Bộ Công thương khen thủy điện, lũ chồng lũ tại... trời? - Dân Làm Báo

Bộ Công thương khen thủy điện, lũ chồng lũ tại... trời?

Phương Nguyên (Báo Đất Việt) - Ngày 25/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với lãnh đạo của 8 tỉnh miền Trung và các Bộ, ngành về vấn đề lũ lụt ở miền Trung liên quan đến thủy điện. Nhiều đại biểu đã có đánh giá chung là hồ thủy điện góp phần giảm lũ chứ không thể gây lũ.

Bộ Công thương bênh thủy điện


Thậm chí có ý kiến còn cho rằng một số nhà máy thủy điện ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên xả lũ làm ngập lụt lớn ở vùng hạ du, gây thiệt hại lớn về người và tài sản trong đợt lũ lụt vừa qua là chưa phản ánh đầy đủ, khách quan thực trạng.

Dân phải chịu thiệt hại từ lũ chồng lũ nhưng cơ quan quản lý nói thủy điện xả đúng quy trình

Nguyên nhân chính và chủ yếu gây ra lũ lụt tại khu vực này vừa qua là do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn. Nhiều nơi lũ vượt mức lịch sử, gây thiệt hại nặng nề đối với một số tỉnh ở khu vực này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng theo báo cáo của các địa phương thời gian vừa qua, các chủ hồ cơ bản đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong vận hành các hồ chứa thủy điện.

"Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta đưa các quy trình này vào thực hiện khi các nội dung phê duyệt liên quan đến các quy trình đó không phải là hoàn toàn lý tưởng. Do đó, trong thời gian tới, cần xem xét kỹ hơn quy trình vận hành, đặc biệt là vận hành liên hồ chứa; trong đó có hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Nếu phát hiện sai sót, Bộ sẽ yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa”, ông Hoàng nói.

EVN chối trách nhiệm rành rành


Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và của chủ đầu tư các nhà máy thủy điện lại cho rằng việc vận hành các hồ chứa thủy điện lớn ở khu vực miền Trung đã thực hiện đúng theo quy trình vận hành liên hồ chứa và quy trình của từng hồ đã được phê duyệt.

Thậm chí các dự án thủy điện đã góp phần cắt giảm đỉnh lũ và lượng nước lũ về hạ du trên các sông, mặc dù các hồ chứa này theo thiết kế không có nhiệm vụ chống lũ.

Thông tin này trái với những gì mà người dân hạ du phải gánh chịu trong suốt thời gian mưa bão vừa qua. Đơn cử như thủy điện Đăk Mi 4 bị người dân Đại Lộc, Điện Bàn, Quảng Nam lên án về việc xả lũ ào ạt khiến người dân không kịp trở tay.

Còn tại hội thảo “Biến đổi khí hậu khu vực miền Trung-Tây nguyên: Thực trạng và giải pháp ứng phó” do Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức vào ngày 19/11, thạc sĩ Tô Thúy Nga (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) cũng nói thẳng: việc cảnh báo xả lũ của các thủy điện trong đợt lũ vừa qua là chưa hợp lý. Các thủy điện đang mắc một thực trạng là tích nước cho đầy hồ nhưng khi nước quá lớn lại thi nhau xả.

“Ngày 15/11 vừa qua, chúng tôi nghiên cứu những số liệu có được thì thấy thủy điện Đăk Mi 4 đã cảnh báo lũ không hợp lý. Khi lũ đến người ta vẫn tích nước, tức nằm trong quy trình cho phép nhưng không hề báo cho dân biết rằng: bây giờ đã có lũ…

Nhưng đến khi người ta tích nước lên đúng theo quy định, họ xả thì dân ở dưới không được báo và thấy lũ dâng nhanh, bất thường… Hậu quả của đợt lũ là do nước lên nhanh chứ đỉnh lũ là không lớn so với những đợt lũ khác”, bà Nga phân tích.

Trước những ý kiến này dư luận đặt câu hỏi phải chăng tất cả những thiệt hại vừa qua mà người dân phải gánh chịu chỉ là tại... ông trời?!.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo