Minh Quân (VTC) – Chuyên gia về giao thông cho rằng do tầm nhìn quy hoạch kém, Hà Nội lại ném thêm 49 triệu USD qua cửa sổ.
Mới đây, Hà Nội ra quyết định đầu tư 49 triệu USD bóc lớp nhựa mới tinh toàn tuyến từ bến xe Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa để thay thế bằng bê tông phục vụ xe buýt nhanh.
Tuyến xe buýt vận chuyển hành khách dài 14 km có điểm đầu là bến xe Kim Mã, qua Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương kéo dài - Lê Trọng Tấn - Quang Trung - Ba La và điểm cuối là bến xe Yên Nghĩa. Dự kiến toàn tuyến sẽ được khai thác vào đầu năm 2015.
Theo kế hoạch, lớp nhựa đường trên toàn tuyến được bóc ra và thay thế bằng lớp bê tông dày, cao hơn mặt đường hiện tại chừng 4cm. Riêng đoạn Yên Nghĩa - Ba La được cải tạo, nâng cấp mở rộng mặt đường cũ, chứ không làm đường bê tông như những tuyến khác.
Hiện các khu vực trên đang được quây rào chắn để thi công. Tại tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài, theo ghi nhận của phóng viên VTC News, công trường này thường xuyên xảy ra ùn tắc, dù không phải giờ cao điểm.
Nhiều người dân sinh sống ở khu vực này và ngay cả những người thường xuyên đi lại qua đây tỏ ra khó chịu trước quyết định “khó hiểu” của lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội.
“Chẳng hiểu sao tự nhiên người ta lại phẫu thuật chỉnh hình cho con đường nhựa bằng phẳng, chưa xuống cấp này trong khi nhiều khu vực khác ở Hà Nội, mặt đường lổm ngổm những ổ voi, ổ gà”, chị Thu – người thường xuyên di chuyển qua đây bức xúc nói.
Trước những thắc mắc này, đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội (chủ đầu tư của dự án này) cho hay, do thiết kế đường nhựa mỏng và dễ lún khi có phương tiện khối lớn thường xuyên chạy qua nên để phục vụ được buýt nhanh, khối lượng lớn mặt đường phải được làm bằng chất liệu bê tông.
Không phản đối cách làm này của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, nhưng nhiều chuyên gia ở lĩnh vực giao thông và xây dựng đều đánh giá đây là một minh chứng cho thấy việc quy hoạch thiếu tầm nhìn gây lãng phí tiền tỷ của Hà Nội.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên VTC News, PGS.TS. Bùi Xuân Cậy – Trưởng bộ môn Đường Bộ - Đại học giao thông vận tải Hà Nội cho hay: “Đúng là phải bóc lớp nhựa thay thế bằng bê tông thì mặt đường mới chịu được tải trọng của xe buýt nhanh và đảm bảo an toàn cho các phương tiện di chuyển trên tuyến đường này về lâu về dài.
Mặt đường bê tông tất nhiên phải có khe nối, nếu không nó sẽ bị nứt. Đó là nhược điểm khiến cho mặt đường bê tông không được êm trong quá trình phương tiện lưu thông như mặt đường nhựa.
Chỉ có điều, giá có quy hoạch trước thì làm ngay mặt đường bê tông từ đầu sẽ tốt hơn, đỡ lãng phí tiền của. Tôi không thấy lạ trước kiểu quy hoạch này với từ xưa tới nay ở Việt Nam nói chung hay có kiểu làm tạm bợ, khi có nhiều tiền hơn thì đập đi xây mới tốt hơn, to hơn.
Thêm vào đó, nhiều khi việc xây dựng không chỉ phụ thuộc vào các nhà chuyên môn mà còn bị chi phối bởi yếu tố tài chính hay quyết định của các nhà chính trị.
Tóm lại, tầm nhìn kém trong quy hoạch giao thông lại một lần nữa gây lãng phí 49 triệu USD của thủ đô”.
Đồng quan điểm với Tiến sỹ Bùi Xuân Cậy, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, việc bóc đường cũ vẫn còn sử dụng tốt để thay thế đường mới chứng tỏ “quy hoạch có vấn đề”.