Vũ Bất Khuất (Danlambao) - Trong bài viết “Cảnh giác trước lời kêu gọi “tạm dừng” sửa đổi Hiến pháp” của Nguyễn Văn Minh đăng trên báo QDND ngày CN 20.10.2013 đã khẳng định một cách hàm hồ rằng: “Với bản Hiến pháp cần có hiện nay, nó không chỉ là bản tổng kết thành quả cách mạng mà còn đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho cách mạng cho chặng đường tiếp theo của đất nước, thể hiện rõ tính cương lĩnh của “đạo luật số 1 quốc gia”. Mà với đất nước ta hiện nay, con đường được lựa chọn vẫn là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã được Đảng, Bác Hồ và toàn dân ta đã lựa chọn, không có con đường nào khác.”
Và nó đã được:
“...lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thực sự là một đợt sinh hoạt chính trị lớn, mọi công dân đều có quyền góp ý và mọi sự góp ý, kể cả góp ý có nội dung trái ngược với các bản dự thảo do Quốc hội công bố, trái ngược với ý kiến của đông đảo nhân dân vẫn được ghi nhận và đó là điều hoàn toàn bình thường trong sinh hoạt chính trị.”
- Con đường XHCN thì đang cụt dần không lối thoát.
- Lấy ý kiến “đồng ý” của nhân dân là một sinh hoạt chính trị lớn và bình thường như một trò hề.
Hai điều này thì cả bàn dân thiên hạ đều biết, tất nhiên tác giả bài báo chẳng có lý do gì mà không biết.
Tác giả đã viện dẫn Ông Nguyễn Sinh Hùng đã nhiều lần khẳng định trước các phiên hợp UBTV/QH: “Hiến pháp là vấn đề rất hệ trọng liên quan đến thể chế, bộ máy Nhà nước, liên quan đến cuộc sống của mỗi người dân. Trước đòi hỏi đổi mới, phát triển đất nước, tháo gỡ những “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách, nếu chậm trễ thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thì chính việc này sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước.”
Với những luận điểm trên tác giả bài viết đã làm một trò chơi chữ nghĩa rất tồi để nhằm mục đích bảo vệ cái “hiến pháp” như là một “cương lĩnh chính trị” của đảng. Và cái hiến pháp ấy đã trở thành Hiếp Pháp để giải quyết những “điểm nghẽn” về cơ chế chính sách mà ông Nguyễn Sinh Hùng đã nêu. Tác giả cũng nhắc lại quá trình soạn thảo Hiến Pháp đầu tiên và tiếp theo cùng với việc xây dựng cơ chế, chính sách, một cách nhanh chóng tinh gọn nhưng vẫn đạt chất lượng đến... nổi gai ốc vì kinh hoàng.
Tác giả cũng đưa ra cái nguyên tắc “thiểu số phục tùng đa số” sau khi viện dẫn này khác rồi túm lại “Xét cho cùng, trong xây dựng Hiến pháp, lựa chọn thuộc về nhân dân, về tâm trạng quần chúng trong từng giai đoạn lịch sử. Với bản Hiến pháp cần có hiện nay, nó không chỉ là bản tổng kết thành quả cách mạng mà còn đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho cách mạng cho chặng đường tiếp theo của đất nước, thể hiện rõ tính cương lĩnh của “đạo luật số 1 quốc gia”.
Ừ thì cứ cho là sự lựa chọn thuộc về nhân dân, nhưng liệu có dám cho trưng cầu dân ý có sự giám sát không? Hay là do Quốc hội của “nhân dân” biểu quyết và Nhà nước của “nhân dân” ban hành theo lệnh Đảng.
Trên thực tế, từ ngày có sự xuất hiện của đảng Cộng Sản tại Việt Nam, nhất là từ khi họ cướp được chính quyền chưa bao giờ họ đưa ra một cơ chế chính sách nào mà không có “điểm nghẽn”. Cái “điểm nghẽn” ấy chính là tính lập lờ không minh bạch được lan tỏa trên mọi lãnh vực đời sống khi Cộng Sản mó tay vào. Đó chính là điều họ muốn để họ tha hồ tự tung tự tác giết người cướp của như “cải cách ruộng đất” ở miền Bắc, “cải tạo công thương nghiệp” ở miền Nam, “nghị quyết ĐH/VI” tuyên bố đổi mới, mở cửa tham gia kinh tế thị trường để có điều kiện ăn chận, ăn bớt tiền vay, tiền viện trợ từ nước ngoài để giờ đây lâm nợ với một con số khủng 1.500USD/một người dân.
Tất nhiên, người dân sẽ lóa mắt trước những đổi thay trước mắt mà quên cái món nợ sau lưng. Từ “tem phiếu” sang muốn mua gì cũng có thì quá sướng rồi và những “điểm nghẽn” cứ tha hồ mà xuất hiện.
Một thành phần dân chúng mới đã xuất hiện cùng lúc với những “điểm nghẽn” mà họ nhận ra là dân oan, là người nhận ra những nguy cơ mà đất nước và dân tộc phải đối diện, để rồi một số đã trở thành Tù Nhân Lương Tâm cùng với những cái nhìn e dè của các đối tác trong quan hệ quốc tế.
Để giải quyết hay nói đúng hơn là che lấp những “điểm nghẽn” ấy. Cộng Sản đang đặt trọng tâm vào những việc:
1. Với Trung Quốc củng cố “4 tốt, 16 chữ vàng”;
2. Với các đối tác còn lại “xây dựng lòng tin chiến lược” (!?) để in viện trợ, vay tiền và đầu tư;
3. Với dân tộc, không cần lắng nghe phản biện, đàn áp thẳng tay nhưng phải khéo và bí mật;
4. Thay đổi Hiến Pháp năm 1992 Hiến Pháp phải trở thành một cương lĩnh, khẳng định tính toàn trị. Và nó không được phép chậm trễ phê duyệt
Tóm lại “điểm nghẽn” chính là Láo Toét.
Đảng Cộng sản láo toét, Nhà nước XHCN láo toét, Quốc hội láo toét. Và một bản Hiến pháp láo toét.