T.L (GDVN) - “Bộ trưởng cần lên tiếng về vụ việc này! Trách nhiệm của các cấp quản lý đến đâu khi để xảy ra sự việc nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng trẻ sơ sinh như thế này khi sự việc lại diễn ra và bị phát hiện ngay Thủ đô?...”, độc giả Thanh Loan đưa ra ý kiến.
Lại là "ăn bớt"
Theo phản ánh của anh Dương Thái Lam (SN 1984, trú tại Tích Sơn, Vĩnh Phúc, vào hồi 9h ngày 19/4, anh Lam đưa con trai là cháu Dương Kiều Phong (SN 2012) đến địa chỉ 70 Nguyễn Chí Thanh để tiêm vacxin Pentaxim (vắc xin 5 trong 1 loại vô bào) mũi 3 và uống Rotateq (phòng bệnh tiêu chảy do Rota vi rút) với giá 1.185.000 đồng một lần tiêm.
Anh Lam thấy nhân viên y tế bóc vắc xin ra, bơm nước cất vào rồi rút thuốc ra xilanh. Lọ thuốc sau khi được rút ra không bị vứt vào xô có túi nilon màu đen đựng vỏ lọ để gần đó mà cho vào hộp catton đựng phiếu tiêm.
Ngay sau khi phát hiện sự việc trên, anh Lam vẫn bình tĩnh để nhân viên cho cháu Phong uống Rotateq. Tiếp đó, anh lấy lọ vắc xin từ hộp cacton mà nhân viên y tế đã vứt trước đó thì phát hiện trong lọ còn khoảng 0,2ml (tương đương gần 40%) vắc xin.
Anh Lam và lọ thuốc còn thừa sau khi tiêm cho con trai mình |
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng cho biết, người trực tiếp tiêm cho con trai anh Lam là y tá Bùi Thị Phương Hoa, người này đã thực hiện không đúng quy trình và tiêm thiếu thuốc cho cháu Dương Kiều Phong. Hiện bà Hoa đã bị đình chỉ công tác.
Trước thông tin vụ việc được đăng tải, rất nhiều độc giả gửi phản hồi tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Hầu hết trong số đó tỏ thái độ bức xúc, phẫn nộ trước hành động của nữ y tá, đồng thời mong muốn Bộ trưởng Bộ Y tế và các lãnh đạo của Bộ Y tế cần lên tiếng trước sự việc làm xấu đi hình ảnh của nghành Y tế kể trên.
Độc giả Phương Thùy bày tỏ sự đau xót trước hành động của nữ y tá: “Không biết chị Hoa có con không? Chắc chắn là có rồi đúng không chị? Thế thì chị có yêu con chị không? Chị hãy đặt mình vào vị trí của anh Lam thì chị sẽ thấy tim mình bị rỉ máu”.
Bày tỏ thái độ gay gắt hơn, độc giả tuannguyen cho hay: “Không thể chấp nhận được, nên có luật pháp quy định về vấn đề này. Đáng bỏ tù nhân viên đó. Vì trẻ em là mầm cây của Việt Nam, chính chúng ta tự giết chúng ta. Mà Bộ trưởng đi “vi hành” làm gì? Điều quan trọng là cái tâm, cái đức của các nhân viên y bác sỹ, các nhân viên cấp dưới. Nếu họ không có điều đó thì Bộ trưởng có “vi hành” cả ngàn lần vẫn vậy thôi!?
Từng rơi vào trường hợp như gia đình anh Lam, tuy nhiên độc giả Lê Hồng lại không hề biết, trước sự việc trên, chị quá ngỡ ngàng nói: “Hóa ra trước đây tôi đưa con đi tiêm phòng thấy lọ vac xin vẫn còn kha khá nhưng tôi lại nghĩ hay liều nó chỉ vậy là đủ. Khi xin lại lọ vacxin đó thì cô bác sỹ nói là phải lưu mẫu trong mấy tháng nên tôi lại thôi.
Thì ra là con mình bị các “từ mẫu” ăn bớt vacxin. Ác quá! Ăn bớt chút vacxin của các cháu như vậy không biết con cái họ có khỏe mạnh hơn không và họ sống có khá hơn không? Toàn những kẻ bán linh hồn cho quỷ. Sống phải biết gieo nhân nào phải gặt quả ấy”.
Độc giả Hà Nguyễn bày tỏ sự thất vọng sâu sắc: “Chuyện tiêu cực, ăn bớt, ăn xén không phải riêng gì ngành y tế, trong ngay xây dựng, ngành giao thông... đều có. Nhưng riêng với ngành y là một vấn đề rất nghiêm trọng. Bởi, đây là sinh mạng con người là vốn quý nhất của xã hội. Chuyện "tiêu cực" trong ngành y đã có từ lâu, qua bao đời Bộ trưởng vẫn không giải quyết được...”.
Chỉ ra những tiêu cực của ngành Y tế, độc giả thuyloan cho biết: “Việc ăn cắp vắc xin hoặc lợi dụng là bác sỹ, nhân viên bệnh viện đưa sổ khám bệnh vào lấy thuốc tốt ra ngoài đang diễn ra hàng ngày. Bệnh nhân có đi khám chẳng qua chỉ nhận được cái thăm khám qua loa và nhận vài viên thuốc củ mỳ rồi đi về, cộng với thái độ phục vụ khó ưa, vô lễ với những người đáng ông, bà của các người. Tôi không biết việc này diễn ra đến bao giờ?”.
Không còn là “THỈNH THOẢNG” nữa mà nó là “ĐẠI ĐA SỐ” rồi Bộ Trưởng ơi!
Người được cho là đã có hành vi "ăn bớt" vắc xin Bùi Thị Phương Hoa |
Đồng tình với ý kiến trên, độc giả Thanh Loan đưa ra ý kiến: “Bộ trưởng cần lên tiếng về vụ việc này ngay! Trách nhiệm của các lãnh đạo, cơ quan quản lý của các cấp quản lý đến đâu khi để xảy ra sự việc nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng trẻ sơ sinh như thế này khi sự việc lại diễn ra và bị phát hiện ngay Thủ đô? Còn bao nhiêu vụ việc khác nữa chưa bị phát hiện? Bao nhiêu tỉnh thành chưa bị phát hiện? Những người "lương y" này có thật sự là "từ mẫu" không hay phải gọi đích danh là "ác quỷ"? Đề nghị những người có trách nhiệm trả lời!
Trước sự việc trên, độc giả Bình Đinh đưa ra ý kiến thẳng thắn với Bộ trưởng: “Cần phải xem xét lại trách nhiệm của những vị quản lý trực tiếp ở Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Bởi không thể chấp nhận được việc nhân viên dưới quyền của họ ăn bớt vắc xin ngừa bệnh của trẻ nhỏ. Dù có biện hộ thế nào thì cấp quản lý ở đó vẫn phải chịu trách nhiệm trước sự việc đáng tiếc này....”.
T.L (tổng hợp)
http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Khong-con-la-THINH-THOANG-nua-ma-no-la-DAI-DA-SO-roi-Bo-truong-oi/295978.gd
***
***
Lo quá hoá lãng phí
(LĐ) - Bộ Y tế lên kế hoạch phòng, chống dịch cúm H7N9 với kinh phí dự trù gần 115 triệu USD. Lại một vụ tiêu tiền xem ra cần phải tính toán kỹ lưỡng, để không “vung tay quá cúm” như đã từng xảy ra.
Chuẩn bị các phương án thật tốt để bảo vệ sức khỏe cho người dân là đương nhiên cần làm, nhưng làm phải có hiệu quả, tiết kiệm cho ngân sách. Nếu như hoảng loạn trước tình huống đang bình thường, mất bình tĩnh vì vài trường hợp mắc bệnh mà chi tiền mua trang thiết bị, thuốc men tốn nhiều tiền thì rất dễ trở thành lãng phí.
Chuyện này không phải mới gì với ngành y tế. Hai vụ dịch H5N1- năm 2005 và H1N1- năm 2009 là bài học còn tươi rói về sự lãng phí do vội vàng và mất bình tĩnh. Bỏ tiền ra mua thiết bị để chống dịch, nhưng dịch qua rồi mà thiết bị chưa về hoặc chưa lắp đặt xong. Trận dịch năm 2005, chỉ riêng thuốc Tamiflu cũng mất 540 tỉ đồng. Nước nghèo mà xài tiền như vậy, kể cũng xót. Không chỉ là chuyện tiền bạc, mà qua đó còn cho thấy trình độ của ngành y tế trong những tình huống phòng dịch khẩn cấp.
Rút kinh nghiệm từ các vụ lãng phí của tiền trước đây, các chuyên gia và các nhà quản lý ngành y tế nên tìm những biện pháp hiệu quả hơn, tránh lặp lại ''vết xe đổ'' của Tamiflu và câu chuyện những con tàu chở thiết bị chống dịch về sau khi dịch đã qua. Đừng “nuôi béo” những nhà sản xuất thuốc và thiết bị y tế nước ngoài, nếu như chúng ta còn cách kiểm soát dịch tốt và xử lý được các trường hợp nhiễm bệnh.
Một chuyện khác, người dân theo dõi diễn biến dịch cúm không khỏi bức xúc vì nhận cùng lúc hai thông tin trái tai gai mắt. Một mặt là Bộ Y tế dự trù mua thiết bị chống dịch tới gần 115 triệu USD, mặt khác là thông tin gà lậu nhập ồ ạt từ Trung Quốc sang Việt Nam khắp các ngả- từ đường thủy tới đường bộ. Để lọt gà lậu vào thị trường như vậy, thì có bỏ ra tiền tỉ để chống H7N9 cũng vô ích; bởi vì, nó chẳng khác gì tay này mời dịch cúm vào, còn tay kia mua thuốc uống.