Công dởm, tội thật - Dân Làm Báo

Công dởm, tội thật

Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Tháng 8 năm 2007, ông Nguyễn Minh Triết, Chủ Tịch Nước, đã nói chuyện về Điều 4 Hiến Pháp với các cán bộ lãnh đạo và công nhân viên chức Tổng Cục Chính Trị Bộ Quốc Phòng trong đó có câu: “Bỏ điều 4 là tự sát”. Lần đầu tiên một lãnh đạo cộng sản đã nói thật về lý do mà họ buộc phải giữ lại điều 4. Nhưng vì sợ mất các danh hiệu tự phong như “vĩ đại”, “đỉnh cao trí tuệ”, “sáng suốt”, “bách chiến bách thắng”,... nên cái lý do thật trên chỉ được công khai trước một số đối tượng “sợ mất sổ hưu”. Trước bàn dân thiên hạ họ vẫn khăng khăng “vì có công lao nên xứng đáng giữ vai trò lãnh đạo”. Hỗ trợ cho lập luận trên, hệ thống tuyên truyền khổng lồ không ngừng tô vẽ, thổi phồng cho những cái gọi là “công lao của đảng với đất nước, dân tộc”. 

Tất nhiên công lao đầu tiên được họ kể tới là “cách mạng tháng 8 năm 1945”. Bắt đầu, kết thúc trong nửa cuối của tháng 8 năm 1945 và để đề cao cái chế độ được lập ra sau đó nó được gọi là “cách mạng tháng 8” hay “cách mạng mùa thu”. Diễn biến gồm các cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở các địa phương, trên cả nước vào 30/8 kết thúc bằng sự kiện 2/9/1945 Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ lâm thời của Việt Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình Hà Nội. Có một sự thật mà lịch sử của đảng cộng sản đã cố tình qua loa, giấu nhẹm đó là: Trước thời điểm nổ ra “CM tháng 8” ở Việt Nam hiện đang có một chính phủ điều hành đất nước do thủ tướng Trần Trọng Kim đứng đầu mà nội các gồm nhiều nhân sĩ trí thức nổi tiếng. Mặc dù được lập nên theo yêu cầu của Nhật khi trao trả độc lập cho Việt Nam và chỉ tồn tại hơn 4 tháng nhưng chính phủ này đã kịp có một bản tuyên ngôn độc lập, làm được nhiều công việc hữu ích như cứu đói, khơi dậy lòng yêu nước của toàn dân qua các buổi mít tinh biểu tình, thả tù chính trị, chấn hưng giáo dục,... Như vậy CM tháng 8 diễn ra sau khi Nhật đã đầu hàng chờ đồng minh vào giải giáp vũ khí thực chất là một cuộc khởi nghĩa vũ trang cướp chính quyền của chính phủ Trần Trọng Kim chứ không phải từ tay Nhật như đảng cộng sản vẫn tuyên truyền. Tất nhiên để hợp pháp hóa từ “giành”, “cướp” và đề cao mình họ đã vu cho chính phủ bị đánh đổ trên là “ bù nhìn phản dân hại nước”, thổi phồng ý nghĩa lịch sử ”CM tháng 8 mở ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc ta. Nó đã phá tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp hơn 80 năm và ách thống trị của phát xít Nhật gần 5 năm, lật nhào ngai vàng phong kiến ngự trị ngó chục thế kỷ ở nước ta, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- nhà nước do nhân dân làm chủ. 

Thắng lợi của CM tháng 8 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của CM Việt Nam, mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do; kỷ nguyên nhân dân lao động nắm chính quyền, làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh dân tộc; kỷ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội. Với thắng lợi của CM tháng 8, Đảng cộng sản Đông Dương trở thành một đảng cầm quyền, chuẩn bị những điều kiện tiên quyết cho những thắng lợi tiếp theo”(1) và không quên kể công” CM tháng 8 do đảng cộng sản Đông Dương, đứng đầu là Hồ Chí Minh lãnh đạo, đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn dựa trên cơ sở lí luận Mác-Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam”(2). Nhưng thời gian cùng với các nhân chứng đã và đang minh oan cho cái “chính phủ bù nhìn, phản dân hại nước” bằng cách phanh phui nhiều sự thật trước đây bị bưng bít. Còn thực tế đã diễn ra ở Việt Nam từ sau CM tháng 8 cho tới nay đã sáng tỏ: trừ “Với thắng lợi của CM tháng 8, Đảng cộng sản Đông Dương trở thành một đảng cầm quyền” (3) những nội dung khác của “ý nghĩa lịch sử” đều là “xạo hết chỗ nói”. Biết rõ sự thật này chắc hẳn sẽ có không ít người tiếc rẻ “giá mà không có cách mạng tháng 8, giá sau năm 1945 mà chính phủ Trần Trọng Kim vẫn còn thì nước mình hiện nay có thể còn kém Nhật, Hàn Quốc nhưng chắc không bị Thái Lan, Indonexia, Mã Lai,.. bỏ xa tới hàng chục năm và chắc chắn không sắp sửa bị tụt hậu hơn cả Lào, Cam phu chia, mấy triệu người không phải chết oan, đất nước vẫn toàn vẹn từ Mục Nam Quan tới mũi Cà Mau và Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông vẫn là của Việt Nam”.

“Sau CM tháng 8” là kháng chiến chống Pháp. Một cuộc chiến không thể tránh khỏi bởi lẽ: Pháp quyết tâm trở lại Việt Nam không những nhằm bảo vệ hệ thống thuộc địa của mình và còn để xóa bỏ chính phủ cộng sản mới thành lập. Tất nhiên là được Mỹ khuyến khích trợ giúp để ngăn chặn “làn sóng đỏ” trên toàn cầu vì họ đã biết chính thể VNDCCH là chính thể cộng sản. Chính phủ cộng sản biết rõ điều đó nên tuyên truyền để nhân dân cùng với họ đứng lên chống Pháp dưới danh nghĩa cứu nước, giành độc lập tất nhiên là bảo vệ chính quyền của họ. Mặt khác kháng chiến chống Pháp là cơ hội để thanh toán các đảng phái đối lập đã bị họ chụp mũ là “Việt gian bán nước”. Từ năm 1950 khi Việt Nam đã được Trung Quốc viện trợ về mọi mặt, Mỹ can thiệp sâu vào chiến trường Đông Dương thì kháng chiến chống Pháp đã mang tính chất cuộc chiến giữa hai phe, hai ý thức hệ. Như vậy nó vừa là cuộc chiến chống ngoại xâm vừa là cuộc chiến giữa hai phe. Nhưng sau “Chiến thắng Điện Biên lừng lẫy địa cầu”(4), hiệp nghị Giơnevơ, trên danh nghĩa độc lập, Việt Nam vẫn bị chia cắt do sự định đoạt, chi phối của các nước lớn. Đặc biệt nguy hại là cộng sản Trung Quốc- “người bạn láng giềng phương Bắc” - Vốn có truyền thống bành trướng đã lợi dụng viện trợ cho kháng chiến chống Pháp để từng bước đưa Việt Nam vào vòng lệ thuộc. Và thật trớ trêu bước đầu tiên lại chính là cái “thành quả”mà nhân dân Việt Nam được hưởng sau niềm vui chiến thắng: Cuộc “cải cách ruộng đất long trời lở đất” cướp đi sinh mạng của hàng chục vạn người vô tội, là cảnh tiêu điều, xơ xác của nông thôn Việt Nam trong phong trào hợp tác. Câu hỏi “sau 1945 liệu một chính quyền không phải là cộng sản có tránh được cuộc chiến tranh này không?” chưa thấy câu trả lời. Nhưng có một sự thật là năm 1960 theo nghị quyết của Liên hiệp quốc, Pháp đã phải trao trả độc lập cho các thuộc địa. 

Đảng cộng sản gọi “cuộc chiến 1960-1975” là “cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước”. Nhưng sau năm 1975 chính TBT Lê Duẩn đã không ngần ngại công khai mục đích của nó là ”Ta đánh Mĩ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc”. Tất nhiên là ông đúng. Miền Bắc được Liên Xô, Trung Quốc cùng phe XHCN viện trợ tiến đánh miền Nam có Mĩ là đồng minh giúp đỡ. Liên Xô, Trung Quốc coi và miền Bắc cũng tự nhận là tiền đồn của phe XHCN nên chiến thắng của Bắc Việt đồng nghĩa với chiến thắng của phe này. Mĩ thì là đồng minh của miền Nam nên phải giúp đỡ để bảo vệ đồng thời ngăn chặn “làn sóng đỏ” trên toàn cầu. Cuộc chiến trên là cuộc chiến của hai phe với vũ khí của Liên Xô, Trung Quốc, Mĩ. Trong cuộc chiến trên quân đội Mĩ có tham chiến nhưng chỉ một thời gian ngắn chủ yếu là người Việt hai bên bắn giết lẫn nhau nên đã có những cách gọi nó là “nồi da nấu thit”, “huynh đệ tương tàn”. Tuy nhiên một điểm đáng lưu ý không thể bỏ qua là cuộc chiến trên do cộng sản Việt Nam đơn phương phát động vì: Ngay sau hiệp nghi Giơnevơ họ đã để lại cán bộ nằm vùng để chuẩn bị; đường dây đưa quân đội vũ khí từ Bắc vào Nam đã được thiết lập từ tháng 5/1959 do binh đoàn giao liên mang tên 559 đảm nhiệm; năm 1960 BCT của cộng sản còn có một nghị quyết nêu rõ giải phóng miền Nam bằng chiến tranh cách mạng; thời gian đầu, cuộc chiến trên chỉ diễn ra trên địa phận miền Nam chỉ sau khi cường độ xâm nhập quân đội vũ khí của miền Bắc vào miên Nam gia tăng Mĩ và VNCH mới cho máy bay ra đánh phá để ngăn chặn; 1973 khi hiệp định Pari về hòa bình ở Việt Nam được ký kết họ càng gia tăng lực lượng quân sự vào miền Nam để thống nhất đất nước bằng vũ lực.

Thêm nữa vào thời điểm cộng sản Việt Nam phát động cuộc chiến VNCH và VNDCCH là hai quốc gia cùng song song tồn tại, VNCH được nhiều nước trên thế giới công nhận hơn VNDCCH. Nên có thể coi cuộc chiến trên là cuộc chiến xâm lược của VNDCCH. Để giành phần chính nghĩa cho cuộc chiến đảng cộng sản đã lừa bịp nhân dân miền Bắc là nhân dân miền Nam đang bị Mỹ ngụy kìm kẹp cần phải được giải phóng. Nhưng sau 1975, tiếp xúc với miền Nam thì nhiều người miền Bắc đã ngỡ ngàng nhận ra: Miền Nam phồn vinh, tự do hơn hẳn miền Bắc, bên đáng phải được giải phóng là miền Bắc chứ không phải miền Nam. Dương Thu Hương một nhà văn cộng sản được tận mắt nhìn thấy Sài Gòn đã phải khóc và thốt lên “man dã đã thắng văn minh”. Sau đó 38 năm đã có thêm rất nhiều người tiếc giá mà miền Nam chưa được “giải phóng” thì..., đã có đáp án đúng cho câu hỏi “ai giải phóng ai?”. “Cuộc kháng chiến chống mĩ cứu nước giải phóng miền Nam”do đảng cộng sản lãnh đạo chỉ mang lại quyền lãnh đạo một đất nước thống nhất cho chính họ.

Trong tập truyện “Những người thích đùa” của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Aziz Nesin có câu chuyện “Cái kính”. Truyện kể về một anh chàng mắt mủi vẫn bình thường nhưng vì muốn mình trông có vẻ trí thức bèn mua kính về đeo. Nhưng từ khi đeo anh ta phải thay đổi kính liên tục vì không nhìn rõ và mắt thì ngày càng mờ dần. Cho đến hôm bị vỡ kính thì anh nhận thấy mắt mình trở nên nhìn rõ nhất từ trước tới nay. Vài chục năm sau ở Việt Nam xuất hiện câu chuyện “Đổi mới” với các tình tiết như sau: Trước 1975 ở miền Nam đã có nền kinh tế thị trường nhưng từ 1976 đảng cộng sản đã phá đi bằng các cuộc cải tạo công thương nghiệp, hợp tác hóa, ngăn sông cấm chợ,... Sai lầm này đã làm cho cả đất nước tiêu điều, xơ xác, đói kém vào những năm cuối thập niên 70 đầu 80 của thế kỷ trước. Để khắc phục, tránh khỏi sụp đổ họ buộc phải quay trở lại với nền kinh tế thị trường nhưng lại nhận bước quay 180 độ đó là “đổi mới”. Cách nhau vài chục năm và ở hai nơi rất xa nhau chúng vẫn có điểm tương đồng: Nhân vật “tôi” trong “cái kính” và “đảng cộng sản” trong “đổi mới” đều do sĩ diện, ngu ngốc đã có những hành động không bình thường đến khi chuốc lấy những thảm họa, thất bại mới tỉnh ngộ quay ngoắt 180 độ trở về như cũ. Nhưng cũng khác nhau: “Cái kính” là câu chuyện hài hước, châm biếm tác giả “tôi” đã thành thực kể lại đầy đủ các chi tiết để gây cười. “Đổi mới” là câu chuyện được đảng cộng sản kể lại để lừa bịp nhân dân vơ nhận công lao nên đã lờ đi tình tiết là chính họ là kẻ đã xóa bỏ kinh tế thị trường để thực hiện chế độ quan liêu bao cấp. Mức độ “tỉnh ngộ” của hai nhân vật cũng khác. “Tôi” trong “cái kính” chắc hẳn đoạn tuyệt với đeo kính. Đảng cộng sản trong “đổi mới” lẽ ra phải xây dựng nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó, kèm theo là các cải cách chính trị để phù hợp. Nhưng đảng và nhà nước chỉ thực hiện những đổi mới nửa vời trong kinh tế, vẫn cố tình gắn cho nền kinh tế thị trường một cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” để tỏ vẻ vẫn kiên định với chủ nghĩa Mác Lê. Thực chất là để để bảo vệ địa vị thống trị, quyền lợi của phe nhóm, gia tăng tài sản của các “tư bản đỏ”. Mặt khác kiên quyết không cải cách về chính trị, tăng cường đàn áp những tiếng nói đối lập, đòi tự do dân chủ. Những đổi mới nửa vời đó đã dẫn tới một xã hội hỗn loạn, tham nhũng tràn lan, đạo đức suy thoái, phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng, uy tín của đảng giảm sút chưa từng có. Một nghi ngờ và cũng là sự khác biệt nữa giữa hai câu chuyện trên. Đó là công cuộc đổi mới dù chẳng phải là sáng suốt, tài tình gì nhưng lại vẫn chỉ là sự sao chép, học mót của “đàn anh” cộng sản Trung Quốc. Khác nữa “cái kính” là câu chuyện cười và dù có nghe kể đi kể lại nhiều lần thì người nghe vẫn thích, vẫn cười. “Đổi mới” do đảng cộng sản kể người nghe được trải qua rất nhiều cảm xúc: ngạc nhiên về sự phét lác, tức giận về sự dối trá, bịp bợm, trơ tráo. Rõ ràng chỉ những kẻ sáng tác ra câu chuyện đó là thích kể và thích nghe. Còn với đa số mọi người, phải nghe và nghe đi nghe lại thật là khó chịu.

Ngày 25/1/2006 quốc hội Âu châu đã thông qua nghị quyết 1481 với nội dung lên án tội ác của chủ nghĩa cộng sản đối với nhân loại. Nếu tính từ khi Liên Xô và các nước cộng sản đông Âu tan rã vào năm đầu 90 của thế kỷ trước tới thời điểm trên phải mất 15 năm nghị quyết trên mới ra đời. Một trong những nguyên nhân của sự chậm trễ đó là các chế độ cộng sản thường bưng bít, giấu diếm sự thật nhất là những tội lỗi của họ rất kỹ nên chỉ đến khi sụp đổ chúng mới bị phanh phui và tố cáo. Tuy chế độ cộng sản ở Việt Nam không phải là ngoại lệ và hiện đang tồn tại. Nhưng thời gian cùng với sự phát triển, bùng nổ của thông tin nhiều tội lỗi do nó gây ra với dân tộc đất nước đã bị phơi bày. 

Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam được đảng cộng sản thực hiện vào những năm 1953- 1956 nhằm xóa bỏ văn hóa phong kiến, tiêu diệt các thành phần bị xem là “bóc lột”, “phản quốc”, “phản động” như địa chủ, Việt gian, cường hào, các đảng đối lập... tịch thu tài sản, đất đai của những người này và chia cho bần nông, cố nông; đồng thời tiến hành đấu tố và xử tội họ. Do dập khuôn và chịu sự chỉ đạo của cố vấn Trung Quốc “cải cách ruộng đất” đã giết oan hàng chục vạn người vô tội trong đó có không ít đã giúp đỡ, cưu mang nuôi dưỡng các cán bộ của đảng, gây không khí căng thẳng ngột ngạt ở nông thôn miền Bắc vào thời ấy, làm triệt tiêu nội lực, đảo lộn luân lý truyền thống của dân tộc,... diễn “màn kịch” khóc lóc, xin lỗi, cách chức vài ba cán bộ cấp cao. 

Sau “cải cách ruộng đất” tiếp tục thực hiện chủ trương “Trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ” từ năm 1955 đến 1958 đảng cộng sản lại tiếp tục “đấu tố” các trí thức qua vụ án “Nhân văn giai phẩm”. Khác với cải cách ruộng đất có nhiều người bị giết oan chỉ vì giết cho đủ chỉ tiêu đã giao, các văn nghệ sĩ bị kết án trong “Nhân văn giai phẩm” có lý do “chính đáng” hơn là họ đã dám nói thật chỉ rõ những sai lầm của đảng trong cải cách ruộng đất. Dĩ nhiên trước khi kết án, đảng đã không quên chụp mũ cho họ là gián điệp, mật thám, lưu manh, trotkit, địa chủ tư sản phản động,... Vụ án “Nhân văn giai phẩm” tuy không có án tử hình, chêt người nhưng việc bỏ tù, đày đọa, trù dập, cấm sáng tác,.. cùng một lúc hàng chục văn nghệ sĩ nổi tiếng chỉ vì họ dám nói thật đích thị là một hành động khủng bố tàn bạo trí thức. 

Cuộc chiến 1960 - 1975 đã làm chết, bị thương, tàn tật hàng triệu người trong đó có không ít là dân thường. Họ là nạn nhân của bom rơi đạn lạc, những vụ thảm sát của quân đội mà vụ thảm sát lớn nhất giết hàng nghìn người là vụ thảm sát dân thường trong biến cố Mậu Thân 1968 ở Huế. Đã có rất nhiều bằng chứng chỉ rõ thủ phạm là quân đội cộng sản. Những ngày cuối tháng 4/1975 một số tờ báo nước ngoài dự đoán sẽ có “tắm máu” ở Sài Gòn. Sau 30/4 chính họ lại ngạc nhiên vì không thấy có trả thù và ca ngợi không khí yên ả sau ngày giải phóng. Nhưng cộng sản thâm độc hơn họ tưởng. Vài tháng sau hàng vạn quân cán của chế độ cũ lần lượt được gọi đi “học tập” thực chất là đi tù với đủ loại thời hạn từ vài tháng, vài năm đến vài chục năm, cả đời hoặc vĩnh viễn nằm lại. Một hình thức đày đọa giết dần giết mòn thể xác tinh thần bên thua trận. Hành động trả thù này cùng các chính sách cải tạo công thương nghiệp, hợp tác hóa nông nghiệp, thực hiện đổi tiền, phân biệt đối xử ngay những năm sau đó đã làm cho hàng triệu người dân miền Nam phải chạy trốn chế độ bằng thuyền. Cuộc vượt biển khổng lồ khiến cho hàng trăm ngàn người thiệt mạng mang tên “thảm nạn thuyền nhân trong thế kỉ 20”. Để che giấu tội ác này cộng sản đã áp buộc chính quyền các nước Malaixia, Indonexia ngăn chặn dỡ bỏ bia tưởng niệm những người đã bỏ mạng trong thảm nạn trên. 

Cả tuần vừa qua cư dân mạng đã xôn xao vì một bài thơ. Lý do: tác giả - ông Nguyễn Khoa Điềm nguyên UVBCT trưởng ban văn hóa tư tưởng (“sếp” của “lề đảng”) - đã gửi cho một trang mạng “lề dân” một bài thơ “thật buồn” vào đúng ngày “rất vui” là ngày giải phóng miền Nam 30/4. Nội nhan đề là “Đất nước những tháng năm thật buồn” cũng đủ để nói lên hiện trạng bi đát của Việt Nam. Nhưng nếu rõ danh tính của “người kêu buồn” thì còn thấy cái bi đát đó lớn hơn rất nhiều lần. Tất nhiên là đảng cộng sản phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về cái hiện trạng đó vì ròng rã 38 năm sau khi đất nước thống nhất họ không hề chia sẻ quyền lãnh đạo cho bất cứ ai, không chịu nghe bất kỳ ý kiến trái chiều nào, bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ, kiên trì bám lấy cái chủ nghĩa không tưởng lỗi thời mà nhân loại đã vứt vào sọt rác, đặt quyền lợi của đảng lên trên của dân tộc nên lệ thuộc vào ngoại bang làm mất dần đất đai của tổ tiên để lại, không ngừng đàn áp dân oan, những người đấu tranh chống tham nhũng, đòi tự do dân chủ và thậm chí cả những người yêu nước chống trung Quốc xâm lược, coi pháp luật là công cụ để cai trị dân phục vụ cho lợi ích của đảng,...và cho đến giờ phút này mặc dù bất lực, bế tắc trước cuộc khủng hoảng toàn diện, trầm trọng của đất nước vẫn khăng khăng, tìm mọi cách giữ lại điều 4 trong hiến pháp. Đó cũng là một tội lỗi. 

Tòa ở Việt Nam có thông lệ trước khi kết án một phạm nhân ngoài luận tội còn xét thêm trường hợp phạm nhân có công để giảm nhẹ. Đã có rất nhiều cán bộ cấp cao được giảm nhẹ tội vì họ thuộc diện “có công với cách mạng”. Giả dụ một ngày nào đó “phạm nhân đảng cộng sản” bị đưa ra xét xử trước pháp luật vì những tội lỗi đã gây ra đối với dân tộc, đất nước. Nếu áp dụng thông lệ trên thì “phạm nhân” cũng chẳng có cơ may được giảm nhẹ vì công của họ là “công dởm” còn tội thì toàn là “tội thật”.

5/2013 


________________________________

Chú thích: 

(1), (2), (3): trích từ SGK Lịch sử
(4). thơ Tố Hữu


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo