Những trái tim yêu và những nụ cười trên mảnh đất khô cằn tri thức - Dân Làm Báo

Những trái tim yêu và những nụ cười trên mảnh đất khô cằn tri thức

“Nếu tôi có quyền thế tôi sẽ đem sách mà gieo rắc khắp mặt địa cầu như người ta gieo lúa trong luống cày vậy” - Mann Horace 


Hà Nội. Mưa. Trời đang mưa... 

Tôi không biết tự bao giờ, mưa gắn liền với mỗi chuyến đưa sách của anh chị chúng tôi đến với các em ở những miền xa xăm. Mỗi lần như thế chúng tôi lại đùa nhau rằng đó là “mưa hồng ân”. Thấy chúng tôi khổ sở trong mưa, những chuyến đi xa trong 1 ngày phải di chuyển bằng xe máy để chủ động thời gian và phương tiện thì có một người nói rằng “chúng nó thật khác người, sướng không biết đường sướng mà cứ thích vác cái ách sau lưng” hoặc “đúng là đồ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”... Nhưng hơn ai hết chúng tôi hiểu được rằng: Cho đi thì sẽ có nhận lại. Cho đi, chúng tôi đã cho đi thời gian, tiền bạc, sức khỏe, nhưng ngược lại điều mà chúng tôi nhận lại đó là: niềm vui, niềm hân hoan của các em khi nhận được sách, niềm hạnh phúc của chính chúng tôi và sâu thẳm hơn nữa đó là người dân sẽ được nâng cao tri thức, yêu sách hơn, ham học hỏi hơn và mắt sẽ không bị “mù lòa” nữa.

Tôi nhớ những chuyến đi đầu tiên, để tiện cho công việc cũng như lịch sinh hoạt của nhà thờ, chúng tôi phải di chuyển bằng xe máy từ sáng sớm tinh mơ. Bước ra đường trời tối thui, mưa lạnh. Nhưng bóng tối và ướt lạnh không hề làm chúng tôi trùn bước. chân của chúng tôi, thay vào đó nó còn làm nghị lực của chúng tôi lớn mạnh hơn nữa. Trừ khi... 

Một số lần chưa ra khỏi HN, đã bị cơ động tóm vì lý do rất chi là ưng “xe chạy quá tốc độ, và gọi lại để kiểm tra giấy tờ”. Thật nực cười! Nhưng vì để tiếp tục hành trình chúng tôi phải... nín cười, cống nạp vào “quỹ nhà nước” 450000. Chưa dừng lại ở đó! Khi vừa tới Hà Nam, xe chúng tôi bị nổ lốp. Mặc dù mưa, lạnh, đói, nghèo thêm chút nữa vì phải cống nạp, lại phải đẩy xe máy để tìm chỗ sửa, thế nhưng trên môi mỗi người anh em chúng tôi đều ngự trị một nụ cười, một trái tim ấm, một tấm lòng yêu thương... Ngay trong chuyến đi vừa qua, chúng tôi đã vượt qua những khó khăn về thời tiết, vượt qua gần 400 cây số với một trái tim yêu để đưa tri thức tới mảnh đất Yên Thành, Nghệ An – mảnh đất khô cằn tri thức. 

Chúng tôi sẽ luôn sát cánh bên nhau và tiến về phía trước

Những trái tim yêu thương

Không có khó khăn nào có thể cản đường chúng tôi...

Không chỉ gặp khó khăn về không gian, “người đời” mà chúng tôi còn gặp khó khăn từ chính phía gia đình của mình. Hầu hết những người thân trong gia đình chúng tôi đều cấm không cho đi đưa sách. Thế nhưng, vì một tình yêu, vì một lý tưởng chúng tôi đã bất chấp tất cả để được đi, kể cả nói dối. Chúng tôi biết rằng nói dối bố mẹ người thân ngang với tội bất hiếu. Thật vậy trong đợt đưa sách vừa qua, 1 người em của chúng tôi đã nói dối gia đình để được đi và nhận lại là 1 trận đòn nhừ tử. Hình ảnh em bị người bác bắt nằm dài ra nhà và dùng dây điện để đánh làm tôi đau thắt lại, lúc đó tôi chỉ ước rằng tôi có thể kéo em ra khỏi cái nhà đó, kéo em về với tôi, lương tôi chẳng lo nổi cho bản thân mình, tôi chẳng cho em được cuộc sống đầy đủ như bác em, nhưng tôi tin chắc rằng tôi sẽ nuôi em được bằng cả một trái tim yêu. Hôm nay trên công ty, em chát với tôi và cho xem những vết tím bầm trên cánh tay, tôi bật khóc, chẳng hiểu tại sao, tôi lại khóc ngon lành được. Ôi đứa em tội nghiệp của tôi, tôi thương em, tôi biết rằng em rất đau nhưng em lại cười và nói “sự đau đớn này thấm vào đâu so với Chúa Giesu”. Tại sao? Tại sao? Tại sao?... hàng ngàn hàng vạn câu hỏi tại sao lởn vởn trong đầu của tôi, đầu óc tôi u mê lại, tôi muốn hét lên cho sự bất công này. Tôi biết rằng, chúng tôi đã sai vì đã trót nói dối, nhưng người lớn cũng phải biết tại sao chúng tôi lại nói dối chứ. Tức nước thì sẽ vỡ bờ. 

Tại sao chúng tôi lại vẫn có thể vượt qua những khó khăn đó và tiếp tục bước từng bước đi chậm chạp... Vâng, đó là bởi sự mong muốn và niềm tin mãnh liệt rằng “Việt Nam muốn phát triển bền vững, dân tộc Việt Nam muốn tiến bộ thì tất cả người dân phải nâng cao tri thức, phải biết yêu sách và đọc sách”. Nhìn các em tranh giành nhau từng quyển sách, có em khóc nấc lên vì bạn giật mất cuốn sách mình đang đọc, có những em thấy sách đọc ngấu nghiến chẳng màng tới mọi thứ chung quanh, có những em chẳng cần kẹo bánh mà chỉ ngồi đọc cuốn “những bài thuốc chữa trị bằng rau củ quả” mà tim chúng tôi đập rộn ràng. Có em còn chui xuống gầm bàn, ngồi áp vào chân tôi để tránh sự vồ vập của các bạn. 

và những nụ cười...



Khát vọng của tri thức... và những say mê...

Tôi đã liên tưởng tới nạn đói năm 1945, người đói như muối bỏ biển, tạo nên những cuộc tranh giành thảm khốc... Tôi giật mình khi vô tình đọc một câu của chú Thạch trên mạng “Dân trí thấp là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ ít học và gian manh làm chính trị thành công”. Ôi tương lai, đất nước con người Việt Nam rồi sẽ ra sao nếu thiếu hiểu biết, nếu không có tri thức các em lại được nhồi vào sọ những thứ chẳng lên nhồi...

Việc làm của chúng tôi có người cho rằng “ như muối bỏ biển” nhưng tôi tin rằng đến một ngày nào đó có thể là 50 năm hay 100 năm dân tộc ViệtNnam sẽ phát triển bền vững, và là một nước tiến bộ. 

Lời kết: 

Bài viết này quyện cùng những giọt nước mắt mà con muốn gửi đến người thân của chúng con rằng: Chúng con yêu bố mẹ, yêu gia đình, nhưng bố mẹ ơi, ngoài tình yêu gia đình ra chúng con còn phải yêu chính những người anh em của chúng con đang khóc than ở ngoài kia nữa, rồi cuộc sống của các em sẽ ra sao nếu các em không có tri thức? Bố mẹ dạy chúng con phải biết đứng lên để đòi tự do, nhân quyền và dân quyền... thế nhưng bố mẹ lại không cho chúng con có được tự do ngôn luận, tự do đi đưa sách, tự do đem yêu thương và dòng suối tri thức đến với các em thiếu may mắn hơn chúng con. Bố mẹ nói việc đó không hề xấu, ngược lại nó rất tốt, thế tạo sao bố mẹ lại ngăn cấm chúng con? Chẳng nhẽ việc đưa sách, việc khai trí là điều xấu sao bố mẹ? Khi chúng con đi chúng con đã thấy, những người em của chúng con mới lên lớp 3 đã phải nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình lòng chúng con đau thắt lại bố mẹ ạ. Chúng con thấy ánh mắt từ ngơ ngác, ngạc nhiên đến hạnh phúc khi các em nhận được những cuốn sách mà “chưa bao giờ được nhìn, sờ và đọc” từ tay chúng con. Chúng con đã thấy những giọt nước mắt vỡ òa vì hạnh phúc của các em, những giọt nước mắt chia tay lưu luyến bịn rịn của các em khi phải chia tay chúng con. Chúng con cũng đã thấy sự khao khát tri thức của những đứa con vùng quê nghèo… Và hơn hết chúng con dần luyện cho con tim mình luôn hướng về người khác, đôi tai lắng nghe những đồng cảm từ họ, đôi mắt nhìn đến những khó khăn trong cuộc sống mà họ phải vượt qua và tâm hồn của chúng con đã hòa vào những nỗi đau của họ để chia sẻ nó. Bố mẹ ơi chúng con thấy rằng bản thân mình đang bắt đầu gột rửa để có một hình ảnh tốt đẹp hơn rồi ạ. Để được đi, chúng con đã nói dối bố mẹ, lòng chúng con cũng dằn vặt, cũng day dứt lắm, thế nhưng con tin rằng mội ngày nào đó người sẽ hiểu chúng con và đồng hành cùng chúng con. 

Muốn gửi đến những người anh em đã đồng hành cùng tôi trong suốt thời gian qua rằng "tôi sẽ mãi yêu các bạn, chúng ta sẽ luôn vững bước bên nhau để vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời nhé. Tôi cũng xin lỗi vì có đôi lần tôi làm các bạn buồn, phiền và phải khóc vì tôi"

Cuối cùng, tôi xin trích dẫn câu của Nguyễn An Ninh trong bài viết "Lý tưởng của thanh niên An Nam - 1923":

"... Văn hóa của chúng ta quá tồi tệ, thua kém... từ nước xa tới nước gần. Ngay cả trong lĩnh vực làm ăn kinh tế, văn hóa cũ rích không giúp chúng ta cạnh tranh lẫn nhau và với đối tác quốc tế hiệu quả. Chúng ta phải thay đổi văn hóa nếu muốn vươn lên, muốn không bị hết nước này, nước kia kéo tới khiêu khích, đe dọa, lũng đoạn nguồn lực trong nước!..." 

90 năm đã qua từ ngày cụ Nguyễn An Ninh viết câu ấy, chúng tôi - thế hệ con cháu của cụ vẫn lầm lũi đem con tim yêu thương của mình để làm nở những nụ cười của những em bé Việt Nam đang phải sống trên mảnh đất khô cằn tri thức.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo