Một thời khó quên! - Dân Làm Báo

Một thời khó quên!

Nguyên Thạch (Danlambao) - Dưới một thể chế độc tài toàn trị, công an là một tổ chức được xem là “Lá chắn” để bảo vệ chế độ. Cơ chế rất coi trọng và luôn ưu ái cho ngành này bởi lẽ nó được coi là lực lượng nồng cốt của nền chuyên chính vô sản. Nhìn vào đó, tuy rùng mình nhưng xã hội sẽ không ngạc nhiên khi nhìn thấy những khẩu hiệu như “Còn đảng Còn Mình” mang tính dụ dỗ cũng như phô trương để đe dọa toàn bộ xã hội.

Ở Việt Nam, Cơ cấu tổ chức có thể nới lỏng việc thu nhận nhân sự cho các ngành các cấp khác, kể cả quân đội. Nhưng với ngành công an thì bắt buộc phải có lý lịch “tốt”, ít nhất là 3 đời. Tiêu chuẩn “tốt” ở đây là gì?. Thứ nhất, phải thuộc thành phần “cách mạng”, con em liệt sĩ. Thứ hai, phải thuộc thành phần của giai cấp “Công Nông” vô sản. Thứ ba, không dính líu đến chế độ cũ. Muốn vào được tổ chức này, người tham gia phải đáp ứng được ba tiêu chuẩn kể trên.

Ông Hai Say, được Ba Mẹ ẵm theo khi ông lên một để làm Việt cộng, hay hiểu theo một cách khác là ông bị làm Việt cộng. Điều này có nghĩa là một đứa bé chỉ mới một tuổi thì dĩ nhiên là không có quyền lựa chọn, mà cha mẹ đặt đâu, con phải ngồi đó. 

Tôi còn nhớ mang máng câu người đời thường nói “Con giống cha là nhà có phước”, đúng quá. Không đúng sao được, bởi nếu nó giống ông hàng xóm thì phước đâu mà phước?. Ông Hai Say giống hoàn cảnh của cha y hệt, nghĩa là ông Nội của ông cũng dắt Ba của ông đi theo Việt minh khi Ba của ông còn là thằng con nít. Thường người ta hay nói “Ở đời không có cái dại nào giống cái dại nào” mà đằng này nhà ông Hai Say có cả ba cái dại giống nhau như đúc, thế mới phiền.

Ngày “phải giống”, sớm hơn 30 - 4 một chút, ông Hai Say cùng đoàn quân “phỏng dái” trông rất rùng rợn, từ rừng trở về huyện. Mẹ ông mang AK-47 trông rất bề thế, ông cũng có súng nhưng trông chẳng khí thế chút nào. Năm ấy ông 15 tuổi, huyện đội thấy ông còn trẻ với tính khí cực kỳ “nghệ sĩ tiểu tư sản” nên chỉ giao cho ông cây Carbine-M2 cưa báng, nhìn cây súng như một món đồ chơi, ông cũng mặc kệ.

Ngày 30 - 4, ông cùng mẹ và đoàn quân cách mạng tiếp thu chính quyền. Ông được đưa về cơ quan bưu điện, vừa làm, vừa đi học bổ túc văn hóa. Khi ông mười bảy tuổi mấy, tổ chức của cơ quan cho ông đi học bên ngành công an. Ở trường học, tối ngày chỉ nghe những điều hung hãn, cứng nhắc mang đầy tính bảo thủ... Cảm thấy không phù hợp với bản tính tự nhiên và thoải mái của ông chút nào, chỉ 9 tháng sau, chán, ông bỏ về.

Sống cuộc đời ruộng rẫy, tuy khổ nhọc nhưng ông cảm thấy thoải mái hơn. Những năm ấy do chính sách đánh tư sản nên đưa đến chuyện “ngăn sông cấm chợ” mà hệ quả của nó là có quá nhiều hình ảnh đau lòng. Tỉ như tụi công an và dân quân chặn xe lửa, xét xe đò, tịch thu gạo, đổ cá kho vân vân, nhiều lắm. 

Có một hôm ông chứng kiến cảnh một chị tuổi trạc 30 tuy gầy còm nhưng trông rất xinh gái, chì cố ôm xoong cá nục kho lại và nài nỉ tụi công an cũng như thú thật rằng: Các ông cho tôi được giữ nồi cá kho này vì nó chẳng đáng là bao nhiêu, tôi đem vào Sài Gòn để bán kiếm chút tiền lời về nuôi bốn đứa con, chồng tôi đã bị đi học “cải tạo”, khổ lắm mấy ông à. Tụi công an nghe đến đó liền nói: À vợ ngụy hả, xong một thằng kề bên đá xoong cá của chị rơi tung tóe xuống đất. Đau lòng vì nhìn thấy mớ cá kho thơm mà có thể nuôi sống cả gia đình hàng nửa tháng trong thời buổi gạo châu củi quế này, ông Hai tức khí nhào vô đám công an đấm đá chửi la túi bụi, hai thằng bị hộc máu mồm, một thằng liền lên đạn M-16 bóp cò. May cho ông nhưng rủi cho chị “buôn cá kho”, viên đạn vô tình đã bay xuyên thủng ngực, chị ngã xuống trên vũng máu bên cạnh những con cá nục kho loang lổ.

Công an tó ông về đồn, giam một tháng cho đi lao động, ông được thả về sau đó. Trong suốt thời gian bị giam, ông luôn ưu tư dằn vặt... Ông không hề hối tiếc vì hành vi đánh công an nhưng ông hối tiếc vì đã can thiệp để đưa đến kết quả thật đau lòng. Vì thế, sau khi ra tù, ông Hai liền tìm đến tông tích người phụ nữ xấu số với chỉ mong thắp được nén nhang để tỏ lòng thương tiếc. Nơi đây, một vùng quê ven biển, người vợ “ngụy” có đứa em gái út, nhỏ hơn ông hai tuổi, giống y hệt như chị, cô rất xinh. Chuyện đời khó hiểu... Có lẽ vong hồn người khốn khổ đã xui khiến cho ông đến với gia đình và sắp xếp cho cho cô em mình thương ông hầu đền đáp lại nghĩa cử của một đấng trai hùng. 

Lập gia đình ở đây, một năm sau vợ chồng ông sinh được một đứa con trai. Bố vợ ông là một viên chức cao cấp của chế độ VNCH, cũng bị đi ở tù mãi tận ngoài Bắc. Năm 1992, Ba Má vợ được đi Mỹ theo diện ODP (Orderly Departure Program) mà cộng sản Việt Nam thường gọi theo danh sách hồ sơ là HO, gọi riết thành quen là vậy. Bên vợ của ông chỉ toàn con gái, bốn tiên nữ, cô nào cũng thông minh hiền hậu và xinh xắn. Vợ ông và hai đứa con gái giữa, tức chị vợ của ông cũng được bảo lãnh đi Mỹ vào năm 1996. 

Ông cùng đứa con trai quyết định ở lại Việt nam, ý nghĩ chính của ông là sinh ra nơi đây thì chết cũng nơi đây. Ngoài ra, ông còn thố lộ rằng ông mong được góp phần mình trong công cuộc đấu tranh, mong được tận mắt nhìn thấy ngày sụp đổ của đám hung tàn này. Ông nguyện lòng rằng sẽ giáo dục cho đứa con thân yêu sẽ cùng ông góp phần vào việc đánh đổ bạo quyền cộng sản bất nhân mê muội, đẩy cả đất nước và dân tộc bên bờ vực thẳm.

Thằng Nhân, đứa con trai duy nhất của ông cũng lớn dần theo ngày tháng, nó được chọn vào đoàn thanh niên cộng sản từ khi nó còn học lớp 10 ở trường phổ thông cấp III. Năm 1980, sau khi tốt nghiệp Tú tài, nó thi vào đại học an ninh, với lý lịch cộng sản nòi, chẳng những được đậu mà còn được vào đảng là cái chắc. Sau hơn bốn năm học, nó ra trường với cấp bậc sĩ quan thuộc mảng khai thác truyền thông. 

Một thời gian thấy nó chẳng ham mê gì mấy, thầy nó đưa nó qua CSGT, ở đây nó không thích hối lộ và còn cảm thấy nhục, nó luôn cự nự và tỏ thái độ bất bình với đội giao thông vì những cái ăn rất là bất nhẫn. Xét thấy, không đồng hội đồng thuyền, cá mè khác lứa, tên đội trưởng đề nghị lên cấp trên chuyển nó về cơ quan bảo vệ chính trị tỉnh, một nơi mà chẳng có gì để liếm láp. 

Nó vẫn nghèo, mỗi chiều tối, nó phải đi làm thêm công việc chở bia phân phối cho các nhà hàng quán nhậu. Thầy nó lại thấy tội nghiệp, nên chuyển nó qua bên công an kinh tế tỉnh, hy vọng ngành này may ra nó sẽ khắm khá hơn. Thầy nó còn tính trước là sau này sẽ đề nghị cho nó lên làm lãnh đạo công an toàn tỉnh nữa. Nó cảm ơn và tâm sự với thầy rằng nó không muốn đôi tay bị nhúng chàm, thôi thì cho nó qua ngành cảnh sát cơ động vậy. Với dáng dấp cao ráo như Ba nó, cộng thêm nét đẹp tuyệt vời của Mẹ, trông nó rất là có duyên và khỏe mạnh mà khi nhìn, tự nhiên ai cũng có cảm tình. Bà con họ hàng của Nhân, ai cũng làm quan lớn, bạn bè chí thân của nó, đứa bên quân đội, đứa bên công an, có người đã là Đại tá, còn nó thì ăn lương Trung tá nhưng vẫn mang quân hàm Thiếu tá.

Ở tuổi 31 nhưng nó vẫn còn độc thân, da trắng hồng, dáng cao, đẹp trai, ăn nói dễ thương nên lắm đứa con gái con nhà giàu thương nó cũng dễ. Nó yêu một cô sinh viên sắp tốt nghiệp đại học, hai đứa tính tiến hành lễ cưới. Nhưng vì Ba Mẹ cô này, thuộc thành phần “ngụy” nên tổ chức bảo rằng: Một là lấy vợ xong rời ngành, hai là ở trong ngành nhưng không được lấy thành phần đó!. Nó miên man suy nghĩ....Ôi một chế độ toàn trị!.

Số tiền của Má nó cùng với của dì và bà con bên ngoại gởi về tặng, nó và ông Hai Say âm thầm cho hết cho từ thiện, ông tự lo cho cuộc sống của mình bằng nghề sửa xe đạp. Nhìn cảnh đời lắm nhiễu nhương, đất nước tụt hậu, tham nhũng lan tràn bất trị, quan quyền phe cánh mánh mung, ăn sung mặc sướng trên mồ hôi, máu và nước mắt của đồng bào, của dân đen chỉ còn lớp da héo gầy bọc xương, hai cha con không thể tránh khỏi đau lòng.

Đêm đêm, cha con thường tâm sự... Những lúc mắt ông đăm chiêu sầu muộn khi nghĩ về đất nước, về cuộc đời... Thằng Nhân nói cho Ba nó mừng: Ba yên tâm, một ngày nào đó có biến đổi, chính con và lính của con sẽ quay mũi súng trực chỉ vào chế độ, vào những hung thần mà nhả đạn.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo