Trần Nam Chấn (Danlambao) - Tôi đã muốn viết bài này ngay sau khi cái gọi là hội nghị trung ương (HNTW) 7 của CSVN vừa kết thúc, nhưng vì có lý do nên đành viết trễ, và bài viết không còn thực sự mang tính thời sự nữa. Mặc dù vậy, vẫn còn có những điều mà tôi thấy cần trao đổi giữa chúng ta.
Ai cũng biết các HNTW 6 và 7 của CSVN thực chất là cuộc đấu giữa phe Sang-Trọng và phe Dũng. Phe Dũng đã thắng và đang giành lại thế thượng phong. Ai cũng biết rằng Nguyễn Phú Trọng là kẻ u tối, giáo điều, cổ hủ, đang muốn giữ đảng bằng mọi giá, còn Nguyễn Tấn Dũng thì chỉ cần ‘ăn’ và chưa bỏ hẳn đảng chỉ vì trong thời điểm này thì bỏ chưa thật có lợi.
Các báo ‘lề dân’ đã gọi hai phe cánh trong cuộc đấu này là “nhóm bảo thủ” - phe Trọng, và “nhóm lợi ích” - phe Dũng. Gọi thế tuy có phần đúng, nhưng chúng ta phải thận trọng khi rút ra những kết luận từ cách gọi đó.
Tâm lý con người khi tìm hiểu sự vật gì đó thường có xu hướng muốn đặt tên cho sự vật dựa vào một đặc trưng chưa chắc đã là cơ bản nhất, nhưng là đặc trưng để dễ phân biệt nó với các sự vật khác cùng loại. Điều đó cũng tốt, nếu luôn nhớ rằng tên gọi chỉ phản ảnh một phần tính chất của sự vật. Theo lối nghĩ như vậy, việc đặt tên cho hai phe trong đảng CSVN như trên là hợp lý, bởi phe Dũng rõ ràng ‘máu ăn’ hơn, ăn bằng mọi giá và có điều kiện để ăn hơn so với phe Trọng; còn phe Trọng thì bảo thủ hơn hẳn so với phe Dũng.
Một điều khác cũng dễ nhận thấy là trong mấy tháng vừa qua, dư luận chú ý nhiều đến những phát biểu của Nguyễn Phú Trọng, và vì đã quá chán CNXH, quá ngán khi phải nghe nói đến ‘những ưu thế của CNXH’ mà người ta càng khinh kẻ nói ra những thứ đó. Ý nghĩ là nếu phe Trọng thắng thì có nghĩa là CSVN cai trị còn lâu làm cho mọi người mong sao cho nhóm Trọng thất thế càng nhanh càng tốt, đảng CSVN tan rã hẳn càng sớm càng tốt.
Những suy nghĩ đó hoàn toàn đúng. Chính tôi, tôi cũng mong cho phe Trọng thua. Nhưng vẫn cần nhớ vài điều.
Một là Nguyễn Phú Trọng và phe cánh ‘ăn’ ít hơn không hẳn vì trong sạch hơn. Hãy biết và nhớ rằng chính ông ta và cựu TBT Nông Đức Mạnh đã chia nhau ngân quỹ của đảng để đem về nhà. (Xem hồ sơ tố cáo của Lê Anh Hùng.) Họ ăn ít hơn chỉ vì không trực tiếp quản ngân sách quốc gia với các dự án khổng lồ. Họ ít bẩn hơn chỉ vì không có điều kiện để bẩn quá nhiều.
Hai là Nguyễn Tấn Dũng không thể nào được xem như nhân vật cấp tiến và không thân Tàu Cộng. Hãy nhớ: chính ông ta ban bố những văn bản cấm đoán ‘tụ tập đông người’, ‘khiếu kiện tập thể’, trực tiếp ra những lệnh đàn áp biểu tình, mặc dù miệng nói đến dự thảo luật biểu tình. Chính ông ta, mặc dù có phát ngôn vài điều tỏ ra không ưa Tàu Cộng, nhưng đã từng ký những văn bản hợp tác với các tỉnh trưởng của Trung Quốc, đưa TQ vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên, chạy sang cầu cứu Tập Cận Bình khi có nguy cơ bị kỷ luật trong HNTW-6. Ông ta không phải là kẻ cấp tiến, mà chỉ là kẻ tham quyền và tham tiền đến tột cùng. Nếu gọi tất cả những kẻ không bảo thủ là cấp tiến thì chẳng lẽ bất kỳ một tên lưu manh nào cũng là cấp tiến chăng?
Một vài người còn cho rằng trong hai cái xấu, tức là hai phe, thì phe Dũng ‘ít xấu hơn’ nên tạm chấp nhận. Thực tế thì không phải như vậy. Về mức độ xấu xa, Nguyễn Tấn Dũng là số một. Đó là kẻ hết sức trâng tráo, lươn lẹo và tàn ác. Nếu như việc phe Dũng thắng có cái hay thì đó chỉ là vì bè lũ của ông ta gây nhiều tội ác hơn nên chế độ sẽ sụp đổ nhanh hơn, tạo thời cơ để có sự thay đổi chế độ triệt để. Việc hy vọng Nguyễn Tấn Dũng đưa VN ra khỏi quỹ đạo của Tàu Cộng lại càng phi lý.
Cũng là chuyện tâm lý: người ta khi nghĩ nhiều về một đặc trưng của sự vật thì dễ quên đi những đặc trưng khác của nó. Hiện tượng tâm lý đó trong trường hợp chúng ta đang nói có thể dẫn đến những việc làm sai lầm. Hãy nhớ đến cuộc biểu tình ‘ủng hộ thủ tướng’ cuối năm 2011 sau khi ông ta nói vài câu về việc dự thảo luật biểu tình, và chiến dịch đàn áp được đám thủ hạ của ông ta tiến hành để dập tắt cuộc biểu tình đó. Đó chẳng phải là sai lầm nguy hại khi nhận định không chuẩn về một kẻ cầm quyền đó sao?