Lừa đảo, phản bội, kiên định và gì nữa? - Dân Làm Báo

Lừa đảo, phản bội, kiên định và gì nữa?

Trần Minh Thảo (Anhbasam) - Viết nhân những ngày lễ và sau khi đọc quyển sách Việt Nam 1945-1995 – Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử của GS Lê Xuân Khoa.

Lừa đảo, phản bội, phản động, tay sai, bán nước... là những “danh hiệu chính trị” người Việt nam gán cho nhau mấy mươi năm nay, nhất là từ khi đảng Cộng sản ra đời. Ai lừa đảo ai? Ai phản bội ai? Ai bán nước? Ai tay sai?

“Lừa đảo”, “phản bội”... cũng là nội dung tranh luận được cho là của một số cựu thành viên phong trào đô thị miền Nam trong cuộc ‘kháng chiến chống Mỹ cứu nước’ về cuộc cách mạng do đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo. 

Có hai ‘phe’ trong cuộc tranh luận: Phe cho là cuộc cách mạng bị phản bội, tạm gọi là ‘phe phản bội’; phe cho là cuộc cách mạng là sự lừa đảo chính trị, tạm gọi là ‘phe lừa đảo’. Cuộc tranh luận có tính ‘sinh tử’, quan hệ đến ‘sinh mệnh chính trị’ cho cả hai phe chỉ là một tiếp nối cuộc tranh luận “phản bội hay lừa đảo” diễn ra từ 1945, từ những người đi kháng chiến rồi ‘dinh tê’, rồi “nhân văn giai phẩm”, đến vụ án chống đảng rồi gần như công khai từ 1990 sau hội nghị ‘kết giao huynh đệ Thành đô’ của hai đảng Trung-Việt.

Tóm tắt cuộc tranh luận:

- Cuộc cách mạng bị phản bội. Những mục tiêu độc lập, tự do, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, công bằng văn minh…đã đưa hằng triệu người, nhiều thế hệ cống hiến trí tuệ, xương máu, tài sản cho cuộc cách mạng nhưng khi cách mạng thành công thì chỉ được một đất nước tan hoang, lòng dân ly tán và lệ thuộc nước ngoài, dưới sự thống trị của một vài ‘nhóm cánh hẩu’ nhân danh 3 triệu đảng viên và 90 triệu người dân vì họ có trong tay quân đội, công an, toà án, nhà tù… cuộc cách mạng bị phản bội vì những người cai trị (thế hệ sau) đang làm ngược mọi mục tiêu ban đầu của cuộc cách mạng tuy luôn nói về học tập, kiên định, trung thành, chống suy thoái…

- Cuộc cách mạng là sự lừa đảo. Không có một thiên đường xã hội chủ nghĩa ở Liên xô từ sau cách mạng tháng 10 nhưng những vị tiền bối của đảng đã lớn tiếng nói về thiên đường đó, nói về việc sẽ đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản hung tàn, phản động. Có lẽ các vị tiền bối của đảng cũng bị lừa khi Liên xô đã nuôi dạy, tiếp đón các vị trong môi trường ‘thiên đường’ của nhóm đặc quyền, đặc lợi, không cho các vị nhìn thấy cái địa ngục trần gian của tầng lớp dưới bị trị. Các vị bị lừa mà tin thiên đường XHCN là có thật rồi các vị truyền bá cái ‘thiên đường Cộng sản’ đó cho nhân dân các nước thuộc địa nghèo đói, bị lăng nhục, bị bức hại, trong đó có Việt nam. Quả thật, có một thiên đường như thế cho đến ngày nay ở liên bang Nga, ở Trung quốc, ở bắc Triều tiên, ở Cuba và cả Việt nam xây nên bằng xương máu, mồ hôi, nước mắt của hàng triệu triệu người dân lầm than. Những nơi ấy có cả những địa ngục cho tầng lớp dưới.

‘Phe lừa đảo’ nói cuộc cách mạng đánh Pháp đuổi Mỹ với 4-5 triệu người chết và hàng chục triệu người ly tán cho Đảng dành lấy chính quyền và dùng bạo lực nhà nước vừa dành được phục vụ lợi ích nhóm rồi giao tổ quốc Việt nam cho bành trướng Bắc kinh để có chỗ dựa lưng dài lâu cho thiên đường của nhóm ‘cánh hẩu’.

Hai phe có một thống nhất: cuộc cách mạng bị phản bội hay lừa đảo là do khi nắm độc quyền cai trị, đảng đã toàn tâm toàn ý phục tùng lợi ích của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, biến Việt nam thành một thứ chư hầu mạt hạng. Hai phe còn có chung một tâm trạng: xấu hỗ, phẩn nộ, uất ức vì lòng nhiệt tình, tình tự dân tộc, lòng yêu nước, lý tưởng vì hạnh phúc của nhân dân và cả tuổi thanh xuân háo hức cống hiến bị đảng cai trị biến thành những con rối, thành lưu manh chính trị ‘đưa người cửa trước, rước người cửa sau’, tiếp tay bán nước cho bành trướng đại Hán.

Đó là ‘yếu tố Trung quốc’ trong cuộc tranh luận lừa đảo hay phản bội đã làm cho hai phe có sự thống nhất tuy khác nhau cách nhìn về quá khứ và hiện tình của cuộc cách mạng.

Quyền lực cai trị hiện hành thì gán cho một số người trong cả hai phe là ‘bọn phản bội’, quay lưng với sự nghiệp cách mạng của đảng, không kiên định lập trường giai cấp, phai nhạt lý tưởng xã hội chủ nghĩa, suy thoái chính trị, đầu hàng kẻ thù giai cấp. Quyền lực cai trị cũng buộc tội những ai nói về độc lập, chủ quyền, nhân quyền, dân chủ… là phần tử biến chất, phản động, âm mưu lật đổ, nhận tiền của các thế lực thù địch nước ngoài thực hiện chiến lược diễn biến hoà bình chống phá nhà nước, lật đổ chế độ, phá hoại quan hệ hữu nghị, tốt đẹp anh em cùng chí hướng Việt Trung…

Hai phe trong cuộc tranh luận ‘lừa đảo, phản bội’ và đảng, nhà nước lại đưa ra cùng giải pháp, giải pháp ‘kiên định’.

Đảng, nhà nước nói: Phải kiên định (và sáng tạo) chủ nghĩa Mác-Lênin-tư tưởng Hồ Chí Minh, đánh bại chiến lược diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch, đảng lãnh đạo toàn diện tuyệt đối nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, cùng với các nước anh em đưa Việt nam thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa, văn minh, giàu mạnh với tiên đoán chủ nghĩa Cộng sản sẽ thống trị toàn thế giới.

Hai phe trong cuộc tranh luận ‘lừa đảo, phản bội’ thì nói: kiên định các mục tiêu ban đầu của cuộc cách mạng (hoặc do thanh niên, sinh viên học sinh, trí thức miền Nam tham gia phong trào tưởng và tin cuộc cách mạng có mục tiêu như thế) bằng việc xây dựng nhà nước pháp quyền, tam quyền phân lập, xã hội dân sự, xoá bỏ độc quyền chính trị, tôn trọng nhân quyền và các quyền căn bản của công dân, nhân dân là người chủ thực sự của đất nước, hội nhập với thế giới văn minh tiến bộ, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Kiên định nào đúng? Ai sẽ thắng ai trong cuộc tranh luận “lừa đảo, phản bội”?

Trước mắt, phần thắng nghiêng về quyền lực cai trị khi người vô tù, bị trù đập vì các điều 79,88,258 của luật hình sự ngày càng nhiều. Mẫu số chung của các bản án dường như là vì chống bành trướng đại Hán xâm lược, tuy điều đó không ghi trong án văn.

Về lâu dài, yếu tố Trung quốc trong nền chính trị Việt nam sẽ quyết định ai thắng ai. Dù sao đi nữa, cuộc tranh luận đã thể hiện tâm trạng phẩn nộ chính trị do lòng tự trọng, phẩm giá dân tộc bị xúc phạm nặng nề.

Một số vị nói: nếu cuộc vận động dân chủ, tự do thất bại thì sẽ lại có một Hồ chí Minh khác với khẩu hiệu hành động đã từng được các cuộc khởi nghĩa sử dụng.

Về yếu tố Trung quốc trong cuộc cách mạng và trong cuộc tranh luận ‘phản bội, lừa đảo’ hiện nay

Cuộc tranh luận có một nhất trí: chính Trung quốc, bất kể là Tưởng hay Mao là nhân tố ảnh hưởng bao trùm lên cách mạng Việt nam, Nga, Mỹ, Pháp, Anh chỉ là thứ yếu.

Do có sự gặp nhau đó của hai phe, nên khi đọc cuốn sách của GS Lê Xuân Khoa trên trang Ba Sàm người viết có ý tìm xem có không yếu tố Trung quốc trong chính trường miền Nam (Việt nam Cộng hòa). Tức là tìm xem bành trướng Đại Hán có nhòm ngó đến Việt nam cộng hoà trước 1975 không?

Nhiều thông tin, dư luận cho thấy Trung Quốc đã coi miền Nam Việt nam là ‘đối tác’ trong chiến lược bành trướng từ hội nghị Genève 1954 cho đến biến cố 1975. Có dư luận nói Trung quốc đã cắm một chi bộ Cộng sản trong nội bộ người Hoa ở Chợ lớn nhằm thực hiện ý đồ này. Do trăn trở với vấn nạn này, người viết cố tìm xem giáo sư Lê xuân Khoa ‘tiết lộ’ bí mật gì về hai chính sách không ‘trúng thời trúng tiết’ của anh em ông Ngô đình Diệm: tố Cộng ngay sau kháng chiến thành công và đàn áp Phật giáo khi thế và lực còn mỏng yếu có tác dụng tự làm suy yếu, phân hoá xã hội khốc liệt dẫn đến bại vong. Rất mong giáo sư với tư liệu phong phú có một phụ lục về những vấn nạn này trong lần tái bản. Có yếu tố Trung quốc (thông qua Việt nam Dân chủ Cộng hòa) trong hai chính sách không thức thời đó không? Tại sao năm 1963, anh em Ngô đình Diệm lại chạy trốn vào nhà một tài phiệt người Hoa (Mã Tuyên)? Anh em ông bị giết có phải vì dính líu đến Bắc kinh? Nhiều người dẫn lại phát biểu của TBT Lê Duẫn: “ta đánh Mỹ là đánh cho Liên xô và Trung quốc” và nêu bật yếu tố Trung quốc trong phát biểu gán cho Mao: “đánh Mỹ đến người Việt nam cuối cùng”.

Nhắc đến quyển sách của giáo sư Lê xuân Khoa vì quyền lực cai trị hiện hành đang thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đã làm cho Việt Nam Cộng hòa trở thành ‘bên thua cuộc’. Trong số có hai chính sách rất ngu xuẩn, bá đạo: (a) đàn áp một cách hung bạo các tiếng nói dân chủ trong đảng và người dân yêu nước chống bá quyền bành trướng lấy thịt đè người cướp đất, cướp biển của tổ quốc, (b) đa thần giáo hoá các tôn giáo làm cho xã hội Việt nam phân hoá thành những nhóm tín ngưỡng thời bán khai, mông muội, mối liên kết tín ngưỡng đứt tung cùng với phân hoá giàu nghèo khốc liệt làm cho Việt nam không còn là một quốc gia, dân tộc thống nhất. Là âm mưu của chủ nghĩa bành trướng chăng? Do bạn vàng khuyến cáo thực hiện hay em út học tập và làm theo? Có người hỏi khi nào thì chùa Một cột, chùa Quán sứ, chùa Từ đàm, chùa Vĩnh nghiêm… phát hành cổ phiếu ra thị trường chứng khoán cho giống với chùa Thiếu lâm ở Trung quốc.

Hiện nay, Việt nam và thế giới kể cả Trung quốc giải thích thế nào về chính sách của chủ nghĩa bành trướng đối với Việt nam, biển Đông, Đông nam Á và thế giới?

Có mấy lý giải:

(1) Biển Đông là lối ra thế giới duy nhất của Trung quốc do các hướng khác đã bị phong toả, là nơi có thứ tài nguyên mà Trung quốc còn thiếu.

(2) Đông nam Á là vựa lúa cho khoảng 500 triệu dân vì đất đai sản xuất lương thực của Trung quốc chỉ đủ nuôi 300-400 triệu miệng ăn trong tổng số 1,3 tỷ người.

(3) Giải quyết mâu thuẫn nội bộ sinh ra từ thể chế hủ bại, tàn độc nhất trong lịch sử Trung quốc. Truyền thống của thế lực cai trị hủ bại Trung quốc là dùng chiến tranh hay đe doạ chiến tranh với bên ngoài để giải quyết mâu thuẫn nội bộ, đễ trấn áp chống đối, bạo loạn bên trong. Hành vi này xảy ra khi quyền lực cai trị cảm nhận sâu sắc có sự kèn cựa trong bộ máy và sự phẩn nộ, bất an trong xã hội. Đó là cách làm của quyền lực cai trị trước khi sụp đổ hoàn toàn.

(4) Người đứng đầu trong bộ máy cai trị TQ muốn chứng tỏ ‘tầm cỡ lãnh đạo’, xứng là ‘thiên tử’ được trời uỷ thác giáo hoá thiên hạ, lập uy để trấn áp đối thủ trong nội bộ.

(5) Bành trướng đất đai, mở rộng lãnh thổ để chứng tỏ tính chính danh của nhà cai trị theo văn hoá khổng Nho (đất nào cũng là đất của vua, dân nào cũng là thần dân của vua), nhằm lập uy với ‘thần dân’. Đó là sứ mệnh giáo hoá man di.

(6) Trung quốc hung hăng, cướp bóc, ‘xả rác’ trên toàn thế giới vì nhu cầu phát triển đất nước.

Trong các lý giải trên thì (1), (2) và (6) dường như nhằm biện minh cho hành vi côn đồ, hung hăng của bành trướng đại Hán: Trung quốc cũng văn minh, hoà hiếu nhưng do hoàn cảnh tự nhiên khó khăn nên bị buộc phải ‘côn đồ’,‘bành trướng’. Có nhiều cách làm văn minh hơn, hoà hiếu hơn để Trung quốc đi ra thế giới văn minh, nhân dân ấm no hạnh phúc, xã hội lành mạnh hơn là hung hăng, côn đồ, bất chấp công lý. Đảng Trung quốc lại chọn cách làm biến dân tộc Trung quốc thành con bò sửa, đất nước Trung quốc thành bãi rác làm cho loài người ghê sợ.


Do các bên hiểu ‘kiên định’ khác nhau mà độc lập, tự do, dân chủ, nhân quyền... có thể lại trể hẹn một lần nữa chăng? (Lần thứ nhất là sự thất bại của phong trào đông du, phong trào duy tân, Tự lực văn đoàn… và cuộc thử nghiệm ở miền Nam sau 1954). Trể hẹn không chỉ vì bị quyền lực cai trị đã biến thành nhà nước vô chính phủ bách hại, mà còn do người dân bức xúc, nóng lòng chọn giải pháp quyết liệt, cực đoan.

Bài học lịch sử cho thấy một nhóm trộm cướp (hay xã hội đen kiểu Năm Cam) với một khẩu hiệu hành động có màu sắc chính trị phù hợp, đáp ứng được nỗi khát khao của người dân cùng khổ, bị áp bức, bị lăng nhục cả vật chất lẫn tinh thần, sẽ trở thành lực lượng chính trị lãnh đạo cuộc nổi dậy (anh em Tây sơn chẳng hạn).

Những khẩu hiệu hành động như vậy thì…các đảng Cộng sản đã để lại rất nhiều, như: trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ, diệt ác phá kềm, có dao cầm dao có súng cầm súng… chẳng hạn.

Khi quyền lực cai trị bị đưa lên bàn mổ xem nó phản bội hay lừa đảo thì một nhóm xã hội đen được trang bị một khẩu hiệu chính trị kiểu “cướp của nhà giàu chia cho người nghèo” cũng trở thành một cuộc nổi dậy. Nhiều cuộc nổi dậy đó đây không chỉ đào mồ chôn chế độ mà chôn cả cuộc vận động tự do, dân chủ, nhân quyền. Đó là thế lưỡng nan của người Việt thời kỳ 1945 và hiện nay. 

Có công mà tàn ác, tham lam như hoàng tộc Tây Sơn cuối cùng cũng phải đối diện với lòng dân: “lạy trời cho nổi gió nồm - Cho thuyền chúa Nguyễn kéo buồm thẳng ra”. Có lẽ dân Việt thời đó thấy chúa Nguyễn ít tàn ác hơn Tây sơn Quang Toản chăng? Thường xuyên kể lể công trạng nhưng lại bị chính người trong cuộc cho là phản bội hay lừa đảo thì sẽ đối diện với thứ gì? Chắc hẳn quyền lực cai trị thấy rõ nguy cơ ngày càng tăng nên ra sức tăng cường lực lượng vũ trang để tự bảo vệ. Trung quốc có một bài học: chính lực lượng vũ trang thề trung thành tuyệt đối với vua đã làm một cuộc chính biến hoà bình đưa tướng quân Triệu khuông Dẫn lên ngôi vua lập ra nhà Tống, lật đổ cả một triều đại Đường hùng mạnh. Đó là hiểm nguy từ bên trong và bên trên khi chính trị mất tính chính danh, bị cáo buộc phản bội, lừa đảo, bán nước.

Làm gì để tránh đối đầu với hiểm nguy? Việc cần làm ngay là phải loại bỏ yếu tố bành trướng đại Hán trong nền chính trị bằng việc đảng đang làm và nhân sĩ trí thức đã lên tiếng (nhóm kiến nghị 72): sửa đổi hiến pháp một cách triệt để với việc bầu ra một quốc hội lập hiến đa thành phần, xây dựng một hiến pháp thực sự là của nhân dân. Có người nói là hiến pháp thoát Hán, loại bỏ vĩnh viễn định hướng Hán hoá. Đó là bước khởi đầu có tính quyết định của dân tộc. Một đảng chính trị nào đó có quyền chọn định hướng chính trị của mình nhưng dân tộc Việt nam thì dứt khoát không chọn định hướng Hán hoá hoặc bất cứ thứ định hướng ‘mãi quốc cầu vinh’ nào.

Làm được vậy là kiên định các mục tiêu lý tưởng của cuộc cuộc cách mạng. Không làm như vậy khó tránh bị qui kết là phản bội, lừa đảo, phản động, tay sai, bán nước...


14-08-2013




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo