Tuổi trẻ Việt Nam: Mù lòa chính trị & thế hệ bị vứt bỏ - Dân Làm Báo

Tuổi trẻ Việt Nam: Mù lòa chính trị & thế hệ bị vứt bỏ

LMH Tuấn (Danlambao) - Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đi (dù dư luận có nhiều chiều hướng nhận định khác nhau), với tôi – đó là thời điểm mà giá trị niềm tin, giá trị sống lớn nhất và cuối cùng của chế độ được tiễn đưa. 

Cũng bởi thế hệ trẻ thời đại Hồ Chí Minh hiện nay là thế hệ vứt đi. Nơi mà niềm tin của giới trẻ không được gây dựng – phát triển mà ngược lại luôn bị phá bỏ, đạp đổ. Vì thế mà giá trị sống luôn niềm trong tình trạng lung lay, khủng hoảng.

Sự khủng hoảng niềm tin đó hình thành nên một xã hội bất ổn, đạo đức suy đồi, chính trị hủ hóa, văn hóa hỗn tạp, kinh tế trượt dốc không phanh... Và cái bức tranh tạp màu đó lại quay trở ngược tấn công vào niềm tin – giá trị sống của giới trẻ.

Thành ra, giới trẻ bất mãn nhìn vào nền kinh tế định hướng hút tài nguyên đi bán, là nền xã hội dụ dỗ nhau bằng những sản phẩm độc hại, là nền văn hóa – giáo dục thành tích, đục khoét... Một Việt Nam với đầy bất ổn và sự giả tạo với nụ cười cay đắng, nhưng họ vẫn không hiểu tại sao mình lại không thể thay đổi được điều đó – hiệu chứng bất lực mới chăng?

Không! Không! Không! Không phải giới trẻ bất lực trước những điều đó. Mà chính cái thứ chính trị dơ bẩn mang tên Bộ chính trị - nước CHXHCN Việt Nam đã khiến giới trẻ bất lực.

Một ngày nhàn rỗi, thử bật VTV1 lúc 7h hay tìm đọc các trang báo (điện tử hoặc chính thống), sẽ thấy không ít các chính trị gia nước nhà, doanh nhân thành đạo “chém gió, diễn hề” trước bàn dân thiên hạ mà không biết ngượng. Họ không biết là mình đang sống ở thế kỷ 21 hay họ vẫn nhầm tưởng người dân vẫn còn sống ở thế kỷ 20, 19?

Rời tivi, ra ngoài xã hội thì chỉ thấy rặt một xã hội chỉ biết hôm nay, không biết đến ngày mai. Một xã hội “sống chế mặc bay” từ dân đến quan theo đúng nghĩa. Từ những người thiếu niên mới chập chững lớn đến những ông già chính trị gia. Họ sống bằng thủ đoạn, lọc lừa, bằng phương chấm “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, bằng sự bôi trơn, bằng cái thay trắng đổi đen, gạ tình lấy điểm, gạ điểm lấy quyền, những cái chết bất chợt từ trên trời rơi xuống... Vậy thì trông mong gì?

Tôi cố gắng vực dậy niềm tin cuộc sống, xã hội, chế độ này bằng cách tìm hiểu, cái nguồn gốc của vấn đề khủng hoảng niềm tin là gì? Tôi như mịt mù trong sự tìm kiếm đó cho đến khi tôi và nhiều bạn trẻ lên tiếng về thực trạng chính trị - xã hội nước nhà. Và ngay lập tức bị an ninh mời đi uống nước, gia đình, nơi học tập – công tác thậm chí chỗ tá túc bị bị quấy nhiễu. Vì cái tội “không lo làm việc, học tập để cống hiến xã hội, xây dựng đất nước” mà lại đi làm ba chuyện trên trời dưới đất, phê phán chính quyền, phê phán xã hội – nói gọn lỏn là được an ninh gán cho cái tội “làm chính trị”.

Khủng hoảng giá trị sống vì niềm tin sống ở các khía cạnh xã hội-thể chế bị lung lay, phá bỏ. Các khía cạnh xã hội đó bị khủng hoảng vì một nền chính trị khủng hoảng và tìm cách giấu diếm sự khủng hoảng. 

Nhưng chính trị là gì? Chính trị là gì mà an ninh – mật thám của nước CHXHCN Việt Nam – một nước đang hướng có khẩu hiệu hướng tới “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” lại lo sợ người dân, tri thức, trong đó có giới trẻ quan tâm/ liên quan đến? Chính trị là gì mà khiến thạc sĩ, tiến sĩ của một trường phải run rẩy, luồn cúi trước đám an ninh – mật thám, hống hách – đe dọa trên ngôn từ, văn bản ngăn cấm sinh viên tham gia, tìm hiểu về nền chính trị quốc gia? Chính trị là cái quái gì mà sao từ miệng, văn bản chỉ đạo của an ninh – mật vụ lại nặng nề, nhạy cảm đến thế? – Nếu nói như Bertolt Brecht thì ta mới biết, vì “kẻ dốt nát tệ hại nhất chính là kẻ dốt nát về chính trị. Hắn không nghe gì cả, không thấy gì cả, không tham gia bất cứ vai trò gì trong đời sống chính trị. Có vẻ như hắn không biết là chi phí sinh hoạt, giá cả của đậu, của bột mì, tiền thuê nhà, giá cả thuốc men...tất cả đều phụ thuộc vào các quyết định chính trị. Hắn thậm chí còn tự hào về sự thiếu hiểu biết chính trị của mình,ưỡn ngực ra mà khoe ta đây ghét chính trị. Đứa ngu dốt này không biết rằng chính sự thờ ơ với chính trị của hắn mà từ đó nảy sinh nạn mại dâm, trẻ em bị bỏ rơi, nạn cướp bóc, và tệ hơn tất cả là nạn quan chức tham nhũng tay sai của các tập đoàn bóc lột đa quốc gia.”

Ra là vậy. Chính vì nền chính trị bịt miệng người dân để khiến cho người dân, giới trẻ trở nên “mù lòa chính trị” nhằm mục đích không cho họ thấy những kẻ đang làm chính trị đã khiến cho mọi thứ trở nên hỗn loạn, suy đồi về mọi mặt. Những kẻ cơ hội, những chính trị gia phi nhân tính (Bộ chính trị) đang nắm vận mệnh quốc gia hình chữ S đang và đã gia tăng để che giấu điều đó.

Do đó, trong khi tìm cách ngăn người dân, giới trẻ tìm đến chính trị hoặc những thứ tương tự như chính trị thì các chính trị gia, các đàn anh, chị trong các đoàn – hội – nhóm nhà nước (vốn là cánh tay đắc lực của Bộ chính trị) CHXHCN Việt Nam lại tìm thêm cách để gia tăng niềm tin cách mạng ở thanh niên một cách bâng quơ.

Niềm tin đó là gì:

- Niềm tin Hiến pháp 2013 – QH Khóa 13 sẽ được sửa đổi để đất nước vươn lên?

- Niềm tin Nguyễn Bá Thanh – Ông vua đất ở Đà Nẵng sẽ là một Bao Thanh Thiên nơi đất kinh kỳ?

- Niềm tin Nguyễn Tấn Dũng – Từ chức vì tham nhũng hoặc mạnh tay đưa nước Việt Nam trở thành một nước dân chủ với cương vị Tổng thống không xa?

- Niềm tin Nguyễn Thị Kim Tiến – Từ chức vì các vấn đề nảy sinh quá nóng ở ngành mà bà ta không thể giải quyết được?

- Niềm tin các anh CSGT - 'Mỗi ca trực của CSGT chỉ mua được cái bánh mỳ' như ông tướng Quang phát biểu?

- Niềm tin Việt Nam - Xếp thứ 116 trên tổng số 177 về xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận về mức độ tham nhũng trong khu vực công là do bọn đế quốc đánh phá cách mạng?

- Niềm tin bà Phan Thị Ninh (Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh) – người làm đơn xin được “chuyển ra” Hà Nội không phải vì bà ta biết mình không thể tại vị, và việc khi chuyển sang đơn vị mới sẽ còn có nhiều liên đới trách nhiệm?

- Niềm tin ông Nguyễn Thành Khương – nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Buôn Đôn bị Sở GD&ĐT Đắk Lắk kỷ luật – cách chức vì liên quan đến việc làm giả, ký khống học bạ là một sự vu oan của phía điều tra?

- Niềm tin ông Nguyễn Thanh Chấn là có tội và 200kg heroin bị lọt là do máy hư đúng lúc; thủy điện xả lũ...gây chết người, mất của người dân là đúng quy trình...

- Niềm tin ông Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đã nói đúng về nguyên nhân vỡ Quỹ BHXH là do Tuổi hưu quá thấp là đúng!

Niềm tin, niềm tin & niềm tin. Những niềm tin cách mạng đó bị thực tiễn đánh bạt tay và cũng vì thế, càng kêu gào “giới trẻ có niềm tin cuộc sống, niềm tin xã hội, niềm tin chế độ” thì hiệu ứng càng ngược lại. Vì thế, giới trẻ lại tìm về với quá khứ, đôi khi chỉ qua một vài dòng chữ được viết ở thế kỷ trước. 

Ví như:

- Tiêu gần nửa tỷ để làm những đường ô tô mà trên đó không hề lưu thông một tấn hàng hoá nào; để xây dựng những dinh thự và phòng giấy cho đám công chức đang mọc đầy rẫy lên ở Đông Dương như cỏ cây vùng nhiệt đới; trong khi ấy thì những công trình đã được thừa nhận là cần thiết và đã được Nghị viện thông qua, lại bị bỏ rơi! 

- Để xoa dịu lòng công phẫn, người ta vờ phái sang đó một viên thanh tra. Viên thanh tra này kiểm tra giỏi đến nỗi chưa thèm xét gì đến đơn khiếu nại của nhân dân đã cuốn gói chuồn thẳng tìm chỗ bổ dụng bạn bè con cháu thân thuộc và bọn vận động bầu cử của những bậc quyền thế có thể làm chỗ dựa cho mình “So với bọn viên chức thuộc địa thì những tên cướp đường còn là những người lương thiện!”. 

- “Sau khi cướp hết những ruộng đất màu mỡ, bọn cá mập đánh vào những ruộng đất cằn cỗi những thứ thuế vô lý gấp trăm lần thuế đất thời phong kiến”. Những người mất ruộng khiếu nại. Người ta bắt họ bỏ tù. 

- Thi hành một chính sách ngu dân triệt để. Cho nên, theo sắc lệnh năm 1898, báo chí bản xứ phải chịu kiểm duyệt trước khi in. 

- Mỗi năm, vào kỳ khai giảng, nhiều phụ huynh phải đi gõ cửa, chạy chọt mọi nơi thần thế, có khi chịu trả gấp đôi tiền nội trú, 

- Trong số 12 triệu đồng của ngân sách Nam Kỳ, thì l0 triệu đã tìm đường chui sâu vào túi các ngài viên chức rồi. 

- Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay vǎn học như ta thấy ở châu Âu và các nước châu á khác, chứ không phải một tờ do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hoá và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy. 

- Cấm ngặt những tờ thông tin ấy không được đả động gì đến những vấn đề chính trị hay tôn giáo, mà chỉ được đǎng những tin tức thông thường, những vấn đề xét ra có lợi cho Nhà nước.

Cái quái gì thế này? Ai đã viết những dòng này, ai đã viết những dòng đi sâu vào vùng cấm của an ninh – mật vụ thế này? 

Và đau đớn hơn cả là giới trẻ lại có niềm tin vào những dòng chữ được viết cách đó gần 1 thế kỷ đó chỉ bởi nó phản ánh quá đúng về thực trạng xã hội hiện tại. Bất ngờ hơn cả là người viết là người đã sáng lập ra chế độ mà giới trẻ đang mất niềm tin này – Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh). Và giới trẻ lại có niềm tin, niềm tin vào giá trị thực tiễn của những dòng chữ trên ở thời kỳ hiện tại. Niềm tin vào chế độ này, xã hội này là một niềm tin về sự kéo dài của xã hội thực dân – phong kiến trước đó, dưới lớp vỏ mĩ miều “XHCN” chứ không phải điều gì đó tốt đẹp mà chính quyền đang cố gắng chuyển tải đến giới trẻ.

Còn với chế độ - xã hội hiện tại, chính quyền tìm cách xoa dịu sự bất mãn của giới trẻ bằng các liều vắc-xin tuyên truyền lẫn đe dọa. Nhưng không ai biết rằng nó phản tác dụng đến dường nào. Cũng giống như mỗi ca trực của CSGT chỉ đủ mua 1 ổ bánh mì trên tuyên truyền, nhưng người dân nói chung, giới trẻ nói riêng lại nghĩ... đó là bánh mì kẹp... thịt dân.

Chỉ vì nền chính trị trở nên kệch cỡm, đổi chác. Mọi con mắt nhìn vào chỉ thấy lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm lên ngôi trong khi miệng bô bô “vì nhân dân, vì quốc gia” thì niềm tin vào xã hội – đạo đức – văn hóa – kinh tế còn có sao?

Niềm tin ấy gắn liền với sự bất mãn, nhưng sao họ không dám đứng lên thay đổi, lẽ nào chế độ - xã hội này “mị dân”; “ru ngủ” thanh niên tinh vi hơn, thủ đoạn hơn so với chế độ mà Nguyễn Ái Quốc đã từng đau đớn chắp bút để viết nên. 

Hay thế hệ trẻ hiện nay là thế hệ... vứt bỏ!



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo