Từ anh hùng đến bạo chúa - Dân Làm Báo

Từ anh hùng đến bạo chúa

Nguyễn Hưng Quốc (VOA Blog) - Ở Việt Nam, đảng Cộng sản thường hay nói: Họ là những người có công trong việc giành độc lập cho đất nước từ tay thực dân Pháp vào năm 1945, bởi vậy, chỉ có họ mới xứng đáng giữ vai trò lãnh đạo đất nước, hơn nữa, độc quyền lãnh đạo đất nước. Mỗi lần nghe những câu nói như vậy, tôi lại nhớ đến các nhà độc tài ở châu Phi và châu Á: Hầu hết đều bắt đầu “sự nghiệp” tàn phá đất nước của họ như những anh hùng!

Thì Pol Pot (1925-1998) cũng là một “anh hùng” của Campuchia đấy chứ? Ông đã lãnh đạo đảng Cộng sản Campuchia lật đổ Norodom Sihanouk, “giải phóng” đất nước của ông và có “công” biến Campuchia thành một nước “xã hội chủ nghĩa thực sự”. Kết quả, ai cũng biết: thứ nhất, ông đã giết khoảng từ một triệu đến ba triệu người, tức khoảng 25% dân số Campuchia; thứ hai, biến Campuchia suýt trở lại thời kỳ đồ đá trong vòng ba năm; và cuối cùng, biến Campuchia thành thuộc địa của Việt Nam, ít nhất trong vòng hơn 10 năm, từ 1978 đến 1989.

Muammar Muhammad Abu Minyar al-Gaddafi (1942-2011) cũng là một “anh hùng” của Libya, hơn nữa, có lúc, còn được xem là “anh hùng” của cả châu Phi đấy chứ? Ông đã lật đổ được vua Idris, giải thể chế độ quân chủ, thành lập Cộng hòa Ả Rập Libya với “định hướng” xã hội chủ nghĩa, tiến hành các cuộc “cách mạng bình dân” và hỗ trợ các phong trào đấu tranh độc lập ở một số nước châu Phi. Kết quả? Với Libya, kinh tế thì kiệt quệ, đối ngoại thì bị cô lập, đời sống dân chúng thì vô cùng điêu đứng. Với bản thân ông thì bị thế giới nhìn như một con chó điên, và cuối cùng, con chó điên ấy bị kéo lên từ ống cống để đền tội.

Dù sao Pol Pot lẫn Gaddafi cũng đều đã chết. Ở châu Phi hiện nay vẫn còn một số “anh hùng” khác chưa bị đền tội. Trong số đó, “nổi tiếng” hơn cả là Robert Mugabe ở Zimbabwe.

Sinh năm 1924, lúc Zimbabwe còn là một thuộc địa của Anh, Mugabe, cũng giống như nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam, tham gia cách mạng từ nhỏ và cũng chịu đựng cảnh bắt bớ và tù tội liên miên. Nhưng khác với giới lãnh đạo Việt Nam, ông rất chịu khó học tập. Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm, trở thành thầy giáo, ông còn học, chủ yếu bằng cách hàm thụ, ở một số đại học ở Nam Phi và Anh, để lấy thêm sáu cái bằng nữa, gồm: bằng Cử nhân về Quản trị và Cử nhân Giáo dục (từ Đại học Nam Phi), Cử nhân Khoa học, Cử nhân Luật, Thạc sĩ Khoa học và Thạc sĩ Luật (tất cả đều từ trường Đại học Mở rộng London). Trong số các bằng ấy, hai bằng về luật được ông học trong thời gian ông còn ngồi trong nhà tù, từ 1964 đến 1974.

Từ thập niên 1960, Mugabe nổi lên như một anh hùng trong phong trào du kích chống chính quyền da trắng của Ian Smith để giành độc lập cho nước ông. Những án tù đày càng làm tăng uy tín của ông trong dân chúng. Ra khỏi nhà tù năm 1974, ông được bầu làm lãnh tụ Liên hiệp Quốc gia Phi châu Zimbabwe (ZANU), cuối cùng, năm 1980, ông trở thành thủ tướng đầu tiên của Zimbabwe độc lập. Sau đó, năm 1987, ông trở thành tổng thống. Từ đó đến nay, ông liên tục tái đắc cử tổng thống: 1990, 1996, 2002 và 2008.

Nhưng dưới sự lãnh đạo của ông, đất nước Zimbabwe ra sao?

Sau 30 năm chịu sự lãnh đạo “thiên tài” của Mugabe, Zimbabwe, từ một quốc gia được xem là giàu có ở châu Phi đã biến thành một trong những quốc gia nghèo đói nhất thế giới. Tổng sản phẩm nội địa của Zimbabwe vào năm 2012 là khoảng 500 đô la trên đầu người; tỉ lệ thất nghiệp vào năm 2009 là 95%; trị giá một Mỹ kim vào năm 2008 là 430.000 (gần nửa triệu) đồng bạc Zimbabwe. Không có nước nào trên thế giới có đồng tiền bị mất giá nhanh như đồng bạc Zimbabwe. Ngay trước khi độc lập, một đồng Rhodesia (tên cũ của Zimbabwe) trị giá một nửa bảng Anh. Năm 1987, Zimbabwe in tiền riêng, thoạt đầu, một đồng Zimbabwe cao hơn một đô la Mỹ. Sau đó, đồng tiền cứ mất giá liên tục; mỗi lần quá mất giá, chính phủ lại in tiền mới; khi tiền mới lại mất giá, họ lại in loại tiền khác. Cứ thế, liên tục.

Lạm phát ở Zimbabwe không được gọi là lạm phát. Mà là siêu lạm phát (superinflation). Ở những nơi khác, lạm phát vài trăm, hay thậm chí, chỉ vài chục phần trăm là đã thấy khủng khiếp. Ở Zimbabwe, ví dụ vào năm 2008, lạm phát lên đến hàng tỉ tỉ phần trăm! (Con số lạm phát chính xác vào tháng 11 năm 2008 là 79.600.000.000% (bảy mươi chín ngàn sáu trăm tỉ!) Có lúc cả tỉ đồng Zimbabwe không đủ để mua một ổ bánh mì. Để cứu vãn tình hình kinh tế, vì không ai còn tin tưởng vào đồng tiền Zimbabwe nữa, từ năm 2009, chính phủ chấp nhận đồng Mỹ kim là đồng tiền chính thức để mua bán khắp nơi. Đến lúc ấy lại nảy sinh một vấn đề khác: Vì vật giá ở Zimbabwe quá rẻ, mua cái gì cũng chỉ có mấy xu, do đó, nếu bạn cầm một tờ 5 đô la, chẳng hạn, người bán hàng sẽ không có tiền để thối lại. Đưa tờ một đồng, người ta cũng không có tiền cắc để thối lại. 

Để thấy “công lao” của Mugabe, chúng ta có thể nhìn vào bản đồ biểu tổng sản phẩm nội địa của Zimbabwe từ năm 1980 đến năm 2005 dưới đây:

​​

Về phương diện y tế, tuy Zimbabwe có giảm tử suất của trẻ sơ sinh nhưng tuổi thọ trung bình của người dân thì càng ngày càng giảm, từ 59.1 tuổi vào năm 1980 xuống còn 45.1 tuổi vào năm 2008.

Năm nay, Mugabe đã gần 90 tuổi. Báo chí tường thuật trong nhiều cuộc họp hay hội nghị kể cả với các chính khách thế giới, ông ngồi ngủ gục ngon lành! Gần đây, ông bị bệnh, phải sang Singapore chữa trị. Thế nhưng ông vẫn không có ý định từ chức. Ông vẫn cho chỉ có ông mới xứng đáng để lãnh đạo đất nước. Rất nhiều người đối lập bị ông giết chết; vô số người khác bị ông bỏ tù. Với bàn tay sắt, ông chà đạp lên cả dân chủ lẫn nhân quyền, bất chấp sự phê phán và lên án của quốc tế.

Tin mới nhất liên quan đến Zimbabwe: Đầu năm 2013, Bộ trưởng Tài chính Zimbabwe tuyên bố, sau khi trả tiền lương cho các công chức, trong quỹ của họ chỉ còn lại có hai trăm mười bảy đô la (217 dollars). Họ định sẽ tổ chức bầu cử trong năm nay. Chi phí cho cuộc bầu cử dự định là khoảng 104 triệu. Bây giờ với cái ngân khố trống rỗng như vậy, họ lo là sẽ không thể tổ chức bầu cử được!

A! Ít ra Zimbabwe cũng còn nghĩ đến chuyện bầu cử!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo