Thấy gì qua hai ngày họp quốc hội - Dân Làm Báo

Thấy gì qua hai ngày họp quốc hội


Nghe mà phát ngán


Vitudotutuong (Danlambao) - 2 ngày xin nghỉ việc ngồi nghe Quốc Hội, càng nghe càng muốn nổ tung. Ngoài những “đốm sáng” hiếm hoi như các ý kiến về tư pháp, kiểm toán, thống kê, ngân hàng... (về tranh tụng; về độc lập hóa chức năng.v.v…) thì trên 90% phát biểu thể hiện sự bất cập mọi mặt về kiến thức pháp lý, về vận dụng thực tiễn, thậm chí cả về văn phạm. Quá nửa số ý kiến có thể gọi là…lẩm cẩm. Ngay việc hiểu thế nào là Hiến Pháp cũng lơ mơ; nhầm lẫn giữa Hiến định và Luật định. Thậm chí rất nhiều vị còn đề nghị thêm vào những nội dung chỉ có ở các văn bản dưới luật hoặc báo cáo chính trị. Ngoài ra có nhiều đại biểu, chắc không nghĩ ra được gì khác, nêu ý kiến rất “củ chuối”. Vài thí dụ:

- Gần chục ý kiến nói đồng ý lập “Ban Bảo vệ hiến pháp” với lý do “đảng đã có nghị quyết về vấn đề này”. (Như vậy khác nào Quốc Hội đội đảng lên đầu. Nản!)

- Rất nhiều ý kiến đòi thêm cụm từ “theo quy định của pháp luật” vào sau một số Hiến định về quyền công dân, để “thêm phần chặt chẽ, tránh lạm dụng Hiến pháp” ( thế là “thằng bố” phải bái lạy “thằng con”)

- Có đại biểu (Chiến–Bắc Ninh) đòi bổ sung vào điều 6 một dòng “…thông qua đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc,…” Mặc dù trong Hiến pháp sửa đổi đã nêu “…thông qua Quốc hội, HĐND và các cơ quan khác…”

- Một ông thiếu tướng QK9 đòi bỏ câu “…xây dựng quân đội từng bước tiến lên chính quy hiện đại”, thay bằng “xây dựng QĐ chính quy hiện đại” (luôn và ngay!)

- Có ý kiến đòi thêm vào khoản 4 điều 13 “…ngày Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước VNDCCH” (chắc sợ người ta nhầm ngày 2 /9/1945 trước Công nguyên?)

- .v.v…

Các "ông dân" hầu hết đã tự chứng minh một cách hùng hồn sự dốt nát và xơ cứng của mình. Rõ ràng, tình trạng ít học, thiếu thông tin đa chiều, thiếu tranh biện đã biến phần lớn đại biểu Quốc Hội thành “gà mờ”. Có lẽ họ chỉ có ích ở lĩnh vực “camera” - tức là thấy gì nói nấy (lạy trời cho họ nói thật). Qua đây mới lý giải tại sao ở một số nghị trường như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan... đôi khi ta thấy các ông bà nghị hò hét, nhảy vào nhau đấm đá. Đơn giản là vì họ được tự do - trước hết là tự do tư tưởng. Sự tự do thể hiện quan điểm bao giờ cũng nảy sinh đối nghịch. Rõ ràng sự đồng thuận không thể ra đời dễ như “hoa đến kỳ thì hoa nở”. “Mọi sự vật, hiện tượng trên đời đều là sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập” – ông Karl Marx đã nói như vậy đó. Nếu Đảng cổ súy cho “đơn nguyên” – đảng độc tôn, thì đương nhiên họ sẽ đối lập với dân – với vai trò như là một thành tố còn lại của “đa nguyên”. Thực tiễn hiện nay ở Việt Nam là như vậy.

Tôi tin rồi sẽ đến lúc Việt Nam phải trải qua thời kỳ xáo trộn, đấu đá quyết liệt, áo vàng áo đỏ như họ. Lịch sử đã chứng minh: nền dân chủ nào cũng kinh qua giai đoạn vật lộn đấu tranh đa nguyên. Thiết chế xã hội muốn ổn định bền vững thường phải trải sóng gió, bất ổn. Kinh tế không có cạnh tranh thì kinh tế xuống dốc. Chính trị không có cạnh tranh thì chính trị lỗi thời. “Quyền lực tuyệt đối đẻ ra tham nhũng tuyệt đối”. Đó là những chân lý bất biến. Cho nên đừng mong cải cách bằng nội lực của cơ chế bảo thủ, đừng mơ dân chủ hóa bằng sự yểm trợ của một đảng độc tài.

“Dân trí cao” về chính trị sẽ không bao giờ có được, nếu không có phản biện xã hội. Đến nay, tuyệt đại đa số dân ta chưa hiểu mình khổ vì cái gì, mình cần cái gì; và rất ít người dám tìm hiểu tận cùng bằng các câu hỏi “tại sao”. Ngay chuyện tư duy thôi mà cũng không dám, nói chi đến hành động.

Đại biểu Quốc Hội, về hình thức là “tinh túy của dân”, vậy mà “phát tiết” ra những “tinh hoa” khó ngửi như thế, vận nước không suy mới là lạ! Những con gà công nghiệp làm sao biết đến môi sinh nào khác ngoài cái máng ăn của chúng? Nghĩ mà ngán ngẩm lắm thay, đau đớn lắm thay!



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo