Cuộc chiến "sửa đổi hiến pháp" - Dân Làm Báo

Cuộc chiến "sửa đổi hiến pháp"

Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Đây là cuộc chiến ngôn luận nhưng một bên ngoài việc tự tung tự tác trên hệ thống truyền thông "lề đảng" khổng lồ, còn sẵn sàng đưa cả quân đội, công an vào cuộc, thậm chí "hy sinh" cả uy tín của lãnh đạo để đạt được mục đích. Chẳng cần phải chờ tới 9/2013 thời hạn cuối cùng của góp ý, sau đó quốc hội sẽ tập hợp, cho ra đời hiến pháp 2013 mà ngay từ bây giờ có thể khẳng định đảng đã đạt được mục đích, giành được "thắng lợi" trong cuộc chiến trên. Nhưng nó chưa kết thúc vì những người "thua trận" vẫn tiếp tục thức tỉnh dân tộc, danh sách ký tên vào "kiến nghị 72" vào "tuyên bố của các công dân tự do" vẫn tiếp tục nối dài... Tới đủ để bắt đầu cho cuộc chiến lật đổ chế độ độc tài, thay hiến pháp 2013 bằng một hiến pháp mới theo đúng nghĩa...

*

Vốn coi hiến pháp là để "thể chế hóa đường lối lãnh đạo" nên cứ mỗi lần chuyển "giai đoạn cách mạng" đảng cộng sản Việt Nam lại sửa đổi hiến pháp cũ thành hiến pháp mới với lý do để "phù hợp với tình hình nhiệm vụ". Vì vậy kể từ khi giành được chính quyền tới nay họ đã có tới 4 hiến pháp. 

Giành được chính quyền vào tháng 8/1945 vì cần tập hợp nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến chống Pháp và muốn thế giới công nhân chính thể mới nên hiến pháp 1946 mang dáng dấp của một hiến pháp dân chủ tiến bộ ra đời. 

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, giành quyền kiểm soát miền Bắc theo hiệp định Giơ ne vơ, được các nước trong phe XHCN công nhận, bắt đầu xây dựng CNXH ở miền Bắc và tiến đánh miền Nam thì hiến pháp 1946 "không phù hợp" nữa được thay thế bằng hiến pháp 1959. 

Tháng 4/1975 thôn tính xong miền Nam thống nhất đất nước. Vừa kiêu căng tuyên bố "đất nước vĩnh viễn sạch bóng quân xâm lược" thì cuộc chiến ở biên giới Tây Nam diễn ra và 4 năm sau Việt Nam bị chính người đồng chí "môi hở răng lạnh" phản bội bằng hành động gây ra cuộc chiến tranh đẫm máu ở biên giới phía Bắc. Trong tình thế đó Đảng cộng sản Việt Nam đã liên kết toàn diện, tuyệt đối với Liên Xô thách thức Trung Quốc. Gọi là sửa đổi của hiến pháp 1959 nhưng thực chất hiến pháp 1980 là sao chép hiến pháp của Liên Xô trong đó điều 4 quy định đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo xã hội vốn là điều 6 của hiến pháp này. Đặc biệt trong lời nói đầu còn ghi rõ kẻ thù là bọn bá quyền Trung Quốc.

Những năm cuối của thập kỷ 80 thế kỷ trước, trong bối cảnh nền kinh tế suy sụp do chịu hậu quả của các chủ trương, chính sách sai lầm, của mô hình kinh tế quan liêu bao cấp. Nhà nước cộng sản buộc phải quay lại với kinh tế thị trường mà họ tự nhận là "cải cách, đổi mới". Cùng thời gian, các chế độ cộng sản ở Liên Xô, Đông Âu lần lượt tan rã. Lâm vào cảnh "thân cô thế cô" sợ bị sụp đổ cộng sản Việt Nam một mặt không dám cải cách chính trị mặt khác tìm chỗ dựa dẫm bằng cách xin "bình thường hóa" với Trung Quốc. Họ đã xin được nhưng là sau một hội nghị "đầu hàng nhục nhã" tại Thành Đô và hàng loạt các hiệp ước dâng đất, nhượng biển. Hiến pháp 1992 ra đời đánh dấu thời kỳ " đổi mới nửa vời". Về kinh tế áp dụng "mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN". Về chính trị ngày càng lún sâu vào độc tài qua việc bóp nghẹt hạn chế các quyền tự do dân chủ. Về ngoại giao bình thường hóa quan hệ hữu nghị với khẩu hiệu "hữu nghị 4 tốt, 16 chữ vàng" nhưng thực chất là ngày càng lệ thuộc dần trở thành tay sai, chư hầu của Trung Quốc. 

Trước và sau đại hội đảng lần thứ 11, chính sách "đổi mới nửa vời", mô hình "kinh tế thị trường định hướng XHCN", quan hệ "ngoại giao nô bộc" với Trung Quốc, một bộ phận không nhỏ đảng viên là lãnh đạo các cấp trở nên tha hóa biến chất tham gia vào hầu hết các vụ tham nhũng lớn nhỏ,..., ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến cho tình hình mọi mặt của Việt Nam ngày càng trở nên tồi tệ. Uy tín bị giảm sút nghiêm trọng, làn sóng đấu tranh đòi tự do, dân chủ, công bằng, chống Trung Quốc xâm lược ngày một dâng cao đe dọa trực tiếp vai trò lãnh đạo. Đảng cộng sản Việt Nam đứng trước nguy cơ tan rã, sụp đổ. Để kéo dài thời gian tồn tại, một mặt họ mị dân bằng "nghị quyết 4 chỉnh đốn đảng" hòng vớt vát chút uy tín còn sót lại, một mặt bám chặt và ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc, mặt khác là tăng cường đàn áp những người tranh đấu. Và để phù hợp với những "tình hình và nhiệm vụ mới" đó "dự thảo sửa đổi bổ sung hiến pháp 1992" tương lai sẽ là "hiến pháp 2013" ra đời. 

Khác với trước vốn "yên ả diễn ra trong bốn bức tường của hội trường quốc hội" giờ đây đã có nhiều đòi hỏi "phải trả lại cho dân quyền phúc quyết hiến pháp" nên lần sửa đổi này được tiến hành "rùm beng" hơn. Trước tiên là nghị quyết "sửa đổi bổ sung hiến pháp 1992 và thành lập ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992" thông qua ngày 6/8/2011. Sau hơn một năm, 23/11/2012 là nghị quyết số 38 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi bổ sung hiến pháp 1992. Ngày 28/12/2012 tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành chỉ thị số 22-CT/TW của bộ chính trị về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992. Ngày 2/1/2013 "Dự thảo sửa đổi, bổ sung hiến pháp 1992" được chính thức công bố. 

"Hiến pháp dự thảo" có 11 chương 124 điều gồm các điều giữ nguyên, bớt đi, gộp lại của hiến pháp 1992. Có thể thấy trong số điều giữ nguyên có những điều mà đảng cộng sản đã "kiên quyết, khăng khăng, bằng mọi giá" giữ từ hiến pháp này tới hiến pháp khác vì bỏ là "tự sát", là mất đặc quyền đặc lợi như điều 4, điều quy định "đất đai sở hữu của toàn dân do nhà nước quản lý". Đây cũng chính là những điều mà nhiều người am hiểu luật pháp, thấy rõ nguyên nhân sâu xa của các xung đột về đất đai giữa nhà nước với nhân dân đã liên tục đấu tranh đòi xóa bỏ từ nhiều năm gần đây. Bởi vậy sau khi "dự thảo sửa đổi bổ sung hiến pháp 1992" được công bố, 72 người đã có ngay bản kiến nghị về sửa đổi hiến pháp gồm 7 điểm trong đó có những điều trực tiếp, gián tiếp yêu cầu xóa bỏ những điều trên. Những điều nói về quyền tự do con người, tự do công dân hầu như vẫn được giữ nguyên hoặc sửa đổi chút ít đã bị "kiến nghị 72" vạch trần ý đồ "chưa phù hợp với các quy định chuẩn mực quốc tế về quyền con người... có quá nhiều nghĩa vụ một cách tùy tiện... trong dự thảo các lý do về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị, việc đưa cụm từ "theo quy định của pháp luật",... nhằm hạn chế những quyền đó sẽ mở đường cho việc nhân danh hiến pháp để vi phạm quyền con người, đàn áp các công dân thực thi quyền tự do như đã diễn ra trong thực tế những năm qua ở nước ta". Điều 2 của hiến pháp dự thảo được thêm vào "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp" chứng tỏ đảng vẫn muốn nắm giữ cả 3 quyền, vẫn chủ trương "không tam quyền phân lập". Đặc biệt điều 45 của hiến pháp 1992 quy định "Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân..." trong dự thảo được sửa đổi bổ sung thành điều 70 của hiến pháp dự thảo "Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với đảng cộng sản Việt Nam..." cho thấy nỗi lo lắng cho sự sụp đổ tan rã của đảng cộng sản Việt Nam đã lên tới tột độ. Việc sửa đổi điều này trong hiến pháp dự thảo chứng tỏ trong tương lai họ không ngại ngần tiến hành một" 'Thiên An Môn mới" ở Việt Nam. 

Như vậy "Dự thảo sửa đổi bổ sung hiến pháp 1992" rất phù hợp với "giai đoạn cách mạng mới" của đảng cộng sản Việt Nam. Tất nhiên cũng như những "dự thảo cương lĩnh chính trị của đại hội đảng" họ chỉ muốn sửa đổi một chút ít về câu chữ, đôi điều vụn vặt không quan trọng. Và ý đồ này đã được thực hiện rất nghiêm túc, công phu, bài bản. 

Một ban soạn thảo gồm 30 người trong đó có 8 là ủy viên BCT còn lại đều là UV trung ương và người đứng đầu các tổ chức "chân rết" của đảng. Có hẳn nghị quyết 38/2012/QH13 để hướng dẫn toàn dân góp ý với yêu cầu "Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến của nhân dân; không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992". Nghị quyết còn quy định một thời gian "chớp nhoáng" là hai tháng để hoàn thành việc góp ý sửa đổi nhưng bị phản đối đã phải lui lại tới cuối năm 2013. 

Cảm thấy chưa yên tâm ngay sau khi các nghị quyết, chỉ thị ban hành ông Trọng đã không ngần ngại dọa dẫm: giao nhiệm vụ cho lực lượng công an và quân đội phải "ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước", "chỉ đạo chặt chẽ công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; phối hợp với các cơ quan tổ chức hữu quan kịp thời đấu tranh, ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta". 

"Tiền hô hậu ủng" hàng loạt các nhà "chính luận" trên các phương tiện thông tin "lề đảng" thi nhau "múa gậy vườn hoang" để biểu diễn các bài "minh chứng cho sự hiện diện của điều 4", "giải thích tại sao quân đội phải tuyệt đối trung thành với đảng", "đồng nhất dân với đảng", "ca ngợi tính ưu việt của việc phối hợp giữa 3 quyền, chỉ ra phiếm khuyết của tam quyền phân lập". 

Có tác giả trên báo ANTĐ (hình như là công an) còn có "sáng kiến" dùng "máu thịt" để đồng nhất dân với đảng: "Về khoản 2 của Điều 4, nên thay thế từ: “mật thiết” trong cụm từ “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân…”, thành từ “máu thịt” – “Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân…”. Từ “máu thịt” thể hiện mức độ gắn bó cao hơn, không thể tách rời và thể hiện tinh thần gắn bó thống nhất, bền lâu". 

Và sau khi kiến nghị 72 gồm 7 điểm ra đời, thì ngày 26/2 ông Trọng "không nhịn được" đã đích thân lên VTV1 đe nẹt: "Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! … Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … thì đó là cái gì?”. Nhưng thật không may, lời của ông lại làm bùng phát phong trào ký tên vào "Tuyên bố của các công dân tự do" cũng là một phong trào tẩy chay hiến pháp dự thảo. 

Song song với tuyên truyền, việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân cho bản hiến pháp dự thảo ở nhiều nơi cũng có những điểm tương tự như trò hề bầu cử quốc hội các khóa đã từng diễn ra. Chẳng hạn gợi ý dân ghi đồng ý vào phiếu lấy ý kiến, đe dọa những người không đồng ý bằng cách bắt ghi rõ họ tên địa chỉ để theo dõi (ở TPHCM). Tổ trưởng dân phố tuyên truyền ép dân ký đồng ý vào phiếu góp ý (ở Bình Dương). BCH công đoàn gửi email cho công đoàn viên quy định nếu ai không gửi góp ý coi như đồng ý với dự thảo (ở công đoàn quận 12 TPHCM)...

Cách đây vài ngày ông Nguyễn Đình Lộc nguyên bộ trưởng bộ tư pháp người được coi là đã khởi xướng, soạn thảo, ký tên vào "kiến nghị 72" đã xuất hiện trên VTV1 để trả lời phỏng vấn của phóng viên về cuộc góp ý sửa đổi hiến pháp và nói về bản "kiến nghị 72". Ông đã khen ngợi "đợt lấy ý kiến nhân dân lần này “rộng rãi”, “có những địa phương gửi đến từng hộ”, “công phu”, mặc dù “còn có thể làm tốt hơn nữa, nhưng được như thế là đáng mừng rồi”, tuy “thật ra cũng có những vấn đề cần phải rút kinh nghiệm” và phủ nhận đã tham gia viết bản kiến nghị trên. Xung quanh sự kiện này đã có nhiều nhận định, đánh giá về ông nhưng với nhà nước cộng sản chỉ có một mục đích duy nhất là dùng hình ảnh của ông để hạn chế tác dụng của những góp ý mà họ không muốn tiếp thu nhất là "kiến nghị 72". 

Đến thời điểm này, gần 3 tháng kể từ ngày toàn dân góp ý cho "dự thảo sửa đổi bổ sung hiến pháp 1992". Ngoài nhà báo Nguyễn Đắc Kiên bị sa thải vì phát biểu "phạm thượng" tới tổng bí thư, chưa phát hiện ra một công dân nào bị đánh chết trong đồn công an, bị bắt bớ, trù dập, sách nhiễu liên quan tới chuyện sửa hiến pháp. Nhưng căn cứ vào tần suất ngày càng tăng của nội dung này trên các phương tiện truyền thông của "lề đảng", "lề dân", số lượng người ký tên vào bản "kiến nghị 72", "tuyên bố của các công dân tự do" đã lên tới hàng vạn có thể coi "sửa hiến pháp" như một cuộc chiến. Giữa đảng nhà nước kiên quyết và bằng mọi giá để việc góp ý sửa đổi hiến pháp 2013 theo đúng dự kiến với những người đòi sửa những điều ngoài dự kiến. Tiêu biểu là "kiến nghị 72" cùng số người đã ký tên vào kiến nghị, ký tên vào "tuyên bố của các công dân tự do". Cuộc chiến nảy sinh do hai bên có cách hiểu hiến pháp trái ngược nhau. Đây là cuộc chiến ngôn luận nhưng một bên ngoài việc tự tung tự tác trên hệ thống truyền thông "lề đảng" khổng lồ, còn sẵn sàng đưa cả quân đội, công an vào cuộc, thậm chí "hy sinh" cả uy tín của lãnh đạo (như việc ông Trọng phát biểu trên VTV1 ngày 25/2/2013) để đạt được mục đích. Chẳng cần phải chờ tới 9/2013 thời hạn cuối cùng của góp ý, sau đó quốc hội sẽ tập hợp, cho ra đời hiến pháp 2013 mà ngay từ bây giờ có thể khẳng định đảng đã đạt được mục đích, giành được "thắng lợi" trong cuộc chiến trên. Nhưng nó chưa kết thúc vì những người "thua trận" vẫn tiếp tục thức tỉnh dân tộc, danh sách ký tên vào "kiến nghị 72" vào "tuyên bố của các công dân tự do" vẫn tiếp tục nối dài... Tới đủ để bắt đầu cho cuộc chiến lật đổ chế độ độc tài, thay hiến pháp 2013 bằng một hiến pháp mới theo đúng nghĩa. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo