Võ Thế Thảo (Danlambao) - Trong những ngày qua, vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường làm chết người rồi phi tang xác của bệnh nhân làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ đối với ngành y tế Việt Nam đã có quá nhiều tai tiếng. Trước những tiêu cực đó, những người dân miền Nam tuổi năm sáu mươi tuổi trở nên không khỏi so sánh cái gọi là y đức của ngành y ở miền Nam Việt Nam trước và sau 1975.
Thực ra từ “y đức” chỉ mới được người dân miền Nam biết đến sau ngày “giải phóng”. Ở miền Nam Việt Nam trước đây không có những khẩu hiệu như “Lương y như từ mẫu”, “thầy thuốc như mẹ hiền”, nhưng tôi (nay đã gần 70 tuổi) chưa từng nghe chuyện bác sĩ hay y tá hồi đó nhận tiền hối lộ của bệnh nhân! Còn bây giờ thì sao? Có lẽ mọi người đều đã biết câu trả lời!
Trong trường y hồi đó không có những khẩu hiệu “thầy thuốc như mẹ hiền”, các giáo sư giảng bài chỉ quan tâm đến chuyên môn, không có những buổi học chính trị, không có những bài giảng đạo đức, nhưng tại sao không có chuyện bác sĩ hay y tá nhận hối lộ của bệnh nhân. Nhiều lúc tôi tự hỏi “tại sao vậy”?
Một điều khác biệt rất rõ giữa hai hệ thống y tế ở miền Nam trước và sau giải phóng là trước đây các bác sĩ không được bán thuốc! Đó là luật! Và luật này rất nghiêm khắc.
Mọi người đều biết, trong một xã hội pháp trị, khái niệm “xung đột quyền lợi” (conflict of interest) được áp dụng trong tất cả mọi ngành, nhưng trong ngành y, điều này được giám sát hết sức chặt chẽ. Một bác sĩ sau khi cho toa mà gợi ý bệnh nhân đến mua thuốc ở tiệm thuốc này hay tiệm thuốc khác cũng đã bị phê phán rồi chứ đừng nói gì đến chuyện bán thuốc.
Còn hiện nay thì sao? Quy định của ngành y tế ghi rõ cho phép bác sĩ được quyền bán thuốc. Điều này dẫn đến hậu quả gì? Cứ làm một cuộc thăm dò, người ta sẽ thấy trung bình mỗi toa bác sĩ có từ 4 đến 5 loại thuốc, trong đó chỉ có 2 thứ thuốc là cần thiết mà thôi! [ii] Và có thể nói không sợ sai rằng toa thuốc nào cũng có thuốc bổ cả. Xin hỏi các bác sĩ rằng 10 viên One-A-Day thì có tác dụng gì? Nhưng cứ 10 bệnh nhân thì bác sĩ đã bán được một lọ 100 viên One-A-Day!!! Mỗi ngày trung bình một bác sĩ có 40 bệnh nhân, tức bác sĩ đã bán được 4 lọ vitamins One-A-Day. Các tiệm thuốc tây nhỏ, ngoài những loại thuốc khác, nếu ngày nào cũng bán được chừng ấy lọ vietamins là vui vẻ rồi.
Và khi bác sĩ lấn sân của dược sĩ thì dược sĩ cũng không ngại ngùng gì mà không lấn sang sân của bác sĩ! Một người bị ho và sốt cứ đến một tiệm thuốc tây nào đó, hỏi dược sĩ. Người dược sĩ chỉ cần hỏi 2-3 câu là có thể bán cho người đó vài loại trụ sinh, khỏi cần nghe tim nghe phổi, khỏi cần xét nghiệm. Bệnh nhân cũng “hài lòng” vì khỏi phải tốn tiền khám bệnh và khỏi phải chờ đợi ở phòng mạch bác sĩ. Nếu bệnh nhân lành bệnh thì “phước chủ”, nếu không thì sẽ đi khám bác sĩ khác, còn dược sĩ thì “vô tư”, bởi vì chắc người bệnh sẽ không đến nói với dược sĩ rằng thuốc của ông hay bà cho không đúng… Nhưng hậu quả về lâu về dài của những viên trụ sinh này là tình trạng kháng thuốc, không những đối với của bệnh nhân mà còn đối với toàn xã hội nữa. Điều này chắc chắn những thầy thuốc và dược sĩ đều biết!!!
Trở lại với dư luận đối với chuyện BS Tường và những hiện tượng tiêu cực khác trong ngành y tế trong những ngày gân đây.
Ông Phạm Quang Nghị, bí thư Hà Nội có lý khi cho rằng: “Toàn bộ vụ việc ở thẩm mỹ viện Cát Tường mang tính cá biệt, bất thường. Không lấy cái cá biệt này quy trách nhiệm cho Bộ Y tế, cho thành phố Hà Nội được”. Nhưng nhìn dưới quan điểm của những hành vi tiêu cực trong ngành y tế thì đó không phải là một sự việc đơn lẽ, “mang tính cá biệt, bất thường”. Tập hợp những sự việc tiêu cực trong ngành y như số sản phụ tử vong tăng cao trong những năm 2011, 2012, 2013; vụ các trẻ sơ sinh chết vì tiêm vắc-xin (khi chưa rõ nguyên nhân nhưng bà bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn cho tiếp tục sử dụng), bệnh viện tráo thủy tinh thể, nhân bản hàng ngàn xét nghiệm máu v.v… và v.v… không phải là trách nhiệm của bộ y tế mà đứng đầu là bộ trưởng thì là trách nhiệm của ai? Với tinh thần trách nhiệm của một người lãnh đạo một ngành, sự việc bs Nguyễn Mạnh Tường phải được nhìn là một sự kiện tiêu cực trong tập hợp những sự kiện tiêu cực khác trong ngành chứ không phải là một sự kiện đơn lẽ, mang tính cá biệt như ông Phạm Quang Nghị nói!!!!
Giả thử để qua sự việc của bs Tường qua một bên, chẳng lẽ những sự việc nêu trên không đủ để bà bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức hay sao?
Ông Vũ Đức Đam thật tài tình nhỏ nước mắt khi phóng viên hỏi ý kiến ông ta về việc bs Kim Tiến có nên từ chức vì sự việc bs Nguyễn Mạnh Tường. Tài tình ở chỗ ông ta không những bao che cho bà GS.TS.BS “T”. mà còn bao che và nâng bi một cách khéo léo anh y tá “X”. (thủ trưởng của VĐĐ), đó là cách khẳng định lại trong ngôn ngữ của anh y tá và của GS.TS.BS không có từ ngữ “từ chức”.
______________________________________
Chú thích:
[i] Trong bài “Y đức: Xin hãy đánh giá đúng về chúng tôi” của Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội đăng trên VNExpress cho rằng dư luận của dân chúng về ngành y là “bất công”.
[ii] Trong khi đó nếu so sánh với các toa thuốc của các bác sĩ ở Hoa Kỳ hay Canada chẳng hạn, thường chỉ có 1 hay 2 loại thuốc mà thôi.