Giáo dục Việt luôn tạo ra sự sợ hãi và rập khuôn - Dân Làm Báo

Giáo dục Việt luôn tạo ra sự sợ hãi và rập khuôn

Toàn Phong (Songmoi) - Đã từ bao năm rồi, học sinh đến lớp chỉ là để nghe giảng và chép bài. Thầy cô hết giờ cũng hiếm khi có câu kết thúc: “Các em có hỏi gì về bài giảng nữa không?”. Và vì thế, mối giao tiếp giữa thầy trò chỉ dừng ở việc đọc - viết, học trò hiểu đúng cái thầy truyền đạt, còn thầy nghĩ gì, trò nghĩ gì về vấn đề vừa mới được học, không ai biết. Và cứ thế, chúng ta áp dụng cách dạy này cho các thế hệ sau, bất kể ta có thích hay không? Vì thế, vô hình trung chúng ta tự biến mình thành cái máy và truyền đạt những thứ vô hồn, đôi khi còn mang tính giả dối: nói thế mà không nghĩ thế.

Đứng trước những đòi hỏi cần phải thay đổi phương pháp giáo dục, Bộ GD&ĐT vẫn còn nhiều lúng túng. Chia sẻ ý kiến về vấn đề này, chuyên gia phát triển nguồn nhân lực của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - ông Christian Bodewig - bày tỏ trên báo Lao động rằng: Việt Nam nên chú trọng vào việc phát triển kỹ năng cần cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ như biết suy nghĩ phản biện, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề. 

Ông nhận định, nếu xét về kỹ năng cơ bản (đọc, viết) thì học sinh Việt Nam và Trung Quốc có trình độ đọc hiểu từ tiểu học tốt hơn một số nước trong khu vực. Qua điều tra cũng cho thấy, trình độ toán học của học sinh Việt Nam cao hơn Ấn Độ, Peru và Ethiopia. Nhưng sau đó thì sao, ngoài những kiến thức cơ bản, học sinh Việt chỉ dừng ở đó mà thiếu những kỹ năng cần thiết cho sự phát triển trong tương lai, thậm chí là để định hình tính cách và công việc về sau cho các em. 

Qua các nghiên cứu của mình liên quan đến lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam, bao gồm cả việc đánh giá về các kỹ năng cần thiết mà người lao động Việt Nam muốn có cho thấy, đầu tiên người lao động cần chuyên môn, tiếp theo là sự phối hợp hay làm việc nhóm để giúp họ có khả năng giải quyết tình huống. Điều cuối cùng chính là thái độ ứng xử trong công việc, được biểu hiện bằng việc người lao động ấy có đi làm đúng giờ, có giao tiếp tốt với đồng nghiệp hay không?... Và điều thú vị nằm ở chỗ, các kiến thức chuyên môn có thể học được tại các trường ĐH hoặc dạy nghề, nhưng các kỹ năng như phản biện, biết hợp tác làm việc theo nhóm để cùng giải quyết vấn đề thì phải hình thành từ khi con người còn đang học mầm non. 

Vì thế, ông Christian Bodewig khuyên rằng nên chú trọng giáo dục con trẻ ngay từ khi chúng bước chân vào trường mẫu giáo và tiếp tục nuôi dưỡng nhưng kỹ năng cần thiết trên trong suốt quá trình học phổ thông. Còn các trường ĐH cũng cần có sự giao lưu thông tin với các tổ chức doanh nghiệp để biết họ muốn gì, xã hội cần ai, công việc đòi hỏi người như thế nào để đáp ứng được thực tế cuộc sống. 

Trong khi lũ học sinh bị thí nghiệm chương trình cải cách mấy chục năm qua chỉ biết cắm cúi chép bài, mồm lúc nào cũng lẩm nhẩm “học vẹt” và sợ sệt mắc lỗi đến nỗi không dám hé mồm hỏi thầy cô nếu không hiểu bài, thì đòi hỏi làm sao chúng có tư duy phản biện, nói gì đến chuyện giải quyết vấn đề. Tự nhận mình là người “yếu thần kinh” vì đến tận bây giờ, sau khi tốt nghiệp phổ thông đã gần 20 năm, chị Hằng hiện là người quản lý một công ty tin học, vẫn còn bị “ác mộng” bởi mơ thấy mình đi học muộn bị cô giáo mắng. 

Chị cười buồn chia sẻ, chỉ có một lần duy nhất chị đi học muộn vì hỏng xe phải đứng ngoài cổng trường mà cô giáo đã buông câu: “Tôi rất thất vọng về em, không ngờ em cũng giống các bạn khác”. Hồi ấy, chị sợ đến nỗi không mở mồm ra thanh minh gì được cho mình. Trong tâm trí của chị, người luôn được coi là học sinh ngoan, biết nghe lời, chuyện đi học muộn để cô giáo trách cứ khiến chị cảm thấy mình “vô dụng”, thiếu đi sự tự tin - thứ vốn dĩ đã rất ít trong lũ học sinh thời đó. Sự sợ sệt một điều gì đó luôn bao trùm những đứa “yếu bóng vía” và vì thế chúng thấy mình khó có khả năng giải quyết vấn đề của chính mình nữa là cho công việc trong tương lai. Hơn nữa, vì thiếu các kỹ năng giao tiếp thông thường dễ dẫn đến sự thiếu tự tin, khiến con người tự cô lập và loại bỏ mình ra khỏi những công việc cần làm theo nhóm, bởi họ luôn ngượng nghịu, ít khi dám nói lên chính kiến của mình. 

Từ quan điểm cá nhân, ông Christian Bodewig mong muốn các con của mình sẽ có thời gian vui chơi hoặc có các hoạt động khác vào buổi tối, giao lưu với các thành viên ngoài gia đình... thay vì phải ngồi ôn lại những gì đã học ở trường suốt cả ngày. Điều này có lẽ không chỉ là mong muốn của riêng ông mà là còn của rất nhiều bậc phụ huynh khác, họ cũng mệt mỏi khi cũng phải ngồi kè kè bên những đứa trẻ mắt đã díp tịt lại vì buồn ngủ nhưng vẫn phải cố hoàn thành đống bài tập về nhà, không thì sáng mai cô giáo sẽ cho điểm kém. Sự sợ hãi của lũ trẻ lan sang cả cha mẹ, nỗi sợ mơ hồ của chúng cứ hay đeo đẳng suốt quãng đời thơ ấu và cả về sau này. Chưa kể, nỗi sợ còn truyền lại cho đời sau với kiểu suy nghĩ và giáo dục rập khuôn của chừng ấy năm đã cho kết quả vào thời điểm hiện tại. Đó có lẽ cũng phần nào lý giải vì sao các nước phát triển vượt bậc còn ta vẫn cứ tiến nhưng chẳng được xa. Một số cá nhân xuất sắc thì đều ra nước ngoài sinh sống và làm việc, mà có lẽ ở đó họ mới đủ “không khí” để thăng hoa tài năng. 

Đọc viết để nắm tốt những kiến thức cơ bản là rất cần thiết, xong nếu chỉ dừng lại ở đó, không phát huy được những gì mình đã hiểu thì khả năng hành động sẽ rất xa vời. Và thực tế, với hàng chục nghìn sinh viên ra trường mỗi năm, mấy ai có thể làm tốt ngay công việc được đào tạo, trong khi với thực tế cuộc sống, chỉ cần tốt nghiệp phổ thông, học sinh đã đủ tuổi và đủ kiến thức tối thiểu để vào đời. Và vì thế, chuyện thừa thầy thiếu thợ, chuyện ra văn bản quy định nhà nước mà lại cứ đánh máy sai sẽ còn xảy ra rất nhiều lần nữa trong tương lai. 





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo