Diệu Quyên (Danlambao) - Mạng lưới bloggers Việt Nam vừa đưa ra bản Tuyên bố đề nghị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải có những thay đổi lớn và thiết thực về vấn đề tự do tư tưởng và tự do phát biểu chính kiến, nếu muốn trở thành một thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc khóa 2014-2016.
Chỉ qua một đêm, biểu tượng của họ, con số 258 với hình chiếc còng tay thay thế cho số 8, được khoanh vòng và bị gạch chéo, với hình một cây bút nhỏ bé có cánh bay lên, đã mọc lên khắp nơi trên Facebook như nấm sau cơn mưa. Nhiều bloggers và người chơi Facebook đã lấy logo này làm ảnh đại diện cho mình. Từ khắp nơi trên thế giới, nhưng nhiều nhất từ Việt Nam, họ đã ra mặt để ủng hộ cho bản Tuyên bố này, bằng cách ký tên thật vào giấy, một việc làm chứng tỏ họ không hề có chút sợ hãi khi công khai danh tính, rồi chụp hình đăng lên Facebook.
Phong trào tiên phong này là phản ứng của họ đối với nhà cầm quyền cộng sản trước 1 loạt những vi phạm gần đây về quyền tự do phát biểu chính kiến của công dân, khi bắt giam 3 bloggers nữa là Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy.
Trong 12 tháng vừa qua, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã nỗ lực tìm cách ngăn chận tiếng nói của những người bất đồng chính kiến, bằng một loạt bắt bớ tiếp theo bởi những án tù nặng nề. Facebook nhân, Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đã bị bắt và bị kêu án 6 năm và 8 năm tù cho mỗi người, vì phát tán Cờ Vàng và truyền đơn chống Trung Quốc xâm lược quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều người khác bị bắt bớ, bị đánh đập dã man hoặc bị quản chế nghiêm nhặt chỉ vì họ tham dự những buổi dã ngoại nhân quyền, nơi bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc đã được đưa ra làm đề tài tham luận.
Trong khi những người ở bên ngoài bị sách nhiễu, bắt giữ và đánh đập, thì những người ở trong tù cũng bị công an và quản giáo nhắm đến để tấn công. Có nhiều báo cáo cho biết tù nhân bị bạc đãi trầm trọng đến mức họ phải vùng lên bạo loạn hoặc phải tuyệt thực để phản đối. Tù nhân cho biết khẩu phần ăn của họ bị cắt giảm nghiêm trọng, nhiều người bị cùm biệt giam và bị đánh đập không có lý do. Bạo loạn đã diễn ra tại trại tù Xuân Lộc nơi nhiều tù nhân chính trị như Trần Huỳnh Duy Thức và Việt Khang bị giam chung với tù hình sự. Trong một nhà tù khác, Cù Huy Hà Vũ, tiến sĩ Luật, đã tuyệt thực 25 ngày và mới hôm qua, tin mật tiết lộ rằng blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã bước vào ngày thứ 25 của cuộc tuyệt thực và tình trạng sức khỏe của anh hiện nay rất nguy kịch.
Thêm vào đó, còn lời đồn đãi rằng nhà cầm quyền Việt Nam nắm 1 danh sách khoảng 20 bloggers nữa dự định sẽ bắt theo Điều luật 258 của bộ Luật Hình Sự 1999, sửa đổi năm 2009. Nhiều bloggers tỏ ý quan ngại về tính chất mù mờ của điều luật này. Theo đó, công an có thể bắt người dựa trên tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước”. Điều luật này tối nghĩa và không rõ ràng nên có thể phăng ra thành nhiều nghĩa để chụp mũ bất cứ ai. Điều này vi phạm điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng và tự do phát biểu. Quyền này bao gồm sự tự do tư tưởng mà không bị cản trở, được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và ý kiến qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới”.
Cho đến nay, đã có hơn 70 bloggers ký tên và nhiều người nữa sẽ tham gia trong những ngày tới. Trong quá khứ, nhiều bloggers đã phải giấu diếm thân phận để tránh bi bắt bớ, trù dập bởi nhà cầm quyền cộng sản, nhưng với thời gian, càng ngày càng có nhiều người đã can đảm để trực diện đối mặt với chế độ, đòi hỏi tự do và dân chủ. Lời phát biểu gần đây trước Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, của cô bé Malala Yousafzai, nhà hoạt động mới 16 tuổi người Pakistan, cũng vang vọng trong lời kêu gọi đoàn kết và đứng dậy cho nhân quyền của giới bloggers Việt Nam, rằng “sự yếu hèn, sự sợ hãi và nỗi tuyệt vọng đã chết. Sức mạnh, năng lực và lòng can đảm đã nảy sinh...”