Chế độ nào giải Trung thoát Hán? - Dân Làm Báo

Chế độ nào giải Trung thoát Hán?

Chế độ - sản phẩm của khế ước
Quyền nhân dân làm chủ tác thành.
Phản bội dân, đầu hàng xâm lược,
Chế độ là uế phẩm hôi tanh!
Bất luận chế độ gọi tên chi,
Đội mũ mang râu, nhãn mác gì,
Nhốt sự thật, bỏ tù pháp luật,
Phải hạ cờ, cuốn gói ra đi!

Chế độ ra đi, người ở lại:
Tầng lớp tinh hoa, biết dại khôn,
Bất đắc dĩ làm điều khôn dại,
Vì “miếng cơm manh áo” sinh tồn.

Trừ thiểu số “côn đồ chính trị”
Rước voi giày mả tổ cầu vinh,
“Người ở lại” đa mưu túc trí:
Chủ lực quân tái thiết “triều đình”.

Triệu người lớn lên từ chế độ,
Tin Đảng vì Tổ quốc, nhân dân.
Từ khi tường Berlin sụp đổ,
Bức màn sự thật vén lên dần.

Bớt “ngu lâu”, bốc đồng “tự sướng”,
Đảng nhận ra hệ thống lỗi lầm.
Phải thay đổi “Đảng vi tối thượng”,
Trở thành “người đầy tớ nhân dân”.

Nhưng rồi Đảng đổi lui, đổi tới,
Đổi cũ, đổi mới, đổi vòng quanh.
Tư bản đỏ sân nhà thủ lợi,
Dịch quan liêu tham nhũng hoành hành.

Quả đấm thép tập đoàn tan chảy,
Quốc doanh chủ đạo trật đường ray.
Nhóm lợi ích, đại gia tháu cáy,
Doanh nghiệp vừa và nhỏ trắng tay.

Bởi nói vậy mà không phải vậy,
Chấn hưng toàn trị, phế quyền dân.
Tay củ cà rốt, tay cầm gậy,
Đảo lộn cương thường, thiện - mỹ - chân.

(Số ít người trong Bộ Chính trị
“Kiên định” đè đầu cưỡi cổ dân.
Thiểu số nhưng luôn giành ưu thế!?
“Đổi mới” thành “đổi cũ” loanh quanh.)

Chuyện thường ngày trung ương, tỉnh, huyện,
Chính quyền đối lập với công nông.
Xã hội vào thời “cùng tất biến”,
Đợi đến khi nào “biến tất thông”?

Ngày xưa “ra ngõ gặp anh hùng”,
Nay chỉ thấy “chí tư vô công”.
Sống gấp gáp, xô bồ, chụp giật,
Luật rừng biến rừng luật bằng không.

Phải bẻ gãy kim cô Bắc thuộc,
Độc tài toàn trị hậu Lê – Mao.
Tháo cạm bẫy “chữ vàng”, “bốn tốt”,
Đại quy Trí Dũng dẹp binh đao.

Còn tươi màu mực với thời gian,
Thư tịch, sắc phong... chứng cứ vàng:
Hải Nam là cực nam Đại Hán,
Hoàng, Trường Sa: quốc đảo Việt Nam! 

Loài người tiến bộ đứng bên ta, (1)
Nhiều bản đồ gốc Hoàng,Trường Sa,
Bạn bè quốc tế đang lưu giữ,
Dán mồm cẩu tặc hết lu loa. 

Mở mặt trận chiến tranh nhân dân,
Mười vạn ngư thuyền cảm tử quân.
Bám biển giữ vẹn toàn lãnh hải 
Noi gương Tàu Không Số anh hùng.

Giặc “mười sáu chữ lừa, bốn đểu”
Đến biển nhà, ngư phủ ra tay. 
Hợp đồng quân chính qui tinh nhuệ,
Ắt xua tan hải tặc cướp ngày!

Sợ “đánh” khó hòa “đàm” thắng lợi,
Giặc Tàu Ô mềm nắn, rắn buông.
Ngàn vạn Yết Kiêu đang đón đợi
Cắt lưỡi bò chín khúc vĩ cuồng!

(Dễ gì tìm sức mạnh đàm phán 
Nơi sắc phong, thư tịch, bản đồ...! 
Chưa đấm cho sứt đầu mẻ trán,
Hán Mao còn ôm mộng Giang Hồ!)

Dân có thể cầm đèn chạy trước,
Khi Đảng còn chưa tỉnh cơn mơ?
Dân sôi sục biểu tình yêu nước,
Đảng lần chần cho đến bao giờ?

Chế độ nào giải Trung thoát Hán?
Nhà nước văn minh trọng pháp quyền.
Theo mô hình đa nguyên đa đảng
Hồ Chí Minh kiến tạo đầu tiên. (2)

Hán tặc mừng Ngu Việt độc tài,
Dễ luồn dây buộc chặt ghế ngai.
Lo Đại Nam pháp quyền dân chủ,
Thái thú Việt gian sẽ rớt đài.

Bọn cơ hội a dua toàn trị,
Ném bùn lên “cờ Đảng quang vinh”.
Kẻ tiểu nhân rung đùi đắc chí,
Quân tử buồn thế thái nhân tình.

Đừng đưa “chế độ” ra hù dọa,
“Chế độ” cũng từ dân mà ra.
Đảng hỏng, chế độ thành sa đọa,
Trước nhân dân Đảng phải hầu Tòa!

Lãnh đạo không nghe lời nói thẳng,
Sẽ phải chui ống cống, ống đồng. 
Khóa chặt cửa chỉnh phong, chỉnh đảng,
Trăm năm về lại vạch số không!



_____________________________________

(1) Kể cả nhân dân Trung Quốc, đăc biệt là các học giả như Lý Lệnh Hoa
hay ký giả như Chu Phương (BTV Tân Hoa xã) 

(2) Hồ Chí Minh: “... Anh em hỏi: Ở nước ta có Đảng Lao động, lại có Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội; Đảng Lao động thì đã rõ. Còn Đàng Xã hội, Đảng Dân chủ thì làm gì? Có cần nữa không? Cần lắm. Đảng Xã hội tổ chức, giáo dục anh em trí thức. Đảng Dân chủ tổ chức, huấn luyện tư sản dân tộc, tiểu thương, tiểu chủ...

Câu hỏi ấy có thể có mấy ý nghĩa: Bây giờ đã có Đảng Lao động thời nhập lại làm một, cùng làm cách mạng? Đảng Lao động muốn hất mình đây?

Nghĩ như thế đều không đúng. Bao giờ Đảng Lao động cũng cố sức giúp đỡ các Đảng anh em để cùng tiến bộ, kháng chiến, kiến quốc” (Hồ Chí Minh về công tác giáo dục lý luận chính trị, tr. 170, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2007). 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo