Bùi Tín (VOA) - Cuộc dấn thân cứu nước, bảo vệ lãnh thổ bất khả xâm phạm của Tổ quốc chống họa bành trướng, chống chế độ độc đoán giành lại quyền sống tự do của tòan dân đang mở rộng dần. Một nền văn hóa dân tộc - dân chủ đang nảy nở, vừa là kết quả, vừa là động lực của cuộc sống mới.
Đã có những bài hát cổ vũ cuộc đấu tranh giành quyền công dân, đã có những bài thơ hừng hực khí thế chống bành trướng, chống độc đoán, đã có những châm ngôn mới, những luận văn lôi cuốn và đầy tính thuyết phục.
Xin kể ra đây một vài thí dụ để trao đổi và thưởng ngoạn với đông đảo bạn đọc.
Nhà văn Võ Thị Hảo từng nhận định rất chính xác: "Bộ máy tham nhũng và mafia quyền lực đang lũng đoạn trên mọi lãnh vực. Những kẻ cướp ngày đầy quyền lực đang lộng hành và không bị ngăn chặn, trừng trị. Tự do ngôn luận, tự do báo chí bị ngăn trở nghiêm trọng. Dân mất ý chí phản kháng và tự vệ, vì quá mệt mỏi và bị vô hiệu hóa, ru ngủ".
Nghệ sỹ ưu tú Kim Chi, sau khi từ chối mọi phần thưởng, khen ngợi từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã làm những câu thơ cảm thán "Hỏi Trời":
Nhiều người giàu có ngất trời
Nhiều người chưa được đổi đời là bao
Hỏi trời, trời ở quá cao
Hỏi đất, đất bị bới đào tứ tung
Có ai thấu cảnh này không?
Ai gây muôn sự hãi hùng cho dân?
Sông hồ cạn kiệt chết dần
Ruộng đồng san lấp nhà tầng mọc lên
Sân gôn giăng khắp mọi miền
Dành cho những kẻ nhiều tiền khoe sang
Dân quê gạt lệ rời làng
Mất nghề ngày tháng lang thang phố phường
Đói ăn đâu thể đến trường
Đó đây bao cảnh nhiễu nhương cướp ngày
Mọt sâu kết lại thành bầy
Trời ơi, người bị đọa đầy mãi sao?!
Nhà thơ Bùi Chí Vịnh phẫn nộ ra "Tuyên ngôn của một người làm thơ - cựu chiến binh":
... Quý vị cứ chà đạp lên quyền làm người xuất sắc
Cứ hung hăng như Khadafi trước khi rúc vô ống cống đê hèn
Quý vị cứ việc xem dân nghèo như rơm như rác
Những lúc đường cùng, đừng năn nỉ tôi nghen!
Quý vị cứ việc rửa tiền qua ngân hàng Thụy Sỹ cực êm
Cứ tậu nhà dưỡng lão ở Bắc Kinh, sắm điền trang ở Mỹ
Quý vị cứ thăng thiên cùng giá điện, giá xăng
Bất chấp thôn nữ thiếu ăn phải bán thân làm đ..
Quý vị phải làm như thế mới là quý vị
Vô cảm, vô lương, vô đạo đức, vô thần
Tôi, rách rưới như một thằng thi sỹ
Nhưng hiểu thế nào là sức mạnh nhân dân.
Cũng nên nhắc lại vài câu thơ kêu gọi sự thức tỉnh của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên:
Bao thế hệ xiết rên trong gọng kìm nô lệ
Chuyên chế dã man đục ruỗng chí con người
Cha tôi, ông tôi bao thế hệ bị ngủ vùi
Tôi chưa thấy một đêm nào dài thế
Không bóng mặt trời, bóng tối chí tôn
Lũ quỷ ám thừa cơ toàn trị
... Tôi chưa thấy một đêm nào dài thế
Cũng chưa thấy ngày mai nào không thể
Vì người ta cần ánh mặt trời
Tỉnh dậy đi, lũ chúng ta ơi !
Lại có những câu thơ đơn giản, dân dã, vô danh như những câu vè, hóm hỉnh dễ nhớ, cảnh cáo nghiêm khắc nhà cầm quyền mù quáng, ỷ vào các công cụ đàn áp trơ trẽn:
Đừng tưởng! Đừng tưởng cứ bịt là yên, cứ xử là án, cứ xiềng là giam!
Đừng tưởng cứ lặng là câm, cứ quan là cọp, cứ dân là cừu!
Đừng tưởng cứ cưỡi là trên, cứ phi là ngựa, cứ gâu là cầy!
Đừng tưởng cứ hát là hay, cứ ngon là bổ, cứ chay là thiền...
Đừng tưởng cứ chổng là mông, cứ trợn là mắt, cứ phùng là mang!
Đừng tưởng cứ đốn là quang, cứ che là kín, cứ xong là rồi!
Đừng tưởng cứ ưỡn là oai, cứ cùn là thắng, cứ quay là tròn!
Đừng tưởng cứ lỏi là khôn, cứ tham là bạo, cứ công là quyền!
Thế thời nhộn nhạo đảo điên, lụt bàn thờ chó leo lên pháp đình,
Đừng mơ sấp mặt làm càn
Giờ G - bạo chúa ngày tàn đã "boong!"
Các bạn trẻ trong nước cho biết đã sáng tạo lời mới cho bài hát "Diệt Phát Xít" của Nguyễn Đình Thi thành bài "Diệt Bán Nước", chỉ thay có hơn mười từ (ở trong ngoặc), như sau:
Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than, dưới ách quân tham tàn (đế quốc sài lang) bán nước hại dân; loài (phát xít) bán nước, chúng cướp (nước) đất, cướp đời sống dân mình; nào nhà tù nào trại giam, biết bao nhiêu nhục hình.
Đồng bào (tuốt gươm) quyết tâm vùng lên, đã đến ngày trả mối thù chung, diệt (phát xít) bán nước, diệt bày chó đê hèn của chúng, tiến lên nền dân chủ cộng hòa, dành lại áo cơm tự do.
Dưới (bóng cờ đỏ ánh vàng sao) ánh cờ con cháu Rồng Tiên, vai kề vai, không phân già trẻ trai hay gái, quyết tiến lên, ta tiến lên quyết diệt quân thù;
Việt Nam, Việt Nam Ôi đất Việt yêu dấu ngàn năm! Việt Nam, Việt Nam muôn năm!
Sẽ rất thú vị khi kết thúc bài này bằng 4 câu thơ của nhà thơ trẻ Mạc Thúy Hồng sớm dấn thân cho công cuộc dân chủ hóa của đất nước:
Đứng dậy đi! không còn gì để lựa
Đạp xích xiềng cho lửa bốc con tim
Đường tự do chúng ta phải tự tìm
Và dân chủ, nỗi niềm dân mong ước...
Qua một vài mẩu văn-thơ-nhạc vừa nêu, quả thật chúng ta đang chứng kiến một quá trình thức tỉnh của nhân dân, ngày càng nhận rõ cần phải giúp nhau đẩy lùi nỗi sợ cường quyền đàn áp dai dẳng, cùng nhau đứng dậy làm chủ vận mệnh dân tộc.