Phạm Thanh (Phunutoday) - Với mục đích ổn định thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấm ngân hàng thương mại không được huy động và cho vay vàng, rồi NHNN tham gia vào thị trường, độc quyền nhập khẩu và đấu thầu bán vàng ra thị trường. Nhưng tới hạn NHNN lại cấp phép cho ngân hàng thương mại được làm dịch vụ gửi vàng...
NHNN không ít lần tuyên bố chắc nịch sẽ không gia hạn lần nữa cho việc đóng trạng thái vàng tại các ngân hàng thương mại như hồi cuối năm ngoái. Nhưng, cái nhưng này nhiều khi còn quan trọng hơn cả cái phần khẳng định ở trên, một vài ngân hàng khó có khả năng hoàn thành đúng hạn, NHNN sẽ có phương án xử lý riêng.
Đấy là cách quản lý của NHNN để kiểm soát ngoại hối, kiểm soát thị trường vàng, tránh tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, đáng lẽ việc hoàn thành tất toán trạng thái vàng của các NH thương mại phải xong từ 25/12/2012, nhưng sau đó do nhiều ngân hàng chưa huy động đủ, nên thời hạn này được NHNN cho kéo dài tới 30/6/2013.
Sau khi cấm ngân hàng thương mại huy động và cho vay vàng,
NHNN yêu cầu các ngân hàng muốn làm dịch vụ giữ vàng phải xin phép.
Và tới thời điểm 30/6, vẫn còn một số ngân hàng chưa huy động đủ, nên NHNN tách riêng số này và có biện pháp xử lý riêng. Và theo nhiều chuyên gia, chính số ngân hàng chưa gom đủ lượng vàng cần thiết này là một phần nguyên nhân khiến giá vàng trong nước chưa thể giảm, dù trước đó tất cả cùng kỳ vọng sau mốc 30/6 giá vàng trong nước sẽ giảm sát với giá vàng thế giới, vì nhu cầu vàng của các ngân hàng giảm, nhưng thực tế không diễn ra như vậy.
Cũng để tạo nguồn cung lớn cho thị trường giúp các ngân hàng, giảm sức ép lên giá vàng, từ cuối tháng 3/2013, NHNN đã tham gia thị trường bằng đấu thầu bán vàng ra thị trường, tới nay đã có hơn 40 tấn vàng được bán ra.
Nói về chuyện tất toán vàng tại buổi sơ kết 6 tháng đầu năm 2013, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Sắp tới sẽ hành động quyết liệt và không chần chừ. Tôi đã nói là làm. Đề nghị các ngân hàng còn trạng thái vàng thì phải nghiêm túc chấp hành”.
Thông điệp từ NHNN cũng khẳng định sẽ không gia hạn lần nữa cho việc đóng trạng thái vàng như hồi cuối năm ngoái. Kể từ thời điểm 30/6, các ngân hàng không được phép huy động và cho vay vàng. Tuy vẫn còn một vài ngân hàng khó có khả năng hoàn thành đúng hạn NHNN sẽ có phương án xử lý riêng.
Tuy nhiên, sau mốc thời gian trên vẫn có một số tổ chức tín dụng đẩy mạnh dịch vụ giữ hộ vàng của người dân để “lách” quy định cấm ngân hàng huy động và cho vay vàng có hiệu lực từ ngày 30/6. Ngay sau đó, NHNN đã có văn bản yêu cầu những ngân hàng thương mại này dừng cung cấp dịch vụ giữ hộ vàng kể trên.
Cho tới lúc đó, người ta đã thấy được quyết tâm không nhân nhượng của NHNN, quyết không cho ngân hàng huy động và cho vay vàng. Nhưng quyết tâm đó chỉ được ít ngày, tới ngày 11/7, NHNN lại phát đi thông báo về việc các nhà băng ngừng dịch vụ giữ hộ vàng, sau khi một số đơn vị đã rục rịch thực hiện yêu cầu này từ tuần trước.
Điều đáng nói trong văn bản này, với ngân hàng chưa được NHNN cấp phép các dịch vụ quản lý, bảo quản tài sản, cho thuê tủ két, két an toàn, bao gồm cả dịch vụ giữ hộ vàng và còn số dư các khoản vàng giữ hộ của khách hàng tại thời điểm ngày 5/7/2013 thì ngân hàng được tiếp tục giữ các khoản vàng giữ hộ đó cho đến khi đến hạn thanh toán. Ngoài ra, có thể được xem xét gia hạn các khoản vàng giữ hộ này theo đề nghị của khách hàng.
Trong văn bản này, NHNN cũng nêu rõ, trường hợp ngân hàng không còn các khoản vàng giữ hộ đến ngày 5/7 thì không được phép nhận mới cho tới khi được NHNN cấp phép. Các tổ chức tín dụng (trừ những tổ chức tín dụng đã được NHNN cấp phép) có nhu cầu cung cấp dịch vụ giữ hộ vàng nộp hồ sơ để xin cấp phép theo đúng quy định.
Như vậy, với văn bản trên, NHNN đã “mở” thêm cho các ngân hàng cánh cửa để được huy động vàng giữ hộ cho dân. Dù trước đó thông điệp được NHNN gửi đi là cấm hoàn toàn việc huy động và cho vay vàng.
Sẽ không có gì lạ nếu trong thời gian tới, tất cả các ngân hàng thương mại đều được cấp phép huy động vàng gửi từ trong dân. Và nếu như vậy, không hiểu cái thời hạn 30/6 được vạch ra để làm gì, và việc yêu cầu các ngân hàng tất toán làm thị trường vàng rối ren, rồi NHNN vừa tham gia với vai trò quản lý, vừa là nhà kinh doanh khi đóng vai trò là người nhập khẩu duy nhất, bán vàng đầu tiên và có thể là mua vàng cuối cùng, tất cả những hoạt động đấy để hướng tới cái gì?
Còn theo nhiều lần NHNN giải thích, việc NHNN tham gia thị trường vàng là để ổn định thị trường, bình ổn giá (dù ở mức cao hơn thế giới 5 - 6 triệu đồng/lượng), ổn định tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô, chống vàng lậu, phần chênh lệch chuyển vào ngân sạch (theo các chuyên gia tính toán là đã hơn 4.000 tỷ đồng)...