Sự thật về nhà tù mang bí số Z30A - Dân Làm Báo

Sự thật về nhà tù mang bí số Z30A

Nguyễn Hoàng Long (Danlambao) - Nhà tù là một thế giới mà những người bên ngoài không thể nào hiểu được. Sau 4 bức tường cao, giăng đầy kẽm gai là một thế giới của những con người bất hạnh, đói khát, dằn vặt, tức giận và dễ nổi loạn.

Z30A là một nhà tù như thế. Z30A là bí số của nơi giam giữ và cải tạo những người đã từng tham gia chế độ VNCH. Mặc dù cách Sài Gòn không bao xa, nhưng với bí số này thì gia đình sẽ không biết người thân của mình đang bị giam giữ ở đâu? Trong quyển Bên Thắng Cuộc của Huy Đức có nhắc đến nhà tù này.

Z30A nằm trên địa bàn xã Xuân Trường, huyện Xuyên Lộc, tỉnh Đồng Nai, cách quốc lộ 1 chừng 1 cây số, trên một vùng đất đồi sỏi của miền Đông Nam bộ. Khí hậu của Xuân Lộc chịu ảnh hưởng miền Bắc Trung bộ nhiều hơn là miền Đông Nam bộ. Đất khô cằn không trồng được cà phê và cao su, chỉ có thể trồng được cây điều. 

Z30A là hậu cứ của sư đoàn 18 bộ binh cũ, Xuân Lộc là trận tử thủ nổi tiếng của tướng Lê Minh Đảo. Trước đây trại giam được xây dựng bằng sắt ấp chiến lược, kẽm gai, lưới B40, tôn fibro xi măng... bằng mồ hôi và máu của người tù cải tạo.

Chiều thứ 7 và chủ nhật, nhớ nhà da diết. Từ phân trại 1, nhìn lên núi Chứa Chan cho nỗi nhớ lắng đọng lại. Chùa Bửu Quang nằm ở lưng chừng núi được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, với chánh điện mái vòm, tọa lạc trên một hang đá có dáng hàm rồng. Toàn thể kiến trúc của chùa đều được xây trên những bờ đá, hang động thiên nhiên, tạo nên nét đẹp độc đáo. Buổi tối, qua khung cửa sắt, ánh đèn nhấp nháy trên cánh máy bay như những con đom đóm trên đường đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Z30A là trại giam loại 1 của bộ CA, hay nói đúng hơn là của Tổng cục 8. Giám đốc là người điều hành chung, ít khi có mặt ở trại giam vì thường đi họp ở Hà Nội, đi chữa bệnh và những việc linh tinh khác. 

Z30A có 5 phân trại, mỗi phân trại có một giám thị, dưới giám thị phân trại có một cán bộ phụ trách văn hóa và một cán bộ phụ trách an ninh. Cán bộ văn hóa có quyền hơn an ninh. Quyết định kỷ luật một tù nhân nào đó là do cán bộ văn hóa ký. Vụ bạo động vừa rồi xảy ra ở K1, Xuân Lộc thì cán bộ an ninh sẽ bị kỷ luật, chậm lên lương hoặc có thể chuyển sang phân trại khác.

Cán bộ an ninh có đủ tay chân để thu thập thông tin về tư tưởng và sinh hoạt của tù nhân. Một số người sẵn sàng làm ăng ten công khai (bí mật cũng có) để được giảm án. Ăng ten là người cung cấp thông tin cho cán bộ. Cán bộ an ninh sẽ dựa vào những thông tin đó để đánh giá, phân loại tù nhân. Ai tổ chức đánh bạc, kết bè kết đảng, bàn mưu vượt ngục... đều biết trước để ngăn chặn. Họ có đủ biện pháp để đối phó và cai trị tù. 

Cán bộ trại giam thường bắt đầu từ lính vũ trang. Đi lính nghĩa vụ, vào công an trại giam, vác súng dài theo tù đi lao động, hay gác trên chuồng cu ở 4 góc trại giam... Sau một thời gian, hết nghĩa vụ, làm đơn tình nguyện phục vụ trong ngành công an, được đánh giá tốt mới được làm quản giáo.

Quản giáo là người trông coi một đội tù, khoảng 40-50 người. Quản giáo theo dõi, quản lý, giáo dục, đánh giá, xếp loại, giảm án... tù nhân. Ông Hồ Phi Thắng trước đây cũng là quản giáo, sau thời gian phấn đấu lên dần, bây giờ thay thế ông Lại Xuân Hùng lên làm giám đốc. Cũng như ở ngoài đời, người tù có thể nghe được chuyện chạy chức giám đốc trại giam mất bao nhiêu cây vàng?

Người tù thường thiếu thông tin nhưng lại thừa thời gian nên thích buôn chuyện. Nhiều người có khiếu ăn nói làm người khác say mê thường can tội lừa đảo...

Z30A là trại giam kiểu mẫu của Bộ CA, các trại khác thường đến đây thăm quan và học tập. Nhìn bên ngoài khang trang và sạch sẽ nhưng chế độ cai trị rất khắt khe. 1h trưa xếp hàng dưới cái nắng chang chang, trên nền xi măng nóng bỏng chân mới thấy hết cái khắc nghiệt của nhà tù?

Liên Khui Thìn, Minh Sứt, Hải Bánh (giết Dung Hà), Nguyễn Minh Mẫn (cánh tay phải của ông Nguyễn Hữu Chánh ở Thái Lan), Nguyễn Văn Thắng (giám đốc Miliket), người tù xuyên thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu... đều có mặt ở trại giam này. 

Các phân trại ở Xuân Lộc có thiết kế giống nhau. Mỗi bên xây 5 dãy nhà, mỗi dãy 2 phòng, mỗi phòng chứa 2 đội. Giữa mỗi dãy nhà có tường rào ngăn cách. Mỗi nhà được xây gác lững 2 bên để tăng diện tích ở cho tù. 

Nhà tù là một xã hội thu nhỏ, tự cung tự cấp, phải nuôi sống được mình. Đội rau xanh, đội bếp, đội nước sạch, đội lao động... để phục vụ cho cuộc sống trong tù. Tiêu chuẩn nhà nước quy định cho mỗi tù nhân đã có giới hạn.

Đội 3 ở dãy nhà 1 của (K1) trước đây có 43 tù nhân, nhưng đến 23 người có án từ 20 năm đến chung thân, số còn lại là ngắn hạn nhưng phạm tội nhiều lần. Nói như vậy để thấy mức độ nguy hiểm ở nơi đây.

Một con người sẽ phạm tội khi vi phạm đạo đức xã hội, hoặc xâm phạm đến quyền lợi tinh thần và thể chất của người khác. Không ai có thể chống nhà nước bằng miệng hay bằng mấy tờ truyền đơn, bởi vì một nhà nước bao giờ cũng được bảo vệ bằng sức mạnh của quân đội, công an và nhà tù.

Tụi cán bộ có trò mất dạy là hay bắt người tù quỳ hay ngồi bệt dưới chân mình để hỏi chuyện. Bọn chúng kiêng nể tù chính trị hơn, vì họ có học và cũng không phải là phường đâm cha chém chú. Có lẽ cấp trên đã nhắc nhở họ hạn chế đụng chạm đến tù chính trị.

Ở trong tù, có thằng làm tay sai, chỉ chõ để được giảm án; nhưng cũng có người dám chống lại cán bộ, chống lại nội quy trại giam. Máu ngang tàng lại nổi dậy, rồi cuối cùng sẽ bị ngược đãi và hành hạ. 

Trần Hoàng Giang đã từng hô “Đả đảo cộng sản”, bị bắt đi cùm. Chiếc cùm hình chữ V làm 2 cổ chân của anh ta bị loét thịt và nhiễm trùng, bây giờ vẫn còn sẹo như một chiến tích. Biết rằng sau cuộc phản ứng sẽ bị biệt giam, nhưng họ vẫn cứ hành động. Thân xác chỉ còn da bọc xương nhưng tinh thần luôn cứng cỏi. 

CS không bao giờ nhìn nhận những vấn đề xã hội dưới quan điểm chính trị. Ngược lại, họ quyết tâm hình sự hóa các vấn đề chính trị. Những tiếng nói dân chủ và bảo vệ nhân quyền đều bị gán ghép vào tội hình sự. Không có những kiến thức về khoa học xã hội và hình sự, họ cố gắng bưng bít mặt trái của xã hội được chừng nào hay chừng đó. 

Nhân chi sơ tính bổn thiện. Con người ta sinh ra tính tình vốn hiền lành và nhu hòa? Điều gì đã làm cho con người trở nên hung hăng, độc ác và biến mình thành một tên tội phạm? Bản chất của chế độ đã tạo nên bản tính con người chăng? Khi một người cho rằng bị đối xử bất công, họ sẽ tìm mọi cách phản kháng lại. Tức nước vỡ bờ. 

Hành vi phản kháng là không có giới hạn, chừng nào sự tức giận trong tâm can của họ vẫn còn. Điều này giải thích tại sao tình hình tội phạm không giảm mà lại tăng cao?

Lúc mới nghe tù nhân Xuân Lộc nổi loạn và bắt giám thi làm con tin, tôi đã hiểu ngay kịch bản. Chế độ cai trị hà khắc, cưỡng bức lao động, đời sống tồi tệ... là lý do để anh em nổi loạn. Thằng nào bộc phát thì phát cho nó cái bọc?

Nhà tù là một thế giới khác, những người sống trong tù không hiểu được xã hội bên ngoài. Càng ở lâu trong tù sẽ không biết xã hội đã thay đổi ra sao? Họ cho rằng căng tin đã bán đồ ăn ôi thiu, nhưng ngoài xã hội bây giờ dân chúng vẫn phải ăn thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc hại.

Biết rằng giữa 4 bức tường, anh em không thể nào thắng nổi tầng tầng lớp lớp CA bao bọc bên ngoài. Chỉ cần cắt điện nước thì không sống nổi 1 ngày, và cuối cùng sẽ đầu hàng. Dù biết bị đàn áp nhưng anh em vẫn cứ hành động để thể hiện sự quyết tâm của mình.

Rồi an ninh sẽ điều tra xem ai là người cầm đầu, kích động, sau đó cách ly, chuyển trại... Trong đồn CA giữa phố phường đông đúc mà họ còn đánh đến chết, huống hồ gì ở trại giam tối tăm, heo hút. 

Anh em chỉ có tinh thần, không có đủ kiến thức để có thể làm cuộc sống tù của mình tốt hơn. Muốn mặc cả thì sức mạnh của 2 bên phải ngang ngửa nhau. Cai tù đời nào chịu thương lượng với tù nhân? Nói qua nói lại chỉ là cách câu giờ.

Chính trị là tinh thần và ước mơ của con người. Tinh thần chưa đủ mà cần phải có một tổ chức để hỗ trợ hành động đấu tranh của anh em trong tù. Tổ chức chính trị là một chỗ dựa để anh em hy vọng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo