HÀ NỘI (NV) - Tuy biết rằng có ít nhất 30% trong số 2.8 triệu công chức trong guồng máy công quyền là những kẻ ăn bám “sáng cắp ô đi, tối cắp về” nhưng không dễ gì sa thải vì nhiều người trong số đó là thuộc thành phần 5C.
Trong cuộc phỏng vấn của báo Dân Trí, ông Lê Như Tiến, “Phó chủ nhiệm Ủy Ban Văn Hóa, Giáo Dục, Thanh Niên, Thiếu Niên và Nhi Ðồng” Quốc Hội CSVN tỏ vẻ bi quan khi được hỏi ý kiến cách giải quyết tình trạng công chức dôi dư.
“Tôi tin, những khó khăn trong việc giải quyết những công chức này thì ai cũng nhìn thấy nhưng vấn đề mất thời gian nhất chính là giảm ai? Quyết giảm rồi thì số công chức đó đi đâu, sẽ làm gì? Chưa kể khó khăn ở những chỗ tồn tại công chức 5C - ‘Con Cháu Các Cụ Cả’, có khi người nhàn rỗi đó lại chính là ‘con cháu các cụ’. Lãnh đạo cơ quan đó có đủ dũng cảm giảm số này không hay chưa kịp giảm thì đã bị ‘giảm’ rồi?” Ông Lê Như Tiến nói trong cuộc phỏng vấn.
Ngày 26 tháng 1 năm 2013, hệ thống tuyên truyền tại Việt Nam đưa tin ông Nguyễn Xuân Phúc, phó thủ tướng CSVN, phàn nàn trong cuộc họp đầu tiên của “Ban chỉ đạo đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”. Ông nói trong guồng máy hành chánh của chế độ với khoảng 2.8 triệu người thì “Chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.
Ðây không phải là điều gì mới lạ mà đã tồn tại suốt bao nhiêu năm qua khi guồng máy nhà nước ngày một phình ra lớn hơn. Cả chục năm trước, chế độ Hà Nội đã tuyên truyền rầm rĩ cho kế hoạch “tinh giản biên chế” theo sự thúc hối của các định chế tài trợ quốc tế. Nhưng từ khoảng 1.5 triệu mấy năm trước, nay ông Nguyễn Xuân Phúc nêu ra con số 2.8 triệu công chức.
Theo ông Nguyễn Thế Trung, trưởng Ban Dân Vận Trung Ương của đảng CSVN nói trên báo Ðất Việt, ngân sách nhà nước đang “nuôi báo cô” tới 50% cán bộ công chức nếu nói một cách bi quan.
Gửi gấm, đưa thân nhân, người quen vào làm việc ở các cơ quan nhà nước rất phổ biến từng thấy nêu ra trên nhiều bài viết ở trong nước. Bên cạnh đó, quan chức nhận thêm người vào các cơ quan để lấy tiền hối lộ. Việc làm ở những chỗ có cơ hội ăn hối lộ, tùy theo vị trí, tốn kém đút lót càng lớn. Những điều này được thấy qua những lời bình luận của độc giả của nhiều báo liên quan đến bản tin ông Trần Trọng Dực tố cáo trong một phiên họp ở Hà Nội về tình trạng chạy một chỗ ngồi tốn ít ra 100 triệu đồng.
Ngày 31 tháng 1 năm 2013, báo Ðất Việt kể rằng tại Nghệ An “Một phòng có tới 3 sếp chỉ đạo một nhân viên, thậm chí có phòng toàn sếp không có nhân viên nào. Theo thống kê của Sở Nội Vụ Nghệ An, trong số 31 biên chế nhưng đã có tới 19 lãnh đạo gồm 1 giám đốc, 4 phó giám đốc và các trưởng, phó phòng. Phòng công chức viên chức của sở có 4 biên chế thì có tới 3 lãnh đạo gồm 1 trưởng phòng, 2 phó phòng, và chỉ có 1 nhân viên. Nhưng hài hước nhất là ở Nghệ An, có nơi chỉ có quan không có quân, chỉ có thầy, không có thợ, như “tình hình dân số” ở phòng tài chính kế toán UBND huyện Anh Sơn: 4 biên chế. Tất cả đều là “sếp”, gồm: 1 trưởng phòng và 3 phó phòng”.
Giữa năm ngoái, dư luận ở Việt Nam sửng sốt khi báo Nông Nghiệp Việt Nam đưa tin xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa có tới 500 cán bộ (công chức xã) trong khi dân số chỉ có 9,500 người đếm cả trẻ con đến cụ già. Tính ra, cứ 19 người dân thì có một quan cán bộ.
Ðể nuôi một số lượng quan quyền đông đảo như vậy, dân của xã nghèo Quảng Vinh (30.6% là hộ nghèo) phải è cổ đóng 19 loại “phí chính thức” và “chưa kể những khoản phí bên ngoài không đưa vào sổ”, báo Ðất Việt kể. (T.N.)