Le Nguyen (Danlambao) - Lịch sử nhân loại đã chỉ ra mọi cuộc đấu tranh, mọi cuộc cách mạng lật đổ các chế độ độc tài chuyên chế của loài người đều khởi nguồn hay nói cách khác là đều có nguồn gốc của phân hóa giàu nghèo, mâu thuẫn của bất công xã hội, xung đột của giai cấp thống trị với tầng lớp bị trị và các triết gia, tư tưởng gia, lý thuyết gia thuộc “trường phái” thế quyền lẫn thần quyền, có tà ý lẫn thiện ý muốn thu phục nhân tâm, thu hút sự ủng hộ của khối đại đa số quần chúng nhân dân nghèo khó thì trên lý thuyết, dù cho là thật lòng hay do tham vọng đen tối của cá nhân, phe nhóm đều phải có trong tay một lý thuyết “lãng mạn cách mạng” hoặc đề ra được phương án giảm thiểu bất công, xóa bỏ bất công và không thể thiếu lời hứa hẹn thực thi công lý mang công bằng xã hội đến cho con người.
Quan sát thực tiễn đời sống trong quá trình phát triển xã hội loài người giúp cho chúng ta thấy, để thực hiện mục tiêu công bằng xã hội đã có nhiều tư tưởng, khuynh hướng do nhiều nguyên nhân khác nhau, nổi bật nhất là hai khuynh hướng có phần cực đoan, quá khích của hữu thần và vô thần. Nhóm hữu thần cho rằng “con người tốt thì xã hội tốt” nên họ tập trung nguồn lực, niềm tin vào công việc giáo dục cho con người tốt để có xã hội tốt. Nhóm vô thần quá khích lại bảo “xã hội tốt thì con người tốt” nên họ tập trung ý chí, quyền lực chính trị vào việc cải tạo xã hội tốt để cho ra con người tốt và cả hai đều tin chính kiến của họ là duy nhất đúng. Thật ra trong đời sống con người ít có điều gì gọi là duy nhất đúng, nếu đi vào phân tích theo cách khoa học và nghiêm chỉnh.
Phải công nhận lý thuyết “con người tốt thì xã hội tốt” và lý thuyết “xã hội tốt thì con người tốt” đều đúng cho mục tiêu thực hiện công bằng xã hội trên lý thuyết. Thế nhưng cả hai lý thuyết này, ngay cả nhiều lý thuyết khác nữa, hoàn toàn không phải là duy nhất đúng bởi từ lý thuyết đến thực hành là khoảng cách khá xa để đi vào hiện thực đời sống còn tiềm ẩn nhiều bất trắc phát sinh. Lý thuyết “con người tốt thì xã hội tốt” do nhóm hữu thần, tiêu biểu là các loại tín ngưỡng, tôn giáo chủ trương qua việc giáo dục con người tốt để xã hội tốt, dù không phải là tất cả nhưng đã góp phần không nhỏ vào việc thực thiện công bằng xã hội. Riêng lý thuyết “xã hội tốt thì con người tốt” do nhóm vô thần, tiêu biểu là các tín đồ cộng sản thu tóm quyền lực chính trị, sử dụng công cụ nhà nước cưỡng bức, áp đặt triệt tiêu giềng mối truyền thống xã hội “cải tạo xã hội” với ảo tưởng đem đến công bằng xã hội cho con người và qua thời gian dài tồn tại, ít nhiều đã lộ ra dấu hiệu hoang tưởng trong đời sống hiện thực.
Có lẽ nên tạm ngừng luận bàn lý thuyết của hai “trường phái” hữu thần, vô thần về việc hướng đến thực hiện công bằng xã hội cho các lý luận gia, lý thuyết gia chuyên ngành chính trị, kinh tế, xã hội học... có liên quan đến mục tiêu thực hiện công bằng xã hội bàn luận và tốt hơn hết là nên đi thẳng vào nghiên cứu các mô hình tổ chức xã hội, cai trị xã hội đã thật sự ngăn chận được bất công phát tác, mang đến công bằng xã hội tương đối cho xã hội loài người trong thực tế.
Hẳn chúng ta ai cũng biết có nhiều nguyên nhân gây ra bất công xã hội bàng bạc trong đời sống con người. Bất công xã hội có nhiều nhưng bất công xã hội cụ thể dễ thấy nhất là khoảng cách giàu nghèo và nguyên nhân, hậu quả tạo ra khoảng cách giàu nghèo “ bất thường” gây bất mãn, bất bình trong lòng xã hội dẫn đến đấu tranh cách mạng, bạo loạn lật đổ. Ở đây chúng ta sẽ không bàn đến cũng như không đi sâu vào phân tích các cuộc cách mạng, các loại cách mạng đã diễn ra trong tiến trình phát triển của xã hội loài người mà chỉ tìm hiểu một số quốc gia của không ít quốc gia trong cộng đồng nhân loại đã thành công trong nhiệm vụ lãnh đạo chính trị, dẫn dắt quốc gia thực hiện mục tiêu công bằng xã hội khá thành công cho đất nước họ.
Hiện tại ngay thời điểm này, có rất nhiều quốc gia giàu mạnh, đa phần là các nước theo thể chế dân chủ thực hiện được công bằng xã hội tương đối và mô hình tổ chức nhà nước hiệu quả khiến các nước nằm trong vùng trũng của các thể chế độc tài, man rợ mơ ước hướng tới, là mô hình tổ chức cai trị, thiết chế chính trị của các quốc gia Bắc Âu gồm Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan đã trở thành niềm khát khao có thật, làm cho một số người hoạt động chính trị, lãnh đạo chính trị trong nhà nước cộng sản Việt Nam ngộ nhận, cố nhận vơ vào cho đó là hình mẫu của nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa mà tiền nhân cộng sản của họ muốn tạo dựng?
Thời nay, nếu chịu khó quan sát sự thay đổi của thế giới chung quanh thời hiện đại chúng ta sẽ nhận ra, không chỉ riêng các đảng chính trị của các nước Bắc Âu thành công, hữu hiệu trong nhiệm vụ lãnh đạo nhà nước - xã hội mà hầu như tất cả các nước tiên tiến thiết lập thể chế dân chủ - dân thực sự làm chủ đất nước của mình đều đạt được kết quả khá gần với kết quả của các nước Bắc Âu đạt được. Bởi trong đời sống chính trị dân chủ, dù muốn hay không muốn, các đảng phái chính trị cũng không thể xa rời mục tiêu công bằng xã hội, là điều kiện tiên quyết để người dân an hưởng tự do, ấm no, hạnh phúc trong thực tiễn đời sống và các đảng phái nào xa rời mục tiêu công bằng xã hội sẽ có khả năng bị loại khỏi cuộc đua tranh lấy quyền lực chính trị trong các cuộc bầu cử tự do, có định kỳ.
Như chúng ta thấy cạnh tranh chính trị trong các nước có thiết chế dân chủ thực hiện được nhiều mục tiêu xã hội và xã hội ít bất công hơn so với các nước có khuynh hướng xã hội, hô hào định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng chỉ với một đảng chính trị duy nhất lãnh đạo nhà nước, xã hội như Việt Nam chẳng hạn, bất công không những không được đẩy lùi mà ngày càng tồi tệ hơn, tác động không nhỏ đến quyền làm người, đến tự do, ấm no, hạnh phúc của người dân.
Với thể chế dân chủ chủ trương đa nguyên đa đảng, tuy có nhiều khuynh hướng nhiều đảng phái tham chính nhưng thật ra cũng chỉ cô đọng trong mục tiêu công bằng xã hội và các đảng chính trị lãnh đạo nhà nước, xã hội có nhiệm vụ làm thế nào để giảm thiểu phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, tránh gây mâu thuẫn chủ thợ, xung đột quyền lợi giữa chính quyền với người dân... Cũng như trong các nước dân chủ, các đảng phái chính trị tuy nhiều nhưng tựu trung lại cũng chỉ có hai khuynh hướng chủ yếu: một là bảo thủ, trung thành với truyền thống xã hội, bảo vệ quyền lợi người giàu; hai là cấp tiến, có tư tưởng cải cách xã hội, bảo vệ quyền lợi cho người nghèo.
Ai cũng thấy những đảng phái chính trị trong các nước tự do, dân chủ theo khuynh hướng một (bảo thủ) thường có tên Cộng Hòa, Tự Do, Quốc Gia... và các đảng chính trị theo khuynh hướng hai (cấp tiến) thường có tên dân chủ, lao động, xã hội... Dù trên lý thuyết, các đảng chính trị bảo thủ thường có khuynh hướng bảo vệ quyền lợi cho giới giàu và các đảng phái cấp tiến có khuynh hướng bênh vực quyền lợi cho giới nghèo. Thế nhưng trong thực tế đời sống chính trị dân chủ, các đảng cầm quyền dù bảo thủ hay tiến bộ, khi ban bố chính sách hay hoạch định chương trình hành động không thể tùy tiện làm lợi cho một phía mà phải thỏa mãn quyền lợi tương đối có thể chấp nhận được cho cả hai phía giàu lẫn nghèo, xa hơn là cho mọi thành phần xã hội.
Chính nhờ vào việc cạnh tranh chính trị giữa các đảng phái nên những bất cập, bất công trong các nước dân chủ đa đảng được ngăn chận kịp thời trước khi nó trở thành con bệnh hết thuốc chữa lẫn sai phạm khó khắc phục như những gì nhà nước độc tài, độc đảng cộng sản Việt Nam hiện nay mắc phải và những thành tựu kinh tế xã hội, những bất công dần dần bị đẩy lùi, an sinh xã hội từng bước được thiết lập, được hoàn thiện bảo đảm cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho người dân... đều đến từ cạnh tranh chính trị của các đảng phái chính trị trong thiết chế dân chủ.
Nếu tỉnh táo không khó để nhận ra, kết quả đạt được ở mọi mặt đời sống của người dân trong các nước dân chủ không phải tự nhiên, không phải ngủ một đêm thức dậy là có được, tất cả đều do các nước có thiết chế dân chủ, có cạnh tranh chính trị lành mạnh, có sự đấu tranh bền bỉ lâu dài của người dân, nhất là người dân có cơ hội phát huy, thể hiện được quyền làm chủ của mình và các cán bộ, đảng viên của các đảng phái chính trị tham chính, họ ý thức được rằng hô không phải là vua. Họ được dân thuê, dân trả lương làm đại diện, họ thật sự là đầy tớ của nhân dân, họ không xem dân như cỏ rác, là kẻ thù giai cấp phải bị tiêu diệt!
Cụ thể là giới tinh hoa, thành phần chủ lực của xây dựng phát triển đất nước không bị xem như là kẻ thù, nhất là giới trí thức không bị xem không bằng cục phân, giới chủ nhân, giới giàu có không bị đấu tố “cướp giết” tịch thu tài sản sung công (?), không bị bắt đưa đi lao động cải tạo hay chung thân khổ sai. Thời nay những thành phần tinh hoa trong các nước dân chủ tham gia vào các dự án kinh tế vi mô hay vĩ mô đều không được hưởng những ưu ái đặc biệt, không được nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để độc quyền kinh doanh, để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nguồn nhân công bèo bọt như những nô lệ thời trung cổ... và giới tinh hoa trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường trong các nước tư bản không hề có ngoại lệ, họ phải đứng trên chính đôi chân, phải làm việc bằng chính trí tuệ, phải đoạt lấy thành công bằng chính tài năng thật sự của họ... Tất cả đều không đứng vững hay tồn tại với nhân thân tốt, với gia đình có truyền thống, có công với cách mạng.
Lược sơ qua vài điểm bất cập lẫn nổi bật của các nước thiết chế độc quyền chính trị, cạnh tranh chính trị cho chúng ta thấy rằng chỉ có cạnh tranh chính trị lành mạnh của các đảng phái chính trị trong thiết chế dân chủ mới có thể mang đến công bằng xã hội cho người dân và cạnh tranh chính trị trong thể chế dân chủ đã chứng minh, nó chính là công cụ hữu hiệu để thực hiện mục tiêu công bằng xã hội. Ngoài ra cạnh tranh chính trị còn là môi trường lý tưởng để rèn luyện các cá nhân có đủ phẩm chất tài năng, đức độ tham gia chính trị, làm chính trị trong thời đại dân chủ.