Tản mạn mấy vấn đề thời sự: Từ hội nghị TW7 đến sự giãy chết của CNXH - Dân Làm Báo

Tản mạn mấy vấn đề thời sự: Từ hội nghị TW7 đến sự giãy chết của CNXH

Trần Trường Sa (Danlambao) - ... Xem ra việc về kinh sớm hay muộn là rất hệ trọng. Sớm thì dễ thất bại như Đổng Trác, Nguyễn Khánh; muộn thì mất cơ hội như Tôn Quyền, Lưu Bị. Hồi tháng một năm này, nghe nói Nguyễn Bá Thanh về kinh nhận chức trưởng ban nội chính trung ương, tôi giật mình buông ra hai tiếng “vội quá”. Tôi vốn đánh giá cao Nguyễn Bá Thanh, coi Thanh như một tay gian hùng cỡ “em em” Tào Tháo nên mới có cảm xúc như thế. Đất kinh kỳ, tuy triều đình mục ruỗng rồi, nhưng kẻ sĩ dỏm còn thao túng, cắn xé nhau ghê lắm. Bá Thanh quyết định ra tay lúc này quả là quá bạo gan! Té ra Bá Thanh chỉ được cái bạo mồm “bắt hết, hốt liền” mà thôi. Mới bốn tháng mà đã bị hạ knockout quả là quá lẹ!...

*

1. Giãy chết

Hồi thập niên 80 của thế kỷ trước, tôi có nghe câu chuyện thế này:

Ông Lê Duẩn thấy tình hình đất nước kiệt quệ, lại nghe nói các nước tư bản phương Tây giàu có, tiến bộ hơn Liên Xô xa chừng. Vốn coi trọng Liên Xô, ông cử con gái là chị Muội đi Ý (theo chương trình hợp tác tác khoa học) một chuyến xem sao! Chị Muội đi Ý về, ông hỏi:

- Con thấy xã hội tư bản thế nào?

- Bọn chúng đang giãy mà mình chết đấy bố ạ! – Chị Muội trả lời.

Xã hội các nước tư bản theo quy luật tự nhiên, nhà nước chỉ can thiệp để vượt qua các khó khăn nảy sinh nhằm giảm thiểu tác dụng xấu chứ không can thiệp thô bạo theo ý chí chủ quan của một số cá nhân cầm quyền như các nước xã hội chủ nghĩa. Nói theo kiểu của Đông phương là “thuận thiên hành đạo” chứ xã hội chả bao giờ “giãy” cả. Có “giãy” chăng là một số tổ chức kinh tế xã hội lạc hậu bị chính quy luật tự nhiên đào thải đành phải “giãy” rồi chết rất nhanh chứ chả có thế lực nào cứu được như các nước cộng sản. 

Xã hội Việt Nam ta ngày nay, các tập đoàn kinh tế nhà nước đang “giãy”, thị trường bất động sản đang “giãy”, nhiều ngân hàng đang “giãy”... nhưng những người cầm quyền đang quyết giang tay ra cứu bằng tiền thuế của nhân dân! Chúng không chết, chúng còn sống ngày nào thì nhân dân còn phải khổ và con cháu sau này lại còn khổ hơn. Đó là đặc trưng của các nước xã hội chủ nghĩa.

2. Tai nạn giao thông

Ông bộ trưởng “Ốc Nổ Bay” từng đề xuất: “Kỷ luật chủ tịch tỉnh nào để xảy ra nhiều tai nạn giao thông”, nghe hãi quá. Nay tỉnh nào cũng thấy nâng cấp, mở rộng các đường nội đô để mong giảm thiểu tai nạn giao thông? Còn đường quốc lộ do trung ương quản lý để xảy ra tai nạn giao thông nhiều thì phải kỷ luật ông bộ trưởng “Ốc Nổ Bay” vậy!

Cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, dân ăn khoai mỳ, bobo chai miệng, ngày nào cũng “khoái ăn sang” là thấy hạnh phúc lắm rồi dù rất nóng cổ, không dám mở miệng vì sợ ợ hơi càng nóng cổ hơn! Dù vậy, vẫn xây dựng được đường sắt thống nhất Bắc - Nam. Đã 1/3 thế kỷ trôi qua, khoai sắn trở thành món lạ miệng thì đường sắt cũng trở thành phương tiện đi lại xa xỉ vì giá vé quá cao; nhờ đầu máy tốt, tàu chạy nhanh hơn nhưng ít người đi, các ga xép không còn tác dụng đón khách. Hệ thống đường sắt vẫn vậy, vẫn gác ghi, tuần đường. Nghe nói có nhóm lợi ích muốn xây dựng đường sắt cao tốc. Có ông đại biểu quốc hại còn tuyên bố trước diển đàn quốc hội là “Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc”, nghe kinh quá!

Dân đen như tôi cũng thấy được rằng: nếu làm thêm một đường sắt nữa kề bên đường cũ để mỗi đường chỉ chạy một chiều thì công suất khai thác đường sắt sẽ tăng lên cả chục lần. Kết hợp với hệ thống thông tin hiện đại ngày nay thì tàu cứ nối đuôi, cách nhau vài cây số mà chạy tốc độ 50km/giờ . Giá thành rẻ hơn, dân đua nhau đi, áp lực đường bộ sẽ giảm, tai nạn giao thông trên quốc lộ sẽ ít đi.

Quốc lộ đi chung, xe đạp học sinh đi hàng đàn, trường học quay mặt ra quốc lộ, chợ búa quay mặt ra quốc lộ, xe máy phóng vèo vèo chung với xe hơi, xe công-tê-nơ... không xảy ra tai nạn mới là chuyện lạ. Bỏ ra cả tỷ tỷ xây dựng đường Trường Sơn, phá rừng, tạo điều kiện cho lâm tặc trộm gỗ, hủy hoại môi trường,... sao không dùng số tiền này xây dựng đường bộ Bắc - Nam bốn làn xe ôtô, có dải phân cách, có tường chắn hai bên, có cầu vượt (chung với đường sắt), có đường liên tỉnh riêng. Ai chạy đường quốc lộ thì thu phí, tốc độ 40 - 150 km/ giờ. Ai chạy đường liên tỉnh thì tốc độ nhỏ hơn 40 km/giờ (nơi đông người thì nhỏ hơn 30km/giờ).

Đem việc này nói với mấy vị lão thành cách mạng thì mấy vị cho ngay một câu: “Làm như ông thì các ngài ăn gì mà làm quan?!”. Có vị còn bảo: “Thôi đi ông! Làm như ông thì nhà tôi phải đằng sau, quay à!”

3. Hòa hợp – hòa giải

Sau 30/4/1975, người miền Nam kêu gọi “hòa hợp, hòa giải dân tộc”. Ông Thiệu chạy rồi, đến như ông Oánh, ông Hảo, phó thủ tướng chế độ cũ mà còn ở lại xây dừng đất nước nữa là! Cánh Mặt trận giải phóng miền Nam hưởng ứng. Miền Bắc - miền Nam mà hòa hợp rồi, cùng chung tay xây dựng đất nước thì chẳng mấy nổi mà đuổi kịp Nhật!

Cánh cộng sản miền Bắc dội ngay một gáo nước lạnh: “không hòa hợp - hòa giải gì hết, thua là thua - thắng là thắng; đang thua lại muốn xử huề à! Đến như Dương Văn Minh muốn bàn giao chính quyền mà ta còn không cho, thua là phải đầu hàng, chính quyền thì giải tán chứ không bàn giao cái gì hết! Mặt trận giải phóng miền Nam đã hết sứ mạng lịch sử thì cũng giải tán”.

Nay các vị ấy, cả thắng lẫn thua qua đời đã gần hết. Đất nước thất bại trên con đường xây dựng cái gọi là chủ nghĩa xã hội. Về mặt ý niệm, thắng đã thành thua, thua đã thành thắng. Đó là việc của các vị tiền bối. Con cháu các vị, anh Lê Kiến Thành con Lê Duẩn cũng đã làm tư bản rồi thì có gì khúc mắc nữa đâu mà hòa giải. Công và tội do cộng sản gây ra, hãy để cho hậu thế phán xét. Những người chịu oan trái do cộng sản gây ra, hãy để cho lịch sử ghi nhận. Phần lớn các vị cũng đã qua đời hay ngoài 70 cả rồi. Các vị có hòa giải, hòa hợp cũng chẳng làm gì được cho đất nước, cùng lắm là các vị ngồi với nhau uống cốc rượu nói cười vui vẻ như Nguyễn Cao Kỳ với Phạm Thế Duyệt là cùng.

Con cháu của cả hai phía không có gì thù hằn hay khúc mắc với nhau cả mà phải hòa giải với hòa hợp. Nay, lực lượng này mới là lực lượng hoạch định tương lai cho dân tộc. Chẳng có mâu thuẫn quyết liệt nào giữa Phạm Thanh Nghiên, Trịnh Kim Tiến, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Hoàng Vi, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Phương Uyên... mà phải hòa giải với hòa hợp. Con cái phe quốc gia hay phe cộng sản gì cũng yêu dân chủ, tự do cả. Vấn đề là các vị cầm quyền có chịu buông tay cho lớp trẻ biểu quyết đưa vận mệnh đất nước đi theo con đường nào mà thôi. Đừng đem chiêu bài “hòa hợp, hòa giải” ra mà lừa mị nữa! Có đứa, con cái phe quốc gia cả đấy, nhưng vì miếng cơm manh áo, vì tham lam quyền lực cũng đang khoác áo cộng sản đàn áp nhân dân đấy thôi! Nay bảo hòa hợp, hòa giải thì biết hòa hợp, hòa giải giữa ai với ai đây?

Sau năm 1975, rồi sau năm 1985 không tiến hành hòa hợp hòa giải được thì thôi, thời gian không ngừng lại để chúng ta muốn làm lúc nào cũng được. Đối tượng hòa giải hiện nay đã không còn hoặc rất mờ nhạt. Các vị cựu quân nhân, viên chức chế độ Việt Nam Cộng Hòa còn sống ở trong nước cũng như nước ngoài nên hỏi xem con cháu mình có nhu cầu hòa hợp, hòa giải với ai không? Còn ở tuổi như các vị, có hòa giải cũng chẳng giúp ích gì cho đất nước được cả!

4. Tên nước

Tên nước ta (không kèm theo các khái niệm ) từ xưa đến nay như sau:

- Văn Lang: 2879 - 258 TCN 
- Âu Lạc: 257 - 207 TCN) 
- Vạn Xuân: 542 - 602 
- Đại Cồ Việt: 968 - 1053 
- Đại Việt: 1054 - 1400 và 1428 - 1810
- Ðại Ngu: 1400 - 1407. 
- Việt Nam: 1802 - 1820 và 1840 - 1885
- Đại Nam: 1820-1840 

Từ 1945 đến nay tên nước cơ bản vẫn giữ là Việt Nam, có điều là thêm vào các khái niệm: dân chủ, cộng hòa, xã hội chủ nghĩa... tùy theo nhà nước của từng chế độ. Dân chả có tham gia gì vào việc chọn tên nước cả. Nay, vì quá chán nản với chủ nghĩa xã hội, dân cảm thấy ô nhục khi tên nước mang theo cụm từ này, ai cũng muốn đổi tên nước. Nhưng lấy tên gì đây? Loanh quanh cũng chọn mấy khái niệm từ xưa cũ, chỉ mang tính hô khẩu hiệu, chứ thực ra không có định hướng gì! 

Thảo dân tôi đây cũng xin góp một tên: “Cộng Hòa Việt” kính mời bàn dân thiên hạ bàn bạc thử xem. “Cộng hòa” là quyết định hướng theo con đường “tam quyền phân lập”. Độc đảng hay đa đảng gì mà tam quyền không phân lập rạch ròi thì nhân dân cũng chỉ hô khẩu hiệu “dân chủ” cho vui mà thôi ! Có “cộng hòa” thực sự thì tự nhiên có dân chủ, không cần phải hô khẩu hiệu trong tên nước làm gì cho dài dòng. Còn bỏ từ “Nam” trong tên nước thì phải thật là dũng cảm mới làm được. Nước ta ở Bắc bán cầu hà cớ gì phải để từ “Nam” trong tên nước! 

“Thời vua Gia Long thống nhất cả hai miền Nam Bắc, lấy quốc hiệu là Việt Nam từ chữ An Nam và Việt Thường”

Xem ra vua Gia Long quá coi trọng Trung Hoa nên mới kết hợp từ “Nam” trong tên “An Nam”, là tên nước ta khi bị Trung Hoa cai trị 1000 năm. Ngày nay, ta đã hội nhập với toàn cầu, Anh - Pháp - Mỹ -Nhật... đều đáng coi trọng hơn Trunh Hoa ngàn lần. Để nêu cao tính độc lập tự chủ của chúng ta, không ở về phía Đông - Tây - Nam - Bắc của ai cả (về mặt ý niệm), ta phải bỏ từ “Nam” trong tên nước.

5. Về kinh

“Thứ nhất kinh ký, thứ nhì Phố Hiến”.

Nói đến Kinh kỳ ai chả mê! Nhưng “về kinh lúc nào cho thắng lợi?”. Đó là câu hỏi cần có tính kiên trì mới giải đáp nổi.

Thời Nhà Hán suy tàn, loạn khăn vàng quấy nhiễu, các sứ quân hợp nhau thảo phạt. Viên Thiệu làm minh chủ cơ bản dẹp xong loạn lạc, nhưng Viên Thiệu cũng vội vàng rời bỏ chốn kinh kỳ để trở về Ung Châu. Viên Thiệu cũng biết nắm vua là chiếm ưu thế để mưu đồ nghiệp lớn, nhưng thực lực chưa đủ, đành bỏ! Đổng Trác vội vàng giành lấy thế thượng phong, nhưng thực lực chưa đủ nên phải chuốc lấy cái chết nhục nhã. Tào Tháo chạy quanh, gây thanh thế cõi ngoài, đến lúc triều đình mục ruỗng, nhân sĩ bỏ ra cõi ngoài hết, chỉ còn tinh bọn hủ nho, mới ra tay, quả nhiên nắm được thực quyền, dựng nên nghiệp bá vương đến mấy đời. Tôn Quyền, Lưu Bị chậm chân phải ở cõi ngoài tạo thế “ba chân vạc” ghìm nhau với Tào Tháo.

Thời Miền Nam, đầu thập niên 60, tướng Nguyễn Khánh trấn thủ vùng 2, gần kề với kinh đô Sài Gòn. Các tướng âm mưu lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Khánh làm ngơ, chờ khi cuộc lật đổ thành công mới lên tiếng ủng hộ. Đến 1964, nội bộ các tướng bất ổn, Khánh được sự ủng hộ của một số tướng trẻ, chưa có sự đồng tình của nhân dân đã vội về kinh giành chính quyền. Kết quả Khánh phải lưu vong gần 50 năm cho đến ngày qua đời ở nước người (2013). Đến lúc nhân sĩ bó tay, không ai lập được chính quyền, chán nản lui về hậu trường hết. Lúc này Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu mới ra tay; ông Kỳ biết nhường nhịn ông Thiệu mới dựng được chế độ cộng hòa 9 năm.

Xem ra việc về kinh sớm hay muộn là rất hệ trọng. Sớm thì dễ thất bại như Đổng Trác, Nguyễn Khánh; muộn thì mất cơ hội như Tôn Quyền, Lưu Bị. Hồi tháng một năm này, nghe nói Nguyễn Bá Thanh về kinh nhận chức trưởng ban nội chính trung ương, tôi giật mình buông ra hai tiếng “vội quá”. Tôi vốn đánh giá cao Nguyễn Bá Thanh, coi Thanh như một tay gian hùng cỡ “em em” Tào Tháo nên mới có cảm xúc như thế . Đất kinh kỳ, tuy triều đình mục ruỗng rồi, nhưng kẻ sĩ dỏm còn thao túng, cắn xé nhau ghê lắm. Bá Thanh quyết định ra tay lúc này quả là quá bạo gan! Té ra Bá Thanh chỉ được cái bạo mồm “bắt hết, hốt liền” mà thôi. Mới bốn tháng mà đã bị hạ knockout quả là quá lẹ!

6. “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm”

Câu nói nổi tiếng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ngày càng được minh chứng. Xã hội cộng sản tuy xấu xa nhưng không phải các lãnh tụ cộng sản không có những câu nói hay nổi tiếng. Vì lẽ đó, Nguyễn Văn Thiệu sau gần một năm tham gia Việt minh, ít nhiều cũng có tận mắt chứng kiến người cộng sản làm những việc trái ngược với những lời lẽ hay ho của mình nên đã thốt lên câu nói nổi tiếng đó.

Hồ Chí Minh từng nói trong một lần nói chuyện với đại biểu nhân sĩ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa, 1947: “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”. Thế sao chính phủ Việt Minh giết hơn 100 ngàn dân trong cải cách ruộng đất mà chỉ tạm đuổi Trường Chinh và Lê Văn Lương rồi đưa trở lại chính trường không lâu sau đó? Sao Hồ Chí Minh không tự đuổi mình?

"Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước",  Hồ Chí Minh nói với bộ đội ở đền Hùng trước khi về tiếp quản thủ đô, 1954. Thế thì chắc hẳn ông Hồ phải vô cùng phẫn nộ khi Phạm Văn Đồng ký công hàm 1958 dâng đứt Biển Đông cho Tàu? Hay là lúc ấy ông vô quyền nên không trị được bè lũ Phạm Văn Đồng?

“Nước độc lập mà người dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập không có ý nghĩa”. Sao sau khi độc lập rồi mà những công thần trong kháng chiến như Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt... cả Vũ Đình Huỳnh (là thư ký thân tín của ông) đều bị trừng trị khi dám đề cao hai chữ “tự do” dù chỉ là trong văn hóa văn nghệ. Nhân dân điêu đứng vì hết cải cách ruộng đất đến cải tạo công thương, lấy đâu mà có hạnh phúc. Hay là ông bị giam trong phủ chủ tịch nên không biết?

“So với yêu cầu về số lượng thì chưa đạt. Việc đó TƯ cũng không hài lòng. Nhưng cơ chế bầu của chúng ta là phải có số dư, trong không khí dân chủ này phải có số dư, để tôn trọng các ý kiến. Bây giờ đang nói là chọn cán bộ không nên chỉ có độc diễn, phải có nhiều số dư để có sự lựa chọn. Tuy nhiên, như vậy đôi khi, số phiếu lại bị phân tán”. Ông Trọng nói trong cuộc họp tiếp xúc cử tri quận Ba Đình chiều 13/5. Tuy câu nói rất lủng củng nhưng lại thể hiện ngược lại ý chí và việc làm của ông tại hội nghị trung ương 7: muốn đưa Nguyễn Bá Thanh độc diễn để nắm chắc phần thắng, tạo thêm phe cánh trong bộ chính trị. Hay ông Trọng đã xuôi tay đầu hàng nhóm lợi ích nên phải vờ chấp nhận “không khí dân chủ này” trong trung ương đảng?

14 - 05 - 2013



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo