Giáo Già (Danlambao) - Qua những trao đổi sôi nổi, chia sẻ những việc đã thành tựu trong những tháng ngày qua, tuổi trẻ đã cùng nhiều bậc cha anh, mẹ chị... không còn “vô cảm” nữa, không còn “sợ sệt” công an trù dập, như trước đó chỉ một buổi tham gia sinh nhật bạn bè hay một tối ngồi uống cà phê trò chuyện cũng đủ để bị công an “kiếm chuyện”, hay bị bọn an ninh đội lốt côn đồ hành hung tàn bạo, hay như Nguyễn Hoàng Vi ở Sài Gòn bị công an cướp giựt điện thoại, tư trang và đánh đập dã man gây nhiều thương tích... hay lớp học tiếng Anh chỉ vì có mặt các blogger mà bị đàn áp dã man...; bây giờ họ không còn ngại gian nguy như trước, mà hăng hái tham gia góp mặt, để cùng vạch ra con đường tiếp bước, và qua những nụ cười trên môi... mọi người hẳn thấp thoáng thấy Ðỗ Thị Minh Hạnh nối tiếp Nguyễn Phương Uyên ra tù... thấp thoáng thấy niềm tin và hy vọng cho những công việc làm của tuổi trẻ Việt Nam và tương lai trước mắt.
*
Hơn một tuần trước, ngày 21-8-2013, tin được phóng viên Tú Anh đưa lên đài Pháp quốc RFI nói rằng: “Sự kiện tòa án Việt Nam giảm án cho hai sinh viên Ðinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên bị quy tội chống chính quyền trong phiên xử phúc thẩm hôm qua 16-08-2013 được báo chí nước ngoài xem là hy hữu. Human Rights Watch [HRW] xem đây là thành quả của một chiến dịch áp lực quốc tế cần phải được áp dụng lâu dài với chính quyền Việt Nam”. Bản tin cũng cho biết là ông Phil Robertson, giám đốc của HRW tại châu Á, phân tích thêm trên làn sóng RFI như sau:
“Ðúng là ngoài sức tưởng tượng nhưng chúng ta phải thận trọng. Bản cáo trạng vẫn còn treo lơ lững trên đầu cô gái (Phương Uyên) và cô có thể bị đưa trở lại vào nhà tù một cách dễ dàng mặc dù cô chẳng có tội tình gì để phải bị truy bắt. Do vậy, thật tình mà nói, sự kiện cô (Phương Uyên) được thả là một cử chỉ khéo léo của chính quyền Việt Nam. Nhưng điều này không có nghĩa là họ thay đổi hẳn chính sách đối với những người có lời phát biểu không lọt tai chế độ. Ngược lại, tôi nghĩ do có một phong trào vận động quốc tế bảo vệ cho cô và như vậy áp lực quốc tế đã mang lại kết quả. Ðây là một bài học mà cộng đồng quốc tế, chính phủ cũng như các nhà tài trợ phải suy ngẫm khi hỗ trợ hay giao dịch với Việt Nam: từ nay về sau quốc tế phải cứng rắn hơn với chính quyền Việt Nam trên hồ sơ nhân quyền”. [Giáo Già in đậm].
Theo dõi vụ án Nguyễn Phương Uyên dư luận hết sức ngạc nhiên khi được biết, đến phút chót, vào buổi sáng, Viện Kiểm Sát vẫn còn đề nghị y án 6 năm tù giam; nhưng đến buổi chiều Tòa lại tuyên án Nguyễn Phương Uyên chỉ bị 3 năm tù treo và được trả tự do ngay tại tòa. Ðiều này chứng tỏ Tòa đã không xử theo bản án được Viện Kiểm Sát cho bỏ sẵn trong túi theo lịnh của “cấp trên”, như những vụ án được “tiền chế” trước đây, mà Tòa lại xử theo cái “nút bấm” từ xa của cái “cấp trên” nào đó. Cái “nút bấm” đó là hệ quả của phong trào vận động quốc tế mà áp lực quốc tế chắc sẽ không chỉ có cho vụ án Phương Uyên.
Cái “núp bấm” coi như vô hình, nhưng mọi dư luận đã thấp thoáng thấy nó tượng hình từ sau chuyến đi gặp Tổng thống Mỹ Obama của Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang, hồi cuối tháng 7 năm 2013, tức trước khi Tòa án Tân An bị “bấm nút” vừa hơn nửa tháng. Nó khiến tuổi trẻ Việt Nam ở quốc nội phấn khởi và Mạng lưới Blogger Việt Nam, với Tuyên bố 258 được công bố [ngày 18-7-2013], được gởi đến Tòa Ðại sứ Mỹ và liên tiếp phổ biến rộng rãi đến các sứ quán ngoại quốc ở Việt Nam. Chỉ trong thời gian ngắn bản Tuyên Bố 258 đã nâng số blogger tham gia lên tới 103 người. Nó cũng được các thành viên của Mạng lưới mang sang Thái Lan để trao tận tay các tổ chức quốc tế và nhờ các tổ chức này tiếp tay vận động quốc tế áp lực Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tôn trọng nhân quyền.
Còn nhớ, trước khi lên đường về lại Việt Nam, ngày 5-8-2013; vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày 5-8-2013, các thành viên của Mạng lưới gồm Phạm Ðoan Trang, Nguyễn Lân Thắng và Nguyễn Anh Tuấn đã đến gặp cô Gayathry Venkiteswaran, Giám đốc điều hành của Liên minh Báo chí Ðông Nam Á [SEAPA] ở Bangkok, Thái Lan; và cô Kulachada Chaipipat, Ðiều phối viên về các chiến dịch và chương trình vận động tại văn phòng của SEAPA. Ðây là một trong những tổ chức báo chí vùng Ðông Nam Á có nhiều quan tâm đến tình hình tự do báo chí tại Việt Nam. Tổ chức này đã có nhiều báo cáo cảnh giác (alert) mỗi khi có tình trạng đàn áp báo chí hay vi phạm tự do ngôn luận tại Việt Nam.
Dịp này, các đại diện blogger cũng đã trình bày các thủ thuật quản lý truyền thông của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam nhằm bóp nghẹt tự do ngôn luận. Tại đây, Cô Gayathry Venkiteswaran đã nhận Tuyên bố 258 từ các blogger [xem hình] và sau đó giới thiệu sơ lược về tổ chức và hoạt động của SEAPA.
Vì đã có những mối làm việc chặt chẽ với blogger Việt Nam trong nhiều năm, đã từng viết nhiều báo cáo chi tiết về thực trạng tự do ngôn luận ở Việt Nam, nên các đại diện của SEAPA tỏ ra rất am hiểu tình hình Việt Nam, quan tâm đến vai trò báo chí công dân và tìm hiểu sâu sắc thái độ của blogger Việt Nam với Nghị định 72. Ðồng thời, SEAPA cũng bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến các blogger vừa bị bắt trong thời gian vừa qua, nhứt là trường hợp blogger Ðiếu Cày. Ðược biết thêm là SEAPA cũng là 1 trong 10 tổ chức đã ký tên vào lá thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ kêu gọi trả tự do cho blogger Ðiếu Cày Nguyễn Văn Hải.
Khi về đến phi trường Tân Sơn Nhứt, cùng ngày 5-8-2013, hai blogger trẻ Nguyễn Nữ Phương Dung và Nguyễn Thảo Chi đã bị an ninh cửa khẩu sân bay sách nhiễu, bắt giữ; nhưng chẳng dám làm gì. Chúng đã trả tự do cho cả hai trước sự chào đón nồng nhiệt của các blogger chờ đợi với biểu ngữ mang nội dung “Chào mừng đại diện Mạng lưới blogger Việt Nam trở về”, mặc dầu đang có rất đông an ninh xuất hiện bao vây, quay phim, đe dọa.
Một số chi tiết được thể hiện đó cho thấy tâm lý vô cảm và nỗi sợ hải coi như không còn trong lòng tuổi trẻ, qua Mạng lưới Blogger Việt Nam, với Tuyên bố 258 được công bố, nên chưa đầy 2 tuần sau khi về đến Việt Nam, tức ngày Thứ Sáu, 23-8-2013, vào lúc 9 giờ sáng, một số blogger thuộc Mạng lưới Blogger Việt Nam gồm Trịnh Anh Tuấn, Ðào Trang Loan, Nguyễn Chí Ðức Nguyễn Ðình Hà và blogger đến từ Sài Gòn Nguyễn Hoàng Vi [người từng tham gia tích cực trong cuộc “dã ngoại nhân quyền” ngày 5-5-2013] cùng đến gặp Bí thư thứ hai của Ðại sứ quán Australia để trao bản Tuyên bố 258; đồng thời cung cấp thông tin về những vụ việc diễn ra gần đây: như bắt giữ ba blogger; bắt bớ, đánh đập một nhóm sinh viên ở Hà Nội; bắt giam blogger Nguyễn Văn Dũng, tức Aduku Adk,...; đồng thời yêu cầu Ðại sứ quán trong thẩm quyền của mình áp lực Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hành xử có trách nhiệm trong việc tôn trọng nhân quyền... [xem hình từ trái qua: Nguyễn Chí Ðức, Nguyễn Hoàng Vi, Trịnh Anh Tuấn, David Skowronski, Ðào Trang Loan, Nguyễn Ðình Hà]
Hai ngày sau, 25 tháng 8 năm 2013, coi như hết sợ bị công an đàn áp, hơn 30 bloggers ở Hà Nội từng ký vào Tuyên bố 258 [trong số này có blogger Nguyễn Hoàng Vi vừa từ Sài Gòn ra Hà Nội để cùng trao Tuyên bố 258 cho sứ quán Australia; xem hình] đã có buổi gặp mặt thân mật tại một quán cafe ở Hà Nội, để thảo luận các kết quả sơ khởi trong quá trình hoạt động vừa qua của Mạng lưới blogger Việt Nam liên quan đến Tuyên bố 258. Dịp này, các blogger đã vui vẻ phân tích các thuận lợi, khó khăn cũng như thẳng thắn chỉ ra những thành tựu, hạn chế...; đặc biệt nhứt là trao đổi kinh nghiệm khi họ đến thăm các đại sứ quán ở Hà Nội để chuẩn bị cho việc tiếp tục trao Tuyên bố 258 trong thời gian sắp tới; và việc phát triển các quyền con người ở Việt Nam nói chung.
Tiếp theo Buổi họp mặt của Mạng lưới Blogger Việt Nam tại Hà Nội, vào trưa ngày 25 tháng 8 năm 2013, các blogger Sài Gòn cũng đã gặp mặt nhau tại Cafe BB, 143/1/2 CMT8, P10, Q3; để cùng nhau chia sẻ những việc làm đã qua cũng như hướng đi sắp tới. Tại đây, cũng có hơn 30 blogger tham dự gồm các blogger quen thuộc như Nguyễn Phương Uyên, Nguyễn Thảo Chi, Vũ Sỹ Hoàng, Võ Quốc Anh, Châu Văn Thi, Trịnh Kim Tiến, Paulo Thành Nguyễn, Lê Khánh Duy, Huỳnh Thục Vy, Hoàng Dũng, Lê Quốc Quyết, Bùi Chát, Tiểu Anh, Nguyễn Tường Thuỵ, Linh mục Ðinh Hữu Thoại, phóng viên Huyền Trang của DCCT, Phạm Lê Vương Các, Huỳnh Công Thuận, Bùi Thị Nhung, Thạch Thảo... Ngoài ra còn có chị Ðinh Nguyễn Quỳnh Như (chị ruột của Uy và Kha), chị Nhung mẹ của Nguyễn Phương Uyên, chị Trần Thị Nga và con từ Hà Nam vào, chị Dương Thị Tân, nhà báo Phạm Chí Dũng... [xem hình từ trái: chị Trần Thị Nga và con nhỏ, Trịnh Kim Tiến đang mang thai đứa con đầu lòng và chồng là Paulo Thành Nguyễn].
Chỉ 3 ngày sau, tức 28-8-2013, đại diện Mạng lưới các bloggers Việt Nam tiếp tục đến trao Tuyên bố 258, cũng như trao đổi vấn đề nhân quyền ở Việt nam với Ðại sứ quán Ðức ở Hà Nội. Trong lần đến Ðại sứ quán Ðức này các blogger có gặp chút trở ngại so với các lần đến các cơ quan ngoại giao khác, nhưng vụ việc cho thấy nó không xuất phát từ sự sợ sệt của họ mà là từ nỗi sợ của công an Cộng sản Việt Nam.
Trong khi tiếp xúc [xem hình], các ông Felix Schwarz, Lãnh sự và tham tán chính trị; và ông Jonas Koll, Bí thư thứ nhất phụ trách Văn hóa, Báo chí và Chính trị; tỏ ra đặc biệt quan tâm đến tình trạng bị đàn áp của từng cá nhân blogger có mặt, kể cả những nguy hiểm, trục trặc về an ninh trên đường tới Sứ quán tham dự buổi gặp mặt. Cả hai ông đều cảm thấy “không thể tưởng tượng nổi” khi nghe các blogger trình bày sơ qua về tình hình vi phạm nhân quyền vốn diễn ra tràn lan ở Việt Nam trong những năm qua. Hai ông cũng nói Ðức sẽ vận động để đưa Tuyên bố 258 này ra phiên họp UPR [Universal Periodic Review] vào năm tới tại Geneva. Ðây là phiên họp tổng kết bản đánh giá định kỳ phổ quát của Việt Nam với tư cách ứng viên vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Buổi gặp kết thúc với việc Ðại sứ quán Ðức cho biết sẽ cùng Liên minh Châu Âu đặt vấn đề để Chính phủ Việt Nam xóa bỏ Ðiều 258 Bộ luật Hình sự cũng như những điều luật vi phạm nhân quyền khác... Ðáp lại, các blogger Việt Nam cảm nhận được sự cảm thông và chia sẻ rất lớn từ Ðại sứ quán Ðức.
Trả lời phóng viên Trà Mi của đài VOA ngày 28-8-2013, blogger Hư Vô, tức cô Ðào Trang Loan, một thành viên trong nhóm đã nói:
“Sáng nay khi chúng tôi tập trung đi đến đại sứ quán Ðức, xung quanh đại sứ quán rất nhiều an ninh mật vụ rải rác ở công viên Trần Phú đối diện. Có một số blogger đã bị chặn ngay tại nhà. Blogger Nguyễn Ðình Hà bị chặn ngay trước cổng không cho ra khỏi nhà và Nguyễn Chí Ðức bị mời lên công an phường làm việc, mới được thả về khoảng 5 giờ chiều nay.”
Do vậy cuộc gặp chỉ có 5 blogger đều là các gương mặt nữ. Ðó là các chị Ðặng Bích Phượng tức Phương Bích, Nguyễn Hoàng Vi tức An Ðổ Nguyễn, Lê Hiền Giang tức facebooker Sông Quê, Lê Thị Phương Lan tức Lan Lê và Ðào Trang Loan tức Hư Vô [Xem hình từ trái].
Thời gian tiếp xúc cho thấy đã quá trưa, nhưng trước cổng, rất đông an ninh Cộng sản Việt Nam vẫn đứng chờ các blogger ra. Thấy vậy, Ðại sứ quán đề nghị dùng xe công vụ, và bố trí người của sứ quán đi cùng, để đưa mọi người về nhà cho được an toàn; nhưng các blogger chỉ xin được hỗ trợ xe. Sau đó, hai ông Felix Schwarz và Jonas Koll tiễn cả nhóm ra tận xe, rồi mới quay trở vào [xem hình].
Như vậy, nhìn chung, tuổi trẻ, ít nhứt cũng gồm các blogger trong Mạng lưới các blogger Việt Nam, với Bản Tuyên bố 258 khởi đầu nhiều sôi động, đã chẳng những chứng tỏ tuổi trẻ không vô cảm mà còn là “biểu tượng” của dũng cảm phù hợp với ánh mắt sáng ngời, với dáng đứng hiên ngang, với phút chót từ chối nhờ luật sư biện hộ do áp lực đe dọa của công an, để tự biện hộ, để dứt khoát nói trước tòa rằng mình vô tội, hùng hồn “đuổi bọn Tàu khựa cút khỏi biển đông”, dứt khoát nói trước tòa rằng “chống Ðảng không phải là chống Nhà nước”... từ Tòa Sơ thẩm đến Tòa Phúc thẩm, của người sinh viên vừa hơn 20 tuổi Nguyễn Phương Uyên, với sự ủng hộ và ngưỡng mộ của nhiều người, thuộc đủ mọi thành phần, đủ mọi thế hệ... khiến Tòa không tuân theo đề nghị y án của Viện Kiểm Sát, mà tuân theo “nút bấm” điều khiển từ xa, bất ngờ tuyên bố cho Nguyễn Phương Uyên được tự do rời nhà giam, về với tự do trong “nhà tù lớn”, ngay sau khi kết thúc phiên tòa, khởi đầu cho liều thuốc hiệu nghiệm trị căn bịnh bị di căn từ lâu, trong môi trường Xã hội Chủ nghĩa, là “vô cảm”, và “sợ sệt” công an côn đồ Cộng sản Việt Nam...
Xin nhớ lại lời Nguyễn Phương Uyên trả lời Trà Mi của đài VOA, sau khi rời khỏi nhà tù, rằng: “Tôi không muốn mắc phải căn bệnh rất khó trị ở các thanh niên cùng tuổi tôi. Tôi muốn làm một bài thuốc để thanh niên Việt Nam nhìn thấy mà làm hết mình, ‘cháy’ hết mình, không còn bị vô cảm và sợ hãi, vốn đã bị tiêm nhiễm ngay từ bé”; và không biết ngẫu nhiên nào khiến các blogger đến gặp các ông Felix Schwarz, Lãnh sự và tham tán chính trị; và ông Jonas Koll, Bí thư thứ nhất phụ trách Văn hóa, Báo chí và Chính trị, ở Ðại sứ quán Ðức, chỉ gồm 5 người nữ thuộc các thế hệ lớn nhỏ khác nhau, trong đó có các cô gái trẻ Ðào Trang Loan, Nguyễn Hoàng Vy, Lê Thị Phương Lan... khiến Giáo Già nghĩ tới người con gái cũng còn rất trẻ đang bị Cộng sản Việt Nam đày đọa trong tù ngục là Ðỗ Thị Minh Hạnh [xem hình], người con gái kiên cường trong đấu tranh binh vực công nhân bị Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cấu kết với Tư bản Ðỏ bóc lột trong các nhà máy, và trong cả lao tù, đã khiến nhà thơ Trần Trung Ðạo viết thành “Mấy vần thơ cho Ðỗ thị Minh Hạnh”, nói rằng:
“...Lịch sử đang chờ em để bước sang trang
Dân tộc vịn vai em để đi cùng nhân loại
Những người chết đang bắt đầu sống lại
Những người đi đang lần lượt quay về...
Nói về Ðỗ Thị Minh Hạnh, mẹ cô, bà Trần Thị Ngọc Minh đã có “Bản Tường Trình” gởi mọi người dân Việt; và cha cô, ông Ðỗ Ty, có “Ðơn Ðề Nghị” gởi các cấp lãnh đạo hàng đầu Cộng sản Việt Nam; xem đó mọi người có thể hình dung sự kiên cường của người con gái trẻ Ðỗ Thị Minh Hạnh và sự gian ác của Cộng sản Việt Nam. Rất tiếc là lúc đó cái “nút bấm” chưa bị áp lực dồn dập từ nhiều phía để hiện trên tay người lãnh đạo hàng đầu Cộng sản Việt Nam, cho đến gần đây, trước khí thế đấu tranh dũng cảm của tuổi trẻ quốc nội, và áp lực của quốc tế, khiến nó phải miễn cưỡng bất ngờ xuất hiện giải thoát Nguyễn Phương Uyên.
Do vậy, bây giờ đã tới lúc mọi người cần dựng lại các áp lực đã có, nhưng chưa hiệu quả, để chuẩn bị đưa Ðỗ Thị Minh Hạnh rời nhà tù trong vinh quang như Nguyễn Phương Uyên ngày 16-8-2013 vừa qua. Xin ghi lại một số trường hợp điển hình:
A. Trên bình diện quốc tế:
1. Hệ thống phát thanh SBS của Australia, trích tin của hãng tin AAP, tường trình rằng Ngoại trưởng Australia Bob Carr [xem hình] đã yêu cầu Hà Nội phóng thích 3 nhà hoạt động bênh vực quyền của người lao động Việt Nam ra khỏi nhà tù là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Ðoàn Huy Chương và Ðỗ Thị Minh Hạnh. Ðó là 3 nhơn vật bị kết án hồi năm 2010 vì vai trò của họ trong một cuộc đình công tại một xưởng sản xuất giầy dép tại Việt Nam. Nguồn tin cũng cho biết thêm là theo tin của AAP, Ngoại Trưởng Carr đã nói tới vấn đề này khi gặp Bộ trưởng Ngoại giao Cộng sản Việt Nam Phạm Bình Minh bên lề hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Brunei. Trong một thông báo, Bộ trưởng Ngoại giao Úc phát biểu: “Chúng tôi nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền tự do lập hội, và quyền tự do thành lập công đoàn. Hôm nay tôi đã yêu cầu Việt Nam trả tự do cho những cá nhân này.”
2. Hồi đầu tháng 6 vừa rồi, cả ba nhà hoạt động trẻ tuổi này [xem hình từ trái: Ðỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Ðoàn Huy Chương] đã được nêu tên trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, khi Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao Ðộng Daniel Baer nhắc tới 120 tù nhân chính trị bị giam cầm tại Việt Nam chỉ vì đã hành sử quyền tự do ngôn luận.
3. Ngày 21 tháng 8 năm 2012, tổ chức Freedom Now, một tổ chức đấu tranh cho nạn nhân của bạo quyền, tổ chức sáng danh hai lãnh tụ tinh thần là Tổng Giám Mục Desmond Tutu và Vaclav Havel, tổng thống đầu tiên của Tiệp Khắc thời hậu Cộng sản; đã chính thức nhận lời thỉnh cầu của bà Minh, là mẹ của Ðỗ Thị Minh Hạnh, để đại diện phát động chiến dịch vận động cho Ðỗ Thị Minh Hạnh và những người đồng sự của cô. Freedom Now nói rằng họ sẽ tiếp tục theo dõi hồ sơ này cho đến khi 3 người trẻ này được trả tự do.
4. Tháng 9 năm 2012, thông qua sự yểm trợ của nhóm Thái Ðộ Việt Nam, với các thành viên ở Hoa Kỳ, họ đã có thư kêu cứu cho Ðỗ Thị Minh Hạnh, Ðoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, gửi đến các Thượng Nghị sĩ Frank Wolf và Gerry Connolly tại Washington. Thư cũng được chuyển đến bà Bộ trưởng Ngoại giao Hilary Clinton.
5. Theo nguồn tin ghi nhận dân chủ từ hãng thông tấn AP người ta được biết Ông Benjamin Ismail [xem hình], giám đốc phụ trách ban Á Châu-Thái bình dương của Tổ chức Ký giả Không biên giới cho hay Tổ chức Ký giả Không biên giới sẽ phát động một chiến dịch mới để gia tăng áp lực đòi Cộng sản Việt Nam trả tự do cho 35 bloggers còn bị cầm tù tại Việt Nam; trong đó có Ðỗ Thị Minh Hạnh. Ông nói: “Chúng tôi sẽ phát động một chiến dịch mới để đòi trả tự do cho tất cả 35 blogger hiện còn đang bị cầm tù tại Việt Nam. Họ là những thí dụ sống minh họa cho những chính sách đàn áp đang được thi hành tại Việt Nam, vốn đã được tăng cường trong vài tháng, vài tuần qua.”
Tin được thông tín viên Tường An của đài RFA phát đi ngày 3-3-2013, nói rằng “Ngày 12-2-2013 vừa qua, nhóm Ðặc trách về Giam giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc đã ra bản công bố số 42/2012, trình bày quan điểm của họ về việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ 3 người hoạt động cho Công đoàn là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Ðỗ Thị Minh Hạnh và Ðoàn Huy Chương. Bản tuyên bố quan điểm này là kết quả quá trình kết hợp làm việc trong một thời gian dài giữa nhiều tổ chức khác nhau: Lao Ðộng Việt, trụ sở tại Ba Lan; văn phòng Luật sư Lâm Chấn Thọ ở Canada; và Tổ chức Freedom Now cùng với tổ hợp Luật sư Woodley MacGillivary ở Hoa Kỳ.”
LHQ đã chính thức bác bỏ lập luận của nhà cầm quyền VN cho rằng những tù nhân Ðỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Ðoàn Huy Chương vi phạm luật pháp Việt Nam mà chính nhà cầm quyền Việt Nam đã vi phạm luật Nhân quyền Quốc tế. Chúng đã vi phạm một cách trắng trợn điều 9, 10, 20, 21 của Tuyên ngôn Nhân quyền, và điều 9, 10, 14, 20, 25 của Hiệp ước về Quyền Dân sự và Quyền Chính trị mà Việt Nam đã ký. Phần ông Phil Robertson [xem hình], Phó Giám đốc phụ trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW cũng thẳng thắn phát biểu: “Không có lý do gì để biện minh cho việc áp đặt những mức án tù nặng nề đối với ba nhà vận động công nhân ở cấp cơ sở này, và cần phải trả tự do cho họ ngay lập tức.”
B. Phần đóng góp của đồng bào quốc nội và người Quốc gia Việt Nam hải ngoại gồm có:
Tin được đài VOA phổ biến ngày 23.10.2011 cho biết Giải thưởng thường niên của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở tại bang California, Hoa Kỳ, năm 2011, được trao cho tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ và nhà tranh đấu vì quyền lợi công nhân Ðỗ Thị Minh Hạnh. Lễ trao giải đã diễn ra đúng vào ngày Quốc tế Nhân Quyền 10-12-2011 tại thành phố Melbourne, Australia. Ông Ðoàn Việt Trung, Trưởng Ban Tổ chức lễ trao giải, đã phát biểu: “Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ và cô Ðỗ Thị Minh Hạnh đã được chọn. Hai người này rất xứng đáng. Họ đã chứng tỏ lòng đấu tranh kiên trì và can đảm. Cô Hạnh ngay đến bây giờ trong khi đang bị giam trong tù, vẫn khẳng định lý tưởng của mình, mong muốn Việt Nam dân chủ, tự do, người lao động không bị luật lệ của nhà nước gò bó. Còn luật sư Vũ được nhiều người biết đến qua các bài viết rất sắc bén. Giải thường dành cho họ là món quà nhỏ tượng trưng để nói với họ và người thân của họ là người Việt không quên những hy sinh của họ, và vinh danh họ rất trân trọng.”
Ngày 30-8-2013 Các Chức Sắc Tôn Giáo Việt Nam gồm: Cụ Lê Quang Liêm, Hội trưởng PGHH (đt: 0199.243.2593); Hòa thượng Thích Không Tánh, Phật giáo (đt: 0165.6789.881); Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, Công giáo (đt: 0984.236.371); Linh mục Giuse Ðinh Hữu Thoại, Công giáo (đt: 0935.569.205); Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, Công giáo (đt: 0993.598.820); Chánh trị sự Hứa Phi, Cao Ðài giáo (đt:0163.3273.240); Chánh trị sự Nguyễn Kim Lân (đt: 0988.971.117); Chánh trị sự Nguyễn Bạch Phụng (đt: 0988.477.719); Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa (đt: 0949.275.827); Mục sư Hồ Hữu Hoàng (đt: 0902.761.057); Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng (đt: 0906.342.908); Ông Phan Tấn Hòa, PGHH (đt: 0162.630.1082); Ông Trần Nguyên Hưởn, PGHH (đt: 0167.341.0139); Mục sư Lê Quang Du, Tin Lành (đt: 0121.2002.001); Mục sư Nguyễn Trung Tôn (đt: 0162.838. 7716); đã cùng ký chung trong một bản Lên Tiếng “Phản đối nhà cầm quyền đang dùng nhà tù ngược đãi những thanh niên yêu nước và yêu cầu đưa sinh viên tù nhân Ðỗ Thị Minh Hạnh ra ngoài chữa bệnh...”; đồng thời “Thỉnh cầu các tổ chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Quốc tế và các quốc gia giám sát việc thực thi nhân quyền ở Việt Nam, nhất là kịp thời ngăn cản sự ngược đãi và tra tấn tù nhân dưới mọi hình thức đang diễn ra ở Việt Nam, đồng thời buộc nhà cầm quyền Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn nhân đạo của Liên Hiệp Quốc về nhà tù”...
Cùng ngày 30-8-2013 Uỷ Hội LHQ về Tình Trạng của Nữ Giới xác nhận với BPSOS sẽ chuyển cho chính quyền Việt Nam các hồ sơ được nộp bởi BPSOS và những hội đoàn bạn hồi cuối tháng 7-2013. Ðỗ Thị Minh Hạnh là một trong số 23 hồ sơ đã cung cấp cho uỷ hội này. Theo thể thức của LHQ, Việt Nam sẽ phải trả lời trong thời hạn 3 tháng. Ðồng thời Liên Ðoàn Nghiệp Ðoàn Quốc Tế (International Trade Union Confederation, hay ITUC) cho biết là đã nhận hồ sơ của BPSOS nộp về vấn đề quyền lao động để chuyển cho Tổ Chức Lao Ðộng Quốc Tế (International Labor Organization, hay ILO).
Ngày Thứ Năm 29-08-2013 Tiến sĩ Nguyễn Ðình Thắng cho công bố chương trình “Ðỡ Ðầu Tù Nhân Lương Tâm” mà mục tiêu của bước đầu là vận động sự can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ và quốc tế để Việt Nam trả tự do trong thời gian rất ngắn. Trong danh sách các người tù lương tâm được đề cặp tới Ðỗ Thị Minh Hạnh đứng hàng thứ 2, sau Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Sau đó là Hồ Thị Bích Khương; Nguyễn Xuân Nghĩa; Nguyễn Văn Hải (Ðiếu Cày): Lm. Nguyễn Văn Ly; Tạ Phong Tần; Trần Huỳnh Duy Thức; Trần Vũ Anh Bình; Võ Minh Trí (Việt Khang). Lấy trường hợp Ðỗ Thị Minh Hạnh làm tiêu biểu, cuộc vận động sẽ được thực hiện từng bước như sau:
- Cuối tháng 7, vận động dân biểu Hoa Kỳ đỡ đầu Ðỗ Thị Minh Hạnh;
- Cuối tháng 7, báo động cơ quan LHQ bảo vệ quyền của phụ nữ;
- Giữa tháng 8, báo động một số tổ chức bảo vệ quyền lao động để đặt vấn đề với các chính quyền đang thương thảo đối tác mậu dịch xuyên Thái Bình Dương với Việt Nam;
- Tuần rồi, cung cấp lời cầu cứu của gia đình đến các báo cáo viên đặc biệt của LHQ về chống tra tấn và về sức khoẻ;
- Ðầu tuần này, báo động các tổ chức nhân quyền quốc tế để cùng lên tiếng can thiệp;
- Cuối tuần này, báo cáo cho Tổ Chức Lao Ðộng Quốc Tế (ILO). Tổ chức này đang chuẩn bị cho kỳ duyệt xét việc thi hành các công ước của ILO bởi các quốc gia thành viên. Việt Nam là một quốc gia thành viên...;
- Cuộc vận động đã và đang tiến hành. Hy vọng thành quả sẽ đạt được trong thời gian ngắn hơn lòng mong đợi của mọi người.
5. Ngày 27-8-2013 Phong Trào Con Ðường Việt Nam phổ biến văn bản “khẩn cấp thông báo cùng lương tâm công luận về trường hợp bị ngược đãi, đối xử vô nhân đạo của tù nhân lương tâm Ðỗ thị Minh Hạnh, 28 tuổi, người từng được giải thưởng nhân quyền Việt Nam năm 2011 cùng tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, hiện đang chịu án tại trại giam Z30A Xuân Lộc Ðồng Nai” để “...tạo áp lực giúp tù nhân lưong tâm Ðỗ thị Minh Hạnh nhanh chóng được hưởng các quy chế căn bản mà Luật Quốc tế về quyền con người đã quy định...”
Như vậy dư luận quốc tế và mọi người Quốc gia Việt Nam đã không quên Ðỗ Thị Minh Hạnh, như đã không quên những đứa con dũng cảm của Tổ quốc Việt Nam, như Nguyễn Phương Uyên, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Ðoàn Huy Chương, linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Cù Huy Hà Vũ, Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, nhạc sỹ Việt Khang, nhạc sỹ Trần Vũ Anh Bình, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Ðào, Hồ Thị Bích Khương, luật sư Lê Quốc Quân, Nguyễn Xuân Nghĩa, các cựu đảng viên Cộng sản Vi Ðức Hồi và Trần Anh Kim, ông Ðoàn Văn Vươn, ông Ðoàn Văn Vệ...
Mọi hành động tiếp tục gõ cửa các tổ chức Nhân Quyền, các chính phủ của các quốc gia Tây phương giàu lòng nhân ái... chắc chắn sẽ mở tung cánh cửa Tự Do cho các tù nhơn lương tâm, mà Nguyễn Phương Uyên là một điển hình sống động. Tiếp theo sau đó sẽ là Ðỗ Thị Minh Hạnh... khi lòng vô cảm và nỗi sợ coi như không còn đè nặng tuổi trẻ Việt Nam; mà điển hình ai cũng thấy qua Mạng lưới Blogger Việt Nam; qua bản Tuyên bố 258 với cuộc vận động vang động quốc tế; từ Việt Nam qua Thái Lan...; qua các cuộc họp mặt hào hứng từ Hà Nội đến Sài Gòn ngày 25-8-2013, khiến bếp lửa Nhân Quyền phừng phựt cháy sưởi ấm con tim vài ba thế hệ, từ thế hệ đi trước như các bà mẹ của Nguyễn Phương Uyên, chị Ðinh Nguyễn Quỳnh Như (chị ruột của Ðinh Nguyên Kha và Ðinh Nhật Uy), chị Trần Thị Nga và con từ Hà Nam vào Sài Gòn tham dự, bà Dương Thị Tân, Linh mục Ðinh Hữu Thoại... đến thế hệ tiếp nối như Thảo Chi, Kim Tiến, Văn Thi, Thành Nguyễn, Thục Vy, Bùi Chát, Tiểu Anh...;
Đặc biệt nổi bật qua phần ứng khẩu phát biểu của nhà báo Phạm Chí Dũng [xem hình người đứng bên phải], người từng bị Cộng sản Việt Nam “bắt khẩn cấp” do Ðiều 258, nhưng một tháng sau Hội nghị Trung ương 6 của Cộng sản Việt Nam anh được tại ngoại, và hồi tháng hai năm nay thì phía Công an Việt Nam quyết định “đình chỉ điều tra”, coi như anh hoàn toàn tự do; sau đó anh đòi báo Tuổi Trẻ phải đính chính và xin lỗi về những thông tin sai lệch mà tờ báo này từng đưa về anh, gây ảnh hưởng xấu đến cá nhân và uy tín của gia đình anh; đây là chuyện chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam; nên sự góp mặt của anh tại Cafe BB, 143/1/2 CMT8, P10, Q3... đã khiến cuộc họp mặt thêm phần phấn khởi.
Dịp này, anh chia sẻ những nhận định của anh với mọi người và nói rằng tình hình trong một năm rưỡi tới sẽ ít hoặc không có bắt bớ. Anh nói đây là giai đoạn tốt để phát triển Dân chủ và Xã hội Dân sự... Anh sẽ hỗ trợ về truyền thông quốc tế và mong muốn các blogger hãy tiếp tục dấn thân mạnh mẽ về lãnh vực truyền thông để phát triển Dân chủ. Bên cạnh đó, do là một nhà báo chuyên nghiệp, anh hứa sẽ huấn luyện kỹ năng viết cho các bạn trẻ.
Từ đó, qua những trao đổi sôi nổi, chia sẻ những việc đã thành tựu trong những tháng ngày qua..., tuổi trẻ đã cùng nhiều bậc cha anh..., mẹ chị... không còn “vô cảm” nữa, không còn “sợ sệt” công an trù dập, như trước đó chỉ một buổi tham gia sinh nhật bạn bè hay một tối ngồi uống cà phê trò chuyện cũng đủ để bị công an “kiếm chuyện”, hay bị bọn an ninh đội lốt côn đồ hành hung tàn bạo, hay như Nguyễn Hoàng Vi ở Sài Gòn bị công an cướp giựt điện thoại, tư trang và đánh đập dã man gây nhiều thương tích... hay lớp học tiếng Anh chỉ vì có mặt các blogger mà bị đàn áp dã man...; bây giờ họ không còn ngại gian nguy như trước..., mà hăng hái tham gia góp mặt, để cùng vạch ra con đường tiếp bước..., và qua những nụ cười trên môi... mọi người hẳn thấp thoáng thấy Ðỗ Thị Minh Hạnh nối tiếp Nguyễn Phương Uyên ra tù... thấp thoáng thấy niềm tin và hy vọng cho những công việc làm của tuổi trẻ Việt Nam và tương lai trước mắt.