Nhân Quyền dưới nhãn quan một Phật tử - Dân Làm Báo

Nhân Quyền dưới nhãn quan một Phật tử

Nguyễn Thị Ánh Ngân (PNNQVN) - Nhân ngày Quốc tế Nhân quyền, cùng khoảng thời gian đó, Hội Phụ nữ Nhân Quyền Việt Nam được thành lập và ra mắt chính thức như một hội đoàn hoạt động độc lập tại Việt Nam trong nổ lực thúc đẩy việc bảo vệ và tôn vinh các giá trị Nhân quyền cũng như Nữ quyền. Là một Phật tử tôi cảm thấy mình có trách nhiệm tham gia trở thành thành viên của Hội như cách thể hiện thiện chí sâu sắc nhằm góp phần xây dựng một không gian hoạt động mới thiết thực và hữu ích cho tương lai của Phụ nữ Việt nam. Sự tham gia tích cực vào hoạt động của hội sẽ tạo cơ hội cho chúng ta được tiếp xúc vào trao đổi thường xuyên về các vấn đề hệ trọng liên quan đến các quyền căn bản của con người. Từ đó, có thể lập ra một thiết chế cần thiết nhằm tiến đến việc bảo vệ chung cho quyền lợi nữ giới và góp phần thúc đẩy các hoạt động nhân quyền nói chung tại Việt Nam...

*

Tôi là một Phật tử. Điều đầu tiên mà một phụ nữ như tôi có ấn tượng mạnh mẽ với Phật giáo chính là tính bình đẳng luôn được tìm thấy xuyên suốt trong giáo lý nhà Phật. Cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, khi hầu hết nhân loại tự mặc định tính chính đáng hiển nhiên cho sự tồn tại mô hình nhà nước Chiếm hữu nô lệ thì nhà Phật cổ võ cho công bằng xã hội. Thêm nữa, thoát thai từ một nền văn minh vốn mang trong nó nền văn hóa, chính trị, tôn giáo năng nề ý niệm về đẳng cấp, nhưng Triết lý Phật giáo đã sớm cổ xúy cho quyền bình đẳng giữa con người.

Đức Phật luôn nhấn mạnh về Quyền bình đẳng giữa các cá nhân trong cộng đồng, cũng như giữa tất cả các loài động vật, không phân biệt đẳng cấp hay giới tính vì tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đều đáng trân quý. Một con người không thể bị xem là hạ tiện chỉ vì họ sinh ra trong một gia đình hạ tiện và ngược lại. Trong một giai đoạn lịch sử xa xôi, Giáo hội Phật giáo đã đi trước trong việc khẳng định quyền bình đẳng giữa Nam và Nữ. Triết lý Nhà Phật đã góp phần quan trọng trong việc đánh đổ hệ thống đẳng cấp từng tồn tại từ rất lâu trước đó tại Ấn Độ. Cũng chính vì thế mà một học giả nổi tiếng như Hàn Dũ đã ngăn cản nhà vua không cho Phật giáo du nhập vào Trung Hoa với sự lo ngại khả dĩ rằng Phật giáo sẽ đánh đổ chế độ đẳng cấp tồn tại ngàn năm của nhà nước Phong kiến Trung Hoa.

Nhân quyền cho phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay phải đối mặt với hai rào cản to lớn xuất phát từ hai nền văn hóa tư tưởng khác nhau nhưng có ảnh hưởng sâu rộng đối với nhiều quốc gia. Rào cản thứ nhất là ảnh hưởng lâu dài của văn hóa Khổng giáo đối với nền văn hóa Việt Nam. Trong văn hóa Khổng giáo, sẽ vô cùng khó khăn nếu không muốn nói là vô ích cho những ai muốn tìm kiếm các giá trị khẳng định nữ quyền cũng như quyền bình đẳng giữa các cá nhân trong xã hội. Rào cản thứ hai, là sự du nhập của chủ nghĩa Maxist vào Việt Nam. Chủ thuyết này luôn đào sâu sự khác biệt giữa các giai tầng trong quần chúng, từ đó hô hào cho các cuộc đấu tranh giai cấp. Sự triệt tiêu các giá trị Nhân quyền sẽ lên đến đỉnh điểm nếu quốc gia nào thiếu may mắn du nhập và áp dụng chủ thuyết này.

Điều đáng buồn là Việt Nam chúng ta áp dụng cả hai chủ thuyết này vào quản lý nhà nước trong quá khứ lẫn hiện tại. Chính vì lẽ đó, nên hiếm thấy phụ nữ Việt Nam nào ý thức một cách xác đáng quyền bình đẳng của mình cũng như tất cả các quyền căn bản khác mà một con người khi sinh ra đương nhiên được thụ hưởng. Phụ nữ Việt Nam trong một thời gian dài là nạn nhân của văn hóa Khổng giáo, giờ đây chúng ta tiếp tục trở thành nạn nhân trong một xã hội đầy rẫy bất công, thường trực bị chính quyền tước đoạt hầu hết các quyền căn bản cũng như phẩm giá con người.

Phụ nữ chiếm quá bán dân số thế giới, tại Việt Nam phụ nữ cũng chiếm hơn một nửa dân số nhưng có ai từng nghĩ dù chỉ thoáng qua rằng nữ giới nắm giữ được bao nhiêu phần trăm trong tổng số các thành quả cũng như phúc lợi xã hội. Tất cả phụ nữ chúng ta phải gánh chịu sự hao mòn của thể xác để giữ cho thế giới này tiếp tục tồn tại, và cũng chính chúng ta là những đối tượng dể dàng bị tổn hại nhất bởi những tệ nạn khá phổ biến trên Thế giới như nô lệ tinh dục hay buôn người.

Phụ nữ Việt Nam cũng như Phụ nữ Thế giới, chúng ta được quyền thụ hưởng các quyền Tự do căn bản mà Liên Hiệp Quốc đã công nhận trong Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công Ước Quốc tế mà trong đó chính phủ Việt Nam đã đặt bút tham gia. Ngoài ra, chúng ta cần có quyền được bảo vệ chính đáng bằng công cụ luật pháp cũng như bằng các định chế xã hội khác. Thước đo cho sự văn minh của các quốc gia phải được tính bằng thành tích bảo vệ phụ nữ trước các bất công xã hội. Tại nơi nào, Nhân quyền phụ nữ bị phủ nhận hay gạt bỏ, ta biết rằng, chính phủ thuộc quốc gia đó đang đẩy dân tộc mình đi lùi về quá khứ man dã, mà ở đó con người là một thực thể gần như vô tri. Thiếu tôn trọng phụ nữ cần được xem như một sự sỉ nhục to lớn đối với tình tự dân tộc trong bất kỳ quốc gia nào.

Vừa qua, nhân ngày Quốc tế Nhân quyền, cùng khoảng thời gian đó, Hội Phụ nữ Nhân Quyền Việt Nam được thành lập và ra mắt chính thức như một hội đoàn hoạt động độc lập tại Việt Nam trong nổ lực thúc đẩy việc bảo vệ và tôn vinh các giá trị Nhân quyền cũng như Nữ quyền. Là một Phật tử tôi cảm thấy mình có trách nhiệm tham gia trở thành thành viên của Hội như cách thể hiện thiện chí sâu sắc nhằm góp phần xây dựng một không gian hoạt động mới thiết thực và hữu ích cho tương lai của Phụ nữ Việt nam. Sự tham gia tích cực vào hoạt động của hội sẽ tạo cơ hội cho chúng ta được tiếp xúc vào trao đổi thường xuyên về các vấn đề hệ trọng liên quan đến các quyền căn bản của con người. Từ đó, có thể lập ra một thiết chế cần thiết nhằm tiến đến việc bảo vệ chung cho quyền lợi nữ giới và góp phần thúc đẩy các hoạt động nhân quyền nói chung tại Việt Nam.

Vào thời điểm mà các Nhân quyền căn bản bị tước đoạt và phủ nhận, chị em phụ nữ chúng ta nên tạo dựng mối liên kết chặt chẽ và bền vững với một quy mô rộng rãi nhất có thể, phục vụ mục tiêu thiết yếu là bảo vệ nhau và hình thành các định chế xã hội nhằm giới hạn quyền lực mà chính quyền đang áp đặt lên các cá nhân. Người phụ nữ muốn khẳng định vai trò của mình trong tương lai không chỉ bằng cách kêu gọi sự thương cảm của người khác mà chúng ta phải dám hành động và hy sinh để tự khẳng định vai trò của mình.

Hai ngàn năm trăm năm trước, Giáo lý Phật giáo đã góp phần làm tan rã đẳng cấp Bà la môn tại Ấn Độ. Trong thời điểm hiện nay, không có lý do chính đáng nào để biện minh cho những người Phật tử như chúng ta đứng ngoài cuộc vận động Nhân quyền bởi lẽ các giá trị Nhân quyền hoàn toàn phù hợp với lý luận căn bản trong triết lý nhà Phật. Việc đứng ngoài hay phó mặc cho bất công xã hội hoành hành không phải là hành động của một Phật tử thuần thành. Các Phật tử hãy nêu cao tinh thần Bi, Trí, Dũng như một kim chỉ nam định hướng cho cuộc vận động cho Nhân quyền trên quê hương.

Sài Gòn ngày 14 tháng 12 năm 2013





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo