Nét đẹp Nguyễn Đắc Kiên - Dân Làm Báo

Nét đẹp Nguyễn Đắc Kiên

Le Nguyen (Danlambao) - ...Hiện tượng Nguyễn Đắc Kiên chỉ ra cho đảng cộng sản Việt Nam thấy rằng, đã qua rồi cái thời vì nhiều lý do thế hệ Hồ Chí Minh, thế hệ biết đảng nói láo, cam chịu nghe đảng nói láo, làm theo lời đảng nói láo “đảng lãnh đạo là sự lựa chọn của lịch sử được nhân dân thừa nhận”. Chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra nghèo đói lạc hậu chậm tiến, kiềm hãm bước phát triển văn minh tiến bộ của dân tộc...

*

Lịch sử đảng cộng sản Việt Nam là lịch sử của bạo lực, đàn áp làm rúng động lương tâm nhân loại. Lịch sử đảng cộng sản Việt Nam là lịch sử của một đảng tay sai núp bóng dân tộc, lợi dụng máu xương dân tộc phục vụ cho tham vọng nhuộm đỏ toàn cầu, thống trị thế giới của cộng sản quốc tế. Lịch sử đảng cộng sản Việt Nam là lịch sử của hào quang hư cấu được bao quanh bởi các hư từ thần thánh, vĩ đại nhằm che khuất sự thật ‘ta đánh đây là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc’, và thực hiện ý đồ ‘đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng’, của tên đồ tể Mao trạch Đông, cướp chính quyền xây dựng quyền lực trên nòng súng. 

Với một lịch sử đáng xấu hổ hơn tự hào, thế mà đảng cộng sản Việt Nam lại “vô tư” kể lể công lao đánh đuổi một cách lem lẻm mà không biết đỏ mặt. Quyết giành độc quyền lãnh đạo nhà nước, xã hội tới cùng, được các ‘dư luận viên‘ và tay chân cam tâm làm thân khuyển mã cho đó là hợp tình hợp lý, là sự lựa chọn của lịch sử được nhân dân thừa nhận và quy kết phản động chống đảng, chống tổ quốc xã hội chủ nghĩa, không là tổ quốc Việt nam của tổ tiên nghìn đời truyền lại cho bất cứ ai lên tiếng phủ nhận vai trò độc tôn quyền lực, độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam.

Có lẽ, cộng sản Việt nam hơi chủ quan tưởng rằng thời nay là thời người dân bị cùm kẹp trong ngục tù tư tưởng Marx-Lenin “chỉ có cái loa là vui thôi” nên đảng bày trò lừa gạt “sửa đổi hiến pháp”, tuyên bố không có vùng cấm cho đến khi nhân dân nhiệt tình lẫn ngây thơ tham gia góp ý sửa đổi khác ý đảng thì tay chân đảng cuống cuồng đổ cho “phản động”, “lợi dụng sửa đổi chống đảng” phải “xử lý”, “phải đấu tranh ngăn chận tuyệt đối” và tổng bí thư Trọng câng mặt ăn đàng sóng, nói đàng gió bạt mạng khinh thường nhân dân xem nhân dân chẳng ra gì: 

“Các đồng chí phải lãnh đạo cái việc góp ý kiến dự thảo sửa đổi hiến pháp. Cái này quan trọng lắm đấy. Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống chứ còn gì nữa. 

Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không... Hả? Có phi chính trị hóa quân đội không? 

Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Như thế là suy thoái chứ còn gì nữa, chỉ ở đâu nữa nào? 

Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, kí đơn tập thể... thì nó là cái gì? Cho nên các đồng chí phải quan tâm xử lý cái này.”

Có điều là ông Trọng, ngay cả đảng cộng sản không đo lường, tiên liệu được phản ứng quyết liệt, dứt khoát đầy trí tuệ của một cá nhân được giáo dục rèn luyện nằm trong hệ thống truyền thông, phục vụ tuyên truyền của đảng cộng sản, một thế hệ trưởng thành sau cuộc chiến huynh đệ tương tàn 54-75. Từ trong bóng tối, nhà báo trẻ Nguyễn Đắc Kiên bỗng lừng lững đứng lên, bước ra tuyên bố chính kiến đanh thép rõ ràng mạch lạc, thể hiện quyền tự nhiên của mỗi con người sinh ra đều được hưởng:

“Đầu tiên, cần phải xác định, ông đang nói với ai? Nếu ông nói với nhân dân cả nước thì xin khẳng định luôn là ông không có tư cách. Ông là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu muốn dùng hai chữ “suy thoái” thì cùng lắm là ông chỉ có thể nói với những người đang là đảng viên cộng sản, ông không đủ tư cách để nói lời đó với nhân dân cả nước. Nếu ông và các đồng chí của ông muốn giữ Điều 4, muốn giữ vai trò lãnh đạo, muốn chính trị hóa quân đội, không muốn đa đảng, không muốn tam quyền phân lập, thì đó chỉ là ý muốn của riêng ông và đảng cộng sản của ông. Ông không thể quy kết rằng đó là ý muốn của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, những ý muốn trên chỉ nên xem là của riêng ông tổng bí thư Trọng, chưa chắc đã là tâm nguyện của toàn bộ đảng viên cộng sản hiện nay.”

Dù phản bác có phần mạnh mẽ, không tương nhượng đối với lời tuyên bố lếu láo của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng Nguyễn Đắc Kiên không tỏ vẻ thách thức quyền lực của ông Trọng cũng như của đảng cộng sản Việt Nam. Anh chỉ khẳng định tự do tư tưởng, tự do bày tỏ chính kiến là quyền của anh và khẳng định đó là quyền tự nhiên của mọi con người, tất cả người Việt Nam ai cũng có quyền đó:

“Tôi khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên và tất cả những người Việt Nam khác đều có quyền tuyên bố như thế. Tôi khẳng định, mình đang thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng; quyền này mỗi người sinh ra đã tự nhiên có, nó được nhân dân Việt Nam thừa nhận và tôn trọng; quyền này không phải do đảng cộng sản của các ông ban cho, nên các ông cũng không có quyền tước đoạt hay phán xét nó. Vì thế, tôi có thể xem những lời phán xét trên của ông, nếu có hướng đến tôi là một sự phỉ báng cá nhân. Và tôi cho rằng, những người nào chống lại các quyền trên là phản động, là đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, dân tộc, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của nhân loại.”

Tuyên bố của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên gây chấn động dư luận từ trong ra ngoài nước, được đông đảo cư dân mạng ủng hộ cũng như biểu lộ sự đồng tình trong thời gian rất ngắn nhưng Nguyễn Đắc Kiên không mang ảo tưởng mình là thần tượng, là anh hùng, anh xem đó là chuyện bình thường không có gì lớn lao to tát. Nét đẹp nhân bản, một nhân cách lớn trong con người nhà báo trẻ Nguyễn Đắc kiên còn tỏ rạng, thể hiện qua lời tâm sự, chia sẻ trên facebook đối với hậu quả trước mắt là bị đuổi việc và thản nhiên chờ đợi đòn thù cho những ngày tháng sắp tới do lời tuyên bố thẳng thắn đanh thép của mình: 

“Dù có chuyện gì xảy ra, tôi chỉ mong các bạn hiểu cho một điều, tôi không muốn là anh hùng, không muốn là thần tượng. Nước ta đã có nhiều anh hùng, nhiều thánh thần quá rồi. Tôi sợ. Tôi chỉ nghĩ rằng, khi đất nước ta có tự do, dân chủ, các bạn sẽ thấy rằng, các bài viết của tôi là rất bình thường, nó thật sự bình thường, không có gì to tát cả. Tôi cũng xin các bạn đừng nặng lời phê phán Báo Gia đình & Xã hội nơi tôi đã làm việc, tôi hiểu và tôn trọng quyết định của lãnh đạo báo. Nếu ở cương vị của họ, có thể tôi cũng phải làm thế. Tôi hiểu là mọi thứ còn chưa bắt đầu. Cầu chúc an lành cho tất cả chúng ta".

Với lời chia sẻ ngắn trên facebook đã cho chúng ta thấy được phần nào con người và trí tuệ của Nguyễn Đắc Kiên. Anh xác định việc làm của anh là bình thường và bỏ lửng hai chữ “tôi sợ” khô khan cộc lốc. Anh mong bạn bè đừng cho hành động của anh là thần tượng hay anh hùng bởi nước ta có qua nhiều thần thánh, anh hùng được ra rả trên các loa đài! Anh cũng tỏ tấm lòng bao dung, tầm nhìn xa trông rộng, thấy nguyên nhân đến từ đâu với thái độ an nhiên tự tại của một người “lớn” đã trưởng thành, không thiển cận nhỏ nhặt rất trẻ con như cách người ta cay cú, hoảng hốt trả thù vặt đối với anh!

Ngược giòng lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước, cứu nước, mở nước của tổ tiên có nhiều tuyên ngôn vang danh lịch sử đã làm nên nòi Việt kiêu hùng bất khuất như còn văng vẳng đâu đây.

Ta muốn cưỡi con sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển đông, chứ không khom lưng làm tỳ thiếp cho người (Bà Triệu)

Nam Quốc sơn hà nam đế cư.
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm.
Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư (Đức Lý Thường Kiệt- cũng có sách cho là vô danh). 

Nếu bệ hạ hàng giặc xin hãy chém đầu thần trước đã (Đức Thánh Trần). 

Ta thà làm quỷ nước nam chứ không thèm làm vương đất bắc (Đức Trần Bình Trọng). 

Nếu ngươi dám đem một một thước núi, một tấc sông của Thái Tổ làm mồi cho giặc là phải tội tru di (Vua Lê Thánh Tôn).

Đánh cho chúng chích luân bất phản.
Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn.
Đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ (Vua Quang Trung)

Ngày nay thời đương đại cuộc đấu tranh chống độc tài cộng sản giành lấy tự do, dân chủ, nhân quyền về cho dân tộc như có hồn thiêng sông núi, như có tổ tiên phù trợ đã sản sinh ra những người con dũng cảm kiên cường bất khuất dấn thân nhập cuộc miệt mài đấu tranh ở vào lúc tuổi đời còn trẻ như Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Lê Chí Quang, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Lê Quốc Quân, nhóm thanh niên công giáo, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Nguyễn Tấn Hoành, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha...

Cùng với một số không nhỏ ẩn danh âm thầm đấu tranh chưa lộ mặt và nhà báo trẻ Nguyễn Đức Kiên là một trong nhiều bạn trẻ đấu tranh từ trong bóng tối bước ra, lừng lững đứng lên tiến về phía trước tuyên bố đanh thép, dứt khóat như tổ tiên nòi Việt đã từng. Tuyên bố của Nguyễn Đức Kiên như tuyên ngôn cho tự do dân chủ, cho quyền làm người, quyền mà mọi người sinh ra đều được hưởng, không phải quyền được ban phát, xin cho của bất cứ ai. 

Hiện tượng Nguyễn Đắc Kiên chỉ ra cho đảng cộng sản Việt Nam thấy rằng, đã qua rồi cái thời vì nhiều lý do thế hệ Hồ Chí Minh, thế hệ biết đảng nói láo, cam chịu nghe đảng nói láo, làm theo lời đảng nói láo “đảng lãnh đạo là sự lựa chọn của lịch sử được nhân dân thừa nhận”. Chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra nghèo đói lạc hậu chậm tiến, kiềm hãm bước phát triển văn minh tiến bộ của dân tộc. Nếu các ông chưa tin những lời nói láo của các ông không còn được mấy người tin, không chịu lắng nghe những lời phê phán thẳng thắn của những người có lòng với dân nước cho đó là âm mưu chống phá. Thế các ông có dám làm cuộc thăm dò công khai minh bạch để biết bao nhiêu phần trăm người dân Việt Nam ủng hộ, thừa nhận bốn không của đảng các ông?

Không hủy bỏ điều 4? Không đa nguyên đa đảng? Không tam quyền phân lập? Không phi chính trị hóa quân đội?

Hiện tượng Nguyễn Đắc Kiên rất ngẫu nhiên, thật sự là chọn lựa tình cờ của lịch sử đứng lên thay mặt nhân dân Việt nam dõng dạc tuyên bố những điều “nhạy cảm” tưởng chừng như không thể, giúp cho chúng ta tin rằng ngày mai trời lại sáng bóng tối tội ác cộng sản sẽ qua đi bởi trong lớp người trẻ tuổi sinh ra sau cuộc chiến, trưởng thành trong lòng chế độ không vướng bận hận thù của chuyện thắng thua quá khứ. Họ đã dấn thân nhập cuộc, không chỉ có một bạn trẻ Nguyễn Đắc Kiên, còn rất nhiều Nguyễn Đắc kiên nữa sẽ nhập cuộc và những bạn trẻ ai cũng có thể là Nguyễn Đắc Kiên, thể hiện nét đẹp Nguyễn Đắc Kiên để làm nên cuộc đổi thay lịch sử, không phải xin xỏ hay chờ ai ban phát quyền tự nhiên mà mọi người sinh ra đều được hưởng.

Le Nguyen



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo