Từ tiếm danh đến loạn ngôn, lộng ngôn và... lừa bịp! - Dân Làm Báo

Từ tiếm danh đến loạn ngôn, lộng ngôn và... lừa bịp!

Vũ Bất Khuất (Danlambao) - Trên đây là tựa bài viết của Vũ Hợp Lân đăng trên báo Nhân Dân ngày 10.9.2013. với phần mở đầu khá “ấn tượng” như sau: Gần đây trên internet, một số người nhân danh "mạng lưới blogger Việt Nam" đã phát tán bản "tuyên bố" đề cập một cách tiêu cực về nhân quyền ở Việt Nam. Thông tin từ nhóm người này, cùng với sự phụ họa và cổ vũ của một số người khác trên internet, cho thấy họ đang đi từ sự tiếm danh đến lộng ngôn, loạn ngôn để lừa bịp dư luận.

Có lẽ từ bài viết này mà lú ra “Lời kêu gọi ký tên vào bản phản bác tuyên bố 258” của Võ Khánh Linh, bài viết của Hoàng thị Nhật Lệ, Đông La (bài đăng trên báo Văn Nghệ số 271 ngày 19/92013 đã bị gỡ). Cả bốn bài viết trên nhằm phản bác và kết án nhóm blogger ra Tuyên Bố 258 là “tiếm danh đến loạn ngôn, lộng ngôn và... lừa bịp!”

Ở đây không bàn về những bài viết này, mà tạm mượn cái tít ấy để xét về ba lời tuyên bố bậm trợn vừa được các chóp bu tung ra:

- Một là của bà Nguyễn thị Doan, phó chủ tịch nước “Người ta ăn của dân không còn một thứ gì”

- Hai là của ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch quốc hội “Có tham nhũng trong lực lượng phòng chống tham nhũng?”.

- Ba là của ông Ksor Phước, chủ tịch hội đồng dân tộc quốc hội “Dân còn nghèo quá mà xây trụ sở như cung điện”.

Ba lời tuyên bố trên hoàn toàn đúng sự thật, không có một tí gì gọi là loạn ngôn và lộng ngôn. Nhưng nó là một sự tiếm danh và cũng là sự lừa bịp vĩ đại.

Nếu như vị trí của họ là do chính tay người dân trực tiếp lựa chọn bằng một kiểu cách bầu cử hoàn toàn tự do, dân chủ thì ba câu nói trên không có điều kiện để nói ra. Vì sao? Họ sẽ sử dụng quyền lập pháp của mình để thiết lập những định chế để ngăn chận, khám phá và trừng trị một cách đích đáng những hành vi mà họ đang kêu rêu. Trên cương vị phó chủ tịch nước bà Doan có đủ thẩm quyền về hành pháp một cách đúng đắn thì liệu những tình huống nát bét kể trên liệu có điều kiện để xảy ra không?

Khái niệm lập pháp, hành pháp, tư pháp hoàn toàn độc lập liệu có thể tạo ra những hành vi bao che, nhưng bản án định sẵn không? Có thể có tham nhũng, có thể có bao che, có thể có những bản án định sẵn. Nhưng không thể có cái tình trạng nát bét như thế này.

Cái thể chế độc đảng, một mình một chợ ấy là nguyên nhân làm nên một chính quyền thối nát, một xã hội tan hoang.

Và những phát ngôn mang tính “thành thật hiếm hoi” ấy hóa ra cũng chỉ là một sự lừa bịp nhằm xoa dịu những bức xúc của xã hội. “Người ta” của bà Doan vẫn cứ ăn luôn cả cái lai quần. “Người chống tham nhũng” của ông Hùng vẫn cứ tham nhũng. “Các cơ quan” của ông Ksor Phước vẫn cứ vét cái túi lép kẹp của dân để xây trụ sở hoàng cung.

Đây mới thật là “Từ tiếm danh đến loạn ngôn, lộng ngôn và... lừa bịp!” đấy ông Vũ Hợp Lân ạ




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo