Phạm Hồ (NLĐ) - Pháp luật phải công bằng với tất cả mọi người, đừng để chỉ người nghèo phải thiệt thòi trong khi người có chức có quyền, có tiền lại “sống được” nhờ làm trái luật
Thật đau xót khi hàng ngàn ngôi nhà không phép tại huyện Bình Chánh, TP HCM bị đập bỏ. Đây là tiền mồ hôi nước mắt của bao người dân nghèo. Biết rằng xây dựng như thế là lỗi của họ nhưng nếu không có sự tiếp tay của cán bộ địa phương thì liệu họ có thể xây được hoặc dám xây? Chỉ xử lý riêng người dân xây nhà không phép trong trường hợp này là chưa sòng phẳng.
Không khó tìm ra thủ phạm
Trước trả lời của ông Đoàn Nhật, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, về việc chưa xử lý cán bộ nào liên quan đến xây nhà không phép, nhiều bạn đọc rất bức xúc. Trước đó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo xử lý cán bộ từ xã đến huyện liên quan đến vụ việc nhưng đến nay UBND huyện Bình Chánh vẫn “bình chân như vại”.
Bạn đọc Minh Khoa, nói thẳng: “Vụ này chỉ người dân nghèo là khổ thôi. Đâu ai muốn xây nhà không phép, vì cuộc sống bức bách lại nghe cán bộ nói chỉ cần đóng vài chục triệu đồng là an tâm xây nhà nên nhiều người phải liều. Nay bị phá bỏ thì đành chịu, làm sao mà tố cán bộ nào lấy tiền được. Hàng chục năm qua, từ Tân Bình, Hóc Môn, Gò Vấp… bao nhiêu căn nhà xây không phép bị đập bỏ cũng trong tình trạng tương tự rồi chính người dân chịu thiệt. Ai cũng biết nhưng tiền hạn chế, cuộc sống nghèo khó làm sao có thể mua được nhà có giấy tờ đàng hoàng”.
Là người sống gần những khu nhà không phép, bạn đọc Võ Tá Luân kể: “Tôi sống ở những địa phương có xây nhà không phép nên hiểu rất rõ. Một người dân bình thường không bao giờ dám xây nhà không phép. Chỉ khi nào họ đủ tin tưởng vào số tiền chung chi cho thanh tra xây dựng, cán bộ phường và có lời hứa của những vị này thì họ mới dám xây. Gần nơi tôi ở có một căn bị đập đến 6 lần vì không chung chi cho thanh tra xây dựng. Bên cạnh đó thì cán bộ ấp và tổ trưởng khu phố xây đến 15 căn nhà cho thuê ở cùng khu đất mà chẳng thấy ai đến hỏi hoặc bị cưỡng chế. Nhiều ngôi nhà cạnh đó cũng xây không phép nhưng đã “lót tay” cho cán bộ xã nên cũng chẳng có việc gì xảy ra”.
Bạn đọc Tư Tài cho rằng: “Không có sự tiếp tay, bao che của cán bộ địa phương thì đố người dân nào đổ được một xe ba gác vật liệu xây dựng chứ nói gì đến xây cả căn nhà, cả khu phố. Còn việc ông Đoàn Nhật nói rằng “sai đến đâu xử đến đó, tiêu cực đến đâu xử đến đó đúng quy định của pháp luật…” thì quá quen và quá thừa vì nó còn xưa hơn cả chuyện xây dựng nhà trái phép. Bao nhiêu năm qua không xử được ai thì bây giờ “hô khẩu hiệu” làm gì nữa”.
Xử lý phải công bằng
Bao nhiêu tiền của thành cát bụi, bao nhiêu gia đình phải lâm vào tình cảnh khốn khó vì xây nhà không phép. Nhiều bạn đọc cho rằng đã xử lý thì phải rốt ráo và sòng phẳng: ai liên quan, tiếp tay cho sai phạm này cũng phải bị xử lý nghiêm. Đừng quyết liệt đập nhà nhưng lại nương nhẹ cho cán bộ sai phạm thì tội cho người dân.
Bạn đọc Thủy Tiên bức xúc: “Có sơ hở, lỏng lẻo, sai sót, tư tưởng không ổn định, buông lỏng quản lý"… là những từ rất hay để thay thế cho câu nói "có nhận tiền của người dân”, "bao che sai trái". Nếu biết xây nhà dù lớn cỡ nào mà không có phép là bị đập bỏ ngay thì ai dám xây? Báo chí từng phản ánh có cả một con đường xây toàn biệt thự, tới lúc phát hiện ra chỉ phạt hành chính rồi huề. Hoặc có cả dãy ki ốt xây lấn đất công để kinh doanh nhưng nhiều năm qua vẫn chẳng ai làm gì được… Pháp luật phải công bằng với tất cả mọi người, đừng để chỉ người nghèo phải thiệt thòi trong khi người có chức có quyền, có tiền lại “sống được” nhờ làm trái luật.
Khu nhà ở tổ 18 ấp 5A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh sẽ bị đập trong nay mai vì không có giấy phép xây dung. Ảnh: Tân Tiến
Cụ thể vụ việc ở Bình Chánh, bạn đọc Thủy Tiên cho biết: “Tôi là người ở Bình Chánh nên hiểu rõ một ít sự việc: nói không phát hiện cán bộ sai phạm là bởi cả "liên minh ma quỷ" trong việc làm ngơ cho người dân xây nhà không phép. Cách ăn tiền này là đơn giản nhất và dễ xóa dấu vết nhất. Cán bộ nhận tiền thông qua “cò” rồi chia chác nhau thì bây giờ làm gì tìm ra chứng cứ. Nhưng nếu cơ quan chức năng điều tra cả đường dây, từ cò bán đất, cò xây dựng móc nối cán bộ địa phương như thế nào… thì mọi việc mới rõ ràng”.
Bạn đọc Tam Ca nói thêm: “Tại xã Vĩnh Lộc có “luật bất thành văn” nếu để “cò” của cán bộ địa phương nhận thi công xây nhà không phép thì không sao nhưng ai tự ý xây hoặc thuê người khác xây thì sẽ bị cưỡng chế. Những vấn đề này không phải quá bí mật mà điều tra không ra. Lãnh đạo TP cần mạnh tay hơn và quyết liệt làm rõ để tình trạng này không bao giờ xảy ra nữa. Nếu nhà thì cứ đập mà tình trạng xây nhà không phép vẫn tiếp diễn như thời gian qua thì chỉ tội cho người nghèo”.
Quản lý chặt ngay từ đầu
“Nếu cán bộ quản lý và cán bộ địa phương có trách nhiệm ngay từ đầu thì không có sự thiệt hại cho người dân và "cò"cũng không có đất sống” - bạn đọc Công Nhân.
“Không có vấn đề gì với cán bộ cả, họ vẫn lên chức đó thôi, chỉ có dân là chịu thiệt” - bạn đọc Thanh Hằng.
“Xây nhà trái phép đã trở thành thói quen, thành lệ rồi, Cứ dúi tiền vào tay thanh tra xây dựng phường, xã nhiều hay ít tùy theo quy mô căn nhà là xong. Nếu cơ quan chức năng có cưỡng chế thì “trời kêu ai nấy dạ” - bạn đọc Kiều Quyên.
|
Phạm Hồ (NLĐ)