Le Nguyen (Danlambao) - Đến hôm nay mùa Xuân lại về, trải qua mấy mươi năm “đời ta có đảng” dấu vết mùa Xuân dân tộc dần nhạt phai. Mùa Xuân không phải mất nữa mà đã chết trên quê hương Việt Nam theo thời gian “đời ta có đảng”. Ngày nay đảng đón Tết, mừng Xuân tràn ngập khẩu hiệu đỏ cả một góc trời... Không có hình ảnh anh công nhân bác nông phu, không có cả bóng dáng dân tộc, giai cấp cội nguồn mà đảng tự nhận là đại diện đại biểu trung thành với... và trong “mừng đảng, mừng Xuân, mừng năm mới” những gói quà cáp chất cao như núi, những phong bao phong bì nặng tay thay cho những kỳ kèo bớt một thêm hai các dự án quy hoạch của một ngày như mọi ngày “sống đời sống thực vật” của đám quan chức cán bộ đảng viên...
*
Mỗi năm chim Én lượn bay, muôn Hoa khoe sắc màu là báo hiệu mùa Xuân mới sắp đến. Mùa Xuân cũng là mùa Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, ngày "tống cựu nghênh tân" xua đuổi rũ bỏ buồn đau xui rủi năm cũ, đón chào niềm vui may mắn của năm mới và Tết cũng là ngày mà những người con tha hương, lưu lạc khắp bốn phương trời theo truyền thống tìm về quê cũ quây quần dưới mái ấm gia đình cùng nhau ghi nhớ công ơn tưởng niệm tổ tiên đã khuất, chúc thọ ông bà cha mẹ còn sống, chúc phúc người thân bạn bè... và chúc cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong một năm mới trải dài trước mắt.
Thế nhưng truyền thống mang ý nghĩa tốt đẹp của ngày Xuân, ngày Tết dần phai nhạt trong lòng của những người không may sinh ra, lớn lên trong lòng đất nước bị mang tên cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sự rời xa nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc có nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan, nhưng nguyên nhân đầu tiên có thể nói là do những người cộng sản Việt Nam mang danh cách mạng du nhập "cứu cánh biện minh cho phương tiện" bất chấp thủ đoạn, tất cả lễ hội mang sắc thái độc đáo của dân tộc đều có khả năng trở thành phương tiện phục vụ cho mục tiêu chính trị, tham vọng chính trị của bác và của đảng cộng sản Việt Nam.
Điển hình là mùa Xuân năm Mậu Thân 1968, ông Hồ Chí Minh lợi dụng hiệp ước đình chiến trong ngày Tết cổ truyền phát hiệu lệnh tổng tấn công khắp lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa qua bài thơ chúc tết phát trên đài phát Thanh Hà Nội gây đau thương tang tóc, chết chóc khổ đau cho đồng bào Miền Nam Việt Nam trong ngày Lễ Tết thiêng liêng gia đình vui vầy sum họp, nhà nhà vui chơi mừng xuân đón Tết truyền thống:
"Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta." (1)
Đọc những câu thơ với lời lẽ manh động ngầm phát hiệu lệnh thúc giục, kẻ thuộc quyền lao vào cuộc thi đua bắn giết đồng bào mình lại bảo là đánh giặc Mỹ trong ngày Tết cổ truyền quả là độc ác lạnh lùng trên đời trời đất này chắc chỉ có một Hồ Chí Minh chứ không có hai hoặc giả nếu có thì những kẻ đó chắc chắn phải là đồng chí hoặc hậu duệ thấm nhuần "đạo đức" của ông ta chứ không ngoài ai khác? Thế mà bọn văn nô bồi bút lại xoa đầu vuốt râu mơn trớn khen thi tài của bác: “thật tài tình ngắn gọn, dễ hiểu... một bài ca chiến thắng... một dự đoán thiên tài... về sự tất thắng của quân và dân ta!”
Thế rồi tiếp theo sau mùa xuân năm 1968 và cũng khởi đầu từ những ngày mùa Xuân được gọi là đại thắng của năm 1975, kẻ truyền thừa của ông Hồ Chí Minh từ rừng xuống phố điên cuồng hò hét ngợi ca quang vinh, tự hào như những kẻ mộng du đi trong đêm đen: "Mùa Xuân trên thành phố Hồ Chí Minh quang vinh... ôi đẹp biết bao... biết mấy tự hào... ngày đi như trong đêm mơ... tuổi lớn rồi mà như ngây thơ..." (2) Và họ, tuổi lớn rồi mà như ngây thơ thật, nên kể từ ngày đó cả nước không còn đủ điều kiện lẫn cơ hội cho đàn con lưu lạc tìm về quê cũ dấu yêu, sum họp dưới mái ấm gia đình, khởi đầu cho những hệ lụy đảo ngược giá trị đạo đức truyền thống của tổ tiên nghìn đời để lại với biết bao đau thương mất mát, nhiều máu và nước mắt đổ ra không chỉ thu hẹp ở Miền Bắc, trên thành phố Hồ Chí Minh quang vinh... biết mấy tự hào... mà lan tràn ra khắp cả ba miền đất nước Việt Nam.
Rồi cũng chính từ ngày đoàn quân ngoài Bắc vô Nam cất tiếng hò hét vang vang: “... mùa Xuân trên thành phố Hồ chí Minh quang vinh... ôi đẹp biết bao... biết mấy tự hào... ngày đi như trong đêm mơ... tuổi lớn rồi mà như ngây thơ...” cũng là lúc cả nước lần lượt xuất hiện từng đoàn dân oan khiếu kiện mất đất, mất nhà, mất chồng, mất cha, mất con trong trại tù khổ sai, trại tạm giam, tạm giữ... từng đoàn người già trẻ gái trai có cả trẻ em ăn chưa no lo chưa tới phải bám bãi rác "móc bọc" để mưu sinh... cùng với đoàn quân hùng hậu ăn xin, bán vé số dạo “nhập cuộc” ngày càng đông...
Thật ra, cảnh thanh bình yên ả, những nếp sống, hình ảnh đẹp mang tính nhân văn của mùa xuân dân tộc đã mất từ lâu, mất trước khi người dân hai miền chợt cảm nhận ra “ngày đi như trong đêm mơ, tuổi lớn rồi mà như ngây thơ” và rất hồ hỡi vô tư phụ họa: “...mùa xuân trên thành phố Hồ Chí minh quang vinh... ôi đẹp biết bao... biết mấy tự hào... xa ba mươi năm nay mới gặp nhau... vui sao nước mắt lại trào?...”
Mùa Xuân dân tộc đã mất, nó mất kể từ khi người dân Miền Bắc, có thể là cả nước ngộ nhận tưởng rằng: “...đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng... một mùa Xuân tươi... tràn ánh sáng khắp nơi nơi... đảng đã cho ta cả mùa Xuân của cuộc đời... đảng truyền cho ta một niềm tin ở tương lai... đảng đã mang lại tình yêu thương khắp nơi...” (3)
Sự thật, đảng “không có gì...” để cho dân tộc như đảng trưởng băng đảng cộng sản tuyên bố nhưng người ta vẫn cố tình ngộ nhận “độc lập tự do, ấm no hạnh phúc” là của đảng tất tần tật. Có thể nói rằng kể từ khi có đảng, đảng chỉ cho đất nước dân tộc này không có gì khác ngoài khổ đau tuyệt vọng, máu và nước mắt, tương lai là bóng tối trước mắt. Ngay cả hình ảnh sinh hoạt đẹp trong mừng xuân, đón tết rất phổ biến ở Miền Bắc, ở thủ đô nghìn năm văn hiến, trước khi “đời ta có đảng” cũng đã dần lụi tàn theo bước chân thô thiển, hung bạo của đảng cộng sản Việt nam, chẳng hạn như hoạt cảnh mỗi độ xuân về của ngày Tết xa xưa:
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua...
...Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay.
Lá vàng rơi trên giấy;
Ngoài giời mưa bụi bay.
... Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”(4)
Không chỉ riêng Miền Bắc mất dần hoạt cảnh đặc thù mừng Xuân đón Tết mà sinh hoạt đẹp, nét đặc thù mang bản sắc Miền Nam, nơi nơi vang câu hò tiếng hát lời ca mỗi độ Xuân về, đúng với thực chất tinh thần của đón Tết, mừng Xuân của vùng đất trù phú tự do ở phía nam tổ quốc. Họ thể hiện tinh thần đùm bọc yêu thương, chúc nhau bằng cả tấm lòng, chúc mừng cho tất cả mọi người từ bác nông phu, người thương gia đến anh công nhân gian lao nghèo khó...
“...Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi...
Người thương gia lợi tức...
Người công nhân ấm no...
Thoát ly đời gian lao nghèo khó...”(5)
Đến hôm nay mùa Xuân lại về, trải qua mấy mươi năm “đời ta có đảng” dấu vết mùa Xuân dân tộc dần nhạt phai. Mùa Xuân không phải mất nữa mà đã chết trên quê hương Việt Nam theo thời gian “đời ta có đảng”. Ngày nay đảng đón Tết, mừng Xuân tràn ngập khẩu hiệu đỏ cả một góc trời mang nội dung nhạt nhẽo cục bộ, ưu tiên cho một nhóm người thuộc phe đảng của đảng. Họ chỉ “mừng đảng, mừng Xuân, mừng năm mới” không có hình ảnh anh công nhân bác nông phu, không có cả bóng dáng dân tộc, giai cấp cội nguồn mà đảng tự nhận là đại diện đại biểu trung thành với... và trong “mừng đảng, mừng Xuân, mừng năm mới” không thấy các quan chức, đại gia chúc nhau, chỉ thấy những gói quà cáp chất cao như núi, những phong bao phong bì nặng tay thay cho những kỳ kèo bớt một thêm hai các dự án quy hoạch của một ngày như mọi ngày “sống đời sống thực vật” của đám quan chức cán bộ đảng viên...
Ngoài ra chúng ta ai cũng thấy rằng, mùa Xuân ngày Tết chỉ là dịp, là cơ hội để cán bộ, đảng viên hồ hởi tự mừng đảng bằng những buổi tiệc liên hoan hoành tráng công khai dư thừa rượu thịt ngay bên trong cơ quan đảng nhà nước và bên cạnh các tiệc tùng công khai là các buổi tiệc chiêu đãi bán công khai ấn tượng hơn với bia rượu ngoại đắt tiền, với những món thịt “tươi sống” thơm lừng mùi nước hoa cao cấp quý hiếm, phục vụ cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp, các đại gia “cánh hẩu” ở những địa điểm phục vụ đặc biệt lẫn ưu tiên dành riêng cho “cộm cán” vui chơi thâu đêm suốt sáng.
Thế có bao giờ các lãnh đạo cao cấp cộng sản mừng đảng, mừng xuân, mừng năm mới... “cháy” hết mình trong các bàn tiệc công khai lẫn bán công khai bỗng có một phút chạnh lòng, xót xa nghĩ đến thân phận những người đồng bào ngày tư ngày tết vẫn phải tất bật mưu sinh, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc quần quật trong các công xưởng người nước ngoài, đổ mồ hôi sót con mắt trên cánh đồng bất tận lắm quỷ nhiều ma, hằng hà sa số cường hào ác bá có nguồn gốc đảng?
Cũng như có bao giờ trên đỉnh cao quyền lực, trên đỉnh cao quang vinh... biết mấy tự hào... các người bỗng thấy tự ái dân tộc bị va chạm khi biết các cô gái thuộc thành phần lao động nghèo, những người đồng bào tự nguyện lột truồng cho các sắc dân Sing, Mã, Đài, Hàn... sờ mó, nắn bóp chỗ “nhạy cảm” rồi cười vang khả ố, chọn lựa rao bán trả giá như một món hàng thời chế độ nô lệ?
Các người có biết những cô gái tội nghiệp ấy dẩu biết rằng có nhiều thử thách, bất trắc chờ đón trước mắt, kể cả rất có khả năng trở thành nạn nhân của tệ nạn nô lệ tình dục bởi trước đó có rất nhiều người là nạn nhân nhưng họ vẫn nhắm mắt bịt tai nhất quyết ra đi theo cách rất không bình thường bởi trong suy nghĩ của các cô thôn nữ nhà nghèo ít chữ còn một phần nhỏ, rất nhỏ hy vọng được đổi đời “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt” và họ cũng hiểu rằng có thể một lần đi là một lần vĩnh biệt hơn là phải tiếp tục sống tuyệt vọng trong một đất nước không còn có mùa Xuân.
Thế thì vì đâu nên nỗi?
Không cần phải tìm kiếm đâu xa, họ phải nhắm mắt đánh nước cờ “liều” bởi mùa Xuân dân tộc không tồn tại, nó đã chết, chết kể từ khi đảng lừa gạt bảo rằng “đảng đã cho ta mùa Xuân... cả mùa Xuân của cuộc đời...” nhưng thật ra là đảng đã lạm dụng, lợi dụng mùa Xuân làm cứu cánh phục vụ cho tham vọng quyền lực của đảng, giết chết mùa Xuân, ngày Tết truyền thống có đàn con tha hương lưu lạc tìm về tưởng nhớ người chết, chúc thọ người sống, chúc mừng nhau những lời chúc tốt đẹp... trong tinh thần yêu thương đùm bọc, nâng đỡ lẫn nhau của giống giòng Đại Việt vốn có.
______________________________
Chú thích:
(1) Thơ chúc Tết năm 1968 của ông Hồ Chí Minh.
(2) Nhạc đỏ: Mùa Xuân trên Thành Phố Hồ Chí Minh.
(3) Nhạc đỏ: Đảng Đã Cho Ta Một Mùa Xuân.
(4) Thơ: Ông Đồ của Vũ Đình Liên
(5) Nhạc: Ly Rượu Mừng của Phạm Đình Chương.