Mạng lưới Blogger Việt Nam - Một trong những tổ chức báo chí vùng Đông Nam Á có nhiều quan tâm đến tình hình tự do báo chí tại Việt Nam, đã có nhiều báo cáo (alert) mỗi khi có tình trạng đàn áp báo chí hay vi phạm tự do ngôn luận tại Việt Nam, đã có nhiều dịp tiếp xúc, làm việc với blogger Việt Nam là tổ chức Southeast Asia Press Alliance.
Vào lúc 4 giờ chiều ngày 5 tháng 8 vừa qua, đại diện Mạng lưới Blogger Việt Nam gồm các bạn Phạm Đoan Trang, Nguyễn Lân Thắng và Nguyễn Anh Tuấn đã đến gặp cô Gayathry Venkiteswaran - Giám đốc điều hành của SEAPA và cô Kulachada Chaipipat - Điều phối viên về các chiến dịch và chương trình vận động tại văn phòng của SEAPA - Liên minh báo chí Đông Nam Á ở Bangkok, Thái Lan.
Các đại diện blogger đã tường trình khái quát tình hình tự do thông tin, ngôn luận và biểu đạt ở VN; trình bày các thủ thuật quản lí truyền thông của nhà nước VN; nêu rõ tính cấp bách của việc đưa ra Tuyên bố 258 cũng như nội dung Tuyên bố; chứng tỏ rằng bằng các điều luật 79, 88 và 258, gần đây là Nghị định 72, chính phủ VN đang gia tăng siết chặt và trấn áp các quyền tự do dân sự và chính trị một cách có hệ thống.
Cô Gayathry Venkiteswaran đã nhận Tuyên bố 258 từ các blogger và sau đó giới thiệu sơ lược về tổ chức và hoạt động của SEAPA. Vì đã có những mối làm việc chặt chẽ với blogger Việt Nam trong nhiều năm, đã từng viết nhiều báo cáo chi tiết về thực trạng tự do ngôn luận ở Việt Nam, các đại diện của SEAPA tỏ ra rất am hiểu tình hình Việt Nam, quan tâm đến vai trò báo chí công dân và tìm hiểu sâu sắc thái độ của blogger Việt Nam với Nghị định 72. Trong dịp này SEAPA cũng bày tỏ mối quan tâm đến các blogger vừa bị bắt trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trường hợp blogger Điếu Cày.
SEAPA cũng là 1 trong 10 tổ chức đã ký tên vào lá thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ kêu gọi việc trả tự do cho blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải.
Trang đầu của trang WEB của SEAPA với bài vận động tự do cho Blogger Điếu Cày.
Ảnh chụp vào ngày 22/08/2013
Các đại diện blogger đã cảm ơn sự hỗ trợ của SEAPA đối với việc thúc đẩy tự do ngôn luận ở VN trong suốt thời gian qua và đề xuất SEAPA tiếp tục đưa ra tuyên bố lên án các điều luật của nhà nước Việt Nam vốn đi ngược lại Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền mà nhà nước Việt Nam đã ký kết và đang vận động để trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
Cô Gayathry Venkiteswaran cũng đã đánh giá cao việc lần đầu tiên có 1 tập hợp blogger tìm đến SEAPA và nhiều tổ chức quốc tế khác để trao tận tay Tuyên bố và hứa sẽ đưa ra tuyên bố phản đối điều 258. Người giám đốc điều hành SEAPA cũng yêu cầu được gửi bản sao Tuyên bố 258 của blogger Việt Nam đến các tổ chức khác.
Trước khi chia tay, đại diện Mạng lưới Blogger Việt Nam và SEAPA đã thống nhất về những hoạt động hợp tác trong tương lai để thúc đẩy các quyền tự do ngôn luận và biểu đạt ở Việt Nam.