Lê Xuân Khoa (Bauxite Vietnam) - Sự kiện này có thể được hiểu là Tập Cận Bình, muốn ngăn chặn Nguyễn Tấn Dũng chuyển hướng đối ngoại sang phía Mỹ, cần phải trấn an Trương Tấn Sang và ủng hộ ông ta trong cuộc tranh giành quyền lực với Nguyễn Tấn Dũng. Tập Cận Bình không mời Nguyễn Phú Trọng vì ông này thân Trung Quốc quá lộ liễu và vì, trong trường hợp này, quan hệ Việt-Trung nên được giải quyết giữa hai Chủ tịch nước. Trong khi đó, dù không ưa Trung Quốc, Trương Tấn Sang vẫn cần phải dựa vào cường quốc này để bảo vệ Đảng và chế độ...
*
Mười chín ngày sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc bài diễn văn Shangri-La xoay chuyển chính sách ngoại giao Việt Nam sang phía Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Bắc Kinh hội đàm với Chủ tịch nước Tập Cận Bình về hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia. Ngay sau đó, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết 10 văn kiện hợp tác, gồm có:
1. Chương trình hành động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
2. Thoả thuận hợp tác biên phòng giữa hai Bộ Quốc phòng.
3. Thoả thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển.
4. Hiệp định khung giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng ưu đãi (cho Dự án hệ thống thông tin đường sắt) trị giá 320 triệu Nhân dân tệ.
5. Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc thành lập Trung tâm văn hoá tại hai nước.
6. Điều lệ công tác của Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
7. Thoả thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu.
8. Kế hoạch hợp tác giữa giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc giai đoạn 2013-2017.
9. Hiệp định vay cụ thể tín dụng người mua ưu đãi cho Dự án Nhà máy Đạm than Ninh Bình trị giá 45 triệu đôla Mỹ.
10. Thoả thuận sửa đổi lần thứ 4 giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc liên quan tới Thoả thuận thăm dò chung trong khu vực thoả thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ.
Chuyến đi được kết thúc bằng một bản tuyên bố chung 8 điểm dài khoảng 5.000 chữ. Điểm số 1 nói về mục đích cuộc hội đàm thượng đỉnh song phương là “làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung” đã được thảo luận và ký kết từ trước. Điểm 2 xác nhận “tiếp tục kiên trì phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt” trong quan hệ phát triển lâu dài giữa hai nước.
Dựa trên cơ sở của hai điểm 1 và 2, điểm số 3 quan trọng nhất vì nó tóm lược 13 lĩnh vực hợp tác giữa các bộ, ngành của Chính phủ được ấn định trong “Chương trình hành động triển khai Quan hệđối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc”. Chương trình này được “khẩn trương bàn bạc” (bản tin TTXVN) trong phiên họp lần thứ 6 của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương tại Bắc Kinh ngày 11.5.2013, và bản dự thảo chương trình được chính thức ký kết thành Văn kiện số 1 trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Đây là văn kiện cơ bản thể hiện “tiếp tục phát triển hợp tác theo chiều sâu” nhằm “đẩy quan hệ Việt-Trung lên tầm cao mới” là mục tiêu chính của cuộc hội đàm giữa lãnh đạo của hai nước. Chín văn kiện còn lại là những thể hiện chi tiết về hợp tác giữa các bộ, ngành trên mọi lĩnh vực.
Cuộc hội đàm Tập Cận Bình - Trương Tấn Sang có một số sự kiện cần được xem xét kỹ:
1. Mục tiêu “tiếp tục phát triển hợp tác theo chiều sâu” và “đẩy quan hệ Việt-Trung lên tầm cao mới” đều được Chủ tịch nhà nước Việt Nam và Đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội nhấn mạnh trong hai cuộc phỏng vấn riêng biệt của báo chí Trung Quốc (với Chủ tịch Trương Tấn Sang) và báo chí Việt Nam (với Đại sứ Khổng Huyễn Hựu) ngay trước chuyến đi Trung Quốc của nhà lãnh đạo Việt Nam. Rõ ràng đây là một sự đáp trả mạnh mẽ đối với bước ngoặt về đối ngoại của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài diễn văn Shangri-La ngày 31.5. Các văn kiện được chuẩn bị từ trước ngày họp của Đối thoại Shangri-La đều là kết quả đúc kết mau chóng từ những thoả thuận đã có trong những phiên họp của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương và Hội thảo lý luận giữa hai đảng trong nhiều năm qua. Văn kiện số 1 được “khẩn trương bàn bạc” trong phiên họp của Ủy ban Chỉ đạo ngày 11.5 cho thấy Bắc Kinh đã được báo cáo mật về sự xoay trục sang Hoa Kỳ của ông Nguyễn Tấn Dũng nên họ quyết định phải sớm có hành động đối phó bằng cách liên kết với phe chống Nguyễn Tấn Dũng ở trong nước.
2. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được biết là người chống chính sách bá quyền của Bắc Kinh. Khi nhậm chức vào tháng Bảy 2011, ông Sang đã tuyên bố trước Quốc hội là ông quyết tâm bảo vệ độc lập và toàn vẹn chủ quyền của đất nước. Chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của ông là đi Ấn Độ vào tháng Mười 2011 trong khi Tổng Bí thư lên đường sang Trung Quốc. Mới hai tháng trước, ông Sang ra thăm ngư dân đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi, giúp đỡ nạn nhân bị tàu Trung Quốc tấn công và khuyến khích ngư dân “yên tâm bám biển, đoàn kết tương trợ nhau để tránh thiên tai, địch hoạ”. Cho đến nay, hai năm sau ngày nhậm chức, ông mới có chuyến công du đầu tiên sang Trung Quốc. Sự kiện này có thể được hiểu là Tập Cận Bình, muốn ngăn chặn Nguyễn Tấn Dũng chuyển hướng đối ngoại sang phía Mỹ, cần phải trấn an Trương Tấn Sang và ủng hộ ông ta trong cuộc tranh giành quyền lực với Nguyễn Tấn Dũng. Tập Cận Bình không mời Nguyễn Phú Trọng vì ông này thân Trung Quốc quá lộ liễu và vì, trong trường hợp này, quan hệ Việt-Trung nên được giải quyết giữa hai Chủ tịch nước. Trong khi đó, dù không ưa Trung Quốc, Trương Tấn Sang vẫn cần phải dựa vào cường quốc này để bảo vệ Đảng và chế độ. Do đó, hai bên đã cố gắng giảm bớt căng thẳng, gia tăng hợp tác với kết quả là đôi bên cùng có lợi.
3. Một kịch bản khác là, trước nguy cơ Đảng suy sụp vì xung đột nội bộ và trước xu hướng chung của quốc tế là phải kiềm chế chính sách bành trướng ngang ngược của Trung Quốc, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam có thể đã đạt được đồng thuận giữa các bên là cân bằng lại chính sách ngoại giao để không còn nghiêng về Trung Quốc. Bởi thế, trong khi tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác với Bắc Kinh, Hà Nội cũng gia tăng hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ và môt số cường quốc khác. Chính sách đu dây này không có vấn đề gì đối với Hoa Kỳ vì nước này không có tham vọng xâm phạm chủ quyền lãnh thổ hay lãnh hải của một nước nào trong khu vực, nhưng Trung Quốc từ mấy ngàn năm nay không bao giờ từ bỏ ý đồ thôn tính và Hán hoá Việt Nam. Vì vậy chính sách cân bằng đối ngoại của Việt Nam rất khó tồn tại lâu dài trước mối đe dọa thường trực của Trung Quốc, nếu không có sự đảm bảo của quốc tế hay của một đối tác hợp tác chiến lược quốc phòng như trường hợp Hoa Kỳ đối với Nhật bản hay Đài Loan. Ngoài ra, kịch bản đồng thuận này của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chỉ là một giả định, chưa có gì là chắc chắn.
Trở lại quan hệ Việt Nam-Trung Quốc sau cuộc hội đàm Tập Cận Bình - Trương Tấn Sang, sự phát triển hợp tác theo chiều sâu và đẩy lên một tầng cao mới được thể hiện trong bản Tuyên bố chung với 10 Văn kiện cụ thể của “Chương trình hành động triển khai Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngoài việc phân tích những yếu tố chính trị đưa đến cuộc hội đàm Bình - Sang, cần xem xét kỹ lưỡng 10 văn kiện đã ký để nhận ra những điểm lợi hại cho Việt Nam trên từng lãnh vực hợp tác. Vì chưa được đọc các văn kiện và vì giới hạn của một bài báo, tác giả chỉ có thể đưa ra một số nhận định tổng quát về cơ sở và kết quả của cuộc hội đàm thượng đỉnh song phương này:
1. Cuộc hội đàm được diễn ra trên cơ sở của phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt là một cơ sở quá cũ đã được chứng tỏ là Việt Nam bị Trung Quốc lường gạt bằng những lời hoa mỹ. Thực tế là Trung Quốc đã sử dụng “sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền” đúng như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ám chỉ trong bài diễn văn Shangri-La. Lẽ ra, mục đích cuộc hội đàm phải là cải thiện quan hệ hợp tác giữa hai nước bằng những cam kết ngưng tất cả mọi hành động áp đặt, đối xử bất bình đẳng, không tôn trọng nhân đạo và luật lệ quốc tế. Bản Tuyên bố không nhắc gì đến Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) là một thiếu sót do cố ý, rất hại cho Việt Nam và các nước ASEAN.
2. Một số thoả thuận có tính tích cực như thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển, hợp tác kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu, cho vay tín dụng người mua ưu đãi cho dự án nhà máy Đạm than Ninh Bình. Vấn đề là việc thi hành có được đảm bảo về hiệu quả hay không.
3. Thoả thuận có thể gây tranh cãi là mở rộng khu vực thăm dò chung về dầu khí trên Vịnh Bắc Bộ. Cần xem xét lợi hại thế nào cho Việt Nam.
4. Văn kiện số 4 nói về tín dụng ưu đãi cho Dự án hệ thống thông tin đường sắt. Thật ra thì đây là Dự án giao thông đường bộ cao tốc Bằng Tường - Lạng Sơn - Hà Nội. Đường cao tốc nối liền Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây) với Hà Nội có lợi ích kinh tế nhưng cũng có thể nguy hiểm cho Việt Nam nếu chẳng may xảy ra xung đột quân sự giữa hai nước.
5. Văn kiện số 5 về giao lưu văn hoá Việt - Trung, với những Trung tâm văn hoá nước này ở nước kia, có thể là con dao hai lưỡi nếu được Trung Quốc sử dụng như một phương tiện đồng hoá dân tộc Việt.
Tóm lại, kết quả cuộc hội đàm Tập Cận Bình - Trương Tấn Sang có bề ngoài làm giảm căng thẳng và gia tăng hợp tác giữa hai nước, nhưng vẫn ngầm chứa ý đồ của Trung Quốc lấn chiếm Việt Nam. Trong khi đó, lãnh đạo Việt Nam cứ lúng túng giữa một bên là ý muốn bảo vệ đảng và chế độ và một bên là lòng bất mãn của nhân dân yêu nước và khát khao dân chủ đang lên cao.
Lãnh đạo cộng sản Việt Nam cần nhận biết rằng, thay vì theo sau Trung Quốc, nếu họ chọn con đường dân chủ hoá trước Trung Quốc thì, với sự ủng hộ của nhân dân và thế giới dân chủ, họ sẽ thành công trong sứ mệnh bảo vệ và phát triển đất nước. Hãy hoà giải với những người bất đồng chính kiến, hãy lắng nghe và hợp tác với trí thức. Trung Quốc, nếu cũng tự thay đổi chế độ từ độc tài sang dân chủ, sẽ không bị cô lập và được thế giới đón nhận như một siêu cường. Khi đó họ cũng sẽ được sự kính trọng và ủng hộ của các nước Á châu. Biển Đông sẽ êm lặng. Thế giới sẽ hoà bình. Đây là cái message cần được gửi đến lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc.
California, 26 tháng 6/ 2013
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN