôi mộ gió của những ngư dân, vì nghiệp nước, mãi đi không về, đã chứng minh tấm lòng, bản lĩnh vàng mười của họ. 

Còn chúng ta, những người đang sống, chúng ta có gì để không xấu hổ? Khi nhìn thấy ngọn lửa- chủ quyền biển đảo, chủ quyền đất nước, cháy khôn nguôi... 

Âm binh 

Mới đây, nhà văn Nguyễn Quang Vinh trình làng một vở kịch gây tiếng vang, có tiêu đề: Âm binh. 

Vở kịch chỉ có ba nhân vật chính, xoay quanh một câu chuyện thời thượng- đất đai. 

Câu chuyện đưa người xem về với quá khứ chiến tranh. Người mẹ trẻ có tên Nhi, từng cứu sống cả hai người đàn ông- người này là lính "ngụy", người kia là lính "giải phóng". Họ sống được bằng chính nguồn sữa của người mẹ trẻ, trong khi đứa con gái nhỏ của chị mới ba tháng tuổi, bị chết vì bom đạn chiến tranh. 

Nỗi đau mất con, và mộ phần của cha mẹ, người ruột thịt đã níu giữ người đàn bà đau đớn, đơn độc ở lại với vùng cát nóng khô rang. Khô rang và cằn cỗi như số phận của chị. Nhưng nó cũng là mảnh đất, mà ở đó, cả tình yêu, hạnh phúc, cả cay đắng và bất hạnh của chị đều... nảy chồi, đâm lộc. 

Chiến tranh qua đi. Chị gặp lại cả hai "người xưa" ngay trên mảnh đất cằn cỗi nhưng máu thịt của mình. Một người nay đã là "Việt kiều yêu nước". Một người là cán bộ chính quyền địa phương. Cả hai lại chạm mặt nhau xoay quanh mảnh đất của chị, vì nó liên quan đến một đề án hợp tác và đầu tư để mở đường. 

Sân khấu vốn mang hơi thở cuộc đời. Nhưng sân khấu và cuộc đời, rất giống nhau và cũng rất khác nhau. 

Một cảnh trong vở kịch Âm binh. Ảnh: Họa sĩ Nhím/ SGTT 

Ở vở kịch Âm binh, mảnh đất đó thuộc quyền sở hữu của người đàn bà tên Nhi. Ở cuộc đời, "mảnh đất" cho sự làm ăn, cho sự tham nhũng, đục khoét, thì thiên hình vạn trạng. Còn "âm binh" đâu chỉ là những "vong hồn"... 

"Mảnh đất" ấy, có khi rất thực... 

Nó thực như thông tin đầu năm 2013, cả xã hội "choáng" vì con số nợ của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, vốn mệnh danh là quả đấm thép. 

Con số nợ đó lên tới 1,3 triệu tỷ đồng. Có những tập đoàn, TCT lỗ "vắt" từ năm 2011 sang tận năm 2012, và không biết có "vắt" tiếp sang năm nay không? 

Dư âm hổ thẹn và đau xót còn chưa lắng xuống, xã hội lại ồn lên chuyện ông Phạm Thanh Trần, nguyên Tổng GĐ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vừa bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng - liên quan đến vụ thiệt hại 3900 tỉ đồng tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội... 

Cùng số phận với ông này, là ông Đỗ Quốc Khánh, nguyên Tổng GĐ Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí Falcon, bị bắt về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. 

Hết thiếu trách nhiệm đến lợi dụng chức vụ, quyền hạn- những cụm từ này, tiếc thay đang ngày càng... có thừa. 

Trước đó, chỉ tính riêng năm 2012, hàng chục cán bộ ngân hàng dưới quyền ông Trần đã sa vòng lao lý với đủ các kiểu phạm tội. Dĩ nhiên mọi con đường phạm tội của họ đều dẫn đến hai chữ kim tiền. 

Nhưng "mảnh đất" ấy có khi cũng rất...ảo. Ảo mà rất thực. 

Như cái Đề án xây dựng, nâng cấp các rạp hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm từ nay đến 2020, với kinh phí gần 11000 tỉ, nay mai sẽ thành hiện thực. Khiến cho giới nghệ sĩ xôn xao. 

Theo đó, sẽ xây mới 51 nhà hát, nâng cấp 20 nhà hát, nâng cấp và xây dựng mới 106 rạp chiếu phim, nâng cấp và xây mới 66 công trình nhà triển lãm trên cả nước. 

Ảnh minh họa. Nguồn: TTO 

Đề án nhân danh đầu tư cho văn hóa, nhưng thực chất chỉ... béo ngành xây dựng- một trong bốn lĩnh vực có nhiều "âm binh"- tham nhũng nhiều nhất, qua khảo sát điều tra của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới vừa công bố vào cuối năm 2012 mới đây. 

Thế nên, dù lẽ ra phải mừng, vì ngành văn hóa còn nhiều thiếu thốn, nhưng nghệ sĩ lại chỉ thấy... những lo cùng buồn. 

Bởi trong thực tế, không xây thì thiếu, xây thì thừa. Mà tính quy hoạch ở đây lại chưa rõ ràng. 

Ông Trần Bình (GĐ Nhà hát ca múa nhạc nhẹ VN): Cả nước có khoảng 130 đơn vị nghệ thuật. Sang năm 2014, tất cả sẽ phải tiến hành xã hội hóa. Rất nhiều đoàn sẽ sa vào cảnh phải giải thể vì không thể nuôi sống mình với nguồn thu èo uột. Không đầu tư cho con người thì xây nhà hát làm gì? Xây xong ai sẽ diễn ở đó, hay chỉ là để cho thuê hội nghị, gặp gỡ cổ đông hoặc tổ chức... đám cưới? 

Còn NSND Trung Kiên (nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL): Vấn đề quan trọng nhất không phải là xây nhà hát, mà là con người. Không quy hoạch lại các đơn vị nghệ thuật trong cả nước, rồi xây nhà hát lên lấy ai mà diễn? 

Ngay rạp Đại Nam (Hà Nội), nơi vừa diễn ra vở kịch Âm binh, cũng thường xuyên là nơi cho thuê đám cưới. Tính ra, hiệu quả của một rạp hát, không nằm ở tài năng nghệ thuật biểu diễn của các nghệ sĩ, mà nằm ở... tình yêu đôi lứa của các đôi trẻ, quyết định. 

Chợt nhớ tới cái kết có hậu của vở kịch Âm binh: Bà Nhi già nua tuổi tác, sau những năm tháng khổ đau vì chiến tranh, sau những dằn văt, hoài nghi cả hai phía- "Việt kiều yêu nước", và chính quyền địa phương- cuối cùng, người đàn bà chân chất đó đã thốt lên gọn lỏn: Dự án tử tế thì... đây tin! 

Đây tin. Đây chính là bà Nhi, là người dân, là dân tin. Câu nói gọn lỏn đó, chỉ có thể là nhân-quả của những đề án, dự án minh bạch, đàng hoàng không chút "lợi ích nhóm", với người dân. 

Nhưng liệu cuộc đời này, có nhiều dự án, đề án cái kết có hậu kiểu đây tin như thế không? Khi mà nạn âm binh- tham nhũng còn là quốc nạn? 

Sự thịnh suy, sự hưng vong của một quốc gia, đều bắt đầu từ chữ đây tin (dân tin- hay không) này đó! 



_________________________



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo