Chống tham nhũng: Dấu hiệu tham nhũng chưa rõ ràng, hoặc không đáng kể!? - Dân Làm Báo

Chống tham nhũng: Dấu hiệu tham nhũng chưa rõ ràng, hoặc không đáng kể!?

Chuyện "phiếm đàm" khi nghe xong báo cáo...!


Nghe xong báo cáo các bộ ngành về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, ĐBQH Trần Thị Dung lên tiếng, "nhân dân sẽ rất phấn khởi vì hôm nay nghe được thông tin ngành Tài nguyên Môi trường và công tác cán bộ không có vi phạm. Vì đây là hai lĩnh vực vô cùng nhạy cảm". 


Dấu hiệu tham nhũng chưa rõ ràng, hoặc không đáng kể 


Trong báo cáo giải trình về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng gửi tới Ủy ban Tư pháp phục vụ phiên điều trần ngày 18/7, Thanh tra Chính phủ nhận định, có những ngành, lĩnh vực trong nhiều năm không phát hiện được hành vi tham nhũng. Thống kê của Thanh tra Chính phủ cho thấy, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Nội vụ là hai bộ "không có vi phạm cụ thể nào".

Tương tự, thống kê của một số lĩnh vực "nóng" như Kế hoạch Đầu tư, Tài chính ngân hàng cũng cho thấy sai phạm không đáng kể.

Song, đây là những số liệu khiến nhiều ĐBQH phải đặt dấu hỏi về chuyện thông tin chưa đầy đủ. Bởi như phản ánh trong dư luận nhân dân, trên các cơ quan truyền thông đều cho thấy, tình trạng tham nhũng, lãng phí đang diễn ra ở rất nhiều lĩnh vực "nóng, nhạy cảm" nói trên. Hoặc lại là báo cáo kiểu "thành tích" hoặc "trên mây".
Tình trạng tham nhũng, lãng phí đang diễn ra ở rất nhiều lĩnh vực "nóng, nhạy cảm" 

Nói như ông Huỳnh Nghĩa Phó trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng, chỉ riêng trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, những hiện tượng sai phạm tiêu cực xuất hiện tương đối nhiều (qua các khâu đấu thầu, phân bổ nguồn lực, các chương trình mục tiêu quốc gia.. ) nhưng kết quả thanh tra vẫn "nhẹ hều". Dù sai phạm về kinh tế lên tới gần 37 nghìn tỷ đồng, nhưng mới chỉ dừng ở xử vi phạm hành chính, không có bất kỳ vụ việc nào có dấu hiệu hình sự phải chuyển cơ quan điều tra.

"Thống kê tốt như vậy nhưng chúng tôi thấy không phải vậy. Hay thống kê chưa hết?", Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Danh Út bình luận.

Trong khi đó, ĐB Trần Thị Dung thì hài hước, người dân ắt sẽ rất phấn khởi bởi nghe được thông tin ngành Tài nguyên Môi trường và công tác cán bộ không có vi phạm. Vì đây là hai lĩnh vực vô cùng nhạy cảm.

Rất nhiều ĐBQH cũng đề nghị giải thích về chuyện quá nhiều vụ chỉ dừng ở xử lý hành chính, cảnh cáo hoặc kỷ luật. Những vụ việc được thông báo là 'đã chuyển cơ quan điều tra" cũng không nêu rõ kết cục sẽ xử lý thế nào. Bởi thế khi bị ĐB "truy", Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn mới cho hay, trong số 5 vụ chuyển cơ quan điều tra thì 1 vụ cơ quan điều tra không khởi tố, 1 vụ trả lời là chưa rõ dấu hiệu và ba vụ thì chưa có hồi âm.

"Chuyện cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện ra ít sai phạm hoặc sai phạm mà xử chưa nghiêm cũng là nguyên nhân gây mất lòng tin trong nhân dân về sự nghiêm minh trong đấu tranh chống tham nhũng", ông Huỳnh Nghĩa kết luận. Vị Phó trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng cũng băn khoăn, tại sao thống kê của các cơ quan thanh tra chủ yếu chỉ nêu các vụ việc nhỏ, dưới cơ sở chứ không đề cập đến các vụ sai phạm lớn, đặc biệt là những vụ việc mà Quốc hội đã từng lên tiếng.

Giải trình với Ủy ban Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thừa nhận "chúng tôi cũng chưa hài lòng". Về việc tại sao thanh tra nhiều mà phát hiện ít vụ, ông Tranh viện dẫn lại một số lý do quen thuộc, như do những người tham nhũng giàu thủ đoạn tinh vi để che giấu, hoặc, họ đều là những người có chức vụ, quyền hạn.

"Chỉ khi nào các vụ việc có dấu hiệu rõ ràng thì mới xử lý được", ông Tranh nói.

Bằng chứng không có


Không chỉ băn khoăn về chất lượng giải quyết án tham nhũng, mà nhiều ĐBQH còn hoài nghi về tính công minh, liêm khiết của đội ngũ làm công tác thanh tra, kiểm toán.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga nêu "thẳng tưng" câu hỏi cho Tân Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn về trách nhiệm của Kiểm toán trong việc kiểm toán nhiều nhưng hầu như không phát hiện được bao nhiêu.

"Nhiều thông tin dư luận cũng cho biết hiện tượng các Kiểm toán viên nhận tiền bồi dưỡng mà bản chất là nhận hối lộ của đối tượng bị kiểm toán để bỏ qua vi phạm trong thời gian qua là không ít. Ở Quảng Ngãi, chỉ riêng số tiền nhận bồi dưỡng, ngoài số tiền gợi ý hối lộ của bốn Kiểm toán viên đã là 181 triệu. Đề nghị Tổng kiểm toán cho biết ý kiến và có cam kết hay giải pháp gì để chống tham nhũng trong nội bộ ngành?', bà Nga hỏi.

"Về hiện tượng thì chúng tôi cũng có nghe nói. Nhưng còn bằng chứng thì không có. Chúng tôi rất mong sẽ có bằng chứng cụ thể để chỉ mặt điểm tên, làm trong sạch đội ngũ", ông Nguyễn Hữu Vạn trả lời.

"Đề nghị xem lại nhận định này, liệu có xác đáng không? Cánbộ làm công tác thanh tra, kiểm toán do năng lực hạn chế nênkhông phát hiện ra dấu hiệu tham nhũng. Vậy tại sao báo chí vàngười dân tuy không có chuyên môn nghiệp vụ nhưng lại phát hiện rađược tham nhũng". ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh nói

Liên quan đến xử lý trách nhiệm người đứng đầu, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nói "xử lý chưa được nhiều. Vẫn còn rất nhiều sơ hở". Một trong những cái khó là việc xác định trách nhiệm (trực tiếp hay gián tiếp) của người đứng đầu mỗi khi xảy ra vụ việc sai phạm.

Ngoài ra, các chế tài về xử lý trách nhiệm cũng chưa đủ mạnh mẽ.

"Rất ít vụ việc tham nhũng do tự phát hiện bởi lý do nếu tố cáo vụ việc thì người đứng đầu sẽ bị xử lý. Vì thế nên người dân càng ngại và càng né tránh....", ông Tranh chia sẻ.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng thừa nhận thêm, vẫn còn nhiều cơ chế chính sách tạo kẽ hở để không ít người vụ lợi và có hành vi tiêu cực. Do đó, về lâu dài, cùng với khắc phục trong công tác cán bộ thì cần hoàn thiện cơ chế chính sách. Đến khi nào và đến bao giò chúng ta chống được bệnh tham nhũng. Có lẽ câu trả lời có ngay là không bao giờ và không khi nào làm được điều ấy nếu tất cả chỉ là diễn kịch hoặc nghe và làm theo báo cáo "trên mây" mà không bao giờ có con số thực cũng như nguyên nhân và kết quả thực. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo