Những cái dao pha - Dân Làm Báo

Những cái dao pha

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Thỉnh thoảng, Nguyễn Tuân cũng nịnh. Trăm hay không bằng quen tay. So với nhiều nhân vật tăm tiếng (và tai tiếng) đồng thời, ông nịnh không khéo lắm:

“Cán bộ đảng nó cứ như là một con dao pha ấy. Vứt đâu cũng được, cái gì rồi cũng làm. Loay hoay ngày đầu, nhưng có ý thức trách nhiệm, rồi cũng tìm ra, vừa làm vừa học…” 

Tôi chưa thấy “con dao pha” bao giờ, và cũng không hình dung ra trông nó dài/ngắn hay dầy/mỏng ra sao nhưng vẫncó cảm nghĩ rằng sự so sánh của Nguyễn Tuân có phần không được ổn. “Cán bộ đảng” quả là “cái gì rồi cũng làm” nhưng với “ý thức trách nhiệm” rất thấp nên làm chuyện gì cũng hỏng, trừ chuyện sát nhân. Nếu rảnh, thử xem qua vài vụ:

Báo Dân Việt, số ra hôm 30 tháng 4 năm 2011, có bài viết (“Tôi Ám SátNgười Sắp Làm Thủ Tướng Sài Gòn“) của ông Vũ Quang Hùng:

Trưa 10.11.1971. Một tiếng nổ long trời tại ngã tư Cao Thắng - Phan Thanh Giản khiến ông Nguyễn Văn Bông - Giám đốc Học viện Quốc gia Hành chính, người chuẩn bị nắm chức thủ tướng (ngụy) chết tại chỗ...

Tôi nhớ dặn dò của đồng chí Tám Nam - Phó ban An ninh T4 (tức khu vực Sài Gòn-Gia Định): “Để bảo đảm bí mật, chúng ta sẽ đặt cho mục tiêu bí số G.33. Cần giữ bí mật đến phút chót và theo tin tức tình báo, G.33 đang chuẩn bị lên nắm ghế thủ tướng. Nếu G.33 đã nắm chức, sẽ rất khó hành động vì khi ấy việc bảo vệ ông ta sẽ khác hẳn. Và nếu tình huống này xảy ra, cách mạng có thể gặp khó khăn hơn bởi Nguyễn Văn Bông là một trí thức có uy tín và chính quyền ngụy chuyển từ quân sự sang dân sự mọi diễn tiến sẽ có lợi cho địch”. 


GS Nguyễn Văn Bông năm 1967. Ảnh AP. Nguồn Flickr

Giáo sư Nguyễn Văn Bông không phải là người “trí thức có uy tín” đầu tiên, hay duy nhất, bị cách mạng... trừ khử bằng chất nổ. Hai năm trước, ông Bộ Trưởng Lê Minh Trí cũng bị giết chết theo cùng một cách.

Một nạn nhân khác nữa là nhà báo Từ Chung. Cái chết của ông được cậu con trai 12 tuổi kể lại như sau, theo bản tin của nhật báo Chính Luận, số ra ngày 1 tháng 1 năm 1966:

“Cháu nghe thấy tiếng còi ô tô của bố cháu. Cháu chạy ra đứng phía trong cửa để chờ bố, cháu thấy bố cháu xuống xe rồi mở thùng xe đằng sau để lấy cái gì đó. Thế rồi có hai người đi gắn máy dừng lại, cháu nhìn rõ xe hiệu Goebel sơn màu xanh. Một người xuống xe tay cắp cặp da, mặc quần mầu xanh màu da trời, áo xanh lạt có sọc, trạc độ 26 tuổi. Người ấy mở cặp da lấy ra một khẩu súng và tiến lại gần bố nhắm bắn luôn mấy phát liền. Bố cháu gục xuống.”

Vẫn theo bản tin thượng dẫn:

Từ Chung đỗ tú tài tại Hà Nội, vào Nam, ông được học bổng du học tại Thụy Sĩ năm năm và đậu bằng Tiến Sĩ Kinh Tế tại Fribourg năm 1961. Về nước, ông được Linh Mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Đại Học Huế mời giảng dạy tại trường Luật, và sau đó được mời làm ủy viên trong Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế nhưng ông từ chối vì yêu nghề viết báo.

Từ Chung viết rất nhiều thể loại, từ điểm sách, văn chướng, văn hóa đến chính trị, kinh tế v.v... nhưng nổi tiếng nhất là các bài xã luận về kinh tế... Những bài viết xã luận về kinh tế của ông thường được một số trí thức gọi đùa là “mục kinh tế chợ” đã có ảnh hưởng rất lớn đến mọi tầng lớp giai cấp và thế hệ độc giả khác nhau. Về dịch thuật, Từ Chung có dịch cuốn “Bí Danh” (Secret Name) của Lâm Ngữ Đường. 

Dù không phải là thầy bói, tôi vẫn đoán chắc (như bắp) là cả ba nhân vật thượng dẫn đều có chung tội danh: thuộcthành phần phản động. Với tội danh này thì không chỉ vài ba mà (có lẽ) phải đến năm bẩy triệu người Việt đã bỏ mạng vìbom đạn, mã tấu, hay cuốc xẻng. Cái giá để tạo dựng nên cái Chính Quyền Cách Mạng mạng hiện hành – rõ ràng – không rẻ nhưng thành quả thì rất đáng ngờ, và đáng ngại!

Tôi tìm mãi trên mạng nhưng không thấy được một thông tin nào đáng kể về ông cựu Bộ Trưởng Y Tế Lê Minh Trí của miền Nam, ngoài một tấm ảnh mờ với hai dòng chữ chú thích khác nhau:

Bộ Trưởng Y Tế (*) Lê Minh Trí bị Cộng Sản ám sát, 1969. - Ảnh và chú thích của Minh Đức

Cũng bức ảnh này như trên, ở trang web Lê Ngọc Túy Hương với chú thích hơi khác: Bác sĩ Lê Minh Trí, Bộ Trưởng Giáo Dục VNCH đẫm máu vì bị thương nặng (và sau đó chết) đang nằm trên mặt đường và vệ sĩ của ông cũng bị thương đang ngồi trên lề đường trước sự canh gác của một quân cảnh Mỹ. Tài xế của ông chết trong chiếc xe đang bốc cháy sau khi khủng bố VC tung lựu đạn vào xe trên đường phố Sài Gòn ngày 6 tháng 1, 1969. 

Thân thế, sự nghiệp của cố bác sĩ Lê Minh Trí ra sao? Thực sự, ông đã “phạm tội” gì để phải nhận lãnh một cái chết tàn bạo và thảm khốc đến như vậy? Khi gõ bốn chữ “bộ trưởng y tế” trên mạng google, tôi chỉ thấy hiện ra hình ảnh và thông tin của một người duy nhất: Nguyễn Thị Kim Tiến. 

Theo Wikipedia

Bà (sinh năm 1959) là một chính khách Việt Nam, hiện nay là Ủy viên Trung ương đảng Khóa XI, Ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ khối cơ quan trung ương, đại biểu Quốc hội Khóa XII, XIII, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam từ năm 2011.[ Bà cũng là một Tiến sĩ Y khoa, học hàm Giáo sư, được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Tổng Biên tập Tạp chí Y học thực hành Bộ Y tế... 

Theo bài viết “Truyền thống gia đình trong đảng” đăng trên BBC Việt ngữ thì bà Tiến là cháu ngoại của Hà Huy Tập (1906-1941) Tổng bí thư thứ 3 của đảng Cộng sản Việt Nam. Báo Tuổi Trẻ viết rằng Nguyễn Thị Kim Tiến là “một người cháu gái” của Hà Huy Tập. 

Không chỉ xuất thân trong một gia đình “danh gia,” bà Nguyễn Thị Kim Tiến còn để lại nhiều câu “danh ngôn” bất hủ: 

- Chưa thấy một quốc gia Đông Nam Á nào, kể cả ở châu Phi mà tình trạng các bệnh viện quá tải như tại Việt Nam – Thanh Niên Online 29/11/2011. 

- Ăn chỉ toàn là đồ bẩn – Lao Động Online 18/12/2011. 

Báo Kiến Thức (25/07/2013) còn đưa nhận xét rằng bà Bộ Trưởng Y Tế có những phát ngôn làm... dậy sóng dư luận: 

- Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin... do kỹ thuật xử lý kỹ thuật. 

- Tăng viện phí là thành tựu y tế hàng đầu. 

- Thiếu giường bệnh thì phải hỏi… Nhà nước! 

Tôi không có ý, và cũng chả có lý do gì để bênh vực bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhưng công tâm (và khách quan) mà nói thì bà hoàn toàn có lý khi lập luận rằng “Bộ Y tế không thể xây nhà được và cũng không có tiền làm nhà, xây bệnh viện hay mua trang thiết bị... Thiếu giường bệnh thì phải hỏi… Nhà nước!” 

Và người đứng đầu Nhà Nước hiện nay, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng – tất nhiên – cũng đành phải bó tay thôi vì làm gì còn tiền để xây nhà trường hay nhà thương nữa. Phần lớn ngân qũi quốc gia đã bị thâm thủng hay thất thoát vì tham nhũng. Phần còn lại đã mất đứt vào những chủ trương lớn của đảng và Nhà Nước, như đầu tư vào việc khai thác Bauxit hay mua những con tầu về làm thép vụn. 

Cả nước bị đẩy đến mức cùng quẫn chớ có riêng chi cái ngành y tế của bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Chứ giáo dục, môi trường, luật pháp, thông tin... bộ không đang tan hoang, vỡ trận sao? 

So với những vị cán bộ khác thì cái lỗi duy nhất của bà Nguyễn Thị Kim Tiến là không... khéo nói. Nếu bà vẫn cứ liếng thoắng (“Tôi bị ‘chửi’ suốt... Tôi quen rồi) hay xuê xoa theo kiểu hứa hẹn sẽ “tự soi, tự sửa... để nâng cao tinh thần trách nhiệm” như ông bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng thì làm gì đến nỗi khiến cho “dư luận dậy sóng” (nghe) ghê vậy. 

Ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Đinh La Thăng, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, và các ông các bà gì gì... đó – nói cho chính xác – chỉ là sản phẩm của tất yếu của chế độ hiện hành. Họ là những con người mới của Xã Hội Chủ Nghĩa. Loại người này đã được ông Hà Sĩ Phu nhận diện từ hồi cuối thế kỷ trước lận: 

Suốt từ những năm 60-70, khi ấy tôi dạy học nên được chứng kiến một chiến dịch dai dẳng và vất vả để cố xây dựng cho được hình mẫu “Con người mới Xã hội Chủ nghĩa”. (vì bác Hồ nói: Muốn xây dựng chủ nghĩa Xã hội phải có những Con người Xã hội chủ nghĩa.) 

Sách giáo khoa, tài liệu tuyên giáo, truyện ngắn, truyện dài, sân khấu, điện ảnh, báo chí, phong trào Đoàn Thanh niên Cộng sản, Đội Thiếu nhi Bác Hồ... xây mãi mà không mẫu nào có thể đứng được. Nếu không bám víu vào những phẩm chất của “con người cũ truyền thống” như lòng yêu nước, lao động cần cù, chịu đựng gian khổ hy sinh, thương người hoạn nạn...thì “Con người mới” không còn có xương có thịt gì cả. 

Cái chất “mới” và “xã hội chủ nghĩa”, chất “giai cấp”, chất “đảng”, chất “thời đại” tô vẽ mãi vẫn cứ mờ nhạt, khô cứng, thậm chí (nhiều nhà văn, nhà báo kể cho tôi nghe) khối lời nói anh hùng, nhân vật anh hùng là do ta bịa ra. Nhưng ngần ấy thứ con người mới giả vẫn không địch nổi cái đội ngũ hùng hậu của những “con người mới thật”, tệ hại, bằng xương bằng thịt cứ tuôn ra từ cuộc đời thật, ngày càng đông về số lượng và chủng loại, càng điển hình và độc đáo về phẩm chất... 

Có thể nói 90 phần trăm tác phẩm văn học được giải trong những năm gần đây là tác phẩm “phản diện”mang tính phê phán, và những “điển hình” xây dựng thành công là những điển hình về mặt trái của Con người và xã hội. Người ta bảo: hãy quên chuyện “Con người mới” đi! hãy tìm lại những “Con người cũ” tử tế. 

Những “con người cũ tử tế” còn đâu nữa mà tìm. Cách mạng đã (lỡ) thay một vị thủ tướng có bằng tiến sĩ luật và thạc sĩ công pháp bằng đồng chí X mất rồi. Giáo sư Nguyễn Văn Bông, bác sĩ Lê Minh Trí, nhà báo Từ Nguyên... đều đã bị giết chết. Chúng ta đành phải chịu tiếp tục sống (theo thời) với ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, bà Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến, và các ông (công an) viết báo như ông Như Phong hay Hữu Ước thôi. 

Chịu được thêm bao lâu nữa (mới bung) thì lại là chuyện khác. 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo