Tổ chức Minh bạch Quốc tế: Tham nhũng ở Việt Nam đang gia tăng - Dân Làm Báo

Tổ chức Minh bạch Quốc tế: Tham nhũng ở Việt Nam đang gia tăng

VOA - Theo kết quả cuộc khảo sát lớn nhất thế giới năm 2013 về quan điểm và trải nghiệm của người dân đối với tình trạng tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế thực hiện, 55% người dân Việt Nam cảm nhận tình trạng tham nhũng tăng lên trong 2 năm qua, tức là cao hơn so với mức trung bình 48% ở khu vực Đông Nam Á. 

Chỉ có 18% số người được hỏi cho rằng tham nhũng đã giảm và 27% cho rằng mức độ tham nhũng không đổi.

Ngoài ra, theo cuộc khảo sát có tên gọi Phong vũ biểu Tham nhũng toàn cầu lần thứ 8, lòng tin của người dân vào các nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ cũng giảm sút đáng kể.

Trong cuộc khảo sát tương tự năm 2010 tại 5 thành phố lớn của Việt Nam, chỉ có 35% người dân cho rằng nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ không hiệu quả, nhưng con số này đã tăng lên 60% trong năm 2013.

Trong số 13 ngành được khảo sát, cảnh sát, y tế và đất đai được cho là bị ảnh hưởng nhất bởi tình trạng tham nhũng và cũng là những ngành có mức độ xảy ra tham nhũng nhiều nhất theo trải nghiệm của người dân.

Cuộc khảo sát của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cũng chỉ ra rằng người dân muốn chính phủ trong thời gian tới phải xử lý mạnh mẽ hơn nữa các đối tượng tham nhũng, tăng cường tính liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời bảo vệ tốt hơn nạn nhân, nhân chứng và những người tố cáo tham nhũng.

Dù bi quan về tình trạng tham nhũng, người dân Việt Nam giờ tự tin hơn về vai trò của họ trong cuộc chiến chống tham nhũng.



*

Người dân sẵn sàng tham gia chống tham nhũng


Việt Hà (RFA) - Cứ 4 người thì có một người phải đưa tiền hối lộ trong vòng 12 tháng qua đối với các cơ quan của nhà nước. Đó là kết quả đáng chú ý được đưa ra trong bản báo cáo toàn cầu về nhận thức của người dân về tham nhũng được tổ chức Minh Bạch Quốc tế có trụ sở tại Đức, công bố vào sáng ngày 9 tháng 7. 

Báo cáo lần này được tổng hợp dựa trên các điều tra trực tiếp với hơn 114,000 người tham gia tại 107 nước trên khắp các châu lục. Việt Hà phỏng vấn bà Samantha Grant, Điều phối viên Chương trình khu vực Đông Nam Á của tổ chức Minh Bạch Quốc tế nhân dịp này. Trước hết nhận xét chung về báo cáo 2013, bà Samantha Grant cho biết: 

Đơn vị chống tham nhũng tham nhũng nhiều nhất 

Samantha Grant: khi nhìn vào báo cáo chúng ta thấy là cứ 10 người được hỏi thì có 9 người nói họ sẵn sàng có hành động chống lại tham nhũng và 2/3 số người được hỏi họ từ chối không đưa tiền hối lộ. Đó là một thay đổi. Nếu nhìn chung về các điểm như người dân phải đưa tiền hối lộ, cách họ nhìn về tham nhũng hay hiệu quả trong hoạt động chống tham nhũng của chính phủ, chúng ta cũng thấy có những điểm tích cực vì thực tế là người dân sẵn sàng tham gia hơn vào cuộc chiến chông tham nhũng và họ cảm thấy là họ có thể tạo thay đổi. Do vậy đó là một điểm tích cực. 

Nhìn chung cả thế giới, các cơ quan mà người dân phải dựa vào để chống tham nhũng và các tội phạm khác lại là các tổ chức có nhiều tham nhũng nhất. 36 nước trên toàn thế giới nói rằng cảnh sát tham nhũng nhiều nhất, và trong các nước đó thì khoảng 52% số người được hỏi nói họ phải đưa tiền hối lộ cho cảnh sát. Lĩnh vực tư pháp là lĩnh vực thứ hai có nhiều tham nhũng nhất với 20 nước và trong số các nước này 30% số người được hỏi họ có làm việc với lĩnh vực tư pháp và phải đưa tiền hối lộ. Đây là một mức khá cao và ở trong chính những cơ quan đáng nhẽ phải chống tham nhũng. Báo cáo cho thấy nhận thức của người dân về nạn tham nhũng nói chung ở nước mình. Cho nên chúng tôi không nhìn vào nước nào tham nhũng nhiều nhất hay ít nhất. Nhưng điều chúng tôi thấy là hai lĩnh vực đáng nhẽ phải bảo vệ người dân chống tham nhũng lại tham nhũng nhiều nhất và xảy ra ở khắp nơi. Và đó là điều đáng quan ngại nhất. 

Trang web của tổ chức Minh Bạch Quốc tế ở Mỹ (www.transparency-usa.org) 

Chúng tôi không nhìn vào nước nào tham nhũng nhiều nhất hay ít nhất. Nhưng điều chúng tôi thấy là hai lĩnh vực đáng nhẽ phải bảo vệ người dân chống tham nhũng lại tham nhũng nhiều nhất và xảy ra ở khắp nơi. Và đó là điều đáng quan ngại nhất 

...Chúng tôi không nhìn vào nước nào tham nhũng nhiều nhất hay ít nhất. Nhưng điều chúng tôi thấy là hai lĩnh vực đáng nhẽ phải bảo vệ người dân chống tham nhũng lại tham nhũng nhiều nhất và xảy ra ở khắp nơi. Và đó là điều đáng quan ngại nhất. 

Việt Hà: Bản báo cáo đánh giá thế nào về khu vực Đông Nam Á? 

Samantha Grant: nếu nhìn vào khu vực đông nam á thì 50% người được hỏi cho rằng tham nhũng đã gia tăng trong khu vực, cũng giống như báo cáo từ năm 2010. Thực tế không thay đổi này cho thấy không có một dấu hiệu tích cực tại khu vực. Chính phủ đã không có các hành động hiệu quả. Một điểm khác nữa mà chúng tôi thấy ở khu vực Đông Nam Á, là 6 nước mà chúng tôi điều tra chỉ có 32% người cho rằng các nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ có hiệu quả. Đây là một sự sụt giảm so với năm 2010, lúc đó là 40%. Mặc dù chính phủ các nước đã đưa ra các luật chông tham nhũng, nhưng chúng ta cần phải kêu gọi chính phủ các nước này cần có hành động hiệu quả hơn, thực tế hơn. 

Việt Hà: vậy có dấu hiệu tích cực nào đáng chú ý trong báo cáo lần này tại khu vực Đông Nam Á? 

Samantha Grant: điểm tích cực mà chúng ta thấy là nhận thức của người dân về tham nhũng đã tăng lên, người ta hiểu tham nhũng đang ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Chúng tôi làm việc với công chúng để chỉ ra một thực tế là họ có thể tham gia làm điều gì đó về vấn đề này, đòi hỏi một sự bảo vệ tốt hơn, tiếp cận thông tin tốt hơn. Người dân có được thông tin để họ có thể lên tiếng khiếu nại. Chúng tôi có những trung tâm thông thin và tư vấn luật để người dân có thể đến để nói chuyện về những vụ tham nhũng. 

Họ nhận được các lời khuyên là nên tìm đến đâu để khiếu nại các vụ tham nhũng. Chúng tôi cũng có nhiều nỗ lực để giới trẻ tham gia tích cực hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng và để họ có thể về quê của mình để nói về tham nhũng, và họ có thể làm gì. Tổ chức minh bạch quốc tế đã làm rất nhiều để nâng cao nhận thức người dân để qua đó gửi một thông điệp mạnh mẽ đến các chính phủ để họ phải làm gì đó với tham nhũng.

Việt Hà: trong báo cáo lần này, chúng ta thấy người dân sẵn sàng tham gia tích cực hơn vào chống tham nhũng. Theo bà báo chí và việc tiếp cận thông tin trên các mạng xã hội đóng vai trò thế nào trong nhận thức của người dân về tham nhũng? 

Samantha Grant: nếu nhìn vào các năm qua chúng ta có thể thấy có một sự gia tăng tiếp cận với báo chí, đặc biệt là Facebook, các trang mạng xã hội và blogs. Rất nhiều trong số này liên quan đến tham nhũng. Và chúng tôi thấy các tin về tham nhũng ở đây rất nhiều trong khu vực Đông Nam Á. Cho nên không chỉ có truyền thông chính thống đóng góp, nhất là ở các nước nơi truyền thông chính thống bị kiểm soát bởi nhà nước. Các trang mạng xã hội, blogs, facebook chính là nơi nói nhiều về tham nhũng và người dân cảm nhận nhiều hơn biết được nhiều hơn về tham nhũng. 

Tham nhũng ở Việt Nam 

Việt Hà: người dân được hỏi muốn tham gia tích cực hơn vào cuộc chiến chống tham nhũng nhưng họ cũng cho rằng tham nhũng đã gia tăng, theo bà nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Có phải do nhận thức của người dân đã tăng hay sự bất mãn của họ với những nỗ lực không mấy hiệu quả từ chính phủ? 

Samantha Grant: có thể là do cả hai nguyên nhân. Các chỉ số nhìn vào 2 năm qua, báo cáo ra hai năm một lần. Lần gần đây nhất là giai đoạn 2010 – 2012. Tôi nhìn thấy trong 2 năm qua các nỗ lực và hoạt động của chính phủ chống tham nhũng không đạt kết quả như mọi người mong đợi. nếu chúng ta nhìn 3, 4 thậm chí 5, hay 6 năm trước, tham nhũng mới trở thành một chủ đề chính và mọi người bắt đầu nói nhiều hơn về tham nhũng, bắt đầu hiểu hơn về tham nhũng. 

Khoảng 2 hay 3 năm về trước các nước bao gồm Việt Nam đã thông qua các luật chống tham nhũng, tham gia công ước chống tham nhũng của liên hiệp quốc. Bây giờ người dân đang chờ xem kết quả của việc thực hiện các chính sách đó nhưng họ không thấy. Họ thậm chí cho rằng tham nhũng đã gia tăng. Họ thấy là chính phủ đã không thực hiện được lời hứa của mình. Họ đã không làm gì nhiều trong 5, 6 năm qua so với trông đợi cao từ người dân.

Việt Hà: Bà đánh giá thế nào về tình hình Việt Nam trong hai năm qua thể hiện trong báo cáo lần này? 

Samantha Grant: nếu nhìn vào tổng thể thì 55% người được hỏi ở Việt Nam cho rằng tham nhũng đã gia tăng, hoặc nhiều hoặc ít. Con số này có ít hơn so với năm 2010, khi đó là 63%. Nhưng khi nhìn vào nhận thức của người dân về hiệu quả hoạt động của chính quyền thì con số lại giảm. chỉ có khoảng ¼ số người được hỏi vào năm 2013 cho rằng hoạt động chống tham nhũng của chính phủ là có hiệu quả. Tôi nghĩ có một điểm quan ngại ở việt Nam đó là so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, ít người Việt Nam muốn báo cáo tham nhũng hơn, và ít người việt Nam nghĩ là họ có thể tạo tay đổi hơn. 

Trong một số lĩnh vực như công an, đất đai và tư pháp, tham nhũng đã gia tăng. Số người đã từng làm việc với các lĩnh vực này khi được hỏi nói rằng họ phải đưa tiền hối lộ. tôi nghĩ nếu chúng ta nhìn vào vị trí của Việt Nam vào lúc này, thì mặc dù có những tiến bộ gần đây như việc thông qua luật về tham nhũng vào năm 2011, chúng tôi thấy ít người việt Nam trong năm 2013 báo cáo về tham nhũng hơn so với năm 2010, đây là điều không hay. Nhưng khi được hỏi đâu là ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ, người dân khuyến cáo nên có những chế tài hợp lý áp dụng đối với những người làm trong lĩnh vực chống tham nhũng, để tăng lòng tin của công chúng và hiệu quả chống tham nhũng. Đó là lĩnh vực mà theo tôi chính phủ nên chú ý. 

Việt Hà: Xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo