Câu mở đầu của phúc trình nói: "Chính phủ Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống các quyền tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa và trấn áp những người lên tiếng chất vấn chính sách nhà nước, vạch trần quan chức tham nhũng hoặc kêu gọi thay đổi chế độ độc đảng bằng các giải pháp dân chủ."
Nhưng học giả nổi tiếng, Ben Kerkvliet từ Đại học Quốc gia Úc, cho rằng nhận định tóm tắt của HRW không giống tư liệu ông thu thập ở Việt Nam.
"Đúng là giới chức Việt Nam đàn áp bày tỏ ý kiến, lập hội và nhóm họp hòa bình. Nhưng họ không đàn áp một cách có hệ thống."
"Nhiều nhà chỉ trích không bị đàn áp, nhiều cuộc biểu tình diễn ra mà không bị công an can thiệp."
"Công nhân, nông dân thường xuyên biểu tình chống tham nhũng, điều kiện làm việc, thu hồi đất...mà không bị sách nhiễu, đánh đập, tạm giữ, bắt giữ hay vào tù."
"Một số chắc chắn đã bị [đàn áp]. Nhưng sự đàn áp tỏ ra thất thường về thời gian, không gian và theo các yếu tố khác nữa."
Tiến sĩ Ben Kerkvliet, tác giả nhiều cuốn sách về chính trị, xã hội Việt Nam, nói có những cây bút, nhạc sĩ, giáo viên, luật sư kêu gọi cải cách chính trị, kể cả ủng hộ đa đảng.
"Một số bị tạm giữ, một số bị bắt và tống giam. Nhưng những người khác chưa bao giờ bị tạm giữ, một số bị giữ mà không bị bắt, một số bị bắt và vào tù rồi sau khi thụ án, lại đối kháng chính trị mà không bị bắt lại."
'Lằn ranh đỏ'
Chia sẻ nhận định này, cây bút David Brown, một nhà ngoại giao Mỹ đã về hưu, nói ông cố gắng tìm hiểu vì sao phát ngôn của người này thì được nhà nước châm chước, người khác thì bị giữ hay vào tù.
"Giả thuyết ban đầu của tôi là nội dung nói không quan trọng bằng hoàn cảnh phát ngôn."
"Một tỉ lệ thật cao những người bị bắt dường như đã vượt quá việc nói lên ý kiến cá nhân để ngả theo đối lập có tổ chức."
"Cũng có những ngoại lệ. Không có lợi cho bộ máy an ninh nếu đặt đường ranh đỏ quá chính xác. Dẫu vậy, tìm cách tổ chức ngoài sự kiểm soát của nhà nước luôn là cấm kỵ."
Trong khi đó, tiến sĩ Thomas Jandl từ Đại học Hoa Kỳ (American University) lại có lý giải khác.
Ông cho rằng phê phán chính sách thông qua các tổ chức phi chính phủ là điều được cho phép.
Nhưng "khi một nhóm vượt qua lằn ranh 'có tính xây dựng', mọi sự thay đổi."
Ông đề cập Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, một viện nghiên cứu chính sách tư nhân độc lập đầu tiên thành hình ở Việt Nam, đã phải tự đóng cửa năm 2009.
Khiếu kiện vì đất đai ngày càng phổ biến ở Việt Nam
"Sự phê phán của họ bị xem là không xây dựng vì không dừng lại mức đóng góp ý kiến cho những ưu tiên của chính phủ."
"Tranh chấp đất đai cũng tương tự....Một số tranh chấp được phép, có lẽ để giải tỏa bớt vấn đề."
"Nhưng nếu lại là một nhóm sắc dân thiểu số có tranh chấp tương tự về đất. Sẽ có kết quả khác."
Trái với ý kiến của ông Ben Kerkvliet, ông Thomas Jandl cho rằng sự đàn áp ở Việt Nam "có tính hệ thống" vì nó phân biệt ai sẽ bị trừng phạt, ai không.
Tranh luận đang diễn ra trong Nhóm Nghiên cứu Việt Nam (Vietnam Studies Group), một diễn đàn trao đổi qua email giữa những người quan tâm đến Việt Nam.