Trần Mạnh Hảo (Danlambao) - Tác phẩm “Trường ca chân đất” của nhà thơ Thanh Thảo - Ủy viên hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam đầu tháng 01-2013 này đã nhận được hai giải thưởng lớn cùng một lúc: 1- Giải thưởng của Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam 2- Giải thưởng của Hội nhà Văn Việt Nam, đã được nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam kiêm chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, trong lễ trao giải thưởng ngày 29-01-2013 hết lời ca ngợi, coi trường ca này như một tuyệt tác, đạt tới đỉnh hay của đảng của dân và của Hội. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, trong diễn văn ca ngợi các tác phẩm được giải, đã hết lời ca ngợi tập trường ca này của nhà thơ Thanh Thảo như sau:
“Trường ca chân đất của nhà thơ Thanh Thảo thể hiện một bút pháp điêu luyện và một mạch ngầm xiết chảy của cảm xúc trong những câu thơ quá nhuần nhuyễn, tinh tế và độ vang rộng. Cấu trúc trường ca với các chương từ Chân tre đến Chân sóng đã tạo ra sự chuyển động dây chuyền của con sóng này đẩy tiếp con sóng khác để cuối cùng dâng lên thành con sóng lớn mang tên Tổ quốc. Đó là những con sóng của cảm xúc và ý chí, của quá khứ và hiện tại, của một người và của cả đất nước, của lịch sử và văn hóa. Đó là một bản giao hưởng ngôn từ bi tráng và kiêu hãnh về một dân tộc đã đứng lên từ nước mắt và máu để dựng lên nhân cách sống của mình suốt chiều dài lịch sử.” (1)
Ngay sau khi Hội nhà văn VN công bố giải thưởng, nhà phê bình văn học kiêm nhà nghiên cứu triết học Nguyễn Hoàng Đức, trên trang mạng của nhà văn Nguyễn Tường Thụy, đã công bố bài phê bình tập trường ca này của Thanh Thảo, với tiêu đề dễ gây choáng: “Thơ Thanh Thảo – Chuyên gia nước ốc trường ca, cỡ vạn người làm”. Có đoạn viết như sau:
“Thanh Thảo là nhà thơ lớp chống Mỹ rất lừng danh! Nhưng lừng danh bởi cái gì thì tôi chưa được đọc nhiều. Một lần thấy chương trình nói về thơ Thanh Thảo với bài “tủ” rất nổi tiếng của ông, tôi đã rất chăm chú lắng nghe. Tôi thấy Thanh Thảo bước ra bãi cỏ và đọc bài “Dấu chân qua trảng cỏ”. Bài thơ chẳng có cảm xúc hay cái nhìn gì đặc biệt. Ngay cái tên của nó cũng gợi lên cho ta một chủ đề hết sức bình thường. Nếu văn học là đi qua thông tin cấp một, thì đầu đề bài thơ chỉ là 1,1 thông tin, với một khung cảnh, một cảm trạng. hay một suy tư kéo theo rất nhỏ nhắn. Đi thẳng vào bài thơ nó mới là niềm thất vọng lớn. Nó nhạt không thể nào tả được. Nếu mục đích của nó không “són ra” một tí tuyên truyền thì nó chẳng có gì để nói. Một tí đó nằm ở cuối của bài thơ Cuộc đời trải mút mắt ta:
Lối mòn nhỏ cũng dẫn ra chiến trường
Và:
Vùi trong trảng cỏ thời gian
Vẫn âm thầm trải mút tầm mắt ta
Vẫn đằm hơi ấm thiết tha
Cho người sau biết đường ra chiến trường...
Một tác giả viết dù nhạt như vậy, nhưng hôm nay chắc là do cơ số ưu tiên giành cho các cán bộ đại ca của văn học mậu dịch, ông lại vừa ẵm giải của Hội Nhà văn với trường ca chân đất. Cái gọi là trường ca này dài hơn bốn nghìn chữ, với tứ thơ và ý thơ nói cho nhanh đều cán đích nhạt hơn nước ốc. Chúng ta hãy thử suy luận hai từ “chân đất”, nó hoàn toàn là thông tin cụt lủn cấp một chẳng hề chứa một thông điệp nào của tư tưởng. Hơn thế, chữ chân đất gợi lên thứ nông phu nào đó. Một nông dân có thể rất đẹp trên cánh đồng, nhưng chưa thể trở thành nhân vật của mỹ học cao cả được. Thôi nói nhiều võ đoán, chúng ta thử bước vào mấy câu thơ tiêu biểu nhất:
- này bạn tre ngâm ơi
sao mắt rạng ngời
mùi hơi gắt
- thì Việt vương cũng nằm gai nếm cứt
như thân ta ủ kín trong bùn
Thanh Thảo lấy vua Việt Vương để làm duyên cho tre. Trời ơi vẻ đẹp của tre thuần phác lắm, nó ngâm trong bùn cao quí khác gì vàng thử lửa, hay con người bị thử thách trong ô nhục. Vậy việc gì phải an ủi nó bằng cách so với Việt Vương nếm cứt. Đúng là khi trong đầu chẳng có tư tưởng gì trọng đại người ta đành phải loay hoay với những điều vớ vẩn. Đây hoàn toàn là cách tự ti tiểu nông muốn lên gân. Về tu từ pháp, khi Nguyễn Huy Thiệp đưa “cứt” vào văn xuôi, nhiều người đã coi là “thẩm xú”, vậy mà thanh Thảo còn đưa cứt cả vào thơ, có lẽ xưa nay chưa từng có thẩm xú đỉnh cao kiểu cán bộ như vậy. Tiếp theo:
bác Năm Trì tàng tàng tàng
bác Năm Trì dân Quảng Ngãi
đêm láng lênh bác ngồi gãi háng
trăng hạ tuần
Đây hoàn toàn là thứ thơ thấy gì nói nấy, rơi vào dễ dãi, tự nhiên chủ nghĩa, đem cả việc gãi háng vào thơ khác nào bày ra thứ nhà tắm công cộng” (hết trích Nguyễn Hoàng Đức) (2)
Sự phê bình hơi bị nóng tính trên của anh Nguyễn Hoàng Đức không phải không có lý, tuy nhiên vẫn còn có chỗ cực đoan. Mấy câu thơ trong trường ca trên của Thanh Thảo anh trích ra chê thô tục, bậy bạ là chính xác. Bài thơ lục bát “Dấu chân qua trảng cỏ” của Thanh Thảo làm ca ngợi anh lính giải phóng hồi xưa Nguyễn Hoàng Đức trích ra và chê kém là rất đúng. Đây là một bài thơ xoàng đã mấy chục năm nay có hàng chục người thi nhau ca tụng.
Nhưng khi anh Nguyễn Hoàng Đức có ý xổ toẹt đời thơ Thanh Thảo thì chưa khách quan. Trường ca “Những người đi tới biển” của Thanh Thảo năm 1977 là một trường ca hay, tuy có một số đoạn chất lượng còn trung bình. Thanh Thảo có một số bài thơ hay, tiêu biểu là bài thơ “Đêm trên cát” viết về Cao Bá Quát.
Trong “Trường ca chân đất” đôi khi ta vẫn thấy có những câu thơ hay hoặc khá của Thanh Thảo, như các câu sau:
“những năm ấy cây chò rừng bốc cháy
lửa hồn nhiên sáng trong
trăng như sữa đổ tràn rẫy cũ
một mình tôi ngun ngút nhớ thương
những năm ấy tôi bơ vơ như đất
bị bỏ quên một góc
bìa rừng”
…
“hoàng hôn xuống như một người gánh rạ
gánh sắc vàng đang sẫm dần”
….
“đời như chiếc cối xay tre
quay quay quay mãi
lại về
tuổi thơ”
…
“60 năm còn lại gì
vẫn tiếng chân mưa đi
ngoài cửa sổ”
….
“cõng mẹ đi chơi
mẹ nhẹ đến nỗi không biết còn hay mất”
….
“những dòng sông mất tích
những đám mây trượt ngã
những hàng cây tắt nến trong đêm
tôi đi về nhà mình
thèm một ngọn lửa màu rơm
một ổ chó ấm hơi chờ đợi”
….
Phần lớn những câu trong “Trường ca chân đất” là những câu thơ dở, viết dễ dãi, như những câu nói thường nhật năng xuống dòng, hoặc sến, hoặc ngây ngô tức cười, hoặc sáo mòn, phi hình tượng, phi hình ảnh, nôm na như sau:
“bác Năm Trì dân Quảng Ngãi
ghét bác ghê cái tính hay nói tục
chửi bậy
chẳng nhằm ai
như trẻ con ném đất cục
vô ý trúng
có khi đền thấy mẹ
có khi
phải kiểm điểm
dù đất cục quê mình
chỉ u đầu chứ không
sưng
….
bác Năm Trì tưng tưng tưng
bác Năm Trì dân Quảng Ngãi
mùa tiếp mùa bác kéo nhá buông câu
xơi tái
dăm ba thằng se sẻ
…
những con đỉa tự ngàn xưa
hoảng sợ
những con đỉa đeo bám vào giấc mơ
nhờ nhợ
(bây giờ người Tàu sang xứ mình lùng mua đỉa
đắt bao nhiêu cũng cân
chắc họ mua về thả ruộng (Tàu)
cho đỉa bu sướng chân (Tàu)
hút máu)
người Tàu thật lạ
họ mua những thứ dân mình vứt bỏ
và bán cho mình những thứ cả thế giới vứt bỏ
….
làm sao tôi biết
chân ruộng sâu có gì?
bác Năm Trì
bình thản xoa tí nước bọt vào chân
và bứt ra một con
đỉa
nói theo kiểu bây giờ
“hết sức kiềm chế!”
….
à à uôm uôm
ruộng sâu rồi tới ao chuôm
tôi lớn lên từ đó
bàn chân sục trong bùn
nghe ram ráp lá lúa xoa vào mặt
từ một cánh đồng anh đi đánh giặc
mùi bùn đâu chẳng giống nhau
cứ gì mùi thơm mới khiến nhớ lâu
khi bùn non nối đời anh với đất
khi bàn chân giẫm gai cào đá sắc
là để cho bùn ruộng nhuyễn hơn thôi
….
tôi hạnh phúc thơ mình lấm láp
thơ mình in gương mặt bác Năm Trì
nẻ chân chim mặt ruộng mùa cuốc ải
lầm lì
hái rau tập tàng
bắt con cua lùa con cá
về cho má
nấu canh chua
….
người già quê tôi
bắt được con gì ăn con nấy
nấu canh đủ thứ lá
mọc hoang trên ruộng mình
mỗi khi họ làm thinh
mây trên trời tụ về đen kịt
nhớ linh tinh
đựng cho vừa vài folder máy tính
đếm lĩnh kĩnh
…
dội từ thăm thẳm hang xưa ấy
một tiếng” ngà ơ” gọi ta về
ta như con dế thèm đám cỏ
gặm hết thời gian bỗng tái tê
…
buông câu giữa muôn trùng đói rách
mong giật được một ngày sáng tươi
quê hương bỏ thì thương vương thì tội
em thèm làm việc lắm anh ơi!
…
nhưng mẹ ơi còn con trai trong bụng
là mẹ đẻ hết ra cho chúng giong khơi
….
lặn biển Hoàng Sa liệt nửa người
giờ ngồi xe chó kéo
người bé trên đảo Bé
mỗi khi nhìn thấy biển mắt rực cháy
“biển ơi biển ơi biển ơi”
thế thôi
….
anh yêu biển mà đứng trên bờ
anh yêu nước mà không biết bơi
…
chúng tôi không xây Vạn Lý Trường Thành
chúng tôi đếch là hảo hán
chúng tôi tươi vui
bình thản”
…
(3)
“Trường ca chân đất” rất dàn trải, thiếu cấu tứ chặt chẽ, các chương đều do chơi chữ “chân” từ “chân đất” mà ra: chân tre, chân ruộng, chân mưa, chân núi, chân cỏ, chân tháp, chân mây, chân sóng, chân lũy. Cứ đà này, nhà thơ có thể kéo tới ngàn trang bằng các chương khác cho đủ bộ “chân” của nhà “chân học” Thanh Thảo: chân trời, chân thật, chân giả, chân thang, chân móng, chân nhân, chân mày, chân gỗ, chân tình, chân thiện mỹ, chân chim, chân giò... cho tràng giang đại hải nữa hay sao?
Do đó, khi nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức nói Thanh Thảo là “chuyên gia nước ốc trường ca” thì có vẻ đúng, nhưng hơi quá. Phải nói “Trường ca chân đất” không nhạt đến nỗi như nước ốc, mà nó đậm đà hơn, nó giống NƯỚC HẾN chứ không phải NƯỚC ỐC.
Một tập thơ thể loại trường ca chất lượng trung bình hoặc trung bình khá như tập này của Thanh Thảo mà được những hai giải thưởng văn học (giải Hội nhà văn VN, Giải Hội liên hiệp văn học nghệ thuật VN) thì quả là bệnh mù thơ của ban lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam đã nặng tới mức vô phương cứu chữa...
Sài Gòn ngày 31-01-2013
___________________________________
Chú thích: